Người Việt hời hợt (phần 9 - Huỳnh Chí Viễn)
Ảnh hưởng của Đạo giáo (Lão giáo) đối với tư duy và đức tin của người Việt
Bài viết lần này tôi muốn đề cập tới những hạn chế của Lão giáo hay còn gọi là Đạo giáo đối với khả năng nhận thức của đại đa số người Việt. Tôi biết đụng chạm đến những vấn đề như ngôn ngữ, tôn giáo hoặc truyền thống là một điều không hề dễ dàng vì đó là niềm tin của nhiều người. Tuy nhiên, sẽ không khách quan và đầy đủ khi chúng ta không xét tất cả những khía cạnh này trong việc hình thành tập quán tư duy cũng như tính cách của một cộng đồng. Một lập luận phổ biến của nhiều người không đọc kỹ những bài viết của tôi là: “Tôn giáo nào cũng dạy người ta hướng thiện, làm người tốt”. Tôi không phủ nhận điều này nhưng xét về góc độ khoa học, tôi muốn mọi người trước khi nhận xét đánh giá hai điều quan trọng:
1. Những triết lý và tư tưởng của tôn giáo đó được áp dụng vào xã hội như thế nào? Sâu sắc và đúng đắn hay hời hợt và sai lầm? Có tốt đẹp và tích cực như trên lý thuyết hay không và có thúc đẩy xã hội phát triển hay bị lợi dụng theo hướng ngu dân hóa?
2. Triết lý hoặc tư tưởng đó có chịu dung nạp và cạnh tranh công bằng với những tư tưởng mới tiến bộ hơn hay tìm mọi cách chèn ép cấm đoán những tư tưởng khác để giữ vị trí độc tôn trong xã hội?
Hi vọng mọi người phản biện theo lý tính, đừng theo cảm tính.
Một tôn giáo luôn luôn có hai phần: giáo lý và tín ngưỡng. Nếu ví tôn giáo như một tảng băng thì giáo lý, hay còn gọi là phần triết lý của tôn giáo đó, là cốt lõi của một tôn giáo và là phần chìm sâu dưới đáy. Để hiểu được trọn vẹn phần giáo lý của một tôn giáo không phải là một điều đơn giản. Thứ nhất giáo lý của các tôn giáo đều được viết bằng những ngôn ngữ cổ và việc phiên dịch dù muốn dù không cũng không thể truyền tải hết ý nghĩa của giáo lý đó. Thứ hai, để nghiên cứu giáo lý của một tôn giáo, người nghiên cứu cần có một trình độ hiểu biết nhất định và rất nhiều thời gian để dành cho việc nghiên cứu. Người dịch kinh sách có thể cố tình diễn giải theo ý mình vì trình độ không đủ hoặc theo mục đích riêng của mình để thao túng các tín đồ. Phần lớn những người theo tôn giáo chỉ tiếp xúc với phần giáo lý qua những lời giảng của người đại diện cho tôn giáo (linh mục, mục sư, hòa thượng…) với hình thức rút gọn gọi là giáo điều chứ ít khi có người có đủ trình độ, điều kiện và thời gian để nghiên cứu giáo lý một cách bài bản. Một lần nữa, giáo điều này được giảng giải chính xác hay mơ hồ, theo hướng tích cực hay tiêu cực , có dụng ý chính trị hay không đều phụ thuộc vào trình độ và ý đồ của người giảng giải. Và tùy theo trình độ nhận thức cũng như mức độ sùng tín của tín đồ mà những giáo điều này có được suy luận theo hướng phản biện hay là mù quáng tuân theo.
Lão giáo (hay Đạo giáo) là tôn giáo nguyên thủy của Trung Quốc ra đời rất lâu trước Khổng giáo và là một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới. Bắt nguồn từ những tín ngưỡng dân gian và những triết lý giải thích sự hình thành thế giới của người Trung Quốc cổ đại, Lão giáo từng bước được hình thành và hoàn thiện thành một tôn giáo có giáo lý và nghi thức hoàn chỉnh. Giáo lý của Lão giáo tập trung trong ba tác phẩm Kinh Dịch, Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh. Nền tảng lý luận của Đạo giáo được trình bày qua tác phẩm Kinh Dịch, tương truyền là thư tịch cổ nhất của Trung Quốc được truyền từ thời Phục Hy, một vị vua trong thần thoại. “Dịch” có nghĩa là thay đổi và dịch chuyển chỉ sự vận động không ngừng của vũ trụ. Kinh Dịch đưa ra những khái niệm giải thích sự hình thành vạn vật vẫn còn phổ biến đến ngày nay như Thái Cực (hợp nhất, hỗn mang) sinh Lưỡng Nghi (âm và dương) sinh Tứ Tượng (Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm) sinh Bát Quái (tám quẻ đơn gồm Càn (trời), Khôn (đất), Cấn (núi), Tốn (gió), Chấn (sấm sét), Khảm (nước), Ly (lửa) và Đoài (ao hồ)) và sáu mươi tư quẻ kép (do bát quái chồng lên nhau). Cùng với Ngũ Hành (Kim, Mộc Thủy, Hỏa, Thổ), Lưỡng Nghi chi phối mọi sự sinh diệt của những vật chất hữu hình trong vũ trụ. Tất cả được gọi chung là Đạo (con đường). Tư tưởng chủ yếu của Đạo giáo lúc bấy giờ là con người sống chan hòa với thiên nhiên vì con người vốn là một phần của thiên nhiên. Muốn vất bỏ ưu phiền trong cuộc sống con người phải rũ bỏ được những ham muốn về danh lợi tiền tài. Trong Đạo giáo, những người có thể hiểu được lẽ âm dương tuần hoàn của đất trời thiên nhiên mới là cái đạo đúng sống cho phù hợp được gọi là “chân nhân” (con người thật sự). Những vị chân nhân này thường từ bỏ cuộc sống thế tục để lên núi tu luyện bằng cách luyện khí công, ngồi thiền, hấp thụ tinh khí của trời đất, luyện đơn dược. Nếu thành công họ có thể trẻ mãi không già, vượt qua vòng sinh lão bệnh tử và trở thành tiên. Ngoài việc luyện đơn và tu hành, các vị chân nhân hay đạo sĩ còn biết đoán vận mệnh con người hoặc một triều đại qua bốc phệ (bói mu rùa, bói cỏ thi), chiêm tinh (xem tinh tượng trên trời để đoán vận mệnh của con người hoặc của quốc gia) và chữa bệnh bằng cách trừ tà hoặc bằng thảo dược và khí công. Các loài cầm thú cây cỏ cũng có thể tu hành tuy nhiên thú tính chưa dứt được nên khó có thể thành chánh quả trở thành tiên mà tu theo còn đường tà đạo để thành yêu quái. Các yêu quái này nếu có thiện căn sẽ tiếp tục tìm các vị chân nhân đắc đạo để theo hầu hạ và tu hành, còn không chúng sẽ kết bè kết phái quấy nhiễu con người như các loài yêu quái trong Tây Du Ký.
Tác phẩm tư tưởng triết học quan trọng thứ hai của Lão giáo là Đạo Đức Kinh của Lão Tử tổng hợp tất cả những nguyên lý của Lão giáo. Đạo Đức Kinh gồm 81 chương, 5000 chữ và hai phần Thượng Hạ. Ngoài việc diễn giải thêm về những khái niệm căn bản của Kinh Dịch, Đạo Đức Kinh còn có hai triết lý quan trọng đó là Vô Vi (Vô cầu, vô tranh, vô đoạt, vô chấp) và Nhân Ái (sống chan hòa, thương yêu, cứu giúp người khác). Theo Lão Tử, con người sinh ra vốn là một thực thể của vũ trụ và vạn vật cũng như muôn loài khác. Cuộc sống không có gì là vui cũng chẳng có gì là buồn, chẳng có gì để sở hữu hay tranh chấp. Danh lợi đều là phù du. Lão Tử không đề cập đến thiên đường hay địa ngục hay luân hồi chuyển kiếp. Con người chỉ đơn giản sống trọn kiếp người rồi trở về với hư không. Người hiểu được đạo này có thể thoát được cái chết bằng cách tu tiên, thọ ngang trời đất với điều kiện phải dứt bỏ hết những thứ trần tục.
Sau Lão Tử, Trang Tử, một triết gia khác sinh vào thế kỉ thứ 4 trước Công Nguyên đã soạn thảo Nam Hoa Chân Kinh giải thích đạo vô vi qua những câu chuyện ngụ ngôn hoặc những lời đối đáp. Trang Tử bày tỏ sự chán ghét của mình với chế độ thống trị phong kiến và những gì thuộc về đạo đức phong kiến (Nho giáo). Tương truyền, Trang Tử thử vợ bằng cách hỏi vợ khi mình chết vợ sẽ thế nào. Vợ ông bảo sẽ thủ tiết thờ chồng. Một thời gian ngắn sau, Trang Tử giả chết và ngầm sai một người học trò đẹp trai của mình quyến rũ vợ mình. Quả nhiên vợ Trang Tử xiêu lòng và khi người học trò đó giả vờ bị bệnh nặng cần thuốc trị là quả tim của người mới chết, vợ Trang Tử không ngần ngại đề nghị mổ xác chồng lấy tim chữa bệnh cho tình nhân. Trang Tử sống dậy vạch mặt vợ rồi chán nản bỏ vào thâm sơn cùng cốc sau hóa bướm bay đi mất.
Phần nổi của tảng băng chính là phần tín ngưỡng bao gồm các nghi thức tôn giáo và các hình tượng tôn giáo. Đây là phần được đa số giáo dân tiếp cận vì nó dễ tiếp cận và có tác dụng rất lớn về mặt tâm lý đối với đa số giáo dân. Nhưng nếu lạm dụng vào phần tín ngưỡng nhưng không hiểu sâu hiểu đúng về giáo lý, con người rất dễ bị lệ thuộc vào tôn giáo và bị lợi dụng. Từ cuối thời Đông Hán, Đạo giáo đứng sau các cuộc khởi nghĩa nông dân nhằm lật đổ triều đình trong đó nổi tiếng nhất là cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng của ba anh em họ Trương chống lại chính quyền trung ương nhà Hán. Lợi dụng sự mê tín và đói khổ của người dân, các đạo sĩ đạo giáo thường tổ chức phát chẩn lương thực cứu đói, chữa bệnh miễn phí, làm bùa phép (thực ra là giở những trò tiểu xảo dựa trên sự thiếu hiểu biết của dân nghèo)… rồi dựa vào thiên cơ để xúi giục người dân nổi dậy. Chính vì vậy mà trong thời Đông Hán và Tam Quốc, Đạo giáo bị giai cấp thống trị coi như kẻ thù. Nếu như Nho giáo là cái ách của giai cấp thống trị thì Đạo giáo là sự cứu rỗi và giải thoát.
Qua nhiều biến thiên của lịch sử, Đạo giáo phân hóa thành hai nhánh: đạo giáo phù thủy và đạo giáo tiên học. Người theo đạo giáo phù thủy được gọi là đạo sĩ, đạo nhân học cách sử dụng bùa phép, trừ tà bắt ma, luyện đơn dược, luyện công. Những đạo sĩ cao tay còn được xem là trên thông thiên văn, dưới thạo địa lý, biết điều khiển cả âm binh. Đạo sĩ có kẻ tốt người xấu. Các đạo sĩ xấu thường lợi dụng đạo pháp để làm chuyện đồi bại như luyện bùa ngải thuốc độc hại người, luyện phòng trung thuật (thuật phòng the) để làm khuynh đảo các vị vua háo sắc muốn trường sinh bất tử, thậm chí có những đạo sĩ còn bắt cóc trẻ con đồng nam đồng nữ nấu thuốc luyện đơn hoặc mang người tế sống để giữ của. Thay vì tìm cách chống lại triều đình, các đạo sĩ xấu xa (tà đạo) tìm cách tiến cử mình với các vị vua bằng cách khoe khoang việc biết luyện thuốc trường sinh, xuân dược (thuốc kích dục) và biến đá thành vàng (giả kim) để mưu cầu danh lợi. Nhiều tay yêu đạo còn được tín nhiệm tới mức được phong làm quốc sư do biết cách chiều theo những trò bệnh hoạn của các hoàng đế. Không thiếu các triều đại của Trung Quốc bị diệt vong cũng do tin vào các đạo sĩ kiểu này.
Phái tu tiên không màng đến chuyện đời, sống trên các ngọn núi cao hiểm trở để lánh đời, nhất quyết không tham gia chính sự. Những vị chân nhân này thường tham thiền, luyện công và làm thuốc trong các đạo quán của mình. Họ không thu nhận đệ tử bừa bãi mà chỉ truyền đạo cho những người có duyên. Trong các truyện kiếm hiệp Kim Dung thường nhắc đến Ngũ Nhạc, năm ngọn núi thiêng (Hằng, Hành, Thái, Hoa, Tung sơn) vốn là nơi các đạo sĩ ưa chuộng để lập đạo quán và dạy võ thuật. Nhiều môn phái võ công Trung Quốc bắt nguồn từ phái tu tiên trong đó nổi tiếng nhất và vẫn còn phổ biến đến nay là Thái Cực Quyền của Trương Tam Phong.
Là một tôn giáo lâu đời và tồn tại đến ngày nay, Đạo giáo tất nhiên có nhiều mặt tích cực. Trước nhất, Đạo giáo khuyên con người sống thuận theo tự nhiên, không nên quá coi trọng tiền bạc và danh vọng, phải có lòng từ bi và giúp đỡ những người yếu thế. Đây cũng là tôn chỉ chung của hầu hết tất cả các tôn giáo chính thống trên thế giới. Thuyết sáng thế của tôn giáo dựa trên Thái Cực (hỗn mang) sinh ra Lưỡng Nghi (âm dương) và từ đó sinh ra vạn vật ở một khía cạnh nào đó khá giống với thuyết Big Bang của phương tây sau này. Đạo giáo còn giúp phát triển các thuật của Đông Y như chữa bệnh bằng thảo dược, châm cứu các huyệt đạo, luyện khí công và thuật dưỡng sinh còn phổ biến đến tận bây giờ. Dựa vào âm dương ngũ hành, Đạo giáo phân biệt các loại thực phẩm và thảo dược theo vị (ngọt, cay, chua, mặn, đắng) và tính (hàn, bình, nhiệt) để theo đó mà khắc chế các bệnh tật. Đạo giáo còn đề xuất cách phân loại các loại động vật (gọi chung là “trùng”) theo hình dạng bên ngoài thành các loài: mao (có lông mao, chỉ các loài thú), vũ (có lông vũ, các loài chim), lân (có vảy, gồm cá và bò sát) và khỏa (trần trụi, các loài không có gì che phủ bên ngoài, trong đó có loài người). Tuy cách phân loại này không chính xác lắm về mặt khoa học ngày nay, nhưng đối với thời cổ đại, đây là một cách phân loại khá bài bản và có căn cứ. Ngoài ra, Đạo giáo còn có một đóng góp quan trọng về mỹ thuật đó là nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc (sơn thủy).
Về mặt tiêu cực, trước hết, Đạo giáo đề cao thuyết chán đời, lánh đời thay vì cống hiến cho xã hội. Những người theo Đạo giáo khi bất mãn chính quyền hoặc giai cấp thống trị sẽ tìm cách trốn lánh bằng cách không ra làm quan mà tập trung vào ngâm thơ, uống rượu, du sơn ngoạn thủy, tham thiền nhập định…để tỏ ra thanh cao chứ không tìm cách thay đổi xã hội theo một hướng tích cực. Lưu Linh, người được mệnh danh là tửu cuồng thời Đông Tấn, là một ví dụ cụ thể, suốt ngày say khướt say mèm. Các nho sĩ Việt Nam cũng như nho sĩ Trung Quốc xưa khi trẻ sẽ chọn con đường Nho học, học hành đỗ đạt thành tài rồi làm quan giúp dân giúp nước. Đến khi về già hoặc chán cảnh quan trường hiểm ác hoặc do thời cuộc đảo điên, các vị lại bỏ Nho giáo theo Đạo giáo bằng cách cáo lão từ quan về vui thú điền viên, trồng hoa thưởng trà, lên non hái thuốc, làm bạn với cỏ cây hoa lá. Những nhân vật điển hình có thể kể đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu…
Thứ hai, Đạo giáo cổ súy những trò mê tính dị đoan như lập đàn cầu mưa, đốt bùa làm phép, bói toán, luyện đan, lên đồng, xin xăm xin quẻ, đốt vàng mã. Người bình dân tất nhiên sẽ không đủ trình độ để tìm hiểu triết lý Đạo giáo qua những tác phẩm Đạo Đức Kinh hay Nam Hoa Kinh mà chỉ biết tin vào những trò mê tín để cầu mong được ơn trên che chở, phù hộ thay đổi số phận mà không tin vào làm gì để thay đổi vận mệnh của chính bản thân.
Đạo giáo được đưa vào Việt Nam gần như cùng thời với Nho thời Đông Hán theo chân các đạo sĩ, thầy phù thủy Trung Quốc. Phục Ba tướng quân Mã Viện thời Đông Hán sau khi đánh thắng cuộc khời nghĩa hai bà Trưng đã chôn một cột đồng trên đất Giao Chỉ, trên cột đồng có khắc dòng chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (cột đồng ngã thì xứ Giao Chỉ cũng diệt vong). Cao Biền, tiết độ sứ Giao Châu đời Đường tìm mọi cách để triệt long mạch của nước ta bằng cách đóng cọc dưới lòng sông Tô Lịch, thậm chí mang hài cốt của tổ tiên họ Cao sang chôn ở long mạch nước nam đều theo phép phong thủy của Đạo giáo. Các truyền thuyết về việc người Trung Quốc sang đô hộ ở xứ ta vơ vét rất nhiều của cải nhưng không mang hết về nước được nên mang chôn trong một hang động nào đấy, sau đó bắt cóc gái đồng trinh cho ngậm sâm rồi chôn sống theo để làm thần giữ của, cũng là phép phù thủy của Đạo giáo.
Ở một phương diện khác,do Đạo giáo là đạo đa thần, rất phù hợp với truyền thống thờ cúng vật tổ (totem) của người Việt cổ nên việc Đạo giáo dần dần cắm rễ vào và đồng hóa với tín ngưỡng dân gian Việt Nam là điều rất tự nhiên. Các tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ Thánh Tản Viên, Phù Đổng Thiên Vương, bà chúa Liễu Hạnh, thành hoàng, thổ địa đều mang ảnh hưởng của Đạo giáo. Cũng như Đạo giáo Trung Quốc, Đạo giáo ở Việt Nam tin mọi thứ thuộc về tự nhiên như rừng cây, sông núi, đất đai đều có tính linh và đều được các thần cai quản. Những người lập công lớn cho dân tộc hay đất nước khi chết đều được phong thần và lập đền thờ theo truyền thống “sinh vi tướng, tử vi thần” (khi sống làm tướng, khi chết làm thần). Người có công với làng hay người đầu tiên lập nên một làng mới đến khi chết sẽ được phong thành hoàng và được dân làng đời đời thờ cúng. Người ta tin rằng chính vì khi sống, những vị này giúp ích cho đời, khi họ chết đi họ sẽ tiếp tục trừ gian diệt bạo, phù hộ cho người lương thiện (sống khôn thác thiêng) nên có việc gì người dân sẽ đều cúng bái và cầu nguyện được phù hộ. Ông tổ của Đạo giáo Việt Nam là Chử Đồng Tử (ông này sau cùng vợ lên núi tu đắc đạo thành tiên) gọi là Chử Tổ Đạo. Các truyền thuyết dân gian Việt Nam như Lưu Thần và Nguyễn Triệu lạc đến Thiên Thai động Đào Nguyên kết duyên cùng tiên nữ, Từ Thức lấy vợ tiên…đều mang màu sắc Đạo giáo. Ông tổ thứ hai của Đạo giáo của Việt Nam chính là Hưng Đạo Vương Trần Hưng Đạo hay còn được phong là Đức Thánh Trần.
Đạo giáo Việt Nam từng rất thịnh hành trong các triều đại phong kiến. Thời kỳ cực thịnh của Lão giáo là thời Hậu Lê với nhiều vua Lê sùng đạo nhưng tới thời Nguyễn thì Nho giáo được coi trọng và Đạo giáo không còn đủ sức gây ảnh hưởng sâu rộng nữa. Thời Pháp thuộc, nhiều thủ lĩnh khởi nghĩa chống Pháp đã lập những giáo phái dựa trên nguyên tắc của Đạo giáo để kêu gọi dân nghèo đấu tranh điển hình là cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long. Phan Xích Long tự xưng là giáo chủ là người trời nên đạn Pháp bắn không chết, ông còn vẽ bùa đốt cho nghĩa quân uống để chống lại súng đạn của Pháp. Dĩ nhiên điều này cực kì hoang đường và khởi nghĩa bị dập tắt từ ngay cuộc nổi dậy đầu tiên. Sau năm 1945, Nho giáo và Đạo giáo được xem là tàn dư của chế độ phong kiến và mê tín dị đoan nên bị chính quyền cách mạng thẳng tay loại bỏ qua các hình thức đập phá các miếu thờ, cấm bói toán, cấm lên đồng hay cúng tế. Đó là lý do tại sao chúng ta không thấy những đạo quán hoặc đạo sĩ Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Vì không được công nhận là một trong những tôn giáo hợp pháp ở Việt Nam (Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore đều công nhận Đạo giáo là một tôn giáo hợp pháp) nên chúng ta không thấy người Việt Nam nào tu theo Đạo giáo hoặc làm đạo sĩ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Đạo giáo trong Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam quá rõ nét và sâu sắc khiến cho nhiều người lầm tưởng đó là những nghi thức của Phật giáo hoặc tín ngưỡng truyền thống. Đó là những nghi thức bày mâm lễ vật, ăn chay ngày rằm và mùng một, xem bói, xin xăm, xin quẻ, xin lộc đầu năm, đốt vàng mã, cúng giỗ, cúng tổ nghiệp, xem phong thủy, coi ngày cưởi hỏi tang ma xây dựng, cúng sao giải hạn…Ở miền Bắc, Đạo giáo kết hợp với tính ngưỡng dân gian trong việc thờ thần: Ngọc Hoàng, Quan Thánh, Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần…qua các phủ thờ và việc hầu đồng. Ở miền Nam, Đạo giáo được xem như một nhánh của đạo Cao Đài (áo xanh) thờ biểu tượng bát quái, Khương Tử Nha và Thái Thượng lão quân. Ngoài ra các đạo quán của người Hoa tồn tại rất nhiều năm ở Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ dưới dạng miếu hoặc hội quán ví dụ miếu Quan Đế, miếu Vương Mẫu Nương Nương, Nam Hải Nương Nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bổn Công (của người Triều Châu). Nhà người Việt gốc Hoa thường treo kính bát quái, dán hình môn thần trước cửa để trừ tà, thờ Quan Công, Thổ Địa, Thần Tài và Táo Quân trong nhà. Nhà người Việt có thể không treo kính bát quái hay thờ Quan Công nhưng nhất định phải có bàn thờ thổ địa, thần tài vào ông táo. Cưới hỏi, ma chay, động thổ, dọn nhà nhất định phải coi ngày. Vào nhà mới phải cúng đất đai gia trạch để cầu bình an, hăm ba tháng chạp nhất định phải đưa ông Táo về trời. Đầu năm đi chùa thế nào cũng phải hái lộc đầu năm, xin quẻ, mua lá số tử vi để xem tình duyên tài vận trong năm tới. Nếu gặp sao xấu chiếu mạng (La Hầu, Kế Đô) thì chắc chắn canh cánh lo lắng cả năm, thế nào cũng tìm cách cúng sao giải hạn. Tất cả những điều nói trên đều là những ảnh hưởng của Đạo giáo trong văn hóa Việt Nam hằng ngày.
Như đã nói ở trên, ở Việt Nam không có người theo Đạo giáo như một đức tin mà chỉ bắt chước những nghi lễ mang tính hình thức nên những triết lý sâu xa của Kinh Dịch hay Đạo Đức Kinh hầu như không phổ biến mà ảnh hưởng rõ ràng nhất là khuynh hướng mê tín dị đoan đặc biệt là đối với những ngưởi có nhận thức thấp. Những tệ nạn có liên quan tới tín ngưỡng Đạo giáo kết hợp với tín ngưỡng địa phương có thể kể tới những điều sau:
1. Thờ cúng vô tội vạ: Việc lập đền miếu thờ tự không chỉ dành cho những người có công với đất nước mà còn dành cho những người chết trẻ, chết oan do tai nạn hoặc thậm chí đối với loài vật hoặc cái cây, tảng đá nếu người ta cảm thấy những vật này linh thiêng và có thể phù hộ cho họ được tài lộc dồi dào. Ở đâu có người chết do tai nạn giao thông thì lại có nhiều người tới cúng bái, xin ngày giờ mất và bảng số xe để đi đánh đề. Một con rắn hay một con cá hơn khác thường một tí cũng được đồn thổi là thần thánh và được già trẻ bé lớn xì xụp khấn lạy.
2. Nhiều người Việt Nam quá tin vào bói toán, xem tử vi, cúng sao, giải hạn và phong thủy để thay đổi vận mệnh đến mức bị lệ thuộc vào nó mà không tin vào bản thân mình. Số này cúng không ít tiền cho các thể loại thầy cúng, thầy bói, đồng cốt… Tuy nhiên họ lại coi nhẹ việc tu dưỡng tâm đức và làm việc thiện.
3. Đa số người dân quê ít học không tin khoa học và y học mà tin vào cúng bái bùa chú hoặc những bài thuốc vô căn cứ để chữa bệnh khiến cho tiền mất tật mang. Có rất nhiều trường hợp thay vì đưa đến bệnh viện để chữa thì họ lại đi tìm thầy bùa thầy phép trục vong, trừ tà. Đến khi đưa vào bệnh viện thì không còn thuốc chữa.
4. Nhiều người để cầu tài lộc mua may bán đắt hoặc để hãm hại người khác đã không ngần ngại đi thỉnh bùa chú nhằm đạt được mục đích của mình. Cho dù bạn có tin rằng bùa chú có tác dụng hay không cũng được, việc thỉnh bùa chú để làm giàu và hại người đều là những việc làm thất đức và trái đạo. Nếu hiểu theo luật nhân quả có vay có trả thì những người tìm mọi cách giành giật những thứ không thuộc về mình trước sau cũng sẽ phải trả lại một cái gì đó, đôi khi còn gấp nhiều lần những thứ mình tìm mọi cách để cưỡng đoạt. Và việc dùng bùa chú kiểu này hoàn toàn trái với triết lý vô vi của Đạo giáo.
5. Một số người (tự cho là) có học và dĩ nhiên là có điều kiện tốt về kinh tế tìm cách chối bỏ trách nhiệm xã hội bằng cách lánh đời, không bàn thế sự để tỏ ra thanh cao. Họ ngoảnh mặt quay lưng với những bất công xã hội để hưởng thụ cho riêng mình và tỏ vẻ coi thường những người đấu tranh giành lại công bằng cho rằng những người này ngu dại, còn khoanh tay bàng quan như họ mới là hiểu đạo vô vi.
Nếu tỉnh táo, chúng ta sẽ thấy rằng những chính quyền độc tài ngoài mặt thì hô hào bài trừ mê tín dị đoan nhưng trên thực tế vẫn duy trì những điều này như một biện pháp ngu dân để trị. Người dân càng tin vào những chuyện cúng bái lễ lạc thì càng ít tin vào khoa học, và vì thế càng u mê. Người có khả năng và tri thức nếu bất mãn với chuyện công danh hoặc thời thế mà tìm cách xa lánh thế sự để tự tỏ ra mình thanh bạch chẳng qua là kẻ ích kỷ và tự khiến cho mình vô dụng sớm mà thôi. (còn tiếp)
Nguồn bài: FB Vien Huynh