Dự án Cát Linh – Hà Đông: Tổng thầu Trung Quốc “ngang bướng”, thiếu trách nhiệm(RFA)
Không phải ngẫu nhiên mà đảng cộng sản Việt Nam ngày càng có những lời lẽ nặng nề hơn đối với Trung Quốc, đó là một phần trong kế hoạch thoát Trung đang được nhà cầm quyền ráo riết thực hiện. Nhưng hành động này không phải vì lợi ích của dân tộc, mà chỉ vì sự tồn vong của đảng cộng sản. Nếu người dân không tỉnh táo thì sẽ lại rơi vào cái bẫy mị dân này của người cộng sản.
Phó thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra, thị sát công trường dự án và đi thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông với chặng đường gần 10km từ ga Cát Linh đến ga Văn Quán và ngược lại.
Trước buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội và các bên liên quan vào ngày 1/10 về dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Phó thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra, thị sát công trường dự án và đi thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông với chặng đường gần 10km từ ga Cát Linh đến ga Văn Quán và ngược lại.
Lấp liếm, chối trách nhiệm
Theo truyền thông trong nước, tại buổi thị sát dự án Cát Linh - Hà Đông, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chất vấn ông Đường Hồng, đại diện tổng thầu Công ty hữu hạn tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc, giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, về thời hạn thực hiện dự án và kế hoạch đưa tuyến đường đi vào vận hành, khai thác.
Trả lời Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Giám đốc tổng thầu Đường Hồng cho biết dự án đang gặp vướng mắc: “Còn việc bao giờ đưa đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào vận hành, khai thác chính thức thì không phải do nhà thầu chúng tôi quyết định mà do chủ đầu tư quyết định.”(!?)
Giám đốc tổng thầu Đường Hồng cho biết thêm, dự án đang gặp vướng mắc vì đơn vị đánh giá an toàn hệ thống tàu vào dự án muộn. Ông Đường Hồng cho rằng theo quy định, đơn vị đánh giá phải vào ngay từ khi xây dựng dự án, nhưng tư vấn vào dự án năm 2016 và lúc này tất cả các hạng mục dự án đã cơ bản hoàn thành.(!?)
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện Trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 1/10 không đồng tình với cách trả lời này của Tổng thầu Trung Quốc:
“Tôi nghĩ cách trả lời của Tổng thầu Trung Quốc là không hợp lý và không có căn cứ. Bởi vì khi anh đứng ra nhận thầu thì toàn bộ hồ sơ của anh phải luôn sẵn sàng, còn người giám sát thì có thể giám sát từ đầu hay giám sát lúc cuối cùng. Thậm chí sau khi hoàn thành cũng có thể giám sát tiếp để phát hiện những sai sót. Cách trả lời của nhà thầu Trung Quốc như vậy là không thể chấp nhận được.”
Theo vị đại diện tổng thầu Trung Quốc, khi bên tư vấn vào dự án và yêu cầu phía nhà thầu TQ cung cấp một số hồ sơ, thì có những hồ sơ thời gian đã qua lâu rồi nên nhà thầu TQ không bổ sung được.(!?)
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói thêm:
“Tôi không biết phía Việt Nam sẽ làm gì để nhà thầu Trung Quốc chịu đưa ra các tài liệu và các hồ sơ, chứ còn việc nói là bây giờ gần kết thúc rồi mới đến để giám sát, hỏi hồ sơ tài liệu không có, thì đấy là câu trả lời vô trách nhiệm. Không thể nói là câu trả lời trẻ con mà là một câu trả lời hoàn toàn không phù hợp đối với một nhà thầu quốc tế. Đối với một nhà thầu quốc tế thì anh phải luôn sẵn sàng các hồ sơ. ”
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông AFP
Cũng tại buổi làm việc với Tổng thầu TQ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nói với phía nhà thầu rằng: “Chúng tôi đã chờ đợi kiên trì và bây giờ đã quá mức kiên trì chờ đợi rồi. Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Muốn vậy thì phải làm, không lý sự nhiều!”
Đây được cho là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao “thúc” ép mạnh như vậy với Tổng thầu TQ. Tuy nhiên Tiến sĩ Lê Đăng Doanh vẫn cho rằng chủ đầu tư phải làm việc một cách nghiêm túc hơn đối với tổng thầu Trung Quốc:
“Tôi nghĩ phía chủ đầu tư phải làm việc một cách rất nghiêm túc đối với tổng thầu Trung Quốc, bởi vì một cách trả lời và hành xử như vậy là hoàn toàn thiếu trách nhiệm, chứng tỏ nhà thầu Trung Quốc không tôn trọng chủ đầu tư. Tôi nghĩ phía chủ đầu tư cần chủ động đưa ra hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Công khai việc phía chủ đầu tư đã ký với phía nhận thầu như thế nào, để mà nhà thầu bây giờ có thể đưa ra các câu trả lời ngang bướng và hoàn toàn không đáp ứng tiêu chuẩn giao dịch quốc tế như thế này.”
Hệ lụy khó lường
Ban đầu, dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, dài khoảng 13km, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau khoảng 10 lần chậm tiến độ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được truyền thông trong nước trích lời tại buổi làm việc hôm 1/10, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, tổng thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án vào khai thác trong năm 2019.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu USD, sau khi điều chỉnh phải tăng thêm 250 triệu USD. Nhưng vào năm 2011, đã đội vốn thành 552 triệu USD. Và đến năm 2019 đã thành 886 triệu USD.
Khi trả lời RFA từ Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh thuộc Học viện tài chính Việt Nam, nhận định:
“Bây giờ nếu mà giở ra thì cuối cùng nhiều nguyên nhân lắm, bắt đền ai, làm thế nào để xử lý được, quả tình là rất khó. Nói để bạn biết, thực tế khối lượng công việc của dự án Cát Linh – Hà Đông chỉ còn mỗi 1%, chứ không nhiều nhặn gì, thế nhưng 1% này cực kỳ nghiệm trọng và không thể nào đưa dự án vào hoạt động được. Lý do là vì 1%, nhưng lại ảnh hưởng an ninh chạy tàu, các quy trình chạy tàu, các điều kiện đảm bảo an toàn chạy tàu, đều không có nên làm sao chạy? Phía Việt Nam không làm cách nào để chạy được dù chỉ còn 1% và không có cách nào để bắt Trung Quốc đưa phía VN chạy tàu được cả.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu khi trả lời RFA trước đây cho rằng, nếu bây giờ mà khởi kiện tổng thầu Trung Quốc thì phải căn cứ theo hợp đồng, mà hợp đồng của phía Việt Nam và Trung Quốc bản chất là một hợp đồng thương mại, trách nhiệm chính là do nhà thầu. Mặc dù hợp đồng không rõ ràng, tuy nhiên theo Luật sư Hậu, Việt Nam cứ nên khởi kiện:
“Tôi thấy mình cứ khởi kiện thôi, có thể là trọng tài hoặc tòa án, xử lý chuyện này từ một dự án được kỳ vọng mà sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, mà 10 lần lùi tiến độ, đội vốn 40%, đến giờ vẫn chưa xong.”
Trong khi đó, theo ông Mai Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết thì Hà Nội đã làm thủ tục vay để chuẩn bị cho công tác vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng và tuyển dụng, đào tạo khoảng 1.000 người từ năm 2017. Đến nay đã 2 năm, và từ năm 2018, mỗi năm thành phố đã phải trả lãi số tiền lên đến gần 300 tỉ đồng. Theo vậy, nếu nhà thầu TQ tiếp tục trì hoãn việc vận hành tuyến đường sắt này thì chính phủ Hà Nội tiếp tục nợ chồng nợ!
Nguồn: RFA