Đàm phán ‘‘phi hạt nhân hóa’’: Bắc Triều Tiên cho là ‘‘thất bại’’, Mỹ nói thành công (Trọng Thành)

Rõ ràng là nội các của tổng thống Donald Trump cần một “thành công”để ghi điểm cho cuộc bầu cử sắp tới, đặc biệt sau khi thất bại trong nỗ lực đạt được một thắng lợi lịch sử trong đàm phán với Taliban. Xuất thân là một thương gia địa ốc, Trump rất thích các cuộc đàm phán. Dù có thể là đàm phán với bất cứ ai, một kẻ thích nói dối (Triều Tiên), hay kẻ đã ủng hộ cho cuộc không kích 11/9 (Taliban), nhưng đàm phán chính trị khác hẳn kinh tế, và Trump vẫn chưa có một thắng lợi đàm phán nào đáng kể với hai kẻ cứng đầu này.

 media
 Đoàn xe đàm phán Bắc Triều Tiên tại trung tâm hội nghị Elfvik Strand, Lidingo, Thụy Điển ngày 05/10/2019. 
Jonathan NACKSTRAND / AFP

Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đàm phán tại Thụy Điển nhằm tái khởi động đối thoại song phương, bị đóng băng kể từ thượng đỉnh Hà Nội, cuối tháng 2/2019. Cuộc đàm phán kết thúc hôm 05/10/2019. Bình Nhưỡng khẳng dịnh đàm phán một lần nữa thất bại. Washington ngay lập tức phản đối.

AFP cho hay, trả lời báo giới tại Stockholm, trưởng đoàn đàm phán Bắc Triều Tiên về hồ sơ hạt nhân, ông Kim Myong Gil, cho biết ‘‘các thương lượng đã không đáp ứng mong đợi của chúng tôi và cuối cùng đã thất bại’’. Ông Kim Myong Gil giải thích thêm : ‘‘Hoa Kỳ đã để cho phía chúng tôi tin tưởng là họ sẽ có một tiếp cận mềm dẻo hơn, một phương pháp mới và những giải pháp mang tính cách tân, thế nhưng họ đã làm cho chúng tôi hết sức thất vọng, họ đã dội gáo nước lạnh vào lòng nhiệt tình của chúng tôi, khi không mang đến điều gì mới tại bàn đàm phán’’.

Ngay lập tức, bộ Ngoại Giao Mỹ đã phản ứng. Phát ngôn viên Morgan Ortagus khẳng định các bình luận nói trên ‘‘không phản ánh đúng tinh thần, cũng như nội dung các đối thoại song phương tại Thụy Điển, kéo dài 8 tiếng rưỡi đồng hồ’’. Đối với phía Hoa Kỳ, cuộc đàm phán vừa qua mang lại nhiều điều tích cực.

Đây là lần đầu tiên trưởng đoàn đàm phán hai bên gặp nhau kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thỏa thuận trong cuộc hội kiến tháng 6/2019, sẽ nối lại thương lượng.
Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng cho biết đã chấp nhận lời mời của Thụy Điển, nối lại đàm phán với Bắc Triều Tiên trong hai tuần tới. Còn theo phía các nhà đàm phán Bắc Triều Tiên, triển vọng bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn vẫn luôn là điều có thể, với điều kiện các đe dọa về an ninh và trở ngại cho phát triển được ‘‘dỡ bỏ hoàn toàn’’.

Trước cuộc đàm phán tại Thụy Điển, Bắc Triều Tiên liên tục thử tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Gần đây nhất là vụ thử ‘‘tên lửa đạn đạo’’, hôm thứ Tư, 02/10, ‘‘bắn từ tầu ngầm’’, theo Bình Nhưỡng. Ngày 03/10, Washington tái khẳng định các vụ thử hỏa tiễn là ‘‘những hành động khiêu khích một cách vô ích’’ và ‘‘không chuẩn bị điều kiện tốt cho hoạt động ngoại giao’’.

Đầu tuần tới, Hội Đồng Bảo An dự kiến họp kín, theo đề nghị của Pháp, Anh và Đức, để duy trì sức ép với chế độ Bắc Triều Tiên, sau các vụ thử tên lửa, bị lên án là ‘‘vi phạm nghiêm trọng’’ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.