Vụ Rạng Đông và bi kịch từ ‘các cơ quan chức năng’ (Trân Văn)
Vụ cháy kho của Công ty Rạng Đông chính là ví dụ minh họa cho cái
gọi là “chức năng” vốn hết sức mơ hồ về ngữ nghĩa và trách nhiệm vốn
hết sức chung chung, nhạt nhòa của “các cơ quan chức năng”...Đến giờ “chức năng” rõ nhất của “các cơ quan chức năng” vẫn chỉ là
có… quyền, không có và chẳng bao giờ phải chịu… trách nhiệm (chẳng hạn
trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội thế nào khi qui hoạch đến
cả… vỉa hè nhưng vẫn để sót những doanh nghiệp mà hoạt động vốn sử dụng
rất nhiều hóa chất nguy hại cho môi trường, cho sức khỏe dân chúng, tồn
tại giữa nơi dân cư hết sức đông đúc như phường Hạ Đình?). Đặc điểm rõ nhất về “chức năng” của “các cơ quan chức năng” là không
trên, không dưới nên lúc hữu sự không biết ai đúng, ai sai. (Trân Văn)
Tổng cục Môi trường (TCMT) thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường (TNMT)
vừa kết luận: Công ty Rạng Đông gian dối. 480.000 bóng đèn dài 1,2 mét
đã cháy trong vụ hỏa hoạn hôm 28 tháng 8 chứa thủy ngân lỏng chứ không
phải là hợp chất amalgam như báo cáo. 1,6 triệu bóng loại compact tuy
chứa hợp chất amalgam nhưng hàm lượng thủy ngân vẫn chiếm khoảng 25%
trọng lượng. Khoảng hai triệu bóng tròn, tuy không chứa thủy ngân nhưng
có vonfram và những hóa chất độc hại cho sức khỏe và môi trường (1)…
Nói cách khác, vụ cháy kho chứa bóng đèn của Công ty Rạng Đông đe dọa
sức khỏe của cư dân quanh khu vực phát cháy. TCMT chính thức khuyến
cáo. Nếu cư trú trong bán kính 200 mét tính từ hàng rào của nhà máy
thuộc Công ty Rạng Đông, dân chúng nên khám sức khỏe định kỳ. Nếu cư trú
trong bán kính từ 200 mét đến 500 mét tính từ hàng rào của nhà máy mới
cháy, phải theo dõi xem có dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân hay không. Ngoài
phạm vi 500 mét, cần tẩy rửa mái nhà, tường, sàn nhà, đồ gia dụng,…
***
Nhìn một cách tổng quát, tuy cùng thuộc hệ thống công quyền, cùng
“của dân, do dân, vì dân” nhưng trong vụ cháy kho chứa bóng đèn của Công
ty Rạng Đông, cách ứng xử của các cơ quan công quyền từ trung ương đến
địa phương không những mâu thuẫn mà còn nhằm triệt hạ nhau.
Nhà máy sản xuất bóng đèn của Công ty Rạng Đông bị cháy hôm 28 tháng 8
thì ngày 29 tháng 8, UBND phường Hạ Đình – nơi nhà máy tọa lạc – phát
hành thông báo, khuyến cáo dân chúng tạm ngưng dùng rau, trái, cá gia
cầm, gia súc,… được trồng, được nuôi trong bán kính một cây số tính từ
điểm phát cháy, ít nhất là 21 ngày.
Tuy giới chuyên môn cho rằng, hệ thống công quyền cần hành động như
chính quyền phường Hạ Đình, phải khuyến cáo để dân chúng tự phòng ngừa
(2) nhưng ngày 30 tháng 8), UBND quận Thanh Xuân ra lệnh cho UBND phường
Hạ Đình thu hồi thông báo vừa kể với lý do khuyến cáo lạm quyền, “không
đủ cơ sở khoa học”.
Trong văn bản đề cập đến vụ cháy kho của Công ty Rạng Đông, UBND quận
Thanh Xuân dẫn “thông tin ban đầu từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp - Môi
trường thuộc Bộ Y tế”, trấn an rằng, sau khi dùng phương tiện thử nghiệm
nhanh, hiện đại, “các chỉ số như thủy ngân, chì, kim loại nặng đều nằm
trong ngưỡng an toàn”.
Đáng lưu ý là ngay sau đó, qua tờ Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Sơn –
Viện phó Viện Sức khỏe Nghề nghiệp - Môi trường thuộc Bộ Y tế đính
chính: Cơ quan của ông chưa có văn bản nào thông báo chính thức về kết
quả khảo sát môi trường sau hỏa hoạn ở khu vực quanh kho của Công ty
Rạng Đông (3).
Đến ngày 31 tháng 8, tới lượt Sở TNMT thành phố Hà Nội nhập cuôc. Cơ
quan này công bố báo cáo triển khai hoạt động “khắc phục ‘sự cố môi
trường’ xảy ra khi cháy kho của Công ty Rạng Đông”, nhấn mạnh, sau khi
kiểm tra môi trường quanh khu vực hỏa hoạn, Sở TNMT thành phố Hà Nội
“không phát hiện nồng độ thủy ngân” (4).
Không may cho Sở TNMT thành phố Hà Nội là báo cáo ấy lập tức bị biến
thành trò hề. Chẳng ai tin môi trường quanh khu vực hỏa hoạn an toàn khi
báo giới dùng tấm ảnh chụp ông Hoàng Văn Thức, Tổng cục phó TCMT, đeo
mặt nạ phòng độc khi thị sát hiện trường để minh họa cho tuyên bố “không
phát hiện nồng độ thủy ngân” (5).
Quái đản hơn: Cùng lúc với việc Sở TNMT thành phố Hà Nội khẳng định
“không phát hiện nồng độ thủy ngân”, Bộ TNMT nhắc nhở dân chúng trong
vùng, đặc biệt là những người cư trú trong bán kính 1,5 cây số tính từ
kho của Công ty Rạng Đông phải phòng ngừa nhiễm độc. Nếu đến gần Công ty
Rạng Đông, nên mặc áo dài tay, đeo khẩu trang…
Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như thế kéo dài đã nửa
tháng. Các cơ quan hữu trách của chính quyền địa phương (phường, quận,
thành phố) và chính quyền trung ương (Bộ TNMT, Bộ Y tế, thậm chí cả Bộ
Quốc phòng - tình nguyện tham gia bài độc cho môi trường) liên tục đưa
ra những tuyên bố mà tự chúng là sự thóa mạ lẫn nhau.
Không chỉ có thế, tuần trước, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành
phố Hà Nội, công khai chỉ trích ông Hoàng Văn Thức, Tổng cục phó TCMT,
ứng xử… phản cảm (khi đến hiện trường, mọi người chỉ mang khẩu trang
trong khi ông này lại đeo mặt nạ phòng độc) (6)! Cứ như lập luận của ông
Chung thì ông Thức không có quyền phòng ngừa, giống như dân chúng không
có quyền nghi ngờ môi trường sống của họ đang bị nhiễm độc.
***
Cho tới hôm nay, tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” vẫn
tiếp diễn. Bất kể chỉ trong một ngày (6 tháng 9), ít nhất 52/179 người
cư trú trong bán kính 500 mét tính từ tâm kho bị cháy, đã được hệ thống y
tế xác định là có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (7), bất kể TCMT vừa
đưa ra thêm hàng loạt khuyến cáo, Sở TNMT thành phố Hà Nội vẫn khẳng
định, tất cả các chỉ số thu thập từ đợt quan trắc mới nhất đều trong
ngưỡng an toàn (8) giống như kết quả quan trắc ngay sau khi kho bị cháy
(9).
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thích gọi các cơ
quan hữu trách (có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm về những vấn đề
liên quan đến phạm vi trách nhiệm của mình) là… “các cơ quan chức
năng”. Vụ cháy kho của Công ty Rạng Đông chính là ví dụ minh họa cho cái
gọi là “chức năng” vốn hết sức mơ hồ về ngữ nghĩa và trách nhiệm vốn
hết sức chung chung, nhạt nhòa của “các cơ quan chức năng”.
Đến giờ “chức năng” rõ nhất của “các cơ quan chức năng” vẫn chỉ là
có… quyền, không có và chẳng bao giờ phải chịu… trách nhiệm (chẳng hạn
trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội thế nào khi qui hoạch đến
cả… vỉa hè nhưng vẫn để sót những doanh nghiệp mà hoạt động vốn sử dụng
rất nhiều hóa chất nguy hại cho môi trường, cho sức khỏe dân chúng, tồn
tại giữa nơi dân cư hết sức đông đúc như phường Hạ Đình?).
Đặc điểm rõ nhất về “chức năng” của “các cơ quan chức năng” là không
trên, không dưới nên lúc hữu sự không biết ai đúng, ai sai. Cũng vì vậy,
ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội mới không thèm bận tâm
chuyện Bộ TNMT là cơ quan đặc trách về tài nguyên – môi trường của chính
phủ Việt Nam. Khi nhận định của Bộ TNMT khác với nhận thức của chính
quyền thành phố Hà Nội, ông Chung lập tức chỉ đạo “trưng cầu cơ quan độc
lập có trang thiết bị tốt nhất, hiện đại nhất để đưa ra thông số chính
xác nhất”.
Trong nhận thức của ông Chung – người đứng đầu một “cơ quan chức
năng”, chuyện đại diện Bộ TNMT cho biết họ là “nơi duy nhất có thiết bị
hiện đại bẫy được hàm lượng thủy ngân” là… vớ vẩn, rằng “kết quả quan
trắc cho thấy thủy ngân đã phát tán ra môi trường, vượt ngưỡng mà theo
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe” còn… vớ
vẩn hơn. “Cơ quan chức năng” do ông Chung lãnh đạo “cũng lắp đặt thiết
bị của Pháp - đạt tiêu chuẩn châu Âu - có thể xác định chỉ số rất chính
xác” nên Bộ TNMT thích thì cứ “cảnh báo” còn Hà Nội vẫn khẳng định… “an
toàn”!
Với một hệ thống chính trị, hệ thống công quyền gồm toàn “các cơ quan
chức năng” mang các đặc điểm như thế, vận hành theo kiểu như thế thì
thực trạng xã hội như hiện nay là tất nhiên. Cả “ý thức trách nhiệm” lẫn
“truy cứu trách nhiệm” tất nhiên phải thuộc về phạm trù… giả tưởng.
VOA
Chú thích