ĐIỀU GÌ ĐÁNG SỢ HƠN TRUNG QUỐC ? (Việt Nghĩa)

1.Trung Quốc

Nói về lịch sử Việt Nam mà không nhắc đến Trung Quốc (TQ) là một thiếu sót không thể chấp nhận. TQ đóng vai trò lớn hơn bất cứ nước nào, trong suốt quá trình hình thành và tồn tại của Việt Nam. Đáng tiếc,TQ chỉ mang đến cho Việt Nam thứ văn hoá nô lệ, cách tổ chức xã hội bạo lực, và xem Việt Nam như một mảnh đất chỉ để khai thác, chứ không để bồi đắp văn hoá, kinh tế và chính trị. Chính vì lẽ đó, mối quan hệ Việt-Trung là mối quan hệ của bạo lực, chiến tranh, thậm chí đẫm máu. Ám ảnh lịch sử đã làm hầu hết người Việt xem TQ như một kẻ hung hãn, xâm lược và luôn chực chờ ăn tươi nuốt sống. Bất chấp dã tâm chỉ có ở những kẻ cai trị,còn người TQ đa số hiền hoà, chăm chỉ. 


Nỗi ám ảnh TQ càng dâng cao khi nhà cầm quyền hai nước cùng chọn hệ tư tưởng cộng sản. Trong khi TQ làm rúng động nhân loại qua vụ thảm sát Thiên An Môn, thì cộng sản Việt Nam cũng không kém với những thương hiệu "cải cách ruộng đất", "nhân văn giai phẩm",...Tuy cùng ý thức hệ, nhưng vì ý thức hệ này bệnh hoạn, cổ suý bạo lực triệt để và vô đạo đức, nên chúng không chỉ tàn bạo với người dân trong nước, mà cũng còn hục hặc, đả kích nhau, thậm chí lao vào cuộc chiến 1979 gây nhiều thương vong. Chính vì lẽ đó, có thể xem cộng sản Trung Quốc như một người anh xấu tính, và nhà cầm quyền Hà Nội thì đóng vai thằng em tráo trở. Thằng em luôn dùng hình ảnh hung hãn của thằng anh to xác, để vừa vỗ về, vừa hăm doạ người Việt.

TQ cai trị cả một đế quốc rộng lớn, nên ngoài bạo lực, chúng còn ranh ma khuyếch đại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, hòng phần nào đó đoàn kết nội bộ. Vì vậy, chúng cần những mâu thuẫn, những mối đe doạ và thậm chí là kẻ thù. Việt Nam với lợi thế giáp vách TQ, sở hữu bờ biển dài, lịch sử đầy mâu thuẫn với Bắc Kinh, và tiềm năng kinh tế, quân sự què quặt, đương nhiên, trở thành ứng viên lý tưởng cho vị trí "kẻ thù" mà cộng sản TQ đang tìm kiếm. Đó là lý do thỉnh thoảng Bắc Kinh lại sáng chế ra các cáo buộc, tội trạng vớ vẩn để hăm doạ, lên án hay thậm chí xâm phạm lãnh địa, lãnh hải Việt Nam. Hành động này giúp cộng sản Trung Quốc trở nên mạnh mẽ, dám nói dám làm, sẵn sàng mở mang lãnh thổ, trong mắt người TQ.

Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, làn sóng toàn cầu hoá đang làm suy sụp TQ, nói chính xác hơn là TQ sắp gục ngã trước làn sóng này. Toàn cầu hoá mang tới cho TQ rất nhiều lợi ích kinh tế, nhưng ngược lại, nó cũng khuyếch đại những nhược điểm, hạn chế của chế độ độc tài. Nó làm cho tham nhũng trở nên khổng lồ, lãng phí đầu tư ,trải dài khắp thế giới, lớn đến mức không thể đo đếm. Và dĩ nhiên, TQ trở thành chúa chổm gánh 15% nợ của nhân loại. Trước một đế quốc sắp lụi tàn, liệu chúng ta cứ doạ nhau "TQ sắp thôn tính Việt Nam”, “năm 2020 Việt Nam trở thành 1 tỉnh của TQ”,.. là đúng đắn hay không? Trong khi chúng ta còn rất nhiều thứ cần phải sợ hơn là sợ TQ.

2.Bạo lực
Bạo lực đang là hiểm hoạ của người Việt. Chưa bao giờ mà con giết cha, anh giết em, vợ giết chồng, người yêu giết nhau,..lại diễn ra với mật độ dày đặc như hiện nay. Phương tiện để thể hiện tư duy, ngôn ngữ, cũng đang bị biến thành vũ khí để đả thương nhau, sỉ nhục nhau,..ở bất kỳ nơi nào, từ mạng xã hội, internet, đến công sở, quán café, nhà hàng,…   

Thảm hoạ này huỷ diệt triệt để các cuộc tranh luận có giá trị, đó là điều vô cùng thiệt hại cho một đất nước đang rất cần những sáng kiến, những đóng góp từ kiến thức và kinh nghiệm. Đặc biệt, trong môi trường kềm kẹp đến nghẹt thở của cộng sản, nếu những người đấu tranh, những người có suy nghĩ tiến bộ, không thể thảo luận với nhau, thì đó là dấu chấm hết cho tương lai của dân tộc. Và ngày gỡ được cái  vòng kim cô cộng sản có lẽ là rất xa, thậm chí không thể tưởng tượng.

Chưa có dân tộc cuồng bạo lực nào đạt được những giá trị tiến bộ của nhân loại, đây là điều mà mỗi người Việt cần phải nghiêm túc xét lại. Nếu chúng ta không trừ khử được bạo lực ra khỏi suy nghĩ, lời nói và hành động, thì chúng ta đã chọn địa ngục, nơi chỉ có tội ác và nỗi đau. 

3.Bảo thủ

Cái độc quyền đáng sợ nhất ở Việt Nam không phải là độc quyền xăng, điện, viễn thông,..mà đó chính là độc quyền lẽ phải. Bên cạnh óc đả kích, phê phán,.chủ quan duy ý chí, độc quyền lẽ phải đã làm cho người Việt tụt hậu, kém cỏi và chia rẽ. Họ luôn cho mình là có lý nhất, uyên bác nhất,..một cách vô lý lẽ, vô dẫn chứng, vô cơ sở. Tất cả ý kiến của những người còn lại chỉ là hạ sách, kém cỏi và không đáng quan tâm. Đó chính là câu trả lời cho nghịch lý: VN là một trong những nước châu Á đầu tiên tiếp xúc với các giá trị tiến bộ của phương Tây, nhưng hiện nay kém cỏi bậc nhất châu lục.

Sự khép kín và óc độc quyền lẽ phải làm cho mọi kết hợp trở nên vô nghĩa. Người trong nước thì chửi đổng lũ người Việt hải ngoại nhát gan, không dám về nước làm cách mạng. Người hải ngoại thì chửi đám trong nước là dân chủ cuội, hám tiền, hám danh,… Trong nước thì chẳng có sự đồng thuận nền tảng, nên các hội nhóm tồn tại một cách tạm bợ, lỏng lẻo,..với qui mô siêu nhỏ. Người Việt hải ngoại thì chứng minh cho nhân loại thấy chúng ta tồi dở đến mức nào trong việc kết hợp, khi hàng triệu người Việt sống ở những nền văn minh tiến bộ bậc nhất, nhưng vẫn không thể cho ra đời một tổ chức đối lập có tầm vóc. Sự bảo thủ này là nỗi sợ thường trực, nó biến những việc rất dễ thành khó, và những việc dễ thành rất khó.


4.Mất niềm tin

Đỉnh điểm của nỗi sợ là mất niềm tin. Khi người ta chỉ còn biết than thân trách phận, hoặc đả kích, mạt sát những đối tượng không có khả năng, hoặc phản kháng yếu ớt như giới trẻ,người ít học, thì chúng ta đủ hiểu nỗi sợ này nguy hại đến mức nào. Nó làm người ta bi quan đến mức không dám hi vọng, không dám góp sức cho thay đổi tương lai (giới trẻ), và những hạn chế (người ít học) của dân tộc. Chỉ còn biết trùm chăn, gõ phím qua ngày, chờ qua đời.

Chưa dừng lại ở việc xỉ vả giới trẻ, người mất niềm tin luôn có ánh mắt đa nghi, phán xét ẩu, luôn nghĩ ai cũng gian trá,cơ hội, dù không có bất kỳ một chứng cứ thuyết phục nào. Làm sao chúng ta có thể có một tổ chức đối lập tầm vóc, khi nghĩ ai cũng là bất lương? Có nhiều bạn tham gia đấu tranh, nhưng luôn “nhìn đâu cũng thấy an ninh”, dù chưa ai đi tù chỉ vì gặp gỡ, uống café và “bàn về dân chủ, nhân quyền,..”

Chính vì nỗi sợ mang tên “mất niềm tin”, tôi bi quan rằng đa số sẽ khép kín, sẽ không hăng hái gặp nhau, hào hứng thảo luận và kiên trì thuyết phục. Tôi hi vọng nỗi sợ của mình là thừa thãi, sai lầm. Nếu không thì người Việt sẽ buông xuôi, chấp nhận một số phận bạc bẽo. Và sớm muộn gì cũng hoà tan vào một cộng đồng nổi trội hơn, trong làn sóng toàn cầu hoá không thể ngăn cản.

Việt Nghĩa (17/9/2019)