Người Việt hời hợt (phần 5 - Viễn Huỳnh)

Tại sao người Việt thường không sử dụng đúng thì trong tiếng Anh?

Khái niệm “thì” (tense) là một khái niệm gắn liền với cách sử dụng động từ trong tiếng Anh và cũng là một trong những khái niệm cơ bản trong tiếng Anh. Các thì trong tiếng Anh được công thức hóa nên việc nhớ công thức của thì không phải là quá khó. Tuy nhiên, đối với đại đa số người Việt học tiếng Anh thì cho dù nhớ công thức của thì, việc sử dụng đúng thì khi nói và viết lại là một chuyện khác. Với bài viết này, tôi hi vọng những bạn học tiếng Anh sẽ hiểu được nguyên tắc tư duy khi dùng thì trong tiếng Anh để có thể sử dụng thì một cách hiệu quả.


Trước hết, một thì trong tiếng Anh luôn bao gồm có hai phần: thời gian (time) và bản chất (nature) của hành động. Thời gian (time) gồm có: past (quá khứ), present (hiện tại) và future (tương lai). Còn bản chất (nature) thì gồm có: simple (đơn), tiếp diễn (continuous), hoàn thành (perfect) và hoàn thành tiếp diễn (perfect continuous). Khi kết hợp time và nature thì sẽ được tense. Như vậy sẽ có 12 thì (3x4) trong tiếng Anh. Vấn đề là trong tiếng Việt, khi nói về một hành động chúng ta chỉ nghĩ đơn giản rằng hành động đó đã, đang hoặc sẽ xảy ra, tức là chú trọng yếu tố “time” của hành động nhưng lại không có khái niệm về bản chất của hành động trong thời gian đó xảy ra như thế nào. Trong khi đó, đối với thì của tiếng Anh, yếu tố ”time” chỉ là yếu tố mang tính chất tương đối còn yếu tố “nature” mới là yếu tố cốt lõi. Do đó, nếu học thì tiếng Anh mà chỉ chú trọng vào yếu tố “time” mà không hiểu hoặc không coi trọng yếu tố “nature” sẽ không bao giờ dùng thì đúng được.

a. Nếu hiểu từ “Continuous” là “tiếp diễn” theo nghĩa là “đang diễn ra” thì sẽ không chính xác. Vì nếu bạn nói “present continuous” là hành động đang diễn ra ở hiện tại thì còn chấp nhận được chứ nếu nói “past continuous” là “đã đang diễn ra” và “future continuous” là “sẽ đang diễn ra” thì nghe mâu thuẫn quá. “Continuous” hiểu cho đúng là “hành động diễn ra theo khuynh hướng kéo dài trong một khoảng thời gian”. Nếu bạn suy nghĩ theo logic này thì khi muốn nói về một hành động đã diễn ra trong quá khứ và muốn nhấn mạnh sự kéo dài của nó, bạn sẽ dùng thì “past continuous”. Ví dụ khi tôi muốn dịch câu “tôi đã làm việc suốt ngày hôm qua” thay vì dùng thì simple past (I worked all day yesterday), tôi sẽ dùng past continuous để nhấn mạnh vào hành động kéo dài (I was working all day yesterday) sẽ hiệu quả hơn. Tương tự, để diễn tả một hành động sẽ diễn ra trong tương lai và kéo dài trong một khoảng thời gian, tôi sẽ dùng “future continuous.” (I will be sleeping this whole weekend). Tất nhiên thì “present continuous” dùng để diễn tả hành động đang diễn ra trong thời điểm nói.

b. Khái niệm “perfect” được dịch sang tiếng Việt là “hoàn thành” cũng là một cách dịch khá hời hợt thiếu chính xác vì nếu bạn nói “past perfect” là “quá khứ hoàn thành” sẽ là dư thừa vì hành động nếu xảy ra trong quá khứ thì coi như đã hoàn thành, còn nếu nói “future perfect” là “tương lai hoàn thành” thì lại tối nghĩa vì “tương lai” chưa xảy ra, làm sao có thể “hoàn thành” được? “Perfect” nếu muốn hiểu đúng thì phải hiểu là “hoàn tất trước một thời điểm”. Một hành động nếu dùng “past perfect” để diễn đạt sẽ có ý nhấn mạnh rằng hành động này “diễn ra trước một hành động hoặc một mốc thời gian trong quá khứ”. Ví dụ như để nói rằng: “Anh ấy đã bỏ đi trước khi tôi đến”, người Anh/Mỹ sẽ dùng thì “past perfect” cho hành động “anh ấy đã bỏ đi” vì nó diễn ra trước hành động “tôi đến”. Sẽ không quá khó hiểu khi bạn áp dụng cách hiểu này vào “future perfect” vì thì này diễn tả một hành động hoàn thành trước một hành động khác hoặc một mốc thời gian trong tương lai. Ví dụ: “Em tôi sẽ tốt nghiệp trước năm 2021” hoặc “Tôi sẽ hoàn thành công việc này trước khi anh ta quay trở lại”. Riêng với thì “present perfect” thì hơi khác một tí vì nó được dùng khi người nói muốn ám chỉ hoặc nhấn mạnh hành động trong quá khứ đã xảy ra được bao lâu so với hiện tại. Ví dụ “Anh ta đã phải chịu đựng căn bệnh này hơn một năm rồi” (He has suffered from this disease for more than a year” hoặc “Tôi chưa từng gặp lại anh từ năm ngoái” (I haven’t seen him again since last year).

c. Khái niệm “perfect continuous” dùng để diễn tả một việc đã xảy ra trước (perfect) nhưng vẫn kéo dài cho tới khi hành động thứ hai diễn ra (continuous). Ví dụ “anh ta đã làm việc ở đây cho tới khi tôi thay thế vị trí của anh ta vào năm ngoái” (He had been working here until I replaced him) (past perfect) hoặc “Tôi đã chờ ở đây hơn 2 tiếng nhưng vẫn chưa thấy ai tới” (I have been waiting here for two hours but no one showed up yet”.

d. Riêng về khái niệm “simple” (đơn) là một từ không dùng để chỉ cách thức diễn ra của hành động mà dùng để ám chỉ công thức của những thì “simple” đơn giản hơn những thì khác (không cần mượn trợ động từ và dạng của động từ chính đơn giản hơn ở thể xác định). Rất hiếm giáo viên Việt Nam khi dạy thì hiểu được nghĩa của từ “simple” này. Chính vì vậy thì “present simple” thường bị hiểu sai là miêu tả một hành động “đơn giản” ở hiện tại (không có khái niệm “hành động đơn giản” trong tiếng Anh) trong khi đó, thì này dùng để diễn tả một thói quen hoặc sự thật hiển nhiên không bị ràng buộc về yếu tố thời gian.

Dĩ nhiên vẫn còn nhiều cách dùng khác cho những thì nói trên nhưng nếu bạn hiểu được logic cơ bản đằng sau các thì thì việc chọn lựa thì đúng để diễn đạt trong tiếng Anh sẽ chính xác và hiệu quả hơn. Ngoài ra còn có những dạng thì sử dụng để chỉ sự giả định của hành động (hành động đó trên thực tế không xảy ra) dùng với các mẫu câu điều kiện “if”. Nếu chỉ căn cứ vào yếu tố “time” thì bạn sẽ không hiểu được tại sao “present perfect” hoặc “present perfect continuous” lại sử dụng để diễn tả hành động trong quá khứ chứ không phải là hành động trong hiện tại và khi muốn diễn tả hành động diễn ra ở hiện tại thì bạn lại chọn “present simple” vốn không liên quan gì đến hiện tại cả.

Một trở ngại nữa về tư duy logic của tiếng Việt khi áp dụng để hiểu thì trong tiếng Anh là cấu trúc thì của tiếng Anh đòi hỏi sử dụng đúng “dạng” của động từ. Một động từ trong tiếng Anh khi chia thì sẽ rơi vào những dạng như sau:

a. Present form: là động từ dạng nguyên mẫu dùng với các chủ ngữ “I, you, we, they” và dạng thêm “s/es” khi dùng với các chủ ngữ “he, she, it” ở thì present simple.

b. Present participle form: là động từ dạng hiện tại phân từ V-ing, được dùng cho các thì mang tính chất “continuous”.

c. Past simple form: là dạng quá khứ đơn của động từ (V-ed đối với động từ có quy tắc hoặc cột thứ hai đối với động từ bất quy tắc) được dùng cho thì past simple.

d. Past participle form: là dạng quá khứ phân từ (V-ed đối với động từ có quy tắc hoặc cột thứ 3 đối với động từ bất quy tắc) được dùng cho những thì mang tính chất “perfect”.

Sự chặt chẽ này khiến cho người sử dụng tiếng Anh chỉ cần nhìn vào trợ động từ và dạng của động từ chính trong câu thì có thể hiểu chính xác hành động đó diễn ra như thế nào và khi nào (mục đích của thì). Sẽ rất khó hiểu lầm về ý của người nói hoặc người viết khi họ chọn cách dùng một thì để diễn đạt ý của mình.

Trong khi đó động từ trong tiếng Việt không có những dạng khác nhau. Để diễn đạt ý nghĩa của thì, người sử dụng sẽ kết hợp một cách lỏng lẻo những trạng từ “sẽ”, “đã”, “đang” hoặc “rồi”vào trước động từ đó hoặc thậm chí là không có cả những từ này mà người nghe hoặc người đọc phải tự hiểu rằng hành động đó xảy ra hay chưa. Ví dụ: Khi tôi nói “Tôi gặp anh ta ngày hôm qua” thì người nghe sẽ hiểu là hành động diễn ra rồi căn cứ vào trạng từ chỉ thời gian “ngày hôm qua” chứ không phải căn cứ vào dạng của động từ “gặp”. Tương tự, người nghe sẽ căn cứ vào trạng từ “rồi” trong câu “tôi ăn sáng rồi” để hiểu rằng hành động “ăn sáng” đã diễn ra trong quá khứ. Nhưng vấn đề là những từ “đã, sẽ, rồi, đang” hoặc những trạng từ chỉ thời gian “hôm qua, tuần tới, ngày mai” không phải lúc nào cũng xuất hiện trong câu tiếng Việt nên việc đoán hành động xảy ra chưa hay rồi đối với người nghe sẽ rất khó khăn. Ví dụ khi tôi nói “tôi ăn sáng lúc 8 giờ”, người nghe sẽ dựa vào ngữ cảnh mà hiểu rằng hành động ăn sáng đã xảy ra (nếu thời điểm nói là sau 8 giờ) hoặc chưa xảy ra (nếu thời điểm nói là trước 8 giờ) hoặc cũng có thể hiểu đây là một thói quen lặp đi lặp lại lúc 8 giờ của người nói nếu không dựa vào yếu tố thời gian. Ngay cả một câu được hiểu trong tiếng Việt là đã xảy ra rồi trong quá khứ “Tôi đã làm việc ở đây hai năm” cũng có thể diễn giải thành ba câu với ý nghĩa hoàn toàn khác nhau trong tiếng Anh:

a. “I worked here for two years” với ý nói “trước đây tôi đã làm việc ở đây hai năm, nhưng bây giờ thì không còn nữa.”

b. “I have worked here for two years” với ý “tính tới thời điểm này, tôi đã làm việc ở đây được 2 năm”.

c. “I have been working here for two years” với ý “tính tới thời điểm này tôi đã làm việc ở đây được 2 năm và hiện vẫn đang làm.”

Việc không chia động từ trong tiếng Việt cũng khiến cho người Việt học tiếng Anh không chú tâm tới logic chia động từ của ngôn ngữ này mà theo quán tính sẽ dùng luôn động từ nguyên mẫu vào câu bất chấp thì đó là thì gì. Rất nhiều người Việt quên không thêm “s” vào sau động từ ngôi thứ ba số ít khi dùng nó với chủ ngữ “he, she, it” ở hiện tại đơn cũng như không chia động từ sang dạng quá khứ khi kể lại những chuyện mình đã trải qua.

Có người sẽ cho rằng tiếng Việt như vậy đơn giản hơn nhiều, không cần nhớ nhiều dạng động từ làm gì cho mệt. Câu trả lời của tôi là thế này: “Nếu anh chấp nhận việc mặc cùng một bộ quần áo cho tất cả những dịp đi làm, đi chơi, đi dự tiệc, ở nhà và lên giường ngủ thì đúng là việc không chia động từ cho những trường hợp khác nhau thì đối với anh không có gì gọi là quan trọng cả.”

Tôi vẫn còn một bài viết phân tích về ngôn ngữ nữa trước khi chuyển sang phân tích những khía cạnh khác như lịch sử, tín ngưỡng, tư tưởng, văn hóa và giáo dục. Hi vọng các bạn kiên nhẫn theo dõi và khoan kết luận gì trước khi đọc hết series dài tập này. Rất cảm ơn sự ủng hộ của các bạn với những bài viết của tôi về những chủ đề khá khó đọc như thế này. (còn tiếp)

Nguồn bài: Fb Vien Huynh