Công nghệ đốt rác phát điện sẽ có mặt ở thành Hồ? (Thạch Đạt Lang)

Nghiên cứu của giáo sư Bernd Epple và cộng tác viên còn đang được thử nghiệm, kết quả được áp dụng sớm nhất là đầu năm 2021, nhưng đảng CSVN luôn đi tắt đón đầu, nên sẽ cho chạy nhà máy Vietstar vào cuối năm 2020. (Thạch Đạt Lang)


Sau khi xảy ra “sự cố” nhà máy sản xuất bóng đèn và phích nước Rạng Đông ở Hà Nội bị cháy, không khí bị ô nhiễm nặng vì chất độc thủy ngân bị nung nóng, bốc hơi hòa vào không khí và nước mưa, cũng như nhằm mục đích trấn an dư luận ở Sài Gòn về việc ô nhiễm và mùi hôi thối từ bãi rác Đa Phước, một video được VnExpress phổ biến trên mạng, cho biết, thành phố HCM dự trù sẽ xây dựng 2 nhà máy đốt rác phát điện ở huyện Củ Chi, với tổng số vốn đầu tư 400 triệu USD, có công suất tổng cộng 4.000 tấn rác mỗi ngày. Hai nhà máy này sẽ chiếm một diện tích 48 mẫu (ha), hoàn thành năm 2021.

Nhà máy thứ nhất đã khởi công xây dựng ngày 28.08.2019, sẽ hoàn thành cuối năm 2020 mang tên Vietstar, công suất 2.000 tấn rác/ ngày. Nhà máy thứ hai hoàn thành tháng 8 năm 2021, công suất 2.000 tấn rác/ ngày có tên Tâm Sinh Nghĩa. Tổng cộng 4.000 tấn rác mỗi ngày đem đốt sẽ cho ra 40 MW/ngày cùng với 200 tấn gạch không nung. Hai nhà máy này sử dụng công nghệ đốt rác Martin của Đức.

Nhiều người đọc tin tức của Vnexpress.net, xem video rất phấn khởi, hồ hởi, hân hoan, hí hửng, hả hê… chuyển tiếp video. Sự thật ra sao?

Martin thật ra chỉ là tên của Martin Haaf, người phụ trách liên lạc (Ansprechpartner) của đại học kỹ thuật Darmstadt (Technische Universität Darmstadt) cho công trình nghiên cứu chưa hoàn thành về công nghệ đốt rác thành điện của Đức. Địa chỉ email của ông Martin Haaf: martin.haaf@est.tu-darmstadt.de

Công nghệ này là công trình nghiên cứu chung của một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc đại học Darmstadt của tiểu bang Hessen (Đức). Công trình này phát triển một phương pháp phân hủy khí độc carbon dioxide (CO2) bằng cách dùng điện phát sinh từ việc đốt rác.

Giáo sư Bernd Epple chuyên về Hệ thống và kỹ thuật năng lượng của đại học Darmstadt đưa ra phương thức sử dụng năng lượng phát sinh từ việc đốt rác để biến carbon dioxide thành Methanol. Hóa chất này sẽ được tiếp tục biến chế thành OME (Oxymethylene Ethers) hoặc nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa chất.

Khi đốt rác, hơi nóng trên 1.000°C phát sinh sẽ được dùng để chạy những turbine máy phát điện (nhiệt năng biến thành điện năng). Bước kế tiếp là dùng điện phát sinh phân hủy carbon dioxide thành Methanol thay vì phải nạp vào các lưới điện để phân phối đi nơi khác.

Epple nhấn mạnh rằng, phương thức này rất có lợi, nó phát triển quá trình chuyển đổi năng lượng, không làm ô nhiễm, thiệt hại cho môi trường qua việc tăng trưởng kết nối giữa các trụ cột năng lượng, giao thông và công nghiệp. Hơn nữa, phương pháp này cũng tách CO2 ra khỏi bầu khí quyển vì các lò đốt cũng đốt cả gỗ.

Do một phần Methanol được chế biến thành nhựa, nó sẽ giữ lại khí CO2 thải ra từ cây cối trong một thời gian dài. Epple nói thêm: “Đó là nhựa, plastic không xuất phát từ dầu thô”.

Trong cơ sở thử nghiệm nằm ở khuôn viên Lichtwiese của đại học Darmstadt, giáo sư Bernd Epple và nhóm của ông đã thử nghiệm phương pháp theo quy mô công nghiệp. Trong 2 lò phản ứng, họ đã đạt được nhiều tầng kết quả khác nhau.

Ở lò thứ nhất, CO2 kết hợp với Calcium Oxide (Ca2O) tạo thành Calcium Carbonate (CaCO3) tức là đá vôi. Trong lò thứ hai, CO2 được phóng thích trở lại bằng cách đun nóng vôi. Epple nói rằng, khi đốt rác họ đã nhận được những điều mới lạ từ từng loại rác được đem đốt. Giáo sư Epple tin tưởng chắc chắn rằng, trong tương lai có thể sản xuất lương thực từ việc đốt rác theo phương thức mới này.

Sau khí CO2, dòng điện phát sinh từ việc đốt rác đóng vai trò quan trọng, nó sẽ dùng cho việc chuyển hóa CO2 thành Methanol. Dòng điện sẽ tách nước (H2O) bằng điện phân, tạo ra Oxy tiếp tục cho việc đốt cháy chất thải và Hydro. Hydro kết hợp với CO2 tạo thành Methanol. Nhóm nghiên cứu đã tối ưu hóa chu trình dùng rác làm nhiên liệu.

Epple nói rằng: Hệ thống hoạt động rất ổn định, trong thí nghiệm này chúng tôi có thể loại bỏ 90% khí CO2 sinh ra từ rác đốt.

Hiện giờ phương pháp này đang được áp dụng ở một nhà máy thử nghiệm. Một công ty quản lý chất thải cộng tác với dự án là Entsorgungsunternehmen Suez Deutschland GmbH đang tìm cách ứng dụng phương pháp này vào thực tế cho các lò đốt của mình. Giáo sư Epple hy vọng là mọi việc sẽ trở thành hiện thực vào đầu năm 2021.

Các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy một tương lai tươi sáng cho công trình làm việc của họ. Hệ thống thiết kế sẽ được hoàn chỉnh sao cho việc trang bị và bảo trì được dễ dàng. Thêm một điều chú ý nữa là, phương pháp họ thử nghiệm không những chỉ áp dụng cho lò đốt rác mà còn cho tất cả các loại lò đốt khác.

Về mặt kinh tế, việc phân huỷ CO2 bằng phương pháp mới này, Epple nói: “So với tất cả các quy trình phân huỷ CO2 khác, quy trình của chúng tôi rẻ hơn 50%“. Chỉ có việc điện giải gây ra chi phí cao bởi giá thành các điện cực còn đắt. Nhưng các phát minh mới, thuận lợi hơn đang được phát triển trên toàn thế giới, Epple nhấn mạnh.

Nghiên cứu của giáo sư Bernd Epple và cộng tác viên còn đang được thử nghiệm, kết quả được áp dụng sớm nhất là đầu năm 2021, nhưng đảng CSVN luôn đi tắt đón đầu, nên sẽ cho chạy nhà máy Vietstar vào cuối năm 2020.

Đảng ta quả thật là thiên tài. Cũng may là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không có mặt tại lễ khởi công xây dựng lò đốt rác Vietstar, nếu có mặt, chắc ông ta sẽ tuyên bố: Phải xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tầu cho cả nước về việc đốt rác thành “điện lù…”.