‘Tổ Quốc’, một kết hợp bền vững và trọn vẹn (Việt Hoàng)

Cũng trong suốt 10 năm đó sự hợp tác giữa Tập Hợp và nhóm trí thức làm báo Tổ Quốc đã rất tốt đẹp, nhịp nhàng và ăn ý. Đã không hề có bất cứ một sự khúc mắc hay bất đồng nào xảy ra dù nhỏ nhất. Mọi người đều hiểu rõ vấn đề và cả những khó khăn phải đương đầu nên ai cũng cố gắng làm tốt phần việc của mình, không ai câu nệ vai trò, là người trong nước hay ngoài nước. Tổ Quốc chỉ đã kết thúc khi hoàn thành sứ mệnh của mình. (Việt Hoàng)
 
‘Đoàn kết’ vừa là một khẩu hiệu vừa là một tinh thần và vừa là một hành động (kết hợp) khó khăn giữa con người với nhau. Ai cũng biết và cũng hiểu tầm quan trọng của sự đoàn kết. Ngay từ tuổi thơ chúng ta đã nghe câu chuyện về sức mạnh của bó đũa hoặc câu ca dao :
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Trong cuộc đời mỗi người dù muốn hay không thì tùy theo năm tháng và hoàn cảnh mà chúng ta luôn phải ‘kết hợp’ với những người khác. Đầu tiên là trong gia đình và sau khi lớn lên là trong công ty hay nơi làm việc. Đây là những kết hợp bắt buộc vì có chung một lý do là huyết thống hay quyền lợi. Những lựa chọn kết hợp này là tự động và gần như là bắt buộc. Sau hai kết hợp sơ đẳng đó ra con người còn nhiều mối kết hợp khác như với bạn bè thân hữu hoặc các nhóm, câu lạc bộ yêu thích gọi chung là ‘xã hội dân sự’. Một người càng năng động bao nhiêu thì nhu cầu kết hợp càng cao bấy nhiêu. Để có thể tồn tại và giữ được các mối quan hệ đó mỗi người phải có ý thức xây dựng, chia sẻ, cảm thông và hòa đồng với những người khác.
Càng sinh hoạt lâu trong các tổ chức con người càng hoàn thiện mình. Một tổ chức thực sự hùng mạnh khi mọi thành viên đoàn kết với nhau và đó là sức mạnh của tổ chức. Trong các hình thái của tổ chức thì cao nhất đó là các tổ chức chính trị, nơi các thành viên chia sẻ và tìm sự đồng thuận về những lập trường chung về đất nước, về dân tộc và quản trị quốc gia. Chính trị là lĩnh vực rộng lớn bao trùm lên mọi lĩnh vực của đất nước (nhiều mục tiêu) vì vậy sự đồng thuận trong một tổ chức chính trị là rất khó khăn, nó đòi hỏi các thành viên phải có một sự hiểu biết khá cao trong các lĩnh vực nhất là các môn về xã hội như địa lý, văn học, lịch sử, chính trị…
Muốn kết hợp được với nhau trong một tổ chức thì đầu tiên phải chia sẻ với nhau về mục đích và sau đó là phương pháp làm việc. Nếu một tổ chức (hay một kết hợp) không rõ ràng về mục tiêu và không nhất trí với nhau về phương pháp thì sớm muộn tổ chức đó cũng tan vỡ kể cả trong các tổ chức đơn giản nhất thuộc xã hội dân sự. Gần đây Tập Hợp có nhiều bài viết về sự đồng thuận trong một tổ chức chính trị, theo chúng tôi thì nếu các thành viên không đồng ý với nhau trên các giá trị nền tảng về tư tưởng chính trị của tổ chức thì không thể nào đồng ý với nhau trên các vấn đề cụ thể như phân chia công việc cho mỗi người và các ‘hành động’ cụ thể mỗi ngày.
Trong bài viết này tôi muốn chia sẻ cùng độc giả câu chuyện về một ‘kết hợp’ rất đẹp giữa một nhóm trí thức trong nước với một tổ chức chính trị đối lập ở hải ngoại là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Kết hợp đó chính là sự ra đời của bán nguyệt san Tổ Quốc, tờ báo đối lập đầu tiên tại Việt Nam và đã tồn tại suốt 10 năm tròn. Bài viết này cũng để tưởng nhớ ông Nguyễn Thanh Giang vừa mới qua đời hôm 28/07/2019, tại Hà Nội, hưởng thọ 83 tuổi. Ông Nguyễn Thanh Giang là một trong những người sáng lập và là Tổng biên tập đầu tiên của báo Tổ Quốc. Bài viết này cũng để tưởng nhớ đến những người đã mất khác như các ông Nguyễn Hộ, Bùi Tín, Trần Lâm… Họ là những người tham gia và đóng góp nhiều bài viết cho báo Tổ Quốc.
bacay2
Bán nguyệt san Tổ Quốc, tờ báo đối lập đầu tiên tại Việt Nam và đã tồn tại suốt 10 năm tròn. Ảnh minh họa 
Cho đến tận bây giờ thì người Việt Nam vẫn chưa có được các tổ chức có tầm vóc (dù là xã hội dân sự) mà có sự kết hợp giữa trong và ngoài nước, trừ một số hội từ thiện. Một trong những lý do biện minh cho tình trạng này đó là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau và sự thiếu đoàn kết của người Việt Nam. Các tổ chức chính trị thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Thế nhưng cách đây 13 năm đã có một kết hợp giữa những người, vốn bị xem là khó đoàn kết nhất, đó là trí thức Việt Nam, nhất là với những trí thức từng là cộng sản để cho ra đời một tờ báo đối lập tại Việt Nam là bán nguyệt san Tổ Quốc. Xin nói luôn cho mọi người được rõ rằng đây chỉ là một ‘kết hợp’ thuộc xã hội dân sự chứ chưa phải kết hợp để hình thành một tổ chức chính trị đối lập, dù vậy kết hợp này cũng mang nặng tính chính trị chứ không giống với các tổ chức xã hội dân sự khác tại Việt Nam. Bán nguyệt san Tổ Quốc ra đời ngày 15/9/2006 và kéo dài trong 10 năm đến số cuối cùng (242) phát hành ngày 15/01/2017.
Ông Nguyễn Thanh Giang sớm nhận ra và chia sẻ sự khó khăn trong quá trình đi tìm người hợp tác để làm báo Tổ Quốc trong cuốn hồi ký Người Đội Số Phận :
"Cái khó là phải tìm sao cho được chỗ dựa vững chắc từ bên ngoài để vừa có kinh phí, vừa không bị đánh sập trang mạng. Tôi đã liên hệ với bốn năm địa chỉ nhưng cuối cùng đã chọn ông Nguyến Gia Kiểng và Tập hợp Dân chủ Đa nguyên làm cộng sự. Rõ ràng đây là sự chọn lựa rất chính xác. Nhờ vậy mà tờ báo còn tồn tại được đến ngày nay với uy tín ngày một cao" (1).
Quyết định của ông Giang vừa thông minh vừa có viễn kiến. Nếu tờ báo này xuất bản trong nước thì nó sẽ nhanh chóng bị chính quyền bức tử. Sức ép lên các cây bút và ban biên tập báo Tổ Quốc ở trong nước rất lớn đúng như ông Giang nhận định. Sức ép từ phía an ninh lên ông Giang và cộng sự mạnh đến nỗi có lần ông Giang đã viết thư cho ông Nguyễn Gia Kiểng yêu cầu đình bản báo Tổ Quốc. Ông Kiểng đã phân tích cho ông Giang rằng báo Tổ Quốc không còn là của riêng ông Giang nữa mà đã trở thành đứa con tinh thần chung của phong trào dân chủ Việt Nam, nó không thể bị đình bản vì ý kiến của bất cứ ai, dù đó là ông Giang. Có lẽ ông Giang đã đưa thư (email) này cho công an đọc nên sức ép lên ông Giang mới giảm đi.
Trong suốt 10 năm trời Tổ Quốc đã có mặt đều đặn mỗi tháng hai số. Vì độc giả chính của Tổ Quốc là những "đảng viên lão thành" và lớp người cao tuổi có gắn bó lâu năm với Đảng cộng sản Việt Nam nên các bài viết được chọn thường là của các cây bút đối lập từ trong nước và một số tác giả nổi tiếng ở hải ngoại. Trong suốt thời gian 10 năm đó, Tập Hợp đã hợp tác với nhóm trí thức trong nước một cách bền bỉ, không vụ lợi và với trách nhiệm cao nhất.
Các bài viết được gửi ra từ trong nước và được sắp xếp, lên trang ở hải ngoại rồi gửi về lại Việt Nam. Việc in ấn và phân phát là do ông Giang và các trí thức trong nước đảm nhận. Chính quyền Việt Nam rất khó chịu và luôn tìm mọi cách gây sức ép lên ban biên tập như trường hợp thầy giáo Nguyễn Thượng Long, phó Tổng biên tập báo Tổ Quốc bị sách nhiễu và mời về đồn làm việc khi ông đang trong tiệm photo để sao chụp lại bài "Nhật ký Biểu tình" của ông viết cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm mùng 5/6/2011 của người dân Hà Nội (2).
Cũng trong suốt 10 năm đó sự hợp tác giữa Tập Hợp và nhóm trí thức làm báo Tổ Quốc đã rất tốt đẹp, nhịp nhàng và ăn ý. Đã không hề có bất cứ một sự khúc mắc hay bất đồng nào xảy ra dù nhỏ nhất. Mọi người đều hiểu rõ vấn đề và cả những khó khăn phải đương đầu nên ai cũng cố gắng làm tốt phần việc của mình, không ai câu nệ vai trò, là người trong nước hay ngoài nước. Tổ Quốc chỉ đã kết thúc khi hoàn thành sứ mệnh của mình (3).
Một sự cố đáng tiếc cho báo Tổ Quốc là giữa năm 2016, một nhóm nhỏ thành viên Tập Hợp làm "đảo chính" (4) chống lại tổ chức. Họ đã chiếm đoạt các trang báo của Tập Hợp như trang báo ethongluan.org, Blog Thông Luận và Blog của báo Tổ Quốc. Họ không chỉ xóa đi những bài viết của anh em trong Tập Hợp suốt 30 năm mà còn xóa đi toàn bộ 242 số báo của Tổ Quốc trong 10 năm qua. Họ đã gây thiệt hại cho Tập Hợp và phong trào dân chủ Việt Nam nhiều hơn tất cả những gì mà chế độ cộng sản có thể làm được. Những người chủ mưu cuộc "đảo chính" đã vứt bỏ các giá trị đạo đức tối thiểu của con người, thay vì chia tay tổ chức một cách văn minh rồi đường ai nấy đi thì họ đã cố gắng phá hoại tối đa cho tổ chức trước lúc ra đi và còn lôi kéo thêm một số thành viên tử tế nhưng thiếu bản lĩnh khác trong Tập Hợp.
Chúng tôi cũng muốn nhắc lại kết hợp này để nói lên một điều rằng Tập Hợp sẵn sàng hợp tác và kết hợp với bất cứ tổ chức nào dù trong hay ngoài nước để đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa đất nước. Tập Hợp không hề tự cao, tự đại như có ý kiến gán cho chúng tôi. Vấn đề là không có tổ chức nào để ‘hợp tác’ và đó là sự thật. Muốn "hợp tác" hay kết hợp với nhau thì phải chia sẻ với nhau về một số giá trị như tư tưởng chính trị, đạo đức, sự lương thiện, bao dung và viễn kiến hay ít ra tổ chức đó cũng phải có thực lực. Hiện tại chỉ có hai tổ chức là còn tồn tại và có các hoạt động đó là Việt Tân và Tập Hợp. Phương pháp của Việt Tân khác biệt khá lớn so với Tập Hợp vì thế chưa thể "kết hợp" được với nhau.
Khi Tập Hợp chọn lựa phương pháp đấu tranh "bất bạo động" thì việc thỏa hiệp và đàm phán với các tổ chức khác kể cả Đảng cộng sản Việt Nam sẽ là những bước đi bắt buộc trong tương lai. Hiện tại thì điều đó chưa xảy ra vì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn ảo tưởng về sức mạnh của họ và mặt khác Tập Hợp vẫn chưa trở thành một tổ chức có tầm vóc vì chưa nhận được sự ủng hộ của người dân Việt Nam. Một khi hội tụ được một trong hai điều kiện đó thì đảng cộng sản sẽ phải chấp nhận ‘đối thoại’ với Tập Hợp để tìm cách chuyển hóa đất nước về dân chủ trong ôn hòa, và đó cũng là mục tiêu mà chúng tôi đang hướng tới. Tư tưởng và lập trường của chúng tôi luôn trong sáng và minh bạch vì thế chúng tôi không sợ bị mất phương hướng, bị mua chuộc hay đánh mất mình trong bất cứ ‘thỏa hiệp’ nào, với bất cứ ai và trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Việt Hoàng
(6/8/2019)
(4) Có thân hữu đặt câu hỏi cho chúng tôi là tại sao không gọi nhóm người làm đảo chính trong Tập Hợp hồi 2016 là ‘ly khai’ mà gọi họ là ‘phản loạn’ ? "Ly khai" là khi họ rời bỏ, tách ra khỏi Tập Hợp một cách ôn hòa và văn minh. Họ đã không hành động như thế. Họ đã phản bội lý tưởng ôn hòa và dân chủ của tổ chức bằng cách làm loạn tổ chức như chiếm đoạt các trang web và blog, là cơ quan ngôn luận của tổ chức. Họ đã xóa đi toàn bộ các bài viết của anh em trong Tập Hợp hơn 30 năm qua và cả 242 số báo của bán nguyệt san Tổ Quốc trong 10 năm. Dù họ có ngụy biện thế nào đi nữa thì thực tế họ chỉ là một thiểu số nhỏ trong Tập Hợp vì nếu họ là đa số thì họ hoàn toàn có thể chiếm hữu và kiểm soát được Tập Hợp thông qua một cuộc bầu cử dân chủ. Họ không chỉ thiếu đạo đức và sự lương thiện mà còn thiếu cả sự hiểu biết. Họ không hiểu rằng tất cả những tổ chức đối lập cho đến khi được người dân bầu chọn làm đảng cầm quyền thì đều là con số 0 (không). Đã là con số không thì có gì đâu mà giành giật và cướp đoạt ? Tài sản lớn nhất của những người tranh đấu và các tổ chức đối lập dân chủ là trí tuệ và tâm hồn, đó là những thứ không thể nào đánh cắp hay cưỡng đoạt.