Kỷ niệm 10 năm ra đời tập san "Tổ Quốc": Gian nan vì "Tổ Quốc" (Nguyễn Thanh Giang)

Cái khó là phải tìm sao cho được chỗ dựa vững chắc từ bên ngoài để vừa có kinh phí, vừa không bị đánh sập trang mạng. Tôi đã liên hệ với bốn năm địa chỉ nhưng cuối cùng đã chọn ông Nguyến Gia Kiểng và Tập hợp Dân chủ Đa nguyên làm cộng sự. Rõ ràng đây là sự chọn lựa rất chính xác. Nhờ vậy mà tờ báo còn tồn tại được đến ngày nay với uy tín ngày một cao. (Nguyễn Thanh Giang)


Tôi tuy là một trong những người đầu tiên dấn thân vào con đường dân chủ sau Phong trào Nhân Văn – Giai phẩm nhưng tôi chưa hề có ý đồ cầm đầu tổ chức. Một vài anh em trẻ gặp riêng đề nghị tôi làm thủ lĩnh cho họ. Sau khi hình thành khối 8406, Linh mục Nguyễn Văn Lý ba lần gọi điện yêu cầu tôi nhận lãnh trách nhiệm đứng đầu tổ chức này, tôi đều từ chối. Một tham tán chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ và mấy nhà báo Phương Tây hỏi sao tôi không có tổ chức nào? Tôi trả lời: “Tôi không có riêng một tổ chức để được là người của tất cả các tổ chức”. Mãi sau này, khi đã già, tôi mới ghi tên tham gia Hội Nhà báo Độc lập và Văn đoàn Độc lập như một thành viên (rất nhỏ bé).

Thú thật là tôi cũng đã từng có mưu đồ tổ chức nhưng phần vì không có cơ duyên, phần quyết tâm chưa cao nên không thành. Mấy lần tự tìm đến ông Võ Văn Kiệt đều bị ngăn trở. Có lần tôi đã được cụ Nguyễn Hộ sai con gái đèo xe máy đến tận nhà ông ở 16 Tú Xương thì ông lại đi vắng.

Bây giờ thì không mấy ai còn nhìn nhận tôi, nhưng mươi năm trở về trước uy tín của tôi đối với thế giới bên ngoài kể cả trí thức và chính phủ các nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài có thể là khá cao. Nếu tôi trợ tá cho ông Võ Văn Kiệt đứng lên phục hoạt Đảng Lao động Việt Nam thì hầu như chắc chắn Đảng của chúng tôi sẽ cạnh tranh lành mạnh để áp đảo hoàn toàn Đảng Cộng sản Việt Nam. Được như vậy thì, hơn cả “cách mạng nhung”, Việt Nam có thể đã thực hiện thành công cuộc “cách mạng lụa”.

Nhẽ ra tôi không nện tự bạch một cách ngô nghê điều trên đây vì nó chỉ làm tôi vừa ân hận, vừa xấu hổ mà độc giả thì cho là nhảm nhí, huyễn hoặc. Phải cỡ như Đặng Dung mới vạch được lên trời câu thán “Vận khứ anh hùng ẩm hận đa” chứ!

Tôi chủ trương kiên-trì-cải-tạo-nhận-thức-xã-hội, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. Chuyên chính vô sản kiểu Trung Quốc, Việt Nam … rất khó hình thành một “Gorbachov”. Những cái mầm Triệu Tử Dương, Trần Xuân Bách, Trần Độ … đều bị triệt hạ khi chưa kịp nhú khỏi mặt đất. Nếu làm tốt việc cải tạo nhận thức xã hội thì hoặc là, ta sẽ tạo ra được “Một nửa Gorbachov nằm trong Bộ Chính trị, một nửa Gorbachov ở các lực lượng đối kháng”, như sự ghép nối giữa ông Võ Văn Kiệt và tôi. Hoặc là, quần chúng từ tự phát tiến lên tự giác liên kết lại mạnh mẽ để trở nên hùng hậu như cuồng phong, như sóng thần cuốn phăng ngai vàng đang ngự trị chế độ lạc hậu đến mức đã trở thành phản động. 

Dù chủ trương kiên-trì-cải-tạo-nhận-thức-xã-hội có bị quy tội “Diễn biến hòa bình” thì tôi vẫn công khai xác nhận mình là một trong nhứng chiến sỹ hàng đầu trong mặt trận ấy, ngay cả khi đang nằm trong tù:

DIỄN BIẾN HÒA BÌNH, HÓA GIẢI BẦY ĐOM ĐÓM

Họ bảo ta cầm đèn chạy trước ôtô
Ta đâu lú lẫn và ngây ngô
Học hành chưa được vài mủng chữ.
Không hơn Chí Phèo, Thị Nở
Vỗ ngực xưng giai cấp tiền phong
Chễm chệ ngồi lên đầu nhân dân.

Ôi Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông
Các ngài giỏi hơn phù thủy
Biến những nông dân chất phác hiền lành
Thành đồ tể
Nặn ra mấy ông giáo sư, tiến sỹ
Bỏ mặc đất nước khổ nghèo
Hì hục xây “Kinh tế thị trường định huớng xã hội chủ nghĩa”
… Định hướng vào cái rọ
Bắc Triều!

Ta không cầm đèn
Ta cầm trí tuệ nhân dân
Sáng rực hào quang
Hóa giải bầy đom đóm
Và tiến lên, diễn biến hòa bình

   Trại giam B14, tháng 3- 1999
    Nhà riêng sau Hội nghị TW4  

Tôi đã viết và tán phát vài bốn nghìn trang chính luận, nhưng cần thiết hơn, tôi thấy nhất thiết phải có được những tờ báo dù lọt thỏm giữa rừng báo của Đảng nhưng là những nụ hoa thơm phản ánh cho được “Suy tư và Ước vọng” của nhân dân, của đất nước chứ không chỉ có những tờ báo áp đặt ý chí của Đảng. Tôi bắt tay xây dựng tờ Tập san Tổ Quốc. Để bảo toàn tính mạng đặng có thể tồn tại mà thực hiện dự định, tôi không thể không “thủ đoạn”. Tôi gặp gỡ trực tiếp hoặc thư tín bí mật với từng người để mời đứng tên trong Hội đồng Sáng lập và Ban Biên tập. Đối với những người trong nước tôi đề nghị nếu bị công an tra vấn thì cứ bảo có nhận được lời mời từ đâu đó nhưng còn lưỡng lự chưa chính thức nhận thì đã bị ghi tên, tuy nhiên đừng tuyên bố công khai rằng bị ai áp đặt và đừng tuyên bố ly khai là được. Công an gặp từng người và khủng bố rất dữ dội nhưng hầu hết đều giữ được giao ước, ngoại trừ trường hợp ông Đặng Văn Việt. 

Cái khó là phải tìm sao cho được chỗ dựa vững chắc từ bên ngoài để vừa có kinh phí, vừa không bị đánh sập trang mạng. Tôi đã liên hệ với bốn năm địa chỉ nhưng cuối cùng đã chọn ông Nguyến Gia Kiểng và Tập hợp Dân chủ Đa nguyên làm cộng sự. Rõ ràng đây là sự chọn lựa rất chính xác. Nhờ vậy mà tờ báo còn tồn tại được đến ngày nay với uy tín ngày một cao.

Bản giao ước sau đây đã được thỏa thuận nhanh chóng:

GIAO ƯỚC GIỮA NHŨNG NGƯỜI LÀM TẬP SAN “TỔ QUỐC”

1 –  Cấu trúc nhân sự tập san TỔ QUỐC gồm 3 bộ phận:

a) Hội đồng Cố vấn gồm: Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Hộ, Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín;

b) Thường trực Tòa soạn: Trương Nhân Tuấn, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Thanh Giang, Phan Thế Hải, Nguyễn Chính Kết và những người khác theo nhu cầu.(Đề nghị ghi rõ tên luôn)

c) Ban biên tập: Nguyễn Phương Anh, Phạm Hồng Đức, Phan Thế Hải, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Chính Kết, Trần Lâm, Tuệ Minh, Lê Chí Quang, Vũ Cao Quận, Trương Nhân Tuấn, Đặng văn Việt, Phạm Việt Vinh.

Cả ba bộ phận đều có thể thay đổi theo quyết định chung.

2 –  Hội đồng cố vấn và Ban Biên tập đăng trên mặt báo, thường trực tòa soạn không đăng

3 –  Phân nhiệm:

–  Hội đồng Cố vấn có nhiệm vụ lo cho Tập san có chất lượng, giữ cho Tập san đúng tôn chỉ, mục đích.

–  Thường trực tòa soạn lo cho Tập san có đủ bài vở để duy trì Tập san lâu dài. Thiết kế Tập san. Phát hành Tập san theo 3 hình thức: Đưa lên Web; gửi tối đa cho các địa chi Email; tổ chức một số trung tâm tán phát ở trong nước: lấy Tập san từ mạng xuống, photocopy để tán phát.

–  Ban biên tập: viết bài, đặt người viết bài để gửi cho Thường trực Toà soan, tham gia biên tập bài vở.

4 – Tổ Quốc đăng bài của tất cả tác giả trong và ngoài nước, thuộc tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật nhưng không đăng những bài cổ vũ bao lực, kêu gọi lật đổ chính quyền, những ý kiến chỉ trích phê phán quá nặng nề, thô bạo, kể cả đối với các nhà cầm quyền ở Việt Nam hiện nay và ông Hồ Chí Minh.

5 – Các vấn đề quyết định liên quan đến Tổ Quốc tuân theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, theo biểu quyết chung của các thành viên thuộc cả ba bộ phận

6 – Mỗi số Tập san được lên khuôn chậm nhất 3 ngày trước khi phát hành, đưa trình Hội đồng Cố vấn và Ban Biên tập để tiếp nhận ý kiến bổ sung, sửa đổi. Báo chỉ được phát hành khi có ý kiến xét duỵệt cuối cùng của Nguyễn Thanh Giang, thay mặt các thành viên trong nước. Trong trường hợp Nguyễn Thanh Giang vắng thì ban cố vấn và ban biên tập sẽ biểu quyết một người thay thế.

7 – Trong trường hợp một số thành viên từ nhiệm hoặc bị ngăn trở, những thành viên còn lại phải tiếp tục thực hiện và phát hành Tập san phù hợp với giao ước này.
*
Tập san Tổ Quốc số một ra mắt độc giả ngày 15 tháng 9 năm 2006. Chỉ là sự tình cờ nhưng linh diệu sao khi đúng nửa thể kỷ trước, 15 tháng 9 cũng là ngày chào đời của tờ Nhân Văn đầu tiên của nhóm Nhân Văn Giai phẩm. Phải chăng “Tổ Quốc” là “Nhân Văn” phục sinh? Cùng với tờ “Tự do Ngôn luận”, bán nguyệt san “Tổ Quốc” là một trong hai tờ báo đầu tiên của Phong trào Dân chủ Việt Nam sau Nhân Văn Giai phẩm. Ít năm sau đó nở rộ những “Ba Sàm”, “Bauxite Việt Nam”, “Tễu”, “Phạm Viết Đào”, “Trương Duy Nhất”, “Bùi Văn Bồng”, “Bà Đầm Xòe”, “Văn Việt”, “Việt Nam Thời báo” …

Dư luận trong nước và thế giới xôn xao chào mừng sự xuất hiện của “Tổ Quốc”. Nhiều trang web đăng bài RFA phỏng vấn tôi ngày 22 tháng 9 năm 2006:

MỘT TỜ BÁO ĐỐI LẬP VỪA PHÁT HÀNH Ở VIỆT NAM

Một tờ báo đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam được tán phát ở trong nước với lập trường phản ánh “suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam”. Tập san Tổ Quốc ra mắt độc giả số đầu tiên vào ngày 15-9 vừa qua.

Nhìn về lịch sử, 50 năm trước, vào ngày 15-9-1956, tập san Nhân Văn Giai Phẩm ra đời đánh dấu sự kiện phản kháng của văn nghệ sĩ miền Bắc. 50 năm sau cái mốc 15-9 đó, tập san Tổ Quốc chính thức ra đời. Mời quí vị theo dõi cuộc trao đổi của Việt Hùng với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là một trong những người thuộc nhóm chủ trương.

Xóa bỏ ngăn cách, hận thù

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Việc xuất hiện bán nguyệt san thông tin và nghị luận Tổ Quốc có lẽ là do yêu cầu nội tại của đất nước Việt Nam hiện bây giờ. Tờ báo Tổ Quốc tự nhận thấy trách nhiệm của mình cố gắng hướng tới để mà xóa bỏ mọi ngăn cách, mọi hằn thù trước đây do chính kiến khác nhau, do ý thức hệ khác nhau, do thành phần giai cấp khác nhau rồi để đóng góp phần nhỏ vào việc xây dựng một con người Việt Nam mới có tri thức về khoa học, về chính trị……

Việt Hùng: Bên cạnh đó chúng tôi cũng ghi nhận thành phần Ban biên tập xuất hiện những tên tuổi của một số nhà dân chủ tại Việt Nam?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Trong Ban biên tập và trong Hội đồng cố vấn xuất hiện những tên tuổi như là ông Nguyễn Minh Cần, cựu Ðại tá Phạm Quế Dương, cụ Nguyễn Hộ, cụ Nguyễn Hộ là một cách mạng lão thành, trước đây từng là người thành lập Câu lạc bộ kháng chiến, rồi một lý luận gia ở nước ngoài là ông Nguyễn Gia Kiểng, rồi Ðại tá Bùi Tín, một nhà báo nổi tiếng từng là Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân của đảng Cộng sản Việt Nam.

Về Ban biên tập có tên tuổi của những nhà dân chủ trẻ tuổi rất thông minh, năng động như Nguyễn Phương Anh, Tuệ Minh và cũng có những cụ lão thành từng nổi tiếng nữa như cụ Ðặng Văn Việt, từng là “con hùm xám đường 4” và bây giờ người ta nói trong thế hệ làm nên Ðiện Biên Phủ còn lại hai người được đặc biệt giỏi quân sự Pháp kính trọng, thứ nhất là Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và thứ hai là ông Ðặng Văn Việt, rồi còn có cả Luật sư Trần Lâm…

Một thành phần như vậy chứng tỏ có nhiều chính kiến khác nhau, cho nên từ đấy tờ Tổ Quốc tuyên bố rằng, họ không thuộc một đảng phái, không thuộc một ý thức hệ chính trị nào cả mà đây thực sự là vì nhân dân, vì tổ quốc, đây là tiếng nói cất lên từ suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam.

Cái ước vọng tha thiết nhất của nhân dân Việt Nam ngày nay là tự do và dân chủ, bởi vì có tự do dân chủ thì mới có thể khai thác được mọi ý kiến, mọi sáng kiến, tận dụng được mọi khối óc trái tim để xây dựng một đất nước dân giàu nước mạnh, có xã hội công bằng và văn minh.

Đảng CSVN cũng ra báo Tổ Quốc

Việt Hùng: Nhưng thưa Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Bộ Văn hóa Thông tin cũng có một tờ báo gọi là Tổ Quốc, như vậy dư luận có thể hiểu như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Cái ngày ra đời của bán nguyệt san Tổ Quốc này lại trùng với ngày ra đời của báo Nhân Văn Giai Phẩm đúng cách đây một nửa thế kỷ. Sau đúng nửa thế kỷ thì tờ Tổ quốc cũng xuất hiện, như vậy tờ Tổ Quốc sẽ mang sứ mệnh đấu tranh cho việc dân chủ hóa đất nước.
Một sự kiện thứ hai, không biết là tình cờ hay đây là sự tranh đua với nhau mà bán nguyệt san Tổ Quốc của chúng tôi xuất hiện ngày 15-9 thì bốn ngày sau đó, ngày 19-9 cũng xuất hiện tờ báo điện tử mang tên Tổ Quốc của Bộ Văn hóa Thông tin ra đời.

Tôi cho rằng, dù sự canh tranh hay tình cờ nào đấy có lẽ sẽ góp phần tăng thêm trách nhiệm và uy tín cho bán nguyệt san Tổ Quốc này ở chỗ là có dịp để người ta so sánh tiếng nói ở đây với tờ Tổ Quốc của Bộ Văn hóa Thông tin….

Trích Hồi ký: Người đội số phận