Nói người Hồng Kông ‘tự đập nồi cơm’, thầy giáo Việt gây bão mạng (VOA)

Người dân Hong Kong không hề 'tự đập nồi cơm' của họ mà ngược lại họ đang tranh đấu để bảo vệ 'nồi cơm' của họ và con cháu họ. 'Nồi cơm' của người Hong Kong lớn hơn 'nồi cơm của thầy Vũ Khắc Ngọc' rất nhiều. Hong Kong chỉ hơn 7 triệu người nhưng GDP của họ là 430 tỉ USD (gấp đôi VN với 96 triệu người) và thu nhập đầu người hơn 58.000 USD (lớn hơn hàng chục lần so với thu nhập của người VN là 2600 USD). Ngoài cơm ăn áo mặc hàng ngày thì người dân Hong Kong còn tranh đấu để bảo vệ phẩm giá và quyền làm người của mình như quyền tự do ngôn luận, tự do ứng cử và bầu cử, tự do kết hợp...Trí thức VN không ít người vục đầu vào đống cát rồi phán như thánh. Trường hợp thầy Ngọc 'đã ngu còn đòi dạy đời' nên bị chửi là đương nhiên.


Một thầy giáo Việt Nam nổi tiếng trên mạng xã hội mới đây gây ra nhiều tranh cãi sau khi bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân với hàm ý chế giễu các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Vào sáng 17/8, trên trang Facebook có tới xấp xỉ 174.000 người theo dõi, thày Vũ Khắc Ngọc, 33 tuổi, chia sẻ đường link một bản tin về sinh viên Hồng Kông biểu tình, và viết: “Các thanh niên Hồng Kông đang tự phá hủy nồi cơm của chính mình, dưới sự kích động từ bên ngoài”.

Thầy giáo nổi tiếng với các bài giảng môn hóa học miễn phí qua YouTube viết thêm rằng rất nhiều bên ở Việt Nam cũng đang “theo dõi sát sao” những diễn biến này vì “nó mang theo rất nhiều bài học”. Bài viết của thầy Ngọc nhận được hơn 600 phản ứng yêu, thích.

Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, một lãnh thổ của Trung Quốc, bắt đầu nổ ra từ cuối tháng 3 năm nay, với mục đích ban đầu của người dân là phản đối dự luật dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc xét xử. 

Sau đó, các cuộc biểu tình kéo dài đến nay, trở thành một thách thức trực tiếp đối với chính quyền thành phố Hồng Kông khi người biểu tình đòi hỏi được hưởng dân chủ hoàn toàn.
Ngay sau khi đăng bài và trong những ngày kế tiếp, thầy Ngọc, hiện công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhận được vô số lời chỉ trích từ nhiều người sử dụng mạng xã hội, trong đó là những Facebooker có nhiều ảnh hưởng.

Blogger Dương Quốc Chính, cây viết quen thuộc trên các trang Dân Luận và Tiếng Dân, đăng một bài trên trang Facebook cá nhân cho rằng lối tư duy như thầy Ngọc là “phổ biến ở các nước toàn trị” và “đa số dân Việt Nam cũng nghĩ như thầy”.

Nguyên nhân sâu xa, theo blogger này, là trái với các nước dân chủ, tự do, nơi con người được hưởng nền giáo dục khai phóng, Việt Nam có cái mà ông Chính gọi là “nền giáo dục ngu dân”, nên người dân “không hiểu thế nào là tự do, dân chủ”.

Với nền tảng như vậy, vẫn theo lập luận của ông Chính, người dân Việt Nam thậm chí hiểu tự do, dân chủ “đồng nghĩa với bạo loạn, lật đổ, khủng bố...” Vấn đề càng trầm trọng với việc chính quyền trong nước “ra sức tuyên truyền nhồi sọ dân qua báo đài là dân chủ đồng nghĩa với bất ổn, biểu tình là phá hoại”, blogger Dương Quốc Chính viết, và khẳng định “Thầy Ngọc này cũng là nạn nhân bị nhồi sọ mà thôi”. 

Trong cùng bài viết, ông Chính phân tích rằng mặc dù các cuộc biểu tình đang diễn ra có làm Hồng Kông bị thiệt hại kinh tế trong thời gian trước mắt, nhưng đó là sự đánh đổi mà người dân xứ xở này chấp nhận để đòi duy trì “thể chế tự do như thời thuộc Anh” và đó mới là “lợi ích dài lâu”. 

Ông đưa ra thêm lập luận để chứng minh cho quan điểm của mình: “Hồng Kông được như ngày nay chính là do được hưởng tự do, đặc biệt là tự do kinh tế từ thực dân Anh. Nếu Hồng Kông bị Trung Quốc kìm hãm, xóa bỏ dân chủ và tự do, thì kinh tế Hồng Kông mới suy giảm bền vững. Vậy người dân Hồng Kông đi biểu tình chính là bảo vệ nồi cơm của mình chứ không phải là lật đổ nồi cơm đâu”.

Nhận xét về ý kiến thày Ngọc bày tỏ hôm 17/8, ông Chính viết: “Biểu tình là việc cần thiết và đương nhiên, nhất là với thể chế dân chủ. Lấy nhãn quan dưới đáy giếng của công dân 1 nước toàn trị, để chỉ trích biểu tình ở 1 lãnh thổ tự do, dân chủ, là 1 biểu hiện thiểu năng trí tuệ”.

Bài viết của ông Chính nhận được hơn 1.200 phản ứng yêu, thích, và được 203 người chia sẻ.
Phần nào đồng quan điểm với ông Chính, luật sư Lê Luân, người thường lên tiếng cổ súy cho dân chủ, tiến bộ xã hội, viết trên trang cá nhân của mình rằng việc thày giáo Ngọc thay vì nói đến biểu tình như là “một quyền chính trị”, lại chỉ nói tới “cái nồi cơm” cho thấy đó là “cách nhìn của một con ếch dưới đáy giếng”.

Lưu ý rằng Hồng Kông là một vùng có thu nhập cao nhất châu Á, ông Luân khẳng định việc giới trẻ nói riêng, người dân Hồng Kông nói chung xuống đường là vì “họ nhìn thấy tai hoạ trong tương lai đang đe doạ tới họ và con cháu họ”, khi mà với điều kiện kinh tế hiện nay, họ “không còn phải bận tâm về cái niêu cơm trực quan hữu hình” như thầy Ngọc nói đến.

Trong con mắt của luật sư Luân, thày giáo Ngọc “chỉ cần miếng ăn chứ không cần hiểu hoặc biết tới những giá trị làm người khác - những quyền chính trị cơ bản của con người”.

Võ sư, nhà văn Đoàn Bảo Châu, một người ủng hộ dân chủ tiến bộ có 110.000 người theo dõi qua Facebook, nói ý kiến của thầy Ngọc là “phán bừa” trong tình trạng “thiếu thông tin. 

Ông Châu cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của thầy Ngọc đến các học sinh, thế hệ tương lai của đất nước, với câu hỏi cuối bài: “Tôi không biết cậu đã làm ô nhiễm bao nhiêu cái đầu non trẻ bằng cái tư duy hèn mọn của cậu rồi?” 

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, với trang Facebook có hơn 57.000 người theo dõi, chỉ ra rằng có sự khác biệt rõ rằng giữa một bên là thầy giáo “sinh ra và lớn lên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, được lãnh đạo bởi đảng cộng sản”, và một bên là những thanh niên Hồng Kông tuy được sinh ra và lớn lên khi lãnh thổ này đã thuộc về Trung Quốc “nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng dân chủ, được giáo dục bởi nền giáo dục của một xã hội dân chủ”.
Trong khi, người thầy ở Việt Nam chỉ lo đến khái niệm nồi cơm gói gọn trong giá trị vật chất và sự an nguy cho bản thân mình, “thể hiện một quan niệm rất hoang sơ và ấu trĩ về trách nhiệm xã hội”, thì những thanh niên trẻ Hồng Kông có một tầm nhìn khác hẳn, đó là “không ai có quyền đẩy những trách nhiệm trọng đại của xã hội, của đất nước cho thế hệ sau”, và vì vậy họ đang xuống đường để đấu tranh cho các quyền tự do, dân chủ của mình ngay lúc này, bác sĩ Sơn viết.

Ngoài các trang cá nhân nêu trên, bài viết của thầy Vũ Khắc Ngọc cũng được đưa vào thảo luận trong các diễn dàn “Bàn luận về Kinh tế-Chính trị” và “Góc nhìn Báo chí-Công dân” với nhiều lời chỉ trích thậm tệ dành cho thầy.

Dường như do áp lực từ các ý kiến đó, bài viết của thầy Ngọc đã bị xóa hoặc ẩn đi trên trang Facebook của thầy.