Hoa Kỳ thất bại về mặt ngoại giao dưới thời tổng thống Trump (Nguyễn Quốc Khải)

“Sau hơn hai năm của nhiệm kỳ đầu, một thành tích nổi bật nhất của Trump về chính sách ngoại giao là hình ảnh của Hoa Kỳ trên toàn cầu giảm xuống không ngừng và rõ rệt. Và đây là một thảm họa thực sự. Ngoại trừ Trump sau cùng sẽ bị hạ bệ vì những rắc rối về pháp luật, ông ta sẽ có thể sống cuộc đời còn lại trong an nhàn, bao quanh bởi một đoàn tùy tùng gồm những kẻ bợ đỡ, cầu cạnh, và những hèn hạ mà ông ta đã nuôi dưỡng được trong suốt cuộc đời của mình. Còn lại, chúng ta sẽ là những người sẽ phải thanh toán những phí tổn do sự đổ vỡ của một nhiệm kỳ tổng thống gây ra.” (Giáo Sư Bang Giao Quốc Tế Stephen M. Walt tại Đại Học Harvard viết trên tạp chí Foreign Policy)


Về bang giao quốc tế, dưới thời Tổng Thống Donald Trump, nổi bật nhất hiện nay là các vấn đề liên quan đến các nước Venezuela, Iran, Bắc Hàn và Trung Quốc. Bài báo sẽ lần lượt phân tích từng vấn đề này và sẽ cho thấy Tổng Thống Trump thất bại như thế nào. 

VENEZUELA

Venezuela là chuyện gần nhà nhất. Trump cố gắng nhiều tháng lật đổ Tổng Thống Nicolas Maduro. Nhưng cho tới nay, Trump đã thất bại một cách khốn khổ. Vào đầu năm nay khi lãnh tụ đối lập Juan Guaidó tự xưng là tổng thống hợp pháp của Venezuela, Hoa Kỳ đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ Guaido. 

Khi Guaido tuyên bố quân đội đang nổi dậy chống lại Maduro, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã vội vã phát biểu rằng “Hôm nay Tổng Thống Juan Guaido tuyên bố khởi đầu của cuộc giải phóng. Chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của nhân dân Venezuela tìm kiếm tự do và dân chủ. Dân Chủ không có thể bị đánh bại.” Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của quân đội không bao giờ thành sự thật. Chỉ có một số it quân đội bỏ hang ngũ đi theo phe Guaido. 

Maduro từ chối không từ chức. Chính quyền Trump hoàn toàn không biết phải làm gì vì không có sẵn một giải pháp thay thế. Các giải pháp can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ hầu như không được những quan chức liên hệ ủng hộ. Những nước trong vùng, kể cả Brazil, dù ủng hộ Guaido cũng chống lại giải pháp quân sự. Ngay cả người dân Venezuela theo Guaido cũng không đồng ý Mỹ mang quân vào. Giải pháp tăng cường cấm vận những viên chức thân cận với Maduro và công ty dầu hỏa quốc doanh Petroleos de Venezuela trên thực tế không có hiệu quả. 

Điều nghịch lý ở đây là một mặt Trump chủ trương Hoa Kỳ không nên sa lầy vào những rắc rối của nước ngoài. Một mặt, ông lại chủ trương can thiệp vào tranh chấp nội bộ của Venezuela. Sau khi thất bại ở quốc gia này, Trump than phiền rằng ông bị cố vấn sai lầm rằng lật đổ một lãnh tụ độc tài xả hội chủ nghĩa dễ dàng. 

IRAN

Bước qua Trung Đông, vấn đề nổi bật ở khu vực này là Iran. Hoa Kỳ và một số quốc gia thiết lập được một thỏa hiệp hòa bình vào 2015 với Iran về vấn đề hạt nhân dưới thời Tổng Thống Obama. Hơn một năm sau khi nhậm chức, Tổng Thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa hiệp đang hoạt động trôi chẩy. Từ ngày thỏa hiệp có hiệu lực, Iran tuân thủ các điều kiện của thỏa hiệp. Vào thời điểm Trump rút lui, không có một dấu hiệu nào cho thấy Iran đang tiến hành chương trình hạt nhân. 

Trump tăng cường áp lực với Iran bằng cách cấm vận kinh tế. Mục tiêu của Trump là muốn có một thỏa hiệp toàn diện bao gồm giới hạn mạnh hơn không những về hạt nhân, mà cả về hỏa tiễn và sự hỗ trợ của Iran đối với những nhóm dân quân như Hezbollah và Houthis. 

Sau một năm, chinh sách Iran của Trump chứng tỏ thất bại. Iran từ chối đàm phán dưới áp lực của Hoa Kỳ. Ngược lại, Iran còn thực hiện một số biện pháp chống lại Hoa Kỳ. Iran bắn rơi một phi cơ không người lái của Hoa Kỳ, phá hoại một số tầu chở dầu, nhưng không nhận là thủ phạm và đã bắt đầu không theo những giới hạn về hạt nhân đã cam kết dưới thời Obama, đẩy mạnh chương trình hạt nhân thay vì thu nhỏ lại. 

Chính Trump không muốn Hoa Kỳ can thiệp quân sự ở các quốc gia khác như ông từng tuyên bố trong thời gian tranh cử vào 2016, không có lý do gì Trump lại muốn Hoa Kỳ đổ quân vào Iran. Chính Trump một lần nữa đã công khai tố cáo rằng một số cộng sự viên diều hâu của ông muốn gây chiến tranh với Iran. 

Trump đã ra lệnh ném bom Iran để trả đũa việc Iran bắn rơi phi cơ không người lái của Hoa Kỳ, nhưng lại hủy bỏ vào phút chót vì trong phi cơ không người lái …không có người nào cả và ông không muốn gây thiệt hại sinh mạng cho công dân Mỹ. Hoa Kỳ hiện ở trong tình trạng tiến thối lưỡng nan đối với Iran và xem ra bị cô lập vì Hoa Kỳ đượng thân độc mã xé rào. 

Stephen M. Walt, Giáo Sư về bang giao quốc tế tại Harvard University nhận định rằng thay vì giữ nguyên hiệp định hạt nhân 2015 và hợp tác với các nước khác để ngăn chặn những hoạt động trong vùng của Iran, Trump đã xé bỏ hiệp định này mà không đạt được gì cả. 
 
BẮC TRIỀU TIÊN 

Nước kế tiếp là Bắc Triều Tiên ở phía Tây Thái Bình Dương, một nước cô lập với thế giới, nhưng sở hữu võ khí hạt nhân. Bắc Triều tiên đã thực hiện khoảng sáu lần thử bom hạt nhân và từng tuyên bố đã sản xuất được bom nguyên tử nhỏ cho hỏa tiễn tầm xa và đã chế tạo được hỏa tiễn đạn đạo có thể phóng tới Hoa Kỳ. Bắc Triều Tiên trở thành một mối đe dọa không những cho Hoa Kỳ, mà còn nhiều đồng minh khác như Nhật Bản và Đại Hàn. Hai bên thường xuyên đe dọa lẫn nhau. 

Vào cuối năm 2017, Hoa Kỳ đưa ba hàng không mẫu hạm nguyên tử tối tân nhất cùng với nhiều tầu ngầm, chiến hạm, phi cơ thả bom, phi cơ chiến đấu vào Biển Nhật Bản ngoài khơi Bắc Triều Tiên để tập trận cùng với Hải Quân Nhật và Nam Hàn đồng thời phô trương lực lượng trong lúc Tổng Thống Trump đến Việt Nam họp Hội Nghị Thượng Đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Á Châu và Thái Bình Dương (APEC). 

Vào đầu năm 2018, lãnh tụ Kim Jong-un của Băc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ. Trump chấp nhận lời mời và trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên. Cuộc họp diễn ra tại Singapore vào giữa năm vừa qua. Đôi bên ký một thỏa hiệp cam kết tổng quát phi hạt nhân hóa trong bán đảo Triều Tiên. 

Tới hôm nay đôi bên không đạt được một tiến bộ nào đáng kể. Hoa Kỳ muốn Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân trong khi đó Bắc Hàn muốn cấm vận xuống thang từng bước. Hai bên họp lần thứ hai tại Hà Nội vào đầu năm nay. Tương tự như lần đầu gặp ở Singapore, Trump ca ngợi Kim Jong-un là một “nhà lãnh đạo xuất chúng”. Cuộc họp ở Hà Nội thất bại vì Bắc Hàn đòi hỏi bỏ cấm vận. Trong khi đó Bắc Hàn thực hiện các cuộc thử bom hạt nhân mới để gây áp lực với Hoa Kỳ. 

Bốn tháng sau, nhân dịp đến thăm Nam Hàn sau Hội Nghị Thượng Đỉnh 20 nước tại Nhật Bản, Trump ngỏ ý muốn gặp lãnh tụ Kim Jong-un và ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bước qua vĩ tuyến 38, đặt chân lên lãnh thổ Bắc Hàn. Đôi bên hứa hẹn tiếp tục thương thảo. Sau lần gặp gỡ này Trump tuyên bố “Thật là một vinh dự rất lớn được đặt chân đến Bắc Hàn … Thật tuyệt vời được ở chung nhà với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim-Jong-un.” 

Những lời nói ngon ngọt của Trump không khiến Kim Jong-un mủi long và thay đổi chương trình hạt nhân. Vào hai ngày 25 và 31 tháng 7, Bắc Hàn đã bắn thử tên lửa tầm ngắn vào biển Nhật Bản. Loại tên lửa này bay thấp, có khả năng biến đổi hành trình, khó có thể ngăn chặn và có thể phóng tới bất cứ phần đất nào của Nam Hàn và một phần Nhật Bản. 

Những cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây nhắm vào hai mục tiêu: giải tỏa cấm vận và chống lại cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn bình thường dự trù trong tháng 8. Tổng Thống Trump xem các cuộc thử nghiệm tên lửa không quan trọng và một lần nữa ngỏ ý muốn tiếp tục cuộc đàm phán về chương trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. 

TRUNG QUỐC - CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI

Hoa Kỳ hiện phải đối đầu với Trung Quốc không phải một mà hai vấn đề: chiến tranh thương mại và Biển Đông. 

Chiến Tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay đang hoàn toàn bế tắt một cách thảm hại. Đàm phán thương mại sau cùng tại Shanghai vào cuối tháng 7 không đạt được kết quả nào và đã kết thúc sớm chỉ sau vọn vẻn bốn giờ họp kín. 

Ngay trước khi cuộc họp bắt đầu, Trump đánh phủ đầu Trung Quốc bằng một số tin nhắn trên Twitter tố cáo Trung Quốc bội tín, luôn luôn thay đổi đòi hỏi, chưa mua nông phẩm của Hoa Kỳ như đã cam kết. Ông còn lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc sẽ lầm nếu muốn trì hoãn cuộc thương thuyết để có thể đạt được thỏa hiệp tốt hơn sau cuộc bầu cử 2020 của Hoa Kỳ. Trump đe dọa rằng “Nếu và khi tôi thắng cử, thỏa hiệp mà họ đạt được sẽ rất khó khăn hơn là điều mà chúng ta bây giờ có thể đàm phán với nhau … hoặc là sẽ không có thỏa hiệp nào cả.” 

Ngay trước cả cuộc họp ở Shanghai, Tổng Thống Trump reo mừng về kinh tế Trung Quốc chậm lại. Ông tung ra một tin nhắn trên Twitter “Trung Quốc đang điêu đứng, tồi tệ nhất trong 27 năm qua … Trung Quốc đã mất năm triệu việc làm công nghệ vì thuế quan. Trump đã làm cho Trung Quốc ngạc nhiên, và Hoa Kỳ đang tuyệt vời.” Đồng thời cũng ông cũng đã tiên đoán rằng có thể phải đợi đến sau 2020 mới có cuộc đàm phán. 

Báo chí Trung Quốc đồng loạt chỉ trích thái độ của Trump. Phát Ngôn Viên Hua Chunying của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên án Hoa Kỳ đã làm bế tắc cuộc đàm phán. Hai bên hứa hẹn họp lại vào tháng 9 tại Washington-DC. 

Một ngày sau cuộc họp ở Shanghai, Tổng Thống Trump áp đặt 10 % thuế trên hàng nhập cảng trị giá 300 tỉ Mỹ kim từ Trung Quốc, chưa hề bị áp thuế, bao gồm phần lớn là hàng tiêu thụ và công nghệ. Thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9. Tuy nhiên trên thực tế thuế quan sẽ đánh thẳng vào hầu bao của giới tiêu thụ, cột trụ của nền kinh tế Hoa Kỳ. Theo tờ Washington Post, thuế quan 10% mới này sẽ buộc mỗi gia đình bốn người trung bình phải chi thêm $350 / năm, công vào chi phí $850 / năm do những thuế quan Trump đã áp đặt trước đây trên các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Trump nhiều lần yêu cầu Trung Quốc nhập cảng nông phẩm của Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc lần lữa chưa làm. Nay bị Trump áp đặt thêm thuế 10%, Trung Quốc không có lý do để thỏa mãn nhu cầu của Trump. Nông dân Hoa Kỳ tiếp tục điêu đứng vì không bán được nông phẩm. Trong khi đó Trung Quốc tăng cường mua đậu nành của Brazil và Argentia và lúa mì của Nga. 

Trump đã phải cứu trợ nông dân Hoa Kỳ bằng cách trợ cấp tiền mặt, một hình thức an sinh xã hội, cho nông dân. Trump đã tháo khoán 4.7 tỉ Mỹ kim cho nông dân vào 9/2018 và lần thứ hai 7.7 tỉ Mỹ kim vào 2/2019. Gần đây Trump đã tuyên bố trợ giúp thêm cho nông dân 16 tỉ Mỹ kim lấy từ tiền thuế áp đặt trên hàng Trung Quốc mà giới tiêu thụ Mỹ nói chung phải trả. Trên thực tế, Trump đã dùng tiến thuế này để duy trì long trung thành của nông dân. Trong khi đó Trump và Đảng Cộng Hòa đang tìm cách giảm phiếu thực phẩm và các chương trình an sinh xã hội để đối phó với tình trạng ngân sách quốc gia thiếu hụt gia tăng. 

Thiếu hụt ngân sách quốc gia vào tài khóa cuối của Tổng Thống Obama là 587 tỉ Mỹ kim, Con số này đã tăng từ 665 tĩ Mỹ kim vào tài khóa 2017 lên đến 990 tỉ Mỹ kim vào 2020 theo Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office). Nợ công cũng gia tăng tổng cộng 4.1 ngàn tỉ Mỹ kim tính đến 2029 kể từ ngày ông Trump lên làm tổng thống. Trong khi tranh cử ông đã hứa sẽ loại trừ nợ công trong tám năm. 

Những con số thống kê trong hơn một năm qua đã cho thấy rõ rằng người dân tiêu thụ Hoa Kỳ phải trả hầu hết những thuế nhập cảng, không phải là những công ty Trung Quốc như Tổng Thống từng tuyên truyền sai sự thật. Áp đặt thêm thuế nhập cảng cũng không thay đổi được thực tế này. 

Chiến tranh thương mại đã làm phát triển kinh tế Hoa Kỳ vá thế giới chậm lại. Đó là một lý do chính mà Quỹ Dự Trữ Liên Bang lần đầu tiên kể từ thời kỳ kinh tế trì trệ sau cùng 2007-2009 đến nay đã quyết định giảm lãi suất xuống còn 2% - 2.25%. Trump hứa sẽ làm cho kinh tế tăng trưởng ít nhất 3% hoặc cao hơn. Thực tế cho thấy mức phát triển chỉ đạt được 2.4% và 2.9% vào 2017 và 2018. Con số của hai tam cá nguyệt đầu của 2019 là 3.1% và 2.1%. Mức phát triển kinh tế của tam cá nguyệt thứ ba dự đoán sẽ tiếp tục đi xuống tới mức 1.7% theo Macroeconomic Advisers, một công ty nghiên cứu độc lập. 

Cán cân thương mại (xuất cảng - nhập cảng) hàng hóa của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc không giảm mà còn tăng trong hai năm qua mặc dù Trump đánh thuế trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Thật vậy, nhập xiêu trong 2016 – 2018 lần lượt là 346.9 ti Mỹ kim, 375.6 tỉ Mỹ kim, và 419.2 tỉ Mỹ kim. Chính một phần vì vậy mà mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của Hoa Kỳ giảm. 

TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Vấn đề thứ hai với Trung Quốc là Biển Đông. Trump xem ra không coi vấn đề này quan trọng bằng chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Từ ngày Trung Quốc cho tầu thăm dò dâu khí Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương 8) đến Bãi Tư Chính, nằm trong đặc khu kinh tế của Việt Nam, Tổng Thống Trump, Phó Tổng Thống Pence, Bộ Trưởng Ngoại Giao Pompeo đều giữ yên lặng. Chỉ có phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố “Hoa Kỳ cương quyết chống lại sự áp bức và hăm dọa bởi bất cứ nước nào để giành lãnh thổ hay lãnh hải. Trung Quốc cần phải chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế những hành động gây hấn và tạo bất ổn.”

Hoa Kỳ vẫn duy trì chủ trương không can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền, nhưng đã nới rộng chính sách đó với sự ủng hộ quyền khai thác hợp pháp tài nguyên thiên nhiên của các nước ở Biển Đông, đặc biệt trong khu vực đặc khu kinh tế (exclusive economic zone - EEZ).

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tuyên bố tại Manilla rằng Hoa Kỳ ủng hộ quyền của các quốc gia khai thác tài nguyên thiên nhiên trong đặc khu kinh tế. Tác giả bài báo này nghĩ rằng đây cũng là lợi ích của Hoa Kỳ vì các công ty Hoa Kỳ có thể tham gia những dự án khai thác dầu khí với những nước trong vùng Biển Đông. Nếu chiến lược về Biển Đông của Hoa Kỳ theo khuynh hướng này, thì đây sẽ là một điểm tích cực trong chinh sánh ngoại giao của Hoa Kỳ.

KẾT LUẬN

Phần đông những nhà phân tách đều nghĩ rằng Trump không am tường về ngoại giao và dường như Trump cũng thú nhận như vậy. Vào cuối năm 2016, sau khi thắng cử tổng thống, Trump công khai tiếp nhận một cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tổng Thống Đài Loan Tsai Ing-wen. Ít lâu sau Trump nói rằng ông không hiểu chính sách “Một Nước Trung Hoa.” 

Mason Richey, một nhà bình luận, nhận xét rằng Trump không có một chính sách ngoại giao, mà chỉ có một vài khái niệm thô thiển ở trong đầu, như đòi hỏi thành viên của Khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương chia sẻ gánh nặng quốc phòng hay giảm bớt chênh lệch cán cân thương mại. Tôi nghĩ đó là lý do chính làm cho Trump thất bại về mặt ngoại giao. Từ những khái niệm đó thiết lập mục tiêu và đặt kế hoạch thực hiện là cả một chặng đường dài. 

Lý do thứ hai là Trump không có đủ những nhà ngoại giao tài giỏi chuyên nghiệp. Trump dùng cả con gái và con rể, những người không đủ khả năng làm cố vấn. Trump chỉ thích mướn những người trung thành hơn là người có khả năng. Chính Trump đề nghị cắt giảm ngân sách ngoại giao đáng kể vì ngân sách liên bang thâm thủng, nhưng rất may là Quốc Hội Hoa Kỳ đã không chấp thuận. Tuy nhiên nhiều viên chức ngoại giao với nhiều năm kinh nghiệm đã ra đi. 

Lý do thứ ba là Trump có những quyết định vội vàng và không chuẩn bị những giải pháp thay thế. Đó là những trường hợp rút ra khỏi Hiệp Định Paris Về Thay Đổi Khí Hậu và Thỏa Hiệp Iran về Hạt Nhân. 

Tai hại hơn cả là quyết định đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Định Hợp tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ vài ngày sau khi nhậm chức tổng thống. Đây là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng. 

TPP là một thành quả đáng kể sau bẩy năm chuẩn bị cùng với chính sách xoay trục về Á châu dưới thời Tổng Thống Obama. TPP là một hiệp định đa phương có lợi cho kinh tế Hoa Kỳ về nhiều phương diện và củng cố vai trò chiến lược của Hoa Kỳ ở Á Châu. TPP cùng với EVFTA tạo một sức mạnh để có thể thương thuyết về các vấn đề như trợ cấp, chuyển giao kỹ thuật, bảo vệ tài sản trí tuệ, cạnh tranh công bằng và hối suất mà nay không có TPP Hoa Kỳ đang phải đương đầu một mình với Trung Quốc. 

Rút ra khỏi TPP trực tiếp tăng cường vị thế của Trung Quốc và làm mất niềm tin của những nước đồng minh. Và cũng chính vì không là thành viên của CP-TPP (Comprehensive and Progressive TPP). một CPP không có Hoa Kỳ, mà nông dân Hoa Kỳ khổ sở không bán được nông phẩm cho Nhật Bản.

Để kết thúc bài báo này, người viết xin mượn nhận định của Giáo Sư Bang Giao Quốc Tế Stephen M. Walt tại Đại Học Harvard viết trên tạp chí Foreign Policy mà tôi thấy có đủ thẩm quyền để phê phán Tổng Thống Trump một cách thẳng thắn và chính xác:

“Sau hơn hai năm của nhiệm kỳ đầu, một thành tích nổi bật nhất của Trump về chính sách ngoại giao là hình ảnh của Hoa Kỳ trên toàn cầu giảm xuống không ngừng và rõ rệt. Và đây là một thảm họa thực sự. Ngoại trừ Trump sau cùng sẽ bị hạ bệ vì những rắc rối về pháp luật, ông ta sẽ có thể sống cuộc đời còn lại trong an nhàn, bao quanh bởi một đoàn tùy tùng gồm những kẻ bợ đỡ, cầu cạnh, và những hèn hạ mà ông ta đã nuôi dưỡng được trong suốt cuộc đời của mình. Còn lại, chúng ta sẽ là những người sẽ phải thanh toán những phí tổn do sự đổ vỡ của một nhiệm kỳ tổng thống gây ra.”

8.8.2019

https://www.facebook.com/khai.nguyen.US/posts/2399011800154206