Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông (Tuần Viet Nam)
Chính giới
Trung Quốc đã lồng ghép vấn đề Biển Đông vào mục tiêu trăm năm, coi đó
là việc triển khai thực hiện giấc mộng Trung Hoa. Nước này thậm chí còn
đưa vấn đề chủ quyền và lợi ích trên biển thành một trong những lợi ích
cốt lõi của Trung Quốc, tương tự như vấn đề Đài Loan, Tân Cương và Tây
Tạng. Tần suất Trung Quốc đưa ra lời khẳng định các đảo ở Biển Đông
thuộc về mình từ ngàn đời đang không ngừng tăng lên. (Nguyễn Trường
Giang)
Biển Đông được xác định là con
đường sinh mệnh của nền kinh tế Trung Quốc, giúp kết nối Trung Quốc với
125 nước và vận chuyển 3/4 lượng dầu nhập khẩu vào nước này.
Tuần
Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei,
nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Nguyễn Trường
Giang nói tại CLB Cafe Số gần đây về mưu đồ chiến lược của Trung Quốc
tại Biển Đông.
Thứ nhất, lợi ích
của Biển Đông là về vấn đề kinh tế, đầu bảng là tài nguyên dầu khí, sau
đó là băng cháy. Khu vực Đông Nam Á có lượng băng cháy cực lớn. Đây là
nguồn năng lượng của tương lai, có thể sử dụng trong nhiều thế kỷ, theo
tính toán sơ bộ là khoảng 800 năm tới.
Việt Nam là một trong những
quốc gia sở hữu lượng băng cháy tương đối lớn. Chúng ta có khoảng 2.400
tỷ mét khối băng cháy, là quốc gia có thứ hạng ở Châu Á về loại tài
nguyên này. Đây là nguồn năng lượng tuyệt vời. Do đó, Trung Quốc nhìn
vào nguồn băng cháy như một loại tài nguyên thay thế cho dầu khí đang
dần trở nên cạn kiệt.
Thứ hai, Biển Đông được xác định là một trong 4 khu vực đánh cá chủ yếu của ngư dân Trung Quốc.
Thứ ba,
Biển Đông cũng được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tế
Trung Quốc. Trong số 27 tuyến vận tải của Trung Quốc, 17 trong số đó nằm
ở Biển Đông. Biển Đông giúp kết nối Trung Quốc với 125 nước và vận
chuyển 3/4 lượng dầu nhập khẩu vào nước này.
Về an ninh quốc
phòng, đây là một bức trường thành tự nhiên trên biển. Biển Đông như một
vành đai quân sự, phòng thủ, là rào cản an ninh để ngăn chặn những rủi
ro và uy hiếp từ bên ngoài.
Về mặt địa chiến lược, Trung Quốc xác
định Biển Đông như sân sau, nơi tập dượt của hải quân Trung Quốc để tiến
ra thế giới bên ngoài.
Biển Hoa Đông ở phía đông Trung Quốc quá
nông, lại có một đối thủ khó nhằn là Nhật Bản án ngữ phía ngoài. Còn đối
với Biển Đông, vùng biển này rộng 3,4 triệu km2, độ sâu trung bình là
1.400 mét và có rất nhiều rãnh sâu. Đây là địa điểm tuyệt vời cho sự
hoạt động của các loại tàu ngầm.
Muốn thành bá chủ toàn cầu, Trung
Quốc phải trở thành cường quốc trên biển. Điều này chỉ có thể thực hiện
được ở Biển Đông, vùng biển mà xung quanh đó toàn các quốc gia nhỏ bé.
Về mặt địa chiến lược, đây là cửa ngõ duy nhất, là bàn đạp để Trung Quốc
đi ra thế giới bên ngoài. Do vậy, trong cái nhìn đại chiến lược của
người Trung Quốc, Biển Đông có lợi ích sống còn.
Trung Quốc sắp đặt Biển Đông trong chiến lược an ninh - phát triển như thế nào?
Từ
các văn kiện Đại hội Đảng, chương trình nghị sự của chính phủ và thông
tin chính thức từ phía Trung Quốc, nước này xác định Biển Đông là một
phần quan trọng, cũng là điểm khởi đầu cho con đường tơ lụa trên biển.
Con đường này là trọng tâm của sáng kiến Vành đai - Con đường. Sáng kiến
này là một phần của giấc mơ chấn hưng Trung Quốc.
Biển Đông là
một phần của chiến lược biến Trung Quốc thành một cường quốc biển. Một
quốc gia muốn tiến vào vị trí trung tâm quyền lực chính trị của thế giới
thì không thể không trở thành một cường quốc biển.
Chính giới
Trung Quốc đã lồng ghép vấn đề Biển Đông vào mục tiêu trăm năm, coi đó
là việc triển khai thực hiện giấc mộng Trung Hoa. Nước này thậm chí còn
đưa vấn đề chủ quyền và lợi ích trên biển thành một trong những lợi ích
cốt lõi của Trung Quốc, tương tự như vấn đề Đài Loan, Tân Cương và Tây
Tạng. Tần suất Trung Quốc đưa ra lời khẳng định các đảo ở Biển Đông
thuộc về mình từ ngàn đời đang không ngừng tăng lên.
Nguyên thủ
các quốc gia trên thế giới thường ít nói về vấn đề chủ quyền. Thay vào
đó, họ thường để cho những cơ quan có thẩm quyền lên tiếng. Tuy nhiên,
liên tiếp trong năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc đã 3 lần phát biểu câu
chuyện này ở nước ngoài, điều trước đây chưa từng có đã thể hiện sự quan
tâm đến mức tối đa của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông.
Bên
cạnh đó, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục khẳng định
rằng nước này không có gene xâm lược, không xâm phạm vào lợi ích của các
nước khác, thế nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lợi của
mình.
Năm
2021, Trung Quốc sẽ diễn ra sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng.
Cùng với các sự kiện lớn này, Trung Quốc sẽ tiến hành nhiều hành động
lớn, tình hình Biển Đông vì thế cũng sẽ liên quan đến câu chuyện này.
Trung
Quốc không đem lợi ích cốt lõi ra trao đổi, không có chuyện nhân
nhượng, thỏa thuận và từ bỏ tham vọng Biển Đông. Đây là một thông điệp
rất rõ ràng.
Chủ tịch Trung Quốc từng có một câu nói mà chúng ta
cần phải lưu ý: “Quân đội Trung Quốc triệu tập là có, đến là có thể đánh
và đánh là có thể thắng, để bảo vệ chủ quyền và các quyền liên quan ở
Biển Đông”.
Vậy vài chục năm nữa Biển Đông sẽ như thế nào?
Biển Đông đại khái sẽ thế này, lúc nóng, lúc lạnh, lúc căng thẳng lúc
hòa hoãn. Tất nhiên, chúng ta cần có những nhìn nhận đúng đắn, có những
động thái kiên quyết đối với vấn đề này.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Truyền thông Trung Quốc
Báo
chí Trung Quốc nói, những nước như Việt Nam, Phillipines, Brunei,
Malaysia... là những kẻ đang cướp đảo, cướp biển, cuớp tài nguyên của
Trung Quốc, do đó chúng ta phải thu hồi. Điều này được thực hiện bằng
chiến lược ngoại giao đi trước, hải quân đi sau, văn công vũ vệ (tiến
công bằng văn, bảo vệ bằng vũ lực).
Có những tờ báo liệt kê 6 cuộc
chiến tranh mà Trung Quốc phải đánh, một trong số đó là cuộc chiến trên
Biển Đông để thu hồi những đảo bị các nước chiếm đóng trái phép. Truyền
thông Trung Quốc là một dấu hiệu giúp Việt Nam có thể dự báo trước.
Trung Quốc đang làm gì từ năm 1949 đến nay?
1. Đưa ra các yêu sách chủ quyền và yêu sách trên biển.
2.
Thực hiện những biện pháp hành chính. Thể hiện Biển Đông và Hoàng Sa,
Trường Sa trên bản đồ, đặt tên cho các đảo, quy thuộc sát nhập Hoàng Sa,
Trường Sa và vùng biển vào lãnh thổ Trung Quốc và các đơn vị hành chính
thuộc Trung Quốc.
3. Áp đặt nội luật của Trung Quốc vào khu vực Biển Đông, coi Biển Đông thành khu vực của mình.
4.
Các hoạt động kiểm soát, khống chế và làm chủ Biển Đông trên thực địa.
Bao gồm việc từng bước thay đổi nguyên trạng của Biển Đông, tạo ra một
cục diện quân sự thuận lợi cho Trung Quốc, dần dần khống chế, kiểm soát
Biển Đông, tiến tới mục tiêu lâu dài là độc chiếm toàn diện Biển Đông.
5.
Sử dụng vũ lực. Từ năm 1956 đến nay, tất cả các bước tiến của Trung
Quốc trên Biển Đông đều là nhờ vũ lực. Trung Quốc liệu có tiếp tục sử
dụng vũ lực nữa hay không? Nếu không trả lời được câu hỏi này thì cực kỳ
nguy hiểm.
Còn nữa
Tư Giang lược ghi