Xung đột vũ trang trên Biển Đông sẽ là thảm họa (TuanVietnam)

TQ là một cường quốc nhưng vì là nước độc tài nên chính sách đối nội đối ngoại của họ rất kém cỏi. Thay vì hợp tác một cách thân thiện với các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định đồng thời nâng cao vị thế của một cường quốc thì TQ luôn tỏ ra hung hăng, cao ngạo và luôn dùng 'cây gậy' thay cho củ 'cà rốt'. Những đòi hỏi hợp tác song phương thay vì đa phương là một toan tính thâm hiểm để giành phần thắng với các yếu hơn trong khu vực. Những vấn đề tác giả nêu ra đều đúng tuy chỉ có điều xung đột trên biển Đông sẽ không xảy ra vì TQ đang đau đầu với núi nợ hơn 300% GDP. TQ chỉ hù dọa thay vì sẵn sàng cho một cuộc chiến. 


1. Cái bẫy “hợp tác cùng khai thác”qua trường hợp Philippines 

Hiện nay đang có một diện tích rộng lớn trên Biển Đông là đối tượng mà Trung Quốc coi là có tranh chấp với các nước khác xung quanh Biển Đông. 

Thứ nhất là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Maclesfield. 

Thứ hai phải kể đến vùng biển quần đảo Natuna ngay sát Indonesia, cách cực Nam của đảo Hải Nam tới trên 800 hải lý cũng bị Trung Quốc nhòm ngó khi tuyên bố rằng đây là “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc. 

Thứ ba và đặc biệt, yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chiếm trên 80% diện tích Biển Đông đã chồng lấn với yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hầu như tất cả các nước trên Biển Đông, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines. 

Nhận thức thấy không thể có được sự công nhận của các nước với các yêu sách chủ quyền rất phi lý, Trung Quốc đã đề xuất sáng kiến cùng các nước xung quanh Biển Đông “hợp tác cùng khai thác” tại các khu vực biển đang tranh chấp. Sáng kiến này được đề xuất cùng một loạt các sáng kiến hợp tác khác với mục địch nâng cao tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Bài viết này chỉ đưa ra một vài thông tin cơ bản liên quan tới cái gọi là “hợp tác cùng khai thác” trên biển của Trung Quốc qua thí dụ Philippines. 
Ngay sau khi lên chức sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016, Tổng thống mới Philippines Duterte đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận với Trung Quốc khác với người tiền nhiệm đã kiện Trung Quốc. Một mặt, ông có vẻ lờ đi phán quyết của PCA và nâng cấp quan hệ với Trung Quốc. Mặt khác, ông đã có những phát biểu rất xấu về đồng minh thân thiết nhất với Philippines là Mỹ. Đổi lại, ông đã nhận được những khoản tiền hỗ trợ và vay ưu đãi rất lớn của Trung Quốc. Câu chuyện đã xảy ra theo hướng tưởng chừng tổng thống Duterte có thể có được những hợp tác rất sớm với Trung Quốc trong vùng biển Philippines. 

Song, câu chuyện không đơn giản như vậy. Hiến pháp của Philippines quy định rằng, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm, và do vậy, vùng biển mà Philippines đã tuyên bố chủ quyền tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) không hề có chồng lấn với Trung Quốc. Như vậy, việc hợp tác với Trung Quốc ở đây chỉ có thể xảy ra nếu Trung Quốc chấp nhận là người làm thuê để được chia sẻ lợi tức. 

Chuyện đàm phán thực sự giữa hai bên cho đến nay vẫn trong vòng bí mật, nhưng tới giữa năm 2018, các tin tức được tiết lộ cho thấy việc hợp tác giữa Trung Quốc và Philippines đã đứng trước những khó khăn không thể vượt qua nổi. 

Tuy vậy, cuối năm 2018, người ta đã rất ngạc nhiên khi thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Philippines và ký một thỏa thuận hợp tác trên biển với Philippines. Bản thỏa thuận này mãi rồi cũng được tiết lộ. 

Nội dung của nó khá vắn tắt nhưng có hai điểm chính quan trọng nhất. Điểm thứ nhất là Trung Quốc và Philippines sẽ hợp tác cùng khai thác tại vùng biển được hai bên xác định trong tương lai. Điểm thứ hai là trong vòng 1 năm nhóm công tác của hai bên sẽ cùng xác định vùng biển hợp tác. 

Người ta đã rất băn khoăn với thời hạn 1 năm. Chắc chắn, nếu hợp tác một cách công bằng, bình đẳng trong vùng biển của Philippines với cơ sở thừa nhận chủ quyền của Philippines, Trung Quốc tự đi ngược lại tuyên bố của mình. Ngược lại, nếu hợp tác với tư cách đây là vùng biển tranh chấp, nội các của Tổng thống Duterte có thể đối mặt với cáo buộc “bán nước”. 

Diễn biến từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẻ khác hoàn toàn với việc hợp tác. Vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2019, hàng trăm tàu dân quân biển của Trung Quốc đã kéo đến vùng biển các đảo Thị Tứ. Loại Ta của Việt Nam hiện đang do Philippines kiểm soát. 

Hành động này của Trung Quốc đã làm dấy lên những phản ứng rất tiêu cực của Philippines. Thậm chí, Phủ Tổng thống Philippines đã tuyên bố rằng “chủ quyền quốc gia là không thể thương lượng” và đích thân Tổng thống Philippines đã tuyên bố rằng sẽ cho lính “thực hiện nhiệm vụ cảm tử”, trong khi Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang của Philippines tuyên bố là “sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ”. 

2. Khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam mà Trung Quốc đã vi phạm lần này và các vấn đề pháp lý 

Trong những ngày vừa qua, tàu Địa Chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã xâm phạm một vùng biển rộng lớn ở khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía Tây Nam Biển Đông (Đông Nam đất liền Việt Nam) ngoài vùng biển gần bờ còn bao gồm các bãi ngầm Tư Chính, Vũng Mây và các đá Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên. 

Theo phân tích địa chất, đây là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam. Các bãi cạn này ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), nó không thuộc quần đảo Trường Sa. 

Khu vực này nằm cách xa lục địa Trung Quốc khoảng trên 600 hải lý. Vì vậy, theo quy định của UNCLOS, khu vực này chỉ liên quan đến hai quốc gia có bờ biển đối diện với Việt Nam là Malaysia và Brunei. 

Hiện nay, tại khu vực này Việt Nam và Malaysia đã trình chung hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa. Brunei không phản đối. Trong thực tế, hiện nay Việt Nam đang kiểm soát và khai thác dầu khí tại khu vực này và chỉ có Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam. 

Lý luận của Trung Quốc khi tranh chấp với Việt Nam là khu vực này nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc là một phần của cái gọi là “vùng nước quần đảo Trường Sa”. Tuy vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ hai điểm: 

1) Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn. 

2) Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. 

Như vậy, không thể dùng “đường lưỡi bò” hoặc “vùng nước quần đảo Trường Sa” để biện minh rằng vùng biển phía Đông Nam Việt Nam là vùng tranh chấp mà nó thuần túy là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. 

Trên ảnh vệ tinh mà tôi theo dõi, có lúc tàu Địa Chất Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc đã vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tới khoảng cách cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Như vậy tàu Trung Quốc đã vi phạm không chỉ vùng thềm lục địa mà cả vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS), quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế. 

Quyền chủ quyền bao gồm đặc quyền thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên tại mặt biển, vùng nước bên trên đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển và các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác các tài nguyên vì mục đích kinh tế. 

Quyền tài phán của quốc gia ven biển bao gồm quyền cho phép các quốc gia khác thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt cáp ngầm và các công trình, thiết bị  trong vùng này. 

Đối với thềm lục địa, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền với tài nguyên trên đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển, cũng như quyền tài phán với việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt cáp ngầm và các công trình, thiết bị trên đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển. 

UNCLOS cũng quy định rằng các quốc gia khác khi thực hiện các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì phải tuân thủ pháp luật của quốc gia ven biển nếu pháp luật đó không trái với luật pháp quốc tế. 

Việt Nam đã thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết để thực hiện các quyền của quốc gia ven biển theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam năm 1982, Hồ sơ ranh giới ngoài của thềm lục địa trình lên Liên hợp quốc năm 2009, ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015. 

Trong các văn bản pháp luật nêu trên cũng như các văn bản dưới luật, Việt Nam đã xác định rõ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác khi thực hiện các hoạt động, đặc biệt là nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, lắp đặt cáp, đường ống ngầm và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. 
3. Hệ lụy của những hành động của Trung Quốc đối với khu vực và an toàn, tự do hàng hải, hàng không và duy trì luật pháp quốc tế trên Biển Đông 

Hành động của Trung Quốc trong những ngày qua trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cũng như các hành động trước đó với Philippines là những hành động cực kỳ nguy hiểm, đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế và các nhận thức, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao của các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Philippines và Trung Quốc. 

Hành động của Trung Quốc cũng có thể coi là hành động khiêu khích, làm phức tạp tình hình, gây leo thang xung đột và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đặc biệt là nguy hiểm trong bối cảnh các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để đi đến ký kết văn bản Quy tắc về ứng xử các bên ở Biển Đông (COC), một cộng cụ cực kỳ quan trọng để giúp duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không và phát triển bền vững Biển Đông. 

Trong bối cảnh đàm phán, các nước cần kiềm chế các hoạt động để đảm bảo tình hình Biển Đông ổn định, không làm phức tạp thêm tình hình, gia tăng xung đột phục vụ xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và sự thành tâm trong đàm phán, nhằm đạt được những kết quả đàm phán. 

Như vậy, có thể nói rằng với các hoạt động vô pháp của mình, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính nếu đàm phán COC bị kéo dài hoặc thậm chí không thành công. 

Chống lại luật pháp quốc tế là chống lại cả cộng đồng quốc tế, hay nói cách khác là chống lại toàn thể loài người. Trung Quốc rất cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Muốn trở thành một nước lớn với tầm ảnh hưởng phù hợp, Trung Quốc phải tập tôn trọng và hành động theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc không thể một mình chống lại cả cộng đồng quốc tế. 

Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục hành xử như hiện nay, họ sẽ chịu những tổn hại rất lớn về uy tín và những thiệt hại cả về kinh tế, chính trị ngoại giao rất khó có thể tính được bằng tiền. Chắc chắn, những thiệt hại do Trung Quốc gây ra cho chính mình nhiều hơn rất nhiều những lợi ích mà họ đạt được khi họ đi bắt nạt và quấy rối các nước láng giềng của họ. 

4. Các giải pháp mà Việt Nam thực hiện khi Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam lần này 

Trong những năm vừa qua, với chủ trương bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Việt Nam đã luôn thực hiện đúng các quy định của luật pháp quốc tế, nỗ lực hòa giải trước khi có những giải pháp mạnh hơn để bảo vệ chủ quyền. Việt Nam biết rằng hoạt động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ tạo những thiệt hại lớn cho quan hệ giữa hai nước và cho chính Trung Quốc. Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, Việt Nam vẫn cố gắng giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên. 

Để chuẩn bị lực lượng nhằm đối phó với các tình huống khó khăn, cấp bách, ngoài các giải pháp chính trị, ngoại giao, Việt Nam đã chú trọng tăng cường sức mạnh của hệ thống chấp pháp dân sự trên biển như cảnh sát biển, kiểm ngư. 

Trong thời gian vừa qua, hai lực lượng này của chúng ta đã được nâng cấp rất cơ bản, trở thành một trong những lực lượng rất mạnh trong khu vực và cho dù còn có nhiều khó khăn, đã thể hiện đủ sức bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền của chúng ta không chỉ mạnh về thực lực mà còn liên tục tăng cường về ý chí. 

Trong lần Trung Quốc vi phạm này, Việt Nam đã tuân thủ rất chặt chẽ các quy định của luật pháp quốc tế. Chúng ta đã phản ứng rất nhanh và mạnh ngoài hiện trường, dùng các giải pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao như tiếp xúc ở tất cả các kênh, gửi công hàm phản đối. 

Vì Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm, Việt Nam đã có những giải pháp mạnh như sử dụng truyền thông trong nước và quốc tế, để đồng bào trong nước hiểu biết và đồng lòng, bạn bè quốc tế ủng hộ chúng ta. Có thể thấy rằng trong thời gian qua, hầu như các cường quốc trên thế giới đều ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển. 

Nếu Trung Quốc tiếp tục xâm phạm Việt Nam, tôi nghĩ các giải pháp cứng rắn hơn sẽ được thực thi. Thí dụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nói Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ và sẵn sàng giải pháp pháp lý, kiện ra một tòa án quốc tế thích hợp về các hành động ngang ngược của Trung Quốc. 

Tôi cho rằng quan điểm của Việt Nam là luôn cố gắng hết sức mình để tránh xung đột vũ trang, gìn giữ hòa bình, ổn định, xây dựng lòng tin và phát triển bền vững Biển Đông vì xung đột vũ trang trên Biển Đông sẽ là thảm họa không chỉ đối với Việt Nam và Trung Quốc mà còn là thảm họa cho toàn khu vực, thậm chí là đối với thế giới. 

PGS.TS Vũ Thanh Ca
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội