Bắc Kinh cố trấn an về những tham vọng quân sự của Trung Quốc (Thanh Hà)

Các nước độc tài và nhất là độc tài cộng sản thì luôn nói một đằng làm một nẻo. TQ một mặt tỏ ra 'yêu hòa bình' và sự phát triển của họ không đe dọa ai một mặt lại tỏ ra là nước lớn và sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để răn đe các nước nhỏ. Việc TQ chiếm đóng các đảo ở Trường Sa và liên tục quấy nhiễu các nước có chủ quyền ở Biển Đông là một ví dụ cho tham vọng bá quyền. Chừng nào TQ trở thành một nước dân chủ thì chừng đó thế giới mới có thể yên tâm về TQ.  


Bắc Kinh nỗ lực giải thích và trình bày về chiến lược quân sự của Trung Quốc nhằm trấn an cộng đồng quốc tế. Lần đầu tiên Bắc Kinh tổ chức họp báo và cho phát trên truyền hình buổi công bố tài liệu mang tên "An Ninh Quốc Phòng Trung Quốc trong thời đại mới".
Nếu như Sách Trắng về quốc phòng năm 2015 ngay từ những dòng mở đầu đã nhấn mạnh đến vai trò của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, thì lần này, phải đợi đến chương thứ hai, độc giả mới thấy Đảng Cộng Sản Trung Quốc được nhắc đến.

Một thay đổi rất quan trọng khác là Bắc Kinh tránh phô trương "Giấc mơ Trung Hoa" đưa Trung Quốc trở lại trung tâm bàn cờ thế giới. Tài liệu vừa được công bố hôm 24/07/2019 nhấn mạnh đến "định mệnh chung" của thế giới, mà ở đó an ninh của các quốc gia đã được "đan kết" với nhau.

Thực ra đằng sau những lời lẽ này, Trung Quốc theo đuổi cùng lúc hai mục tiêu. Thứ nhất là nhắm vào Hoa Kỳ, khi cho rằng "hệ thống và trật tự an ninh quốc tế đang bị những chính sách bá quyền, và hành động đơn phương đe dọa". Khác với Washington, Bắc Kinh muốn chứng tỏ họ là một đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, là một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Nếu như chính quyền Trump có khuynh hướng đưa ra những quyết định đơn phương, thì ông Tập Cận Bình chọn con đường đối thoại đa phương. Cụm từ "hợp tác" đã được tìm thấy 69 lần trong báo cáo về quốc phòng của Trung Quốc lần này.

Mục tiêu thứ nhì của Trung Quốc thể hiện qua những lời lẽ có vẻ hòa hoãn trong Sách Trắng 2019 nhằm trấn an quốc tế, đưa ra hình ảnh một nước Trung Quốc hòa bình.

Chuyên gia về Đông Bắc Á Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, phân tích : Vào lúc những nghi kỵ ngày càng lớn từ Mỹ đến châu Âu và đương nhiên là từ các nước láng giềng Đông Nam Á, về tham vọng quân sự, chiến lược của Trung Quốc, Bắc Kinh bắt buộc phải "giải độc". Nhưng chuyên gia này nói thêm, đấy chỉ là về hình thức bề ngoài, bởi theo ông Bondaz, tài liệu "An Ninh Quốc Phòng Trung Quốc trong thời đại mới" một lần nữa khẳng định thêm tham vọng của "một siêu cường quân sự".

Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, đưa ra một số bằng chứng. Một là trên vấn đề Đài Loan, Trung Quốc nói rất rõ ràng là bằng cách này hay cách khác, Đài Loan sẽ quay về với mẫu quốc : "Trung Quốc phải và sẽ thống nhất". Thông điệp đó được đưa ra trong bối cảnh Washington đồng ý bán vũ khí cho Đài Loan, với hợp đồng trị giá hơn hai tỷ đô la.

Để trở thành một siêu cường quân sự, quân đội Trung Quốc bắt buộc phải trở nên hùng mạnh và được trang bị những vũ khí tiên tiến nhất. Vũ khí lợi hại nhất là phát triển công nghệ cao. Sách Trắng 2019 của Bắc Kinh không che giấu tham vọng này.

Theo chuyên gia Bondaz, đây là bằng chứng thứ nhì cho thấy khó có thể tin được rằng Trung Quốc phát triển quân đội để phục vụ mục tiêu hòa bình. Vả lại Bắc Kinh nói rõ tăng cường sức mạnh cho quân đội là nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi chính đáng của nhân dân, bảo vệ các tổ chức và định chế của Trung Quốc ở hải ngoại" và Bắc Kinh sẽ "phát triển căn cứ hậu cần ở các vùng ngoài lãnh thổ"

Vậy thì làm sao quốc tế có thể tin vào thiện chí hòa bình của Trung Quốc ? Với một chiến lược và những mục tiêu rõ ràng như vậy, cầm chắc là căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng Đông Nam Á và đặc biệt là tại Biển Đông sẽ không giảm bớt.

Chuyên gia Elsa B. Kania, thuộc trung tâm nghiên cứu về an ninh Center for a New American Security, trên báo The Diplomat (25/07/2019) đánh giá : Nếu như mục tiêu của Trung Quốc là nhằm trấn an cộng đồng quốc tế, thì hiệu quả Sách Trắng khá là "hạn chế".

RFI