Trump gây tranh cãi khi lên án chiến tranh Việt Nam (VOA)

Phát ngôn của Trump về VN tiếp tục phơi bày sự thiếu hiểu biết của ông ta về thế giới. Cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại VN đã ngăn chặn làn sóng đỏ đang tràn tới Đông Nam Á. Dù Mỹ bỏ rơi VNCH nhưng sự có mặt và quyết tâm của Mỹ tại miền Nam VN đã giúp quân đội Indonexia dứt điểm được đảng cộng sản tại quốc gia đông dân nhất ĐNA và giúp các quốc gia khác trong ASEAN đứng vững và phát triển như ngày hôm nay. Hành động trốn lính của Trump vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, nếu ai không thích chiến tranh thì đều có quyền trốn lính cả sao? Trump không xứng đáng là Tổng tư lệnh quân đội Mỹ. Nếu những người lính bây giờ trốn lính thì Trump sẽ xử lý họ thế nào? Còn gì là kỷ cương và phép nước, nhất là dưới một chế độ dân chủ và hợp pháp?  


Phát ngôn mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chiến tranh Việt Nam đang gây ra những phản ứng khác nhau trong cộng đồng cựu quân nhân và công chức của chính quyền Việt Nam Cộng hòa hiện đang sống ở Mỹ: có người thông cảm, nhưng cũng có người phản đối.

Xuất hiện trong chương trình truyền hình ‘Chào nước Anh’ hôm 5/6 khi đang có chuyến thăm cấp nhà nước đến nước này, người đứng đầu nước Mỹ đã nói về chiến tranh Việt Nam như sau: “Tôi đã nghĩ đó là một cuộc chiến tệ hại.”

Thế hệ của ông Trump là thế hệ đối mặt với cuộc chiến Việt Nam mà khi đó những người đồng trang lứa với ông đã tòng quân để lên đường đi chiến đấu ở quốc gia cách nước Mỹ hơn nửa vòng Trái đất.
“Tôi đã cho rằng đó là một đất nước rất xa xôi và vào lúc đó không có ai từng nghe đến đất nước đó cả,” ông giải thích. “Bởi vậy nhiều người đã chết, điều gì đang xảy ra ở đó vậy?”

“Do đó tôi chẳng bao giờ hâm mộ (cuộc chiến Việt Nam) cả - kiểu như (tôi sẽ hâm mộ) chúng ta chiến đấu chống lại Đức Quốc xã, chúng ta chiến đấu chống lại Hitler.”

“Cuộc chiến đó không phải là điều mà chúng ta nên tham gia,” ông nói và cho biết mặc dù lúc đó ông không xuống đường phản chiến như nhiều người, nhưng ông không hề ủng hộ cuộc chiến Việt Nam.

Đoạn trao đổi này xảy ra khi ông Trump được người dẫn chương trình Piers Morgan hỏi rằng liệu ông có ‘ước muốn’ phục vụ trong quân đội, nhất là ở chiến trường Việt Nam hay không. Ông Trump không phải đi chiến đấu ở Việt Nam vì được miễn quân dịch bốn lần do đang học đại học và một lần vì được cấp giấy chứng nhận ‘bị gai xương gót chân’. Các đối thủ của ông đã chỉ trích việc ông trốn lính là ‘gian trá’ và giấy tờ ông đưa ra là ‘giả tạo’. Hồi tháng Hai năm nay, ông Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump, đã khai trước Quốc hội rằng ông Trump ‘đã dựng lên chuyện thương tật đó’ để trốn quân dịch.

‘Cuộc chiến chính nghĩa’

Trao đổi với VOA, ông Lê Văn Quan, người từng là phó Quận trưởng Quận Gò Công dưới thời Việt Nam Cộng hòa và hiện đang sống ở tiểu bang Virginia, nói rằng ông không đồng ý việc cho rằng cuộc chiến ở Việt Nam là điều tồi tệ.

“Cuộc chiến của Việt Nam Cộng hòa là để bảo vệ sự sinh tồn của miền Nam Việt Nam. Tôi không đồng ý với bất kỳ lập luận nào cho đó là cuộc chiến tồi tệ,” ông nói khi được hỏi về phản ứng với phát biểu của ông Trump và cho rằng ‘binh sỹ miền Nam đã chiến đấu hết mình để bảo vệ miền Nam’.

“Khi quân Mỹ rút quân Việt Nam Cộng hòa vẫn chiến đấu hết mình. Miền Nam mất không phải vì sự hèn yếu của Việt Nam Cộng hòa mà là do sự bức tử của Chính phủ Hoa Kỳ cắt hết mọi viện trợ,” ông nói.

Ông Quan nói phong trào phản chiến ở Mỹ thời bấy giờ ‘là chuyện không tốt’.

“Đám phản chiến ở Mỹ làm cho người dân Mỹ hiểu lầm về cuộc chiến ở Việt Nam dẫn tới việc rút quân,” ông nói. “Tôi vẫn coi những kẻ phản chiến đó là tiếp tay với cộng sản là tội đồ của dân tộc (Việt Nam).”

Tuy nhiên, ông Quan nói rằng về cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam thì ‘nhìn về khía cạnh chính nghĩa là điều không nên’ vì sự tham chiến của người Mỹ ‘làm mất chính nghĩa cuộc chiến của chúng tôi’. Cho nên, ông đồng ý với ông Trump rằng ‘lẽ ra Mỹ không nên tham chiến’.

“Mỹ tham gia là cần thiết, nhưng không nên bằng hình thức đổ quân mà bằng viện trợ thật dồi dào cho Việt Nam Cộng hòa,” ông giải thích.

‘Biện minh cho việc không đi lính’

Một vị cựu quan chức khác và cũng là cựu chiến binh của quân lực Việt Nam Cộng hòa, ông Đinh Hùng Cường, cựu Quận trưởng Thủ Thừa, nói phát ngôn của ông Trump ‘chỉ là lời chạy tội của ông Trump cho việc ông không tham gia cuộc chiến mà thôi’.

“Không ai khen một cuộc chiến đó là chính nghĩa mà tôi lại đứng ở ngoài,” ông Cường giải thích. “Ông ấy nói vậy để biện minh rằng việc ông không tham gia cuộc chiến đó là có lý.”

Ông Cường cho rằng phát ngôn của ông Trump ‘không đúng sự thật’ nên ông ‘không có gì bị tổn thương’ và nói Mỹ phải tham gia vào cuộc chiến ở Việt Nam ‘để giữ lại miền Nam Việt Nam là tiền đồn chống Cộng sản’.

“Nếu là chuyện tồi tệ thì nước Mỹ đâu có bỏ ra 58.000 sinh mạng con người và mấy trăm ngàn người bị thương và tốn bao nhiêu tỷ đô la như vậy?” ông Cường lập luận.

Về việc ông Trump ‘trốn quân dịch’, ông Cường cũng có cái nhìn thông cảm. Ông cho rằng người Mỹ ‘có cái nhìn không quá khắt khe như người Việt về vấn đề này’ và đưa ra ví dụ cựu Thượng nghị sỹ John Kerry có lập trường chống chiến tranh Việt Nam (mà ông gọi là ‘chống nước Mỹ’) nhưng vẫn được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống.

Cũng giống như ông Quan, ông Cường lên án mạnh mẽ lực lượng phản chiến của nước Mỹ mà ông Trump nói mình cũng là một phần mặc dù ông không xuống đường phản đối.

“Tôi ở bên Mỹ thời điểm đó. Tôi thấy có những tin tức thì đúng nhưng cách bình luận lại sai lạc khiến cuộc chiến Việt Nam mất đi chính nghĩa đối với người Mỹ,” ông cho biết.

“Tôi đã nhìn thấy người Mỹ bị đầu độc bởi thông tin. Họ chỉ được thông báo một chiều những gì Việt Nam Cộng hòa làm (chỉ toàn cái xấu). Cộng sản có nhiều cái xấu hơn mà người Mỹ (lúc đó) không biết.”

Ông giải thích tâm lý phản chiến của người Mỹ là do ‘tổn thất xương máu nhiều quá nên họ không muốn cuộc chiến kéo dài’ và cũng một phần vì ‘người Mỹ muốn giải quyết vấn đề một cách mau lẹ’ trong khi phía Bắc Việt tiến hành cuộc chiến du kích kéo dài và ‘nước Mỹ tự do dân chủ quá’ nên các chính quyền không thể theo đuổi mục tiêu quá mức chịu đựng của người dân.

‘Nên đàm phán, đừng chiến tranh’

Khác với hai ông Quan và ông Cường vốn là cựu sỹ quan từng đi chiến đấu, ông Tommy Lưu, 46 tuổi, hiện đang sống ở bang Virginia, là một người trẻ không có bất cứ trải nghiệm trực tiếp gì về cuộc chiến ở Việt Nam. Ông Lưu nói với VOA ông ‘đồng ý với phát biểu của ông Trump’.

Ông Lưu thông cảm với việc ông Trump ‘trốn lính’ và cho rằng những vị Tổng thống khác trong thế hệ của ông Trump như ông George W. Bush và ông Bill Clinton ‘đều tìm cách trốn lính’ ở Việt Nam bằng cách này hay cách khác.

Theo ông Lưu, những người Mỹ bước vào chiến trường Việt Nam khi đó là ‘không có đường lựa chọn nên buộc phải gia nhập quân ngũ’.

“Nếu gia đình nào có thể rẽ được cho con cái họ qua hướng khác để không phải nhập ngũ ở Việt Nam, những gia đình giàu có, quyền thế (như gia tộc Bush hay Trump) thì họ sẽ làm,” ông Lưu chia sẻ quan điểm.

“Cuộc chiến nào cũng tồi tệ, cũng có sự hy sinh xương máu của hai bên,” ông Lưu cho biết lý do tại sao ông đồng ý với phát biểu của ông Trump. “Cho nên nếu chính quyền Mỹ thời đó biết đàm phán ngay từ đầu và rút ra từ đầu, không tham gia vào cuộc chiến đó thì sẽ dễ dàng hơn.”

“Đó là ý của ông Trump vì ông ấy là người rất giỏi về đàm phán,” ông nói thêm và cho biết nếu cuộc chiến thuế quan của Mỹ hiện nay nếu đàm phán được để tránh ngay từ đầu thì ‘rất hay’.

Khi được hỏi với suy nghĩ như vậy thì có phải cuộc chiến của miền Nam Việt Nam là không cần thiết, ông Lưu nói: “Do sự lan truyền của chủ nghĩa cộng sản nên người Mỹ phải kéo quân qua. Nhưng nếu như giải quyết được trên bàn hội nghị thì đỡ hơn nhiều, chẳng hạn như nhờ Liên Hiệp Quốc đứng ra giám sát hai miền bên nào ở yên bên đó không xâm phạm nhau.”

Trả lời câu hỏi nếu như cuộc chiến là không cần thiết thì liệu xương máu của rất nhiều người lính Việt Nam Cộng hòa và cả của Mỹ liệu có vô nghĩa, ông Lưu nói: “Cha mẹ có con cái nuôi lớn lên bây giờ tham gia vào quân đội và bỏ xương máu thì cha mẹ cũng rất là buồn, rất là tiếc.”

“Phải hiểu là họ phải đi quân dịch – họ không còn con đường lựa chọn,” ông Lưu nói thêm.

Trước câu hỏi những người đi lính ở Việt Nam vì tự nguyện và vì tin rằng họ chiến đấu vì chính nghĩa chứ không phải là ‘không còn lựa chọn’ thì sự mất mát của họ có là vô nghĩa? Ông Lưu cho rằng: “Có những người thanh niên bị cuốn hút bởi phong trào. Họ đi lính và bị chết. Điều đó là oan nghiệt cho họ. Nhưng nên quy tội cho chính quyền (vì đã chọn con đường chiến tranh) là đúng hơn.”

“Lúc tôi ra trường thì có cuộc chiến của (cựu tổng thống George W.) Bush ở Afghanistan, tôi không tham gia nhưng bạn bè tôi tham gia vì tôi nghĩ là không đáng (it’s not worth it).”

“Nếu thanh niên Mỹ có lý tưởng thì sau khi họ chiến đấu ở Việt Nam về, họ sẽ nói tốt về cuộc chiến ở Việt Nam vì đã hy sinh một phần thân thể, máu xương,” ông Lưu nói.

“Tôi hiểu được cái ý của ông Trump. Nếu hiểu sâu sắc lời phát biểu của ông Trump thì sẽ thông cảm với ông ấy,” ông giải thích. “Nếu có thể thoát khỏi chiến tranh thì đừng dùng đến chiến tranh vì chiến tranh không bao giờ đem lại lợi ích gì cả.”