Nền tảng giáo dục gia đình: Nuôi dưỡng sự sáng tạo của con (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Ở những đất nước, với những con người biết quý trọng sự sáng tạo thì họ luôn tìm mọi cách để nuôi dưỡng, kích thích óc sáng tạo của con người, nhờ vậy mà họ đạt được những thành tựu vượt bậc. Nhưng, sáng tạo luôn đi kèm với tự do, con người không thể sáng tạo nếu thiếu tự do, nên óc sáng tạo của con người thường bị triệt tiêu nếu họ sống ở những nước có chế độ hủ lậu, chuyên chế, độc tài kềm hãm tự do. (Nguyễn Thị Bích Ngà)


Sự sáng tạo là một trong những bản năng của con người. Con người thua các loài động vật khác về nhiều mặt nhưng Tạo Hóa luôn công bằng nên làm cho con người có óc sáng tạo hơn để có thể tồn tại. Từ sáng tạo để tồn tại, con người tiến đến bước sáng tạo để khám phá, sáng tạo để làm cho cuộc sống tiện ích hơn, sáng tạo để giải trí. Nếu không có sự sáng tạo thì con người không phát triển.

Sáng tạo là một bản năng nhưng không phải nó luôn luôn phát triển theo độ tuổi và trọng lượng cơ thể. Bản năng sáng tạo hoàn toàn có thể bị triệt tiêu.

Ở những đất nước, với những con người biết quý trọng sự sáng tạo thì họ luôn tìm mọi cách để nuôi dưỡng, kích thích óc sáng tạo của con người, nhờ vậy mà họ đạt được những thành tựu vượt bậc. Nhưng, sáng tạo luôn đi kèm với tự do, con người không thể sáng tạo nếu thiếu tự do, nên óc sáng tạo của con người thường bị triệt tiêu nếu họ sống ở những nước có chế độ hủ lậu, chuyên chế, độc tài kềm hãm tự do.

Việt Nam là một nước theo chế độ phong kiến, hủ lậu, không có tự do, các giá trị tư tưởng phải vay mượn, du nhập từ nước khác. Chế độ phong kiến luôn kềm hãm con người vào những khuôn phép cứng nhắc để dễ cai trị, không có tự do tư tưởng nên tất yếu óc sáng tạo chỉ loanh quanh những trò vặt vãnh lừa nhau, khôn lỏi.

Thời Pháp thuộc, VN là một nước thuộc địa, nhưng ta thấy xuất hiện kha khá những nhân vật nổi tiếng về sự sáng tạo trong văn học, nghệ thuật, chính trị. Ấy là bởi họ có tự do tương đối để sáng tạo.

Từ khi đảng nắm chính quyền, sự tự do tư tưởng ngày càng bị siết chặt để dễ cai trị, cộng thêm tư duy hủ lậu của Nho giáo nên óc sáng tạo của đại bộ phận dân chúng bị triệt tiêu không cách này thì cách khác từ nhà đến trường và xã hội. 

Một xã hội đặt “truyền thống” lên làm chuẩn mực mà không hề xét lại cái truyền thống đó đúng hay sai, có hợp thời không, cứ nhất nhất bắt người ta nghe theo thì làm gì còn chỗ cho cái mới? Chúng ta cứ hay tủi thân với nhau người Việt chẳng có đóng góp gì cho nhân loại, nhưng chúng ta có bao giờ tự hỏi liệu chính chúng ta vì sự thiếu hiểu biết của mình mà đã hằng ngày vô tình tiếp tay với chính phủ giết chết đi óc sáng tạo của con trẻ, của người khác hay không? 

Dạy con sáng tạo không phải chỉ là đưa cho nó một việc gì đó rồi bảo nó, “mày sáng tạo đi, thông minh lên, nghĩ đi.” Rồi khi nó làm không được thì bảo nó “sao mày ngu quá..” Dạy con sáng tạo là bản thân bố mẹ phải hiểu và tôn trọng sự sáng tạo của con, biết cách gợi ý để con tư duy, biết cách nuôi dưỡng sự sáng tạo của con bằng những khen ngợi hoặc nhiều lần phải tha thứ bao dung vì con “sáng tạo” quá lố. Phải tạo điều kiện cần và đủ để con được tự do sáng tạo.

Một đứa trẻ luôn bị quát mắng và ngăn cấm không cho nghịch phá, đụng cái gì, nói cái gì cũng bị quát, chỉ được chơi và nói những gì cho phép, đương nhiên sẽ dần dần bị triệt tiêu óc sáng tạo và trở thành một người thụ động. Để rồi sau đó khi nó lớn lên, bố mẹ lại than thân trách phận con mình không tài năng giỏi giang lanh lợi kiếm nhiều tiền như con người ta, quần chúng nhân dân lại thở than người Việt yếu kém không có phát minh, sáng tạo gì và cứ loay hoay trong cái vòng lẩn quẩn lặp đi lặp lại của chính mình.

Bố mẹ Việt ngày xưa thì vì thế hệ này nối tiếp thế hệ khác dạy con một chiều áp đặt từ trên xuống theo tư duy Nho giáo, vô tình triệt tiêu tư duy, óc sáng tạo của trẻ. Nhưng còn ngày nay? Cũng không nhiều bố mẹ nhận ra cần phải nuôi dưỡng óc sáng tạo của con. Có nhận ra cũng không nhiều người thực hiện bởi việc ấy đòi hỏi bố mẹ phải có tình yêu vô điều kiện, sự kiên nhẫn, bao dung, hiểu biết và tôn trọng con cái như một cá thể độc lập. Nghĩa là phải có nền tảng văn hóa, phải thay đổi triệt để từ chính tư duy của bố mẹ thì mới dạy được con.

Cháu tôi, gần ba tuổi, hỏi, “Mẹ Ngà mẹ Ngà, con này con gì?” “Đó là con gà.” “Kia là con gì?” “Đó là con vịt?” “Tại sao con này là con gà?” “Người ta căn cứ đặc điểm của nó. Con gà thì kêu cục tác, ò ó o, con vịt thì kêu cạp cạp, hình dáng cũng khác nhau và đặt tên cho nó từ lâu thiệt lâu rồi.” “Tại sao người ta không kêu con này là con vịt mà lại kêu con gà?” Chơi khó mẹ Ngà nó ghê chưa?! “Vì hồi xưa, để phân biệt các con vật và các vật dụng với nhau thì người ta cần có tên gọi. Nó là tên chung. Gọi lâu lâu thì nó thành tên riêng của loài đó.” “Con hổng thích kêu con này là con gà.” “Ưm. Con có thể đặt tên cho nó nếu con muốn. Con thích kêu nó là con gì?” (Đây là một câu hỏi gợi mở tư duy.) “Con kêu là con vịt.” “Ưm. Nhưng như vậy thì nó sẽ lộn với con vịt. Người ta nghe con kể về con này thì người ta sẽ nghĩ là con kia đó chứ đâu ai hiểu là con nói về con này đâu.” (Câu giải thích này là để bé tư duy đúng hướng.) “Con nghĩ cái tên khác.” “Giỏi quá ta. Con đặt tên riêng cho nó đi.”

Những câu hỏi nhỏ, dắt dây cà ra dây muống ấy là những lúc trẻ suy nghĩ, tư duy, theo cách riêng. Nếu ta quát, “Tào lao” hoặc “Nói bậy bạ không à..” thì trẻ sẽ bị chột, nó chẳng suy nghĩ nữa.

Mua một món đồ chơi cho trẻ, bố mẹ thấy con loay hoay khám phá thì đã ngay lập tức cầm tay chỉ việc bảo con phải chơi thế này thế nọ, đa phần sợ con làm hỏng.

Óc tư duy, sáng tạo ở bọn trẻ đều là những thứ ngộ nghĩnh, phi logic, nằm ngoài sự phán đoán, luôn sinh động và đầy hứng khởi. Trẻ có thể vẽ cái cây lá màu đen, con người da đỏ chạch, cái nhà có hình khối kỳ quái…và người lớn chúng ta thì luôn chê và cố dạy cho nó phải vẽ cái cây lá màu xanh, nhà phải hình chữ nhật, hình vuông… Đứa trẻ bị đưa vào một cái khuôn từ rất sớm.

Trẻ tháo banh cái radio chỉ vì nó muốn biết ở bên trong ấy có người tí hon nào nói chuyện, thay vì giải thích cho trẻ hiểu thì bố mẹ thường đánh mắng vì con làm hư của. 

Trẻ đi học, viết văn, không được sáng tạo mà phải chép theo mẫu quy định. Cô ra đề, “Tả con chó nhà em.” Trẻ ghi vào bài làm, “Nhà em không có nuôi chó.” Cô lại phê, “Làm bài lại.” Nghĩa là bắt trẻ phải tả một con chó không có thực, không được tự do có quyền từ chối. Văn mẫu tả bà nội là già, tóc bạc, suốt ngày loanh quanh bên con cháu chăm lo giấc ngủ miếng ăn… Trẻ tả bà nội mặc áo hai dây, quần jean, đi mô tô, lâu lâu mới ghé một lần thăm cháu…thì bị cho điểm thấp. Sự thật phải bị bóp méo nếu muốn điểm cao. Tự do tư tưởng, tự do thể hiện đúng cảm xúc và tình cảm đều không được tôn trọng thì lấy đâu ra tự do sáng tạo? Mọi thứ đều phải theo một cái khuôn nào đó, đứa nào chệch ra khỏi khuôn liền bị xếp thành phần cá biệt, khó bảo, thậm chí ghét bỏ và không được yêu thương. Cứ phải ngoan trong khuôn do họ định ra mới được.

Trẻ còn bị tước đoạt mất cái quyền được phép phạm sai lầm, quyền được tự trải nghiệm. Bố mẹ luôn dùng tư duy của những kẻ to xác, cho rằng mình nhiều kinh nghiệm để áp đặt trẻ làm mọi việc theo ý mình. Nếu trẻ chệch ý, ngay lập tức bị chửi mắng đánh đập. Dần dần trẻ không dám tự ý làm gì nữa vì sợ làm sai. Mà, sự sáng tạo, phát minh vĩ đại chỉ đến với con người khi người ta dám chấp nhận làm. Làm sai, hiểu sai ở đâu, làm lại, lại sai, lại phải học để biết thiếu gì, làm lại…trải qua một quá trình rất khó khăn khổ sở mới có thể đạt được thành công trong sáng tạo. Và sự thành công đó luôn luôn rất đáng giá. Bố mẹ bảo bọc con, sợ con sai, nên cố sức truyền kinh nghiệm và quát mắng chỉ trích thì chẳng thể nào có nổi một thế hệ mới biết tư duy, biết sáng tạo cho Việt Nam.

Trong một môi trường xã hội triệt tiêu tư duy, sự sáng tạo như ở Việt Nam, việc nuôi dạy một đứa trẻ đã khó, nuôi dưỡng óc sáng tạo cho con càng khó hơn. Nhưng, không phải là không thể. Bố mẹ đều có thể, nếu yêu con vô điều kiện và chịu học để thay đổi tư duy của chính mình. 

“Người Việt tài năng lang thang nơi đâu?”-lời bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến- Người Việt tài năng ngay trong nhà bạn, bạn có biết nuôi dưỡng hay không mà thôi.

30.5.2019