Máy bay phải dừng lại chờ đón TGĐ Đỗ Trường Minh, Bộ Tài chính nghĩ gì? (Hồng Hà)

Khả năng cao đây là một cái bẫy dành cho ông Đỗ Trường Minh. Giám đốc một tập đoàn bảo hiểm khó có khả năng và uy quyền như vậy. Việc này có thể đúng như Vietnam Airlines thông báo là thời tiết xấu nên chuyến bay nối chuyến HN-TPHCM bị trễ. Tuy nhiên điều đó không quan trọng, miễn trong số hành khách nối chuyến đó có Đỗ Trường Minh là đủ. Dưới chế độ cộng sản mọi việc đều có thể xảy ra và nạn nhân thường không thể thanh minh và bảo vệ được cho mình. 


Đó là câu chuyện mới xảy ra với chuyến bay VN31 của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), khởi hành từ TP HCM (SGN) đi Frankfurt (FRA) vào đêm 28/5/2019.

Cả hành khách lẫn phi hành đoàn gồm 215 người. Theo lịch trình, chuyến bay dự kiến khởi hành vào lúc 22h30, nhưng thực tế đã phải dời đến hơn nửa tiếng đồng hồ sau mới cất cánh.

Lý do chậm trễ của chuyến bay này thật khó chấp nhận. Theo đó, chuyến bay VN31 “nhận được yêu cầu “delay” để chờ một hành khách nối chuyến từ chuyến bay VN279 Hà Nội đi TP HCM sẽ hạ cánh lúc 22h15.

Biên bản tổ bay ghi rõ “theo yêu cầu của Phó TGĐ Hàng không VN Lê Hồng Hà”.

Vị khách đặc biệt khiến cả chuyến bay hơn 216 hành khách (loại Boeing 787-9 Dreamliner) này được xác nhận là ra tới máy bay lúc 22h55.

Theo thông tin từ flightradar24.com, giờ khởi hành dự kiến là 22h10, còn giờ cất cánh thực tế (actual time departure – ATD) của chuyến bay VN31 là vào lúc 23h22 – tức là chênh lệch 72 phút. Còn đối chiếu với ETD (estimate time departure – thời gian dự kiến cất cánh theo kế hoạch) ghi trong biên bản delay chuyến bay là 22h30 thì chuyến bay VN31 chênh lệch khoảng 52 phút.

Tuy vậy, theo một vị có trách nhiệm từ phía Vietnam Airlines, thông tin về chuyến bay trên flightradar24.com chưa được cập nhật theo những điều chỉnh thực tế. Và vị này cho hay, trên thực tế, chuyến bay VN31 chỉ bị delay 32 phút.

Vietnam Airlines trả lời báo chí rằng:

– “Chuyến bay VN31 từ TP. Hồ Chí Minh đi Frankfurt ngày 28/5/2019 đã phải lùi thời gian cất cánh hơn 30 phút, để hỗ trợ khách nối chuyến do chuyến bay Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng của thời tiết xấu, hạ cánh muộn 25 phút”.

– “Chuyến bay VN31 đã hạ cánh tại Frankfurt đúng giờ vào sáng ngày 29/5/2019”.

Vị khách VIP nào mà buộc cả chuyến bay quốc tế phải dừng bánh để chờ thế?

Đó là Đỗ Trường Minh!

Đỗ Trường Minh sinh năm 1971, quê quán Nam Định. Minh là con thứ 3 trong một gia đình có 4 con (3 trai, 1 gái). Xuất thân trong một gia đình bình thường, chứ không thuộc loại “danh gia vọng tộc” như dư luận đồn đoán. Minh có học vị thạc sĩ, từng công tác tại Đại học Hàng hải (Hải Phòng), trước khi về đầu quân cho tập đoàn Vinashin.

Minh về Công ty TNHH MTV Vận tải tàu cao tốc Bắc Nam, thuộc Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines).Tại đây, Đỗ Trường Minh từng nắm giữ vị trí Trưởng phòng Pháp chế của công ty vận tải Vinashinlines, nơi có những đội tàu trọng tải siêu chuyên chở hàng đi Singapore, châu Âu và một số tuyến Nam Mỹ, Hoa Kỳ…

Sau đó, Minh chuyển công tác về ngành bảo hiểm. Minh nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp phòng – ban của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI). Từ đó Minh gia nhập Tập đoàn Bảo Việt, leo dần lên Giám đốc Khối Quản lý Hoạt động Tập đoàn Bảo Việt.

Thời của Minh đã đến. Cuối năm 2017, trên mạng xã hội đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông được cho là Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt say rượu, có hành vi văng tục và xúc phạm tài xế taxi.

Theo clip ghi lại, nữ tài xế hãng taxi VIC phát hiện ra vị khách nôn mửa ra xe do quá say rượu. Sau đó, tài xế đã dừng xe và yêu cầu người đàn ông xuống xe để dọn bãi “chiến trường”. Tuy nhiên, người đàn ông này lại có những lời lẽ văng tục, chỉ tay về phía người phụ nữ rồi văng những lời tục tĩu và cố tình không xuống xe. Người đàn ông đó chính là Nguyễn Quang Phi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt.

(Nguyễn Quang Phi sinh năm 1973 tại Hà Nội. Phi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Kinh tế Solvey – Vương quốc Bỉ, cử nhân Tài chính Bảo hiểm của Đại học Kinh tế Quốc dân và có kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực bảo hiểm. Ông Phi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt từ tháng 3/2011 và Tổng giám đốc từ năm 2014.)

Clip dấy lên sự phẫn nộ trong xã hội và “nóng mặt” với cả các chính trị gia. Và rồi, trước áp lực quá lớn của dư luận về hình ảnh không mấy tốt đẹp của một quan chức đứng đầu Bảo Việt. Việc gì đến đã đến.

Ngày 3/1/2018, Tập đoàn Bảo Việt nhận được văn bản của Bộ Tài chính về việc ông Nguyễn Quang Phi thôi là người đại diện vốn nhà nước của cổ đông Bộ Tài chính. Căn cứ quy định tại điều lệ của Tập đoàn Bảo Việt, ông Phi không còn là thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt.

Cũng trong ngày 3/1, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt ban hành quyết định cho ông Nguyễn Quang Phi thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt và ra quyết định bổ nhiệm Đỗ Trường Minh, thành viên Hội đồng Thành viên, giữ chức vụ quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt. Từ ngày 27/6/2018, Minh được bổ nhiệm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt.

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ vấn đề. Động cơ nào khiến Phó TGĐ VNA Lê Hồng Hà ra lệnh yêu cầu dừng máy bay để đón Đỗ Trường Minh?

TGĐ Bảo Việt Đỗ Trường Minh có quá ngông cuồng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để có được “biệt lệ” dành riêng cho bản thân mình?

Trong “bát điều mục” có dạy: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ“. Thử hỏi, người như hai ông “trời con” này, không “tu thân” thì mai mốt nhảy sang chính trường, thiên hạ nào chịu cho thấu?

30.5.2019