Lẽ nào Việt Nam tính điểm cuộc đời? (Tâm Don)

Trò theo dõi và giám sát người dân bằng hệ thống camera tinh vi của chính quyền TQ đang khiến xã hội TQ ngột ngạt và bức xúc hơn bao giờ hết. Biện pháp theo dõi người dân này là hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà không một nước dân chủ nào dám thực hiện. Tất nhiên là chính quyền VN rất hào hứng với phương pháp biến đất nước thành một nhà tù lớn. Điều đáng nói và cần cảnh giác là sự tiếp tay của một bộ phận trí thức VN, những người có ăn học và hiểu biết, được đi khắp đó đây nhưng bản chất kẻ sĩ, tức là làm nô lệ cho chính quyền vẫn không thay đổi. Nên nhớ rằng, càng cam chịu càng bị chính quyền o ép và dồn vào đường cùng.  
 
Mùa hè năm 2018, một nam thanh niên ở quận Thương Nam (Cangnan), thị trấn Ôn Châu (Wenzhou), tỉnh Chiết Giang thi đậu vào một trường đại học danh giá ở Bắc Kinh- Trung Quốc. Cả nhà hết sức vui mừng, nhưng một cú điện thoại từ nhà trường đã sớm dập tắt niềm hoan hỉ của họ : vì người cha nằm trong danh sách "người không có điểm tín nhiệm", trường không thể nhận nam thanh niên vào học.
Vào năm 2014, Trung Quốc bắt đầu tiến hành xây dựng bộ Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội của công dân. Bộ hệ thống này được các hãng công nghệ kỹ thuật số Trung Quốc do Alibaba đứng đầu phối hợp thực hiện bằng các thuật toán phức tạp theo đơn đặt hàng của chính phủ Trung Quốc. Đến đầu năm 2018 đã có 10 tỉnh, thành phố ở Trung Quốc áp dụng bộ hệ thống này. Đến thời điểm hiện nay, đã có 23 triệu công dân Trung Quốc bị bộ hệ thống này chấm điểm thấp, và họ không thể mua vé máy bay, vé tàu cao tốc và thụ đắc các dịch vụ công khác.
Theo đánh giá của báo chí nước ngoài, việc chính quyền Trung Quốc triển khai thực hiện Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội của công dân đã khiến cho xã hội Trung Quốc ngột ngạt hơn bao giờ hết, công dân Trung Quốc bị giám sát toàn diện. Rất có thể phiên bản ngột ngạt ở Trung Quốc sẽ xuất hiện ở Việt Nam.
Vào ngày 23/3, báo điện tử Vietnamnet cho đăng tải bài viết "Chính phủ có thể vận hành bằng AI, đánh giá người dân qua điểm xã hội" (1), trong đó dẫn thuật lời của ông Nguyễn Anh Tuấn- CEO Diễn đàn Toàn cầu Boston về một xã hội trí tuệ nhân tạo, nơi mà các công dân được đánh giá bằng hệ thống thang điểm xã hội còn chính phủ tạo ra các chuẩn mực chung để dẫn dắt người dân. Ông Nguyễn Anh Tuấn chính là cựu tổng biên tập báo Vietnamnet- tờ báo mạng đầu tiên ở Việt Nam.
Bài báo viết : "Trong xã hội trí tuệ nhân tạo, Diễn đàn toàn cầu Boston đưa ra 5 thang điểm để đánh giá công dân. Thứ nhất là công dân cơ bản, những người sống nghiêm túc theo hiến pháp và pháp luật. Thứ 2 là những công dân đóng góp giúp đỡ người khác và cộng đồng xã hội. Thứ 3 là những nhà sáng tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới. Thứ 4 là những nhà kiến tạo, những người có phát minh lớn, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống nhân loại. Cuối cùng là những nhà lãnh đạo xuất chúng, có khả năng dẫn dắt một quốc gia, dân tộc"…
Bài báo còn cho biết "Diễn đàn toàn cầu Boston sẽ xây dựng ra những hệ thống đánh giá. Các công ty được đánh giá bằng điểm số trên thị trường chứng khoán. Các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ cũng có thể có được các điểm số từ hệ thống đánh giá xã hội. Điểm xã hội của công dân cũng sẽ được ghi nhận".
Có lẽ, ông Nguyễn Anh Tuấn đã có chung nhận thức với chính quyền Trung Quốc khi quốc gia này vào năm 2018 đã dùng Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội công dân để kiểm soát công dân qua đó bảo vệ chế độ cộng sản Trung Quốc. Thế giới đã cực lực lên án Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội công dân của Trung Quốc vì nó vi phạm quyền riêng tư, quyền tự do của công dân. Kể từ khi áp dụng Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội công dân đến nay đã có hơn 23 triệu người dân Trung Quốc không được mua vé máy bay, các phương tiện giao thông công cộng, hoặc thụ đắc các dịch vụ công khác. Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội công dân của Trung Quốc đã làm cho con người vô cùng sợ hãi, khiến người dân co mình trong lạnh cóng, mất hết các khả năng phản kháng, qua đó giúp cho chế độ độc tài toàn trị Trung Quốc thêm vững chắc.
Ông Nguyễn Anh Tuấn "đưa ra 5 thang điểm để đánh giá công dân. Thứ nhất là công dân cơ bản, những người sống nghiêm túc theo hiến pháp và pháp luật". Ông Nguyễn Anh Tuấn có lẽ nào không biết một nguyên lý rằng, khi luật pháp bất công thì chống đối luật pháp ấy phải trở thành một nghĩa vụ của công dân, dĩ nhiên, công dân không có nghĩa vụ tuân theo luật pháp bất công ? Ông Nguyễn Anh Tuấn cần phải đưa ra nhận định rằng, luật pháp và hiến pháp Việt Nam hiện nay bất công hay không bất công trước khi đưa ra đề nghị "để đánh giá công dân sống nghiêm túc theo hiến pháp và pháp luật". Nếu ông đánh giá hiến pháp và luật pháp Việt Nam hiện nay là tốt thì quả thực lời đề nghị của ông chỉ là một chính sách chính trị không hơn không kém. Còn nếu ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá hiến pháp và luật pháp Việt Nam hiện nay không tốt thì lời đề nghị của ông chẳng khác nào đồng lõa với chính quyền để cưỡng bức công dân Việt Nam vào vòng kim cô nghiệt ngã.
Các chính quyền của dân- do dân- vì dân không bao giờ đánh giá tín nhiệm công dân. Việc một chính quyền tiến hành đánh giá và xem xét tín nhiệm cộng dân bằng điểm số công nghệ chẳng khác nào việc xem xét lý lịch đến 3-4 đời trong các quốc gia độc tài toàn trị. Một chính quyền tốt là một chính quyền biết xây dựng và vun đắp các giá trị công dân, chỉ một chính quyền tồi tệ mới phán xét và đánh giá mức độ tín nhiệm công dân.
Trên hết, các mức thang đánh giá tín nhiệm công dân (mô phỏng Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội công dân của Trung Quốc) mà ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất sẽ vi phạm quyền riêng tư của người dân, quyền tự do của người dân- quyền tối cao và thiêng liêng nhất.
Có phải ông Nguyễn Anh Tuấn đang nói lời của chính quyền Việt Nam để dọn đường dư luận, ném đá dò đường cho việc áp dụng hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội công dân mà Trung Quốc đang thực hiện lên nhân dân Việt Nam ?
Ông Nguyễn Anh Tuấn nên nhớ, chính quyền được sinh ra để phục vụ nhân dân và nhân dân có quyền phán xét và đánh giá chính quyền ấy, chính quyền không có trách nhiệm đánh giá tín nhiệm công dân.
Ông Nguyễn Anh Tuấn ạ, người viết bài này tin rằng, nhân dân Việt Nam không cần hệ thống đánh giá của Diễn đàn toàn cầu Boston do ông giữ vị trí CEO - một phiên bản khác của Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội công dân của chính phủ Trung Quốc. Nếu ông áp đặt hệ thống đánh giá của Diễn đàn toàn cầu Boston lên nhân dân Việt Nam, trong tương lai, lịch sử sẽ ghi nhận ông là một tội đồ.
Trong quá khứ, việc Việt Nam bê nguyên xi nhiều chính sách sai lầm của Trung Quốc để áp dụng vào Việt Nam đã gây nên những thảm cảnh đau lòng. Đó là chính sách cải cách ruộng đất ở miền Bắc trong giai đoạn 1954-1956, chính sách cải tạo công thương 1958-1960, chính sách hợp tác hóa nông nghiệp 1958-1960, cách mạng văn hóa tư tưởng, chính sách quốc hữu hóa kinh tế, chính sách hộ khẩu....Nếu Việt Nam bê nguyên xi mô hình Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội công dân của Trung Quốc vào Việt Nam, Việt Nam chắc chắn sẽ gây nên những nỗi đau tinh thần khủng khiếp trong xã hội.
Có lẽ nào ông Nguyễn Anh Tuấn muốn Việt Nam có một xã hội khiến người ta nhớ lại những gì được nhà văn George Orwell mô tả trong tiểu thuyết "1984" : chính quyền muốn kiểm soát tất cả, mọi nơi mọi lúc và cả tư tưởng con người ?
Tâm Don
Nguồn : VNTB, 01/04/2019
******************
Một người Việt từng học Harvard đề nghị ‘chấm điểm công dân’ (Người Việt, 30/03/2019)
Sau những ngày bị cộng đồng mạng chỉ trích về đề nghị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiến hành "chấm điểm công dân", ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu tổng biên tập VietnamNet, đã tận dụng tờ báo mà ông từng điều hành để biện hộ rằng giải pháp của ông "khác với Trung Quốc".
Hkg10083638
Có 17 triệu 500 ngàn người Trung Quốc bị xếp hạnh kiểm kém trong năm 2018 không được mua vé tàu, vé máy bay… Liệu Việt Nam sẽ học Trung Quốc? Trong hình, người dân Sài Gòn trên đường phố. (Hình minh họa : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
Sau khi rời ghế tổng biên tập báo này, ông Tuấn định cư ở Boston, Mỹ, và được biết đến với danh xưng giám đốc Diễn Đàn Toàn Cầu Boston, thường xuyên khoe ảnh cho thấy ông đi diễn thuyết, đăng đàn tại các hội nghị quốc tế.
Báo VietnamNet hôm 28 tháng Ba ghi : "Sáng kiến điểm giá trị xã hội (Social Value Point, SVP) do nhóm học giả xã hội trí tuệ nhân tạo cùng với ông Nguyễn Anh Tuấn khác hẳn về bản chất với Hệ thống tín nhiệm xã hội (Social Credit System, SCS) của chính phủ Trung Quốc".
"Những điểm khác biệt nổi bật của SVP là : Sáng kiến này tôn trọng quyền riêng tư, không ủng hộ thu thập dữ liệu công dân mà không được phép của công dân đó, hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận mọi công dân đóng góp xây dựng xã hội, công dân có quyền tham gia trực tiếp vào các quyết sách chính trị, xã hội… ghi nhận những cống hiến của công dân trên nền tảng những giá trị chuẩn mực chung đã được Liên Hiệp Quốc và UNESCO ban hành", theo bài báo.
"Việc ghi nhận cống hiến của công dân cũng không do chính phủ đánh giá mà là sự ghi nhận của những tổ chức phi chính phủ qua việc công dân chủ động gửi dữ liệu, những thông tin về cống hiến xã hội của bản thân, hoặc ghi nhận cống hiến qua các cơ quan truyền thông, báo chí, các tổ chức có uy tín", vẫn theo bài báo.
tinhdiem3
Ông Nguyễn Anh Tuấn, tác giả của đề nghị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiến hành "chấm điểm công dân", tại một hội thảo. (Hình : Facebook Nguyen Anh Tuan)
Tuy vậy, mạng xã hội dấy lên những hoài nghi về cái gọi là "sáng kiến" của ông Tuấn cùng các cộng sự.
Facebooker Pham Terry The, một người Việt sống ở Mỹ, bình luận ngay trên trang cá nhân của ông Tuấn : "Ở những quốc gia văn minh, chỉ có người dân có quyền cho điểm với chính phủ, chứ không chính phủ nào có quyền chấm điểm với người dân cả. Tôi không hiểu ông Tuấn sống ở Mỹ mà quảng cáo cái trò chấm điểm người dân này để áp dụng cho ai? Cho Việt Nam chăng ? Thưa ông ?".
Hồi tháng Mười, 2012, nhà báo Bùi Tín viết trên VOA Việt ngữ : "Ông Nguyễn Anh Tuấn, từng học ở Harvard, về nước làm tổng biên tập của tờ VietnamNet, thuộc Bộ Thông tin và truyền thông ở Hà Nội trong hơn 10 năm, nay trở lại Đại học Harvard, được dư luận một số người Việt hải ngoại coi là viên chức của cộng sản Việt Nam hoạt động ở hải ngoại theo tinh thần của nghị quyết 36. Ông Tuấn từng tháp tùng Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải trong chuyến thăm Hoa Kỳ. Ông Tuấn hiện đảm nhận việc hình thành Trần Nhân Tông Academy thuộc Đại học Harvard, dựng lên Thư viện Trần Nhân Tông, còn lo việc dựng tượng Trần Nhân Tông rất lớn bằng đồng tại Trần Nhân Tông Academy, qua quyên góp xã hội và trợ giúp của nhà nước Việt Nam".
"Chính hoạt động năng nổ của ông Tuấn làm cho bà con ta nghi ngại. Phải chăng đây là một mưu đồ xâm nhập cộng đồng, xâm nhập nước Mỹ bằng con đường văn hóa-tín ngưỡng-giáo dục, như kiểu thâm nhập của Bắc Kinh bằng các Viện Khổng Tử", ông Bùi Tín viết (T.K.).