Vụ Trương Duy Nhất nổ lớn: Hoa Kỳ nhập cuộc (Nhiều tác giả)

Vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ đang nhanh chóng chuyển thành "Trương Duy Nhất bị bắt cóc ở Bangkok’ chỉ sau một tuần kễ từ ngày 26 tháng 1 năm 2019 là thời điểm mà ông Nhất ‘biến mất’. Ngay sau đó đã bùng nổ nhiều đồn đoán về khả năng blogger này đã bị một cơ quan an ninh (công an hoặc quân đội) của Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay trên đất Thái. Đồng thời, có tin cho biết Nhà nước Đức rất quan tâm đến vụ Trương Duy Nhất vì vụ này có nhiều chi tiết giống với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. (Thường Sơn)
 
Hoa Kỳ ‘hoan nghênh’, Thái Lan sẽ phải làm rõ vụ ‘bắt cóc Trương Duy Nhất’ ?
Thường Sơn, VNTB, 10/02/2019
Có vẻ chính quyền Việt Nam đang lâm vào một cuộc khủng hoảng mới về ngoại giao và quan hệ quốc tế, trong lúc vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa hề được giải quyết, quan hệ Đức - Việt và Slovakia - Việt vẫn gần như bị đóng băng.
Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên lên tiếng về vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’, sau 5 tổ chức quốc tế về báo chí và nhân quyền lớn trên thế giới đã lên tiếng lo ngại về tình trạng mất tích của ông Trương Duy Nhất, bao gồm tổ chức Ân xá Quốc tế, Theo dõi nhân quyền, Phóng viên không biên giới, Ủy ban bảo vệ ký giả và Liên minh Báo chí Đông Nam Á.
Cho dù có thể không mấy quan tâm đến sức nặng đòi hỏi của các tổ chức nhân quyền quốc tế, nhưng Chính phủ Thái Lan không thể bỏ qua lời yêu cầu của Chính phủ Hoa Kỳ.
"Chúng tôi biết các báo cáo về việc blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do bị mất tích ở Thái Lan. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình và hoan nghênh chính phủ Thái Lan điều tra về vụ mất tích của ông Nhất" - đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết khi nêu quan điểm về thông tin chính phủ Thái Lan mở cuộc điều tra mặc dù không có dữ liệu về việc ông Nhất đã nhập cảnh hợp pháp vào nước này.
Vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ đang nhanh chóng chuyển thành "Trương Duy Nhất bị bắt cóc ở Bangkok’ chỉ sau một tuần kễ từ ngày 26 tháng 1 năm 2019 là thời điểm mà ông Nhất ‘biến mất’. Ngay sau đó đã bùng nổ nhiều đồn đoán về khả năng blogger này đã bị một cơ quan an ninh (công an hoặc quân đội) của Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay trên đất Thái. Đồng thời, có tin cho biết Nhà nước Đức rất quan tâm đến vụ Trương Duy Nhất vì vụ này có nhiều chi tiết giống với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, một số dư luận lo ngại rằng chính quyền Thái Lan sẽ khó mà lên án chính quyền Việt Nam tổ chức bắt cóc người một cách bất hợp pháp trên đất Thái do một ‘thỏa thuận ngầm’ nào đó (nếu có) giữa hai bên, cộng thêm mối quan hệ Việt - Thái được xem là ‘ngày càng tốt đẹp’. Củng cố cho khả năng này là động thái mới nhất của lãnh đạo Cục Di trú Thái Lan thông tin rằng họ đã không có hồ sơ về việc Trương Duy Nhất nhập cảnh vào Thái Lan - một vấn đề có thể được hiểu là ông Nhất đã vào đất Thái theo cách không hợp pháp và do vậy các cơ quan Thái có thể sẽ cho rằng họ không liên can đến vụ việc này.
Trong khi đó, chính quyền Việt Nam vẫn giữ im lặng - một thái độ im lặng như thể cố tình và chây ì mà họ đã thể hiện sau khi bị Nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam đã sang tận Berlin để bắt cóc Trịnh xuân Thanh.
"Chính quyền Việt Nam đã im lặng trước vụ mất tích Trương Duy Nhất. Họ phải cho biết bất cứ thông tin nào về nơi ở của ông ấy và đảm bảo sự an toàn và tự do đi lại của ông Nhất" - ngày 6/2/2019, ông Minar Pimple, Giám đốc cao cấp toàn cầu của Ân xá Quốc tế nói. Ân xá Quốc tế đã thúc giục Thái Lan mở cuộc điều tra, đồng thời chỉ trích chính phủ Việt Nam vẫn giữ im lặng trước các báo cáo về việc biến mất của ông Nhất. 
Từ sau vụ Trịnh Xuân Thanh, chính thể Việt Nam đã nổi tiếng tới mức khiến phần lớn, nếu không nói là tất cả, các nước trong khối Liên minh châu Âu giương cao ngọn cờ cảnh giác với giới quan chức và công an Việt Nam, đồng thời khiến ‘uy tín Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế’ (một cách tuyên rao không biết chán của Bộ Ngoại giao Việt Nam) lao dốc hơn bao giờ hết.
Một năm rưỡi sau vụ Nhà nước Đức tố cáo Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay tại Berlin, vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ - nổ ra vào những ngày giáp tết nguyên đán năm 2019 - đang hứa hẹn sẽ trở thành một vụ Trịnh Xuân Thanh thứ hai.
Thông tin lan rộng và đầy tính nghi ngờ trên một số tờ báo quốc tế về vụ Trương Duy Nhất sẽ khiến chính quyền Việt Nam không thể nhắm mắt che tai. Do đó, nhiều khả năng là sau tết nguyên đán 2019, chính quyền Việt Nam sẽ phải có thông báo về vụ này, trong đó hoặc phủ nhận việc chính quyền này ra lệnh bắt cóc Trương Duy Nhất, hoặc chính thức xác nhận Trương Duy Nhất đã bị bắt nhưng là ‘tự nguyện về nước đầu thú’ do hành vi phạm pháp - tương tự cái cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đồng thanh tương ứng ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ vào đầu tháng 8 năm 2017.
Động thái ‘hoan nghênh’ của Hoa Kỳ đang đặt Chính phủ Thái vào một tình thế tế nhị và khó khăn : hoặc họ sẽ không điều tra gì cả hay chỉ làm cho có và sẽ phải hứng chịu búa rìu từ dư luận và những chính phủ dân chủ về một chế độ quân phiệt và thiếu tôn trọng tự do báo chí ở Thái Lan ; hoặc họ sẽ phải điều tra làm rõ Trương Duy Nhất mất tích như thế nào, vì sao mất tích, và liệu có đúng như nhiều dư luận là đã có một cuộc bắt cóc đối với Nhất hay không - đồng nghĩa với việc phải làm sáng tỏ thủ phạm của vụ bắt cóc này là ai hoặc cơ quan nào…
Có vẻ chính quyền Việt Nam đang lâm vào một cuộc khủng hoảng mới về ngoại giao và quan hệ quốc tế, trong lúc vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa hề được giải quyết, quan hệ Đức - Việt và Slovakia - Việt vẫn gần như bị đóng băng.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 10/02/2019
***********************
Thái Lan điều tra vụ Blogger Trương Duy Nhất mất tích
Bangkok Post, VNTB, 10/02/2019
Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã hứa vào hôm thứ Năm sẽ điều tra vụ mất tích của nhà báo bất đồng chính kiến Việt Nam nghi đã bị bắt cóc tại trung tâm mua sắm phía bắc Bangkok Future Park hai tuần trước.
truong2
Future Park, trung tâm mua sắm phía bắc Bangkok, nơi bị nghi là Trương Duy Nhất đã bị bắt cóc
Trương Duy Nhất, một nhà hoạt động chống chế độ và là người đóng góp cho Đài Á Châu Tự Do có trụ sở tại Washington đã biến mất một ngày sau khi ông được văn phòng Bangkok của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn cấp giấy phép tỵ nạn.
Báo chí nước ngoài và phương tiện truyền thông xã hội đã liên kết việc ông Nhất mất tích với trường hợp người tỵ nạn Saudi vào tháng 1, và phiên tòa bắt giữ và dẫn độ một cầu thủ bóng đá Bahrain có quy chế tỵ nạn ở Úc - tất cả diễn ra ở Bangkok trong tháng qua.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, các nhân chứng cho biết ông Nhất bị bắt cóc ở Future Park vào ngày 26 tháng 1, một ngày sau khi ông đăng ký (tỵ nạn) tại văn phòng UNHCR.
Hôm thứ Năm, người đứng đầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Surachate "Big Joke" Hakparn nói rằng không có hồ sơ chính thức nào về việc ông Nhất nhập cảnh vào Thái Lan, nhưng văn phòng của ông đang xem xét liệu ông Nhất có nhập cảnh bất hợp pháp hay không và những gì có thể xảy ra với ông ta.
"Tôi đã ra lệnh điều tra về vấn đề này", Surachate nói với hãng tin Reuters.
Các nhóm về quyền đã kêu gọi mở một cuộc điều tra sau khi Đài Á Châu Tự Do đưa tin hôm thứ Ba rằng ông Nhất, người đã bị tống giam tại Việt Nam năm 2014-15 vì " tuyên truyền chống phá nhà nước" trên blog của mình, đã mất tích.
"Việt Nam có một thói quen theo dõi bắt cóc những người lưu vong và người tỵ nạn ở nước ngoài. Chính quyền Thái Lan và Việt Nam phải khẩn trương đưa ra thông tin về Trương Duy Nhất mất tích", Amnesty International – Tổ Chức Ân xá Thế giới viết trong một thông điệp Minar Pimple, Giám đốc cấp cao của Amnesty ký.
Các nhóm về quyền cho biết, ông Nhất trốn sang Thái Lan sau khi nhận được tin có nguy cơ bị các quan chức Hà Nội bắt giữ.
"Ông Nhất chỉ ở Thái Lan vì một lý do duy nhất, để xin tỵ nạn và ai đó rõ ràng không muốn anh ta làm như vậy - vì vậy bây giờ chính phủ Thái Lan nên mở một cuộc điều tra ngay lập tức để tìm hiểu những gì đã xảy ra với ông ta", Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của Tổ chức Quan sát Nhân quyền tuyên bố.
UNHCR tại Thái Lan cho biết họ không thể bình luận hoặc xác nhận các trường hợp riêng lẻ.
Sự mất tích của ông Nhất là trường hợp tỵ nạn cao cấp mới nhất ở Thái Lan trong năm nay. Đây cũng là lần mất tích thứ năm của các nhà bất đồng chính trị ở hoặc gần Thái Lan.
Cầu thủ bóng đá người Bahrain, Hakeem Al Araibi, người có quy chế tỵ nạn ở Úc, bắt đầu chống lại việc bị dẫn độ trở lại Bahrain vào thứ Hai tại Tòa án Hình sự.
(Úc cho biết hôm thứ Năm họ đang xem xét các thủ tục cảnh báo Interpol sau khi chính quyền Úc chuyển tiếp "thông báo đỏ" tới Thái Lan rằng Araibi bị Bahrain truy nã, mặc cho quy chế tỵ nạn của anh ta.)
Đầu tháng 1, nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ một phụ nữ Ả Rập Saudi 18 tuổi sau khi cô nói rằng cô đang trốn tránh sự lạm dụng gia đình, nhưng Bangkok đã ngưng kế hoạch trục xuất cô sang Ả Rập Saudi. Trường hợp của Rahaf Mohammed al-Qunun kết thúc trong cô tái định cư ở Canada.
Tháng trước, hai thi thể của những người bất đồng chính kiến đã mất tích từng trú ẩn ở Lào dạt vào bờ sông Mê Kông. Hai người đàn ông khác bao gồm nhân vật cánh tả Surachai Sae Dan nổi tiếng cũng bị mất tích và được cho là cũng đã biệt dạng.
Nguyên tác : Investigation ordered into disappeared Vietnamese blogger in Bangkok, BangkokPost, 08/02/2019 
Diên Vỹ dịch
Nguồn : VNTB, 10/02/2019
******************
Trương Duy Nhất : Những ngày ở Thái Lan trước khi 'mất tích'
Tina Hà Giang, BBC, 10/02/2019
Hơn hai tuần trôi qua kể từ khi có tin blogger Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng có khả năng "mất tích" sau khi tới Thái Lan.
truong3
Khách sạn nơi ông Trương Duy Nhất ở trước khi "mất tích"
Hôm 9/2, từ Canada, cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất cho BBC biết :
"Cuộc gọi cuối cùng của ba và con là 9g tối ngày thứ Sáu, 25/1 theo giờ Bangkok. Lúc ba điện con thì ba đang ở trong phòng khách sạn. Nhưng lần cuối ba online trước khi con không liên lạc được là 5g39 chiều ngày thứ Bảy, 26/1 theo giờ Bangkok. Con check giờ online cuối cùng của ba trên facebook, facebook có tính năng đó nên con mới biết, vì cuộc gọi cuối cùng của con và ba là vào ngày 25".
Trước áp lực của nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ Thái Lan hôm thứ Năm tuần qua chính thức thông báo sẽ mở cuộc điều tra về sự có mặt của ông tại đây cũng như điều gì đã xảy ra với ông.
Trong khi đó, mạng internet vẫn lan truyền nhiều tin tức mâu thuẫn nhau về nghi vấn ông Nhất bị cho là "mất tích" thậm chí bị "bắt cóc" tại Bangkok.
Có đến Cao ủy UNHCR xin tị nạn
BBC được biết qua một nhà hoạt động ở Thái Lan (tạm gọi là ông A), người giúp đỡ ông Trương Duy Nhất trong thời gian ông ở Thái Lan, rằng ông đưa ông Nhất đến cơ quan UNHCR hôm 25/1 để nộp đơn xin tỵ nạn.
Trước đó, hôm 30/1, một nhà đấu tranh khác cho BBC biết đã được một nguồn tin đáng tin cậy có thẩm quyền xác định là ông Nhất đã đến đây.
truong4
Bên trong trung tâm thương mại Future Park
Tuy thế, theo nhà hoạt động này thì ông Nhất "chưa ghi danh".
"Việc làm hồ sơ tị nạn với UNHCR có nhiều bước. Bước đầu tiên là xin lấy hẹn ghi danh. Để làm việc này, người muốn mở hồ sơ điền một mẫu đơn ngắn, ghi rõ tên tuổi, công dân nước nào, và để lại số phôn. Sau đó UNHCR mới gọi phôn cho hẹn để họ quay trở lại làm đơn ghi danh, rồi từ đó mới lập hồ sơ. Trong trường hợp của blogger Trương Duy Nhất khi họ gọi lại thì không gọi được nữa".
Chạy khỏi nơi trú ngụ
Hôm 9/2, tại một khách sạn nhỏ bé ở ngoại ô Bangkok người ta xác định ngay với phóng viên BBC là "người có hình giống ông Trương Duy Nhất có ở đây 6 ngày".
Nhưng trước những câu hỏi tỉ mỉ hơn, người chủ nói ông không làm việc ở đó thường xuyên, và gọi một người phụ nữ dọn phòng đứng tuổi ra nói chuyện.
Qua lời dịch của một đồng nghiệp thuộc BBC Thái, bà nói:
"Ổng có ở đây. Tôi nhớ rõ vì ông là người ngoại quốc duy nhất, không nói được tiếng Thái".
"Ông bất chợt mang đồ rời đi vào một sáng, cuối tuần, tôi không nhớ rõ ngày nào, chỉ biết hôm đó rất đông, và ông đi bằng taxi", một người phục vụ nói với BBC Thái.
Theo tìm hiểu, chủ hotel rất e ngại lôi kéo sự chú ý đến cơ sở làm ăn của mình, nói khách sạn của ông quá nhỏ "không có hệ thống ghi danh, nên không thể cung cấp thêm chi tiết". Và mặc dù "có camera, nhưng bộ nhớ nhỏ nên mỗi tuần tự xóa đi và thu dữ kiện mới lên".
Ông A, người giúp ông Trương Duy Nhất mướn khách sạn nói :
"Anh Trương Duy Nhất vào đến đất Thái đêm 19 rạng sáng ngày 20/1. Em đón anh ấy ở tiệm Starbuck tại Future Park Mall, rồi đưa anh ngay đến khách sạn đó vì nó tiện việc đi lại. Em đặt phòng ba đêm. Sau đó anh Nhất tự lo sáng sáng trả tiền 500 baht để ở thêm. Giấy tờ rất đơn giản không có gì. Một bà Thái làm việc ở đấy lấy phôn chụp passport anh Nhất, nhận tiền, thế là xong".
Một ngày trước khi mất tích, ông Trương Duy Nhất than phiền với ông A là "cảm thấy bất an quá" vì sau khi đến văn phòng UNHCR về, không hiểu tại sao ông liên tục nhận được những cú phôn lạ, của đàn ông lẫn phụ nữ, cả người Việt lẫn người Thái. Hai người bàn nhau là sẽ phải đi mua thẻ điện thoại mới.
Ông A kể :
"Thứ Bảy 26/1, lúc 17:20 anh Nhất gọi em qua Whatsapp, nói anh đang ngồi ở một quán cà phê trên lầu ba của Future Park Mall".
''Anh Nhất lúc đó rất lo. Anh kể có ít nhất là ba cú điện thoại gọi cho anh sáng hôm đó. Cú gọi cuối cùng, anh Nhất nói là của một người đàn ông nói "anh nên bỏ số điện thoại đó đi, và đi khỏi khách sạn đó đi" nên anh Nhất lúc đó sợ quá vội vã rời khỏi khách sạn. Rồi anh Nhất nhờ em giúp tìm người giúp đỡ".
Ông A cho biết sau khi cúp phôn, ông gọi cho ông B, một người bạn để nhờ bạn giúp đỡ ông Nhất.
Tối hôm 9/2, ông B xác nhận với BBC rằng ông có cuộc điện đàm này với ông A vào hôm 26/1.
Ngay sau đó, không còn ai liên lạc được với blogger Trương Duy Nhất.
Nơi trú ẩn không còn an toàn ?
Cho đến hôm 10/02 vẫn ai chưa được biết đích xác blogger Trương Duy Nhất đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra cho ông.
Đài Á Châu Tự Do hôm thứ Sáu đưa tin Hoa Kỳ hoan nghênh tin chính phủ Thái Lan sẽ điều tra việc Trương Duy Nhất bị mất tích.
Trong một tuyên bố ngày 8/2, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ hoan nghênh cuộc điều tra của chính phủ Thái Lan về vụ mất tích của ông Nhất, thêm vào đó, "chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình", đài Á Châu Tự Do viết.
"Tự do báo chí là căn bản của sự minh bạch và sự có trách nhiệm của chính quyền. Các nhà báo thường gặp những nguy cơ lớn khi làm công việc của họ, và nhiệm vụ của các chính phủ và công dân trên toàn thế giới là phải lên tiếng bảo vệ họ", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được trích lời nói.
Trong vòng hai năm qua, giới bất đồng chính kiến Việt Nam thường chạy qua nước láng giềng như Thái Lan để tìm nơi ẩn náu.
Nhưng dường như Thái Lan dần dà không còn là nơi trú ẩn an toàn cho họ.
Trong thông cáo báo chí gửi đi hôm 6/2, tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), viết :
"Thái Lan trước đây được xem là nơi trú ẩn an toàn trong khu vực cho các nhà báo và nhà bất đồng chính kiến, nhưng tình hình đã xấu đi sau gần năm năm cai trị của quân đội Thái Lan, với các trường hợp bất đồng chính kiến bị bắt cóc bởi các đặc vụ nước ngoài hoặc bị chính quyền Thái Lan bắt giữ và trục xuất về nước phải đối mặt với sự trả thù khắc nghiệt".
Thái Lan là nước không tham gia Hội nghị Quốc tế về người Tị nạn, không cấp quy chế tị nạn cho những người đến đây nương náu như một số các quốc gia khác. Người muốn tị nạn phải ghi danh với Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees - UNHCR), phải chờ khoảng 3 tháng để được phỏng vấn, sau đó chờ 3 đến 6 tháng nữa mới có quyết định.
Thêm vào đó, tại nước này, dù đã được UNHCR cấp quy chế tỵ nạn họ vẫn bị xem là những kẻ cư ngụ bất hợp pháp, không nhận được sự giúp đỡ bất kỳ nào từ UNHCR, phải vừa tự tìm cách mưu sinh vừa tránh bị càn quét.
Chính phủ Thái Lan ban hành một Luật Lao Động mới vào tháng 04/2018, qua đó người lao động bất hợp pháp có thể bị phạt tới 3.000 Mỹ kim và bị tù 5 năm.
Blogger Trương Duy Nhất là trường hợp người bất đồng chính kiến bị 'mất tích' thứ năm trong năm nay tại Thái Lan hay những nước quanh vùng.
Image Vài ngày trước, Thái Lan loan báo sẽ điều tra việc ông Trương Duy Nhất dường như mất tích trong lúc có cáo buộc về khả năng ông bị bắt cóc ở Bangkok.
Người đứng đầu cơ quan di trú Thái Lan Surachate Hakparn nói với Reuters rằng không có hồ sơ chính thức về việc ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan.
Tuy vậy, văn phòng di trú Thái Lan đang xem xét có phải ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp và xem chuyện gì đã xảy ra với ông.
"Tôi đã ra lệnh điều tra vụ này", ông Surachate nói với Reuters ngày 7/2.
'Đã có mặt ở Bangkok'
Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế tuần này nói họ đã xác nhận tin ông Nhất bị những người vô danh bắt giữ tại một trung tâm thương mại, Future Park, ở Bangkok ngày 26/1.
Ân xá Quốc tế nói họ xác nhận tin này với "các nguồn độc lập giấu tên".
Ân xá Quốc tế đã kêu gọi Việt Nam và Thái Lan cung cấp thông tin về vụ việc.
Ông Phil Robertson, từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, thì nói ông Nhất đến Thái Lan "chỉ vì một nguyên nhân".
"Là để xin tị nạn, và ai đó không muốn ông ta làm thế, vì vậy chính phủ Thái nên mở ngay điều tra".
UNHCR - Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn - tại Thái Lan từ chối bình luận.
Từng ở tù
Blogger Trương Duy Nhất, chủ nhân của trang blog "Một góc nhìn khác", từng bị tù 2 năm tại Việt Nam.
Ông bị bắt hôm 26/5/2013 tại nhà riêng ở Đà Nẵng.
Phiên tòa ở Đà Nẵng năm 2014 kết tội ông "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Cáo trạng nói ông Nhất có các bài viết "không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng".
Ông ra tù hôm 26/5/2015.
Tina Hà Giang
Nguồn : BBC, 10/02/2019