Trung Quốc phù phép thống kê, thổi phồng tăng trưởng (Thụy My)

Tất cả các nước độc tài đều dùng biện pháp thống kê giả và thổi phồng tăng trưởng kinh tế để mị dân, Trung Quốc không là một ngoại lệ. Trung Quốc "giỏi" hơn các nước độc tài khác là tạo ra được sự phát triển và tăng trưởng thật sự rồi từ đó họ tạo dựng "uy tín" cho mình để vay mượn khắp thế giới. Số nợ của Trung Quốc đã quá 30.000 tỉ USD, giờ đây kinh tế Trung Quốc đã từ một con nợ trở thành một mối nguy cho kinh tế toàn cầu nếu nó sụp đổ. Nhiệm vụ của thế giới là phải 'cứu" và giúp TQ hạ cánh mềm nếu không nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng khi các Quĩ và Ngân hàng đầu tư quốc tế phá sản.



Tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có thể thấp hơn nhiều so với con số được công bố chính thức, và nền kinh tế thứ nhì thế giới tỏ ra dễ bị tổn thương hơn do những cú sốc từ bên ngoài. Đó là lời cảnh báo được Conference Board, một tổ chức nghiên cứu kinh tế đưa ra hôm 16/01/2019.
Theo đánh giá của tổ chức mang tính toàn cầu này chuyên nghiên cứu cho giới kinh doanh và các doanh nghiệp thành viên, được AFP trích dẫn, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 4,1% trong năm 2018 thay vì 6,5% như Bắc Kinh loan báo.

Đã từ lâu, các nhà kinh tế Trung Quốc cũng như ngoại quốc đều cho rằng các con số thống kê do chính quyền đưa ra đã được « trang điểm » lại. Họ để ý thấy tỉ lệ tăng trưởng hàng năm luôn phù hợp một cách kỳ lạ với chỉ tiêu được đưa ra.

Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh hồi năm 2017 cũng đã nhìn nhận tỉnh công nghiệp ở vùng đông bắc này đã « đẻ » ra những con số giả trong nhiều năm trời. Và theo một báo cáo mật được WikiLeaks tiết lộ năm 2010, bản thân thủ tướng Lý Khắc Cường năm 2007, lúc đó là bí thư tỉnh ủy, công nhận một số số liệu đã được « sáng tác ».

Conference Board, mà các nghiên cứu rất được giới đầu tư và lãnh đạo quan tâm, đã tính toán GDP (tổng sản phẩm nội địa) của Trung Quốc từ năm 2014. Ông David Hoffman, phó chủ tịch phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương giải thích, tổ chức này có phương pháp tính toán riêng về tăng trưởng của khu vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp, nhằm làm giảm độ vênh trong cơ chế định giá chính thức.

GDP, chủ đề nhạy cảm

Những con số này chứng tỏ kinh tế Trung Quốc dễ tổn thương vì các nhân tố bên ngoài, hơn là theo loan báo chính thức.

Chẳng hạn, theo cơ quan thống kê Trung Quốc, tăng trưởng giảm xuống còn 7,8% trong năm 1998 do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, so với 9,2% năm 1997. Nhưng theo tính toán của Conference Board, trên thực tế GDP Trung Quốc bị sụt mất phân nửa, từ 4,5% còn 2,3%.

Tương tự, trong đợt giảm giá dầu và nguyên vật liệu 2014-2015, tăng trưởng năm 2015 chỉ còn 3,8% so với năm trước đó là 6,3% ; trong khi theo thống kê chính thức là từ 7,3% giảm nhẹ còn 6,9%.

Tăng trưởng GDP là chủ đề nhạy cảm đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, vốn khẳng định tính chính danh dựa trên lời hứa mang lại sự thịnh vượng và mức sống cao hơn cho người dân.

Đối với ông Hoffman, con số của Conference Board là chính xác hơn, cho thấy « việc có những cải cách quan trọng là điều khẩn cấp đối với Trung Quốc » nhất là trong bối cảnh xung đột thương mại gia tăng và nhu cầu tiêu thụ của thế giới chậm lại.

Một số người nghĩ rằng GDP của Trung Quốc thậm chí còn thấp hơn nhiều. Ông Hứa Tùng Tộ (Xiang Songzuo), giáo sư tài chính của trường Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh tháng trước nhận định, tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2018 không thể vượt quá mức 1,67%, hoặc còn có thể « âm ». Video về cuộc họp báo của vị giáo sư này đã được lan truyền rộng rãi trên mạng, cho đến khi bị kiểm duyệt.

Số liệu bị ngụy tạo

Trung Quốc không chối cãi vấn đề dữ liệu. Lần đầu tiên, cơ quan thống kê Trung Quốc mới đây loan báo sẽ chống lại nạn làm giả số liệu thống kê, lập ra một hệ thống thống nhất trên toàn quốc để tính toán tỉ lệ tăng trưởng. Và có thể cơ quan này sẽ không thích thú gì khi nhìn vào số liệu của năm 2019.
Trong năm 2018, cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ có thể đã dẫn đến việc lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc tạm thời gia tăng, do hàng hóa được vội vã xuất đi để né tránh thời hạn hải quan Mỹ áp dụng tăng thuế. Nhưng xuất khẩu tháng 12 sụt đến 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, và kinh tế gia Cao Nguyên (Gao Yuan) của Conference Board nhận định áp lực từ bên ngoài lên nền kinh tế Trung Quốc « sẽ gia tăng đáng kể » trong năm 2019.

Trong khi đó Bắc Kinh đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế chậm lại, với mức độ nợ nần đáng lo ngại, và gặp khó khăn trong việc chuyển đổi từ mô hình dựa trên xuất khẩu, sản xuất và đầu tư sang mô hình dựa trên tiêu dùng nội địa.

Đối với Conference Board, GDP của Trung Quốc chỉ có thể tăng bình quân 3,8% trong giai đoạn 2019-2023, và giảm còn 3,4% từ 2024 đến 2028.

RFI