'Nước Mỹ là nhà' đối với những di dân Việt sắp bị trục xuất (VOA)

Các nhà lập pháp cho rằng nhiều người tị nạn Việt trẻ khi đến Mỹ được tái định cư ở các khu dân cư có cuộc sống chật vật và thiếu sự hỗ trợ cũng như các nguồn lực để đương đầu với những chấn thương lớn về tâm lý từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Do đó, theo họ, có những người đã phạm lỗi lầm để bị rơi vào vòng lao lý. Họ thúc giục chính quyền Trump “tôn vinh tinh thần di dân và mục đích được đề ra trong thỏa thuận hiện tại.”


Từng là một người tị nạn chính trị Việt Nam, dân biểu mới trúng cử của tiểu bang Massachusetts chỉ trích kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong đó cho phép trục xuất một số lượng di dân Việt đã sinh sống ở Mỹ trong nhiều thập kỷ qua và cho rằng nước Mỹ giờ đây đã là nhà của họ.

Trâm Nguyễn, người vừa trúng cử trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên là dân biểu Massachusetts, cho rằng sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Trump mà theo đó nhiều người tị nạn Việt Nam, hiện đang được bảo vệ dưới một hiệp định do chính phủ hai nước Mỹ-Việt ký kết năm 2008, có thể sẽ bị trục xuất là “vô cùng đáng lo ngại.”
Tuần trước, The Atlantic cho biết chính quyền đương nhiệm của Mỹ đang diễn giải lại một hiệp định với Việt Nam mà theo đó những người tị nạn chiến tranh tới Mỹ trước ngày 12/7/1995 – ngày hai cựu thù nối lại quan hệ ngoại giao – không thể bị trục xuất trở về nước. Theo sự diễn giải mới, Washington cho rằng hiệp định 2008 không thể bảo vệ những di dân Việt tới Mỹ trước 1995.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác nhận rằng “hiện có 5.000 người Việt đang sinh sống ở Mỹ bị kết án hình sự và đã có quyết định cuối cùng là phải bị trục xuất.” Một phát ngôn viên của bộ này cho biết rằng việc trục xuất những tội phạm hình sự trở về đất nước nơi họ ra đi là ưu tiên của chính quyền hiện tại.

Theo bà Trâm, người tới Mỹ cùng với gia đình năm 1992, có những người trong số các di dân bị trục xuất đã tới Mỹ khi còn nhỏ và “không còn ký ức gì về Việt Nam.”

​“Tôi tới Mỹ với tư cách là một người tị nạn chính trị từ Việt Nam Cộng sản lúc mới 5 tuổi cùng với gia đình mình,” cựu luật sư 31 tuổi nói với VOA. “Giống như nhiều người tới đây từ Việt Nam vào lúc đó, gia đình tôi rất mong được xây dựng lại cuộc sống của mình ở đất nước tuyệt vời này.”

Trâm Nguyễn, người sẽ chính thức trở thành dân biểu Massachusetts vào tháng sau, cho rằng nước Mỹ được “kiến tạo như là một ngọn đèn hy vọng và cơ hội cho những ai phải trốn chạy khỏi sự bức hại.”
Nghị sĩ Tiểu bang Massachussett Trâm Nguyễn.(FB Tram Nguyen)
Nghị sĩ Tiểu bang Massachussett Trâm Nguyễn.(FB Tram Nguyen)
"Nước Mỹ là nhà"

Theo nữ dân biểu tương lai của Massachusetts, những người di dân Việt được hứa hẹn rằng “nước Mỹ là nhà của họ và rằng chúng ta sẽ không trả họ lại một đất nước mà họ không bao giờ biết nhiều về nó và cũng sẽ không được chào đón ở đó. Nước Mỹ bây giờ là nhà của họ.”

Cuối tuần trước, một nhóm 22 dân biểu Mỹ đã ký vào một bức thư gửi tới Nhà Trắng, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao, để bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” về những nỗ lực nhằm diễn giải lại hiệp định 2008.

Các dân biểu này viết trong bức thư được The Atlantic trích dẫn rằng việc thay đổi chính sách hiện đang bảo vệ những người Việt tới Mỹ trước năm 1995 “sẽ đưa hàng nghìn người tị nạn Việt Nam trở về đất nước nơi họ đã bỏ đi cách đây nhiều năm, làm ly tán hàng nghìn gia đình, và phá vỡ các cộng đồng di dân và tị nạn ở Mỹ một cách nặng nề.”

Các nhà lập pháp cho rằng nhiều người tị nạn Việt trẻ khi đến Mỹ được tái định cư ở các khu dân cư có cuộc sống chật vật và thiếu sự hỗ trợ cũng như các nguồn lực để đương đầu với những chấn thương lớn về tâm lý từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Do đó, theo họ, có những người đã phạm lỗi lầm để bị rơi vào vòng lao lý. Họ thúc giục chính quyền Trump “tôn vinh tinh thần di dân và mục đích được đề ra trong thỏa thuận hiện tại.”

Cựu ngoại trưởng John Kerry gọi chính sách mới của chính quyền Trump là “hèn hạ.” Người đứng đầu ngành ngoại giao dưới thời Tổng thống Barack Obama và từng tham gia chiến đấu ở Việt Nam viết trên Twitter rằng “Sau khi nhiều người – từ (tổng thống) George H W Bush cho tới (cố thượng nghị sỹ) John McCain và (tổng thống) Bill Clinton – đã nỗ lực trong nhiều năm để hàn gắn vết thương chưa lành và để lại chiến tranh phía sau – thì chúng ta đang quay lưng lại với những người đã phải bỏ nước ra đi và nhiều người trong số đó đã chiến đấu bên cạnh chúng ta. Để làm gì?”

Trâm Nguyễn, người có cha phục vụ trong chiến tranh cùng với quân đội miền nam Việt Nam và sau đó là tù nhân chiến tranh trong trại cải tạo, cho rằng chính sách mới của chính quyền Trump sẽ không làm cho “chúng ta an toàn hơn, mà sẽ lại lần nữa trừng trị những người đã phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm của họ.”

“Điều đó sẽ là trái với những gì thuộc về Mỹ,” Trâm Nguyễn nói với VOA. “Chúng ta có thể vừa duy trì an toàn công cộng mà vẫn có thể thực hiện những gì chúng ta đã hứa.”