Người Việt xứng đáng phải chịu sự cai trị của cộng sản?! (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Làm chính trị luôn là công việc của một thiểu số tinh hoa trong bất cứ một quốc gia nào. Không nên oán trách người dân vì đúng như tác giả trình bày. Nếu có trách thì phải trách tầng lớp trí thức, là những người có ăn học, có điều kiện và may mắn hơn người khác...đã không dành cho chính trị một quan tâm tối thiểu nào và nhất là không chịu học hỏi kiến thức về chính trị nên không biết phải làm gì, làm như thế nào và làm với ai?... 


Tôi đặt dấu chấm hỏi và dấu chấm than vào câu trên là bởi tôi vừa ngạc nhiên vừa không đồng tình với quan điểm này. Đó là câu mà dạo gần đây tôi thường được đọc và nghe từ không ít người.

Công chúng là những người dân bình thường, hằng ngày phải bạc mặt với cơm áo gạo tiền và rất nhiều nỗi lo khác thiết thân: an toàn khi đi đường, bảo vệ công ăn việc làm, tìm mua thực phẩm an toàn cho bữa cơm, sự học hành của con cái, làm thế nào để tránh cho con khỏi sự xâm hại, rồi còn phải cố để dành dụm cho bệnh tật, cho tương lai con cái,...nó là cái vòng lẩn quẩn mệt bở hơi tai. Tối về, bật cái tivi lên, cái đầu chỉ còn đủ sức tiếp nhận một chút hài hài hay câu chuyện tình đơn giản nào đó mà không bắt buộc người ta phải suy nghĩ nữa. Người ta chẳng còn sức để nghĩ và lo cho cái gì vượt quá ngưỡng cửa nhà mình. Đây là số rất đông.

Người thoải mái hơn một chút, không quá bận bịu với cơm áo, có tìm hiểu và biết tình hình xã hội thì lo những nỗi lo cũng đầy thiết thực: kiếm cách di cư sang một môi trường khác, sợ lên tiếng sẽ bị ảnh hưởng đến gia đình, sợ mất mát, sợ phiền phức trong việc làm ăn... Người ta có nghĩ nhưng người ta không biết hành động thế nào nên người ta giả vờ mọi thứ vẫn ổn. Đây là số đông.

Người lên tiếng phản biện, biết nghĩ cho đất nước, biết trăn trở và biết nguyên nhân, biết phải cần hành động thì vẫn còn đó nỗi lo tù đày, trù dập, đánh đập, chết...và bởi số này quá ít nên buộc phải cẩn thận trong mọi việc để chờ một ngày có thêm người cùng tham gia. 

Bên cạnh đó, ta thấy, người Việt hiện nay mới chỉ có số ít đang làm quen với tinh thần dân chủ, còn lọng cọng vướng mắc cản trở rất nhiều bởi những thói tính xấu phản dân chủ đã bị tập nhiễm từ trước. Chưa có (hoặc có mà vẫn chưa tin) một dự án chung để cùng góp sức. Vẫn còn tư duy tôn sùng lãnh tụ nên vẫn chờ đợi một người đủ tầm dẫn dắt, nghĩa là thiếu vắng sự tự tin. Cô đơn, lạc lõng, loạn xạ..điều này là tất yếu, chẳng có gì lạ.

Theo thời gian, qua những trải nghiệm, qua những tổn thương, mất mát dù đã cố tránh mà vẫn không tránh được thì người ta mới nhận ra cần phải làm gì. Điều này phải tự thân nhận ra, chẳng ai thúc được. 

Không ít người mong Việt Nam có dân chủ, có thay đổi mà chờ hoài chưa thấy nên sốt ruột và quay ra trách: "Dân này xứng đáng chịu sự dẫn dắt của cộng sản." Cái lời nói hờn lẫy mà đắng đót đến thấu ruột. Chẳng có dân nào xứng đáng phải chịu sự dẫn dắt của độc tài cả. Nói vậy là sai vì không hiểu thấu tâm lý đám đông, tâm lý con người.

Tôi nghĩ, thay vì trách và sỉ nhục công chúng thì hãy cố gắng hết sức có thể để giúp họ bằng nhiều hình thức: Kiến thức, thông tin, phương pháp tư duy, sự thật. Và khi họ gặp vấn đề thì hãy hết lòng bảo vệ. Bên cạnh đó hãy làm cho họ nhìn thấy một tương lai sáng hơn nếu đất nước có dân chủ. Hãy biết ươm mầm mơ ước cho họ thay vì phỉ báng và thở hậc ra: "Mày ngu thì đáng kiếp, chịu đi!"

Hãy nhớ, chúng ta có được nhận thức và hiểu biết hơn, không phải chúng ta tài cán, thông minh hơn, chúng ta chẳng qua là may mắn hơn thôi. Và, hãy coi sự may mắn đó là một trách nhiệm. Trách nhiệm truyền lại cho người khác. 

Theo quy luật tất yếu, Việt Nam phải thay đổi. Ngày đó sẽ đến. Đừng quá sốt ruột bởi sự sốt ruột sẽ làm con người đi sai đường và rất dễ làm cho con người bỏ cuộc.

19/12/2018