Thầy Thực không cô đơn (FB Nguyễn Thúy Hạnh)

Vô cùng thán phục và đồng cảm với những hy sinh và cố gắng của một người thầy giáo "cô đơn". Mong muốn của thầy cũng là ước nguyện của những người VN còn quan tâm đến đất nước. Rất đồng ý với chị Hạnh là Thầy sẽ không cô đơn vì những người chính trực và yêu nước sẽ mãi đứng bên cạnh thầy. 

Nghe tin thầy thực bị bắt, bị khởi tố theo điều 79: “Hoạt động lật đổ” từ hôm 5/10/2017 qua Hội Giáo chức Chu Văn An, nhưng phải đến tận 1/2/2018 chúng tôi mới tìm được manh mối để lên thăm nhà Thầy.

Hoà Bình, cái tỉnh của núi rừng. Và khi chúng tôi thực sự đến mới thấy hết những con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu. Xe chúng tôi phải dừng nhiều lần vì lầy lội, và vì để hỏi thăm đường. 

Và khi bước chân vào nhà thầy, qua sự dè dặt, lo ngại của vợ thầy (cũng là một cô giáo), và qua những ánh mắt tò mò, dò xét của những người xung quanh, chúng tôi cảm nhận rõ cái sự “khác người” của thầy giữa vùng quê mà thầy sống, và nỗi khổ của gia đình thầy khi có một chủ nhà khác người như thế.

Quả thật lúc đầu tôi nản đến nỗi muốn quay ra ngay để khỏi làm phiền gia đình, nhưng rồi cố nán lại. 

Cũng dễ hiểu, ở một vùng miền núi cách biệt như nhà thầy, thời sự, chính trị ít ai biết, internet càng là điều xa lạ, thì việc thầy Thực “hoạt động lật đổ chính quyền” và bị bắt, là một việc vô cùng nghiêm trọng, như một tiếng bom nổ giữa ban ngày. Khâm phục thầy thì lại càng thương thầy và gia đình. Thầy như một ngôi sao cô đơn. 

(Tuy là một vùng quê nghèo, nhưng chếch bên phải của nhà thầy là một dinh thự hoành tráng, hỏi ra thì đó là một nhà quan).

Nhưng thầy Thực chỉ khác người trong vùng bởi hành động đứng dậy đấu tranh, chứ trong cuộc sống đời thường thì thầy được cả làng, nhất là các học trò quý mến, kính trọng, bởi lối sống mẫu mực, nhiệt tình và hết lòng với những người xung quanh, đặc biệt với học sinh. Thầy thường xuyên giúp đưa đón các học trò đến trường, cho các cháu ăn cơm ở nhà mình. Lúc thầy bị bắt chính là khi thầy đang giúp đón học sinh trên đường về.

Mới đây thấy một tấm hình thầy tham gia biểu tình phản đối Formosa ở Nhà hát lớn Hà Nội năm 2016, mới thấy thầy đã thiệt thòi, khó khăn, cô đơn và nỗ lực như thế nào. Muốn được biểu tình thầy phải từ Hoà Bình về tận Hà Nội, mà cho đến khi bị bắt nào mấy ai biết thầy. Thầy không có người đồng hành chia sẻ, không được bênh vực, bảo vệ, đùm bọc như những người đấu tranh ở nơi có đông người tham gia. Nhưng ý chí của thầy sắt đá, tâm hồn thầy đầy hoài bão về những điều tốt đẹp cho quê hương.

"Tôi đấu tranh đòi tự do, dân chủ, và quyền con người cho nhân dân tôi. Tôi đấu tranh cho đất nước tôi được sống trong môi trường trong lành. Tôi không ân hận”. Thầy đã nói vậy trước bản án 14 năm tù, bình thản mỉm cười, hẹn đặt tên cho cháu nội, và dặn các con chăm sóc cây cối trong vườn, coi đó như một cuộc dạo chơi, dẫu trong người đang mang đầy bệnh tật. Cảm phục và thương mến thầy biết mấy!

Thầy đã không còn cô đơn, giờ đây cả gia đình đứng bên thầy, tự hào về thầy. Hơn nửa năm trước khi chúng tôi đến thăm, vợ thầy e ngại ko dám chụp hình chung - thì vài tháng sau, khi tôi bị đánh vì đi biểu tình phản đối luật đặc khu, cả nhà thầy đã từ Hoà Bình xuống nhà thăm, và cô ấy đã không ngần ngại chụp hình, (sự chuyển biến ấy là món quà quý giá đối với tôi hôm đó).

Thầy đã không còn cô đơn. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng thầy và gia đình, CHÚNG TA LÀ MỘT GIA ĐÌNH!