Quanh việc '60 tỷ đô tiền nhàn rỗi trong dân' (BBC)

Đồng ý là ĐCSVN nên thử "huy động" tiền vàng trong dân xem thế nào? Đây là một phép thử về lòng tin của dân với đảng và uy tín của đảng trong dân. Người dân VN còn nhiều tiền lắm. Ít cũng phải 600 tỉ chứ không phải 60 tỉ đâu.





Một chuyên gia nói với BBC rằng con số hàng tỷ đôla tiền nhàn rỗi trong dân "đặt ra rất nhiều vấn đề đối với chính sách".


Nhận định này được đưa ra trước bối cảnh báo Việt Nam dẫn lời chuyên gia Ngân hàng Thế giới về "60 tỷ đôla tiền nhàn rỗi trong dân".

Hôm 21/8, truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia trưởng thị trường tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới: "Nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ đôla mà chưa huy động hết. Đây là tiềm năng lớn."

Số lượng tiền, vàng cao tích lũy trong dân chúng từ lâu vẫn là một đề tài được Việt Nam quan tâm.
Vài tháng trước, truyền thông Việt Nam cũng đặt vấn đề: "Huy động 500 tấn vàng trong dân như thế nào?". Đây cũng là nội dung mà các đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng hồi tháng 11/2017.

'Tạo dựng lòng tin'

Hôm 23/8, trả lời BBC, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nói: "Tôi chưa được biết phương pháp cụ thể của Ngân hàng Thế giới để đưa ra con số 60 tỷ đôla."

"Nhưng chuyện chính là một lượng tài sản của người dân tạm gọi là nhàn rỗi chưa đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng thì thật sự là rất lớn."

"Trong nhiều năm, tổng tiết kiệm trong nước lớn hơn nhiều con số tổng đầu tư hàng năm, tính theo GDP."

"Con số hàng tỷ đôla tiền nhàn rỗi trong dân đặt ra rất nhiều vấn đề đối với chính sách."

"Đó là vấn đề ổn định vĩ mô, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng cạnh tranh hơn."

"Đây cũng là điều mà chính phủ Việt Nam đang nỗ lực trong quá trình cải cách mấy năm qua."

"Việc này nhằm tạo dựng lòng tin, để người dân thay vì giữ ngoại tệ, vàng dưới dạng tài sản thì đầu tư vào sản xuất kinh doanh."

"Một vấn đề khác là việc phát triển thị trường tài chính ở Việt Nam, xử lý những vấn đề liên quan đến cách thức can thiệp của nhà nước vào chính sách tiền tệ."

"Theo tôi thấy, người dân cũng đủ khôn, không phải "tiền nhàn rỗi" nghĩa là họ không đầu tư, mà chỉ là không đưa vào sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng."
Cùng thời điểm, một nhà báo ở TP Hồ Chí Minh đề nghị ẩn danh nói với BBC: "Đây là thời điểm khá nhạy cảm, chưa thích hợp để kêu gọi huy động vốn từ dân. Nền kinh tế đang khó khăn, quản lý yếu kém vẫn bộc lộ càng làm người dân dễ nghĩ đến chuyện tiền của họ sử dụng kém hiệu quả, như gió vào nhà trống." 

"Hơn nữa việc cứ chăm chăm vào tiền trong dân qua những con số đoán định hay ước tính mà không đẩy mạnh tìm nguồn lực hay nguồn thu khác cũng khiến người dân e ngại hơn." 

"Người dân đặt câu hỏi về tình trạng lãng phí ngân sách, thất thoát của công. Nạn biên chế dư thừa, xe công tràn lan, chi tiêu lễ lạt hội họp lãng phí… mà giải quyết tốt cũng có thêm cả chục tỷ đôla/năm. Nên "huy động" từ đó trước, Nhà nước phải làm gương thì dân mới tin và chung tay, chung sức." 

"Tôi nghĩ là chỉ khi nào Nhà nước chứng minh được việc sử dụng tiền thuế hiệu quả, giảm thiểu tham nhũng, thất thoát và có những kế hoạch sử dụng nguồn lực tiền, vàng huy động được cụ thể, khả thì thì mới nên nghĩ đến việc hiện thực hóa chuyện huy động 60 tỷ đôla (nếu con số này là thật) trong dân."

Trong một bài viết trên BBC, tác giả Nguyễn Hà Hùng viết: "Chính phủ Việt Nam đang kỳ vọng huy động được vàng của dân. Báo chí đăng tải nhiều bài về việc này, nhưng dân không rõ. Huy động là một từ hiếm, dân không dùng. Trong quan hệ giữa người dân với nhau, dù rất thân thiết, khi cần tiền (vàng), người bình thường không nói: "Bạn yêu quý ơi, tớ huy động tiền (vàng) của cậu nhé." Như vậy khó hiểu, người nghe không biết đó là thỉnh cầu hay mệnh lệnh. Chính phủ sẽ vay, xin vàng hay còn kịch bản khác?" 

"Trong quá khứ, 1945, chính phủ Việt Nam đã từng nhận được nhiều vàng của dân. Chính phủ đương nhiệm cũng muốn thế và đang có "phương án". Rất có thể, tinh thần yêu nước sẽ được... huy động. Bởi vì, vàng là thứ khi không có tiền mua, có thể đổi bằng tình yêu. Khi được yêu, có thể xin vàng nhiều lần chăng?" 

"Dẫu sao, đây cũng là dịp chính phủ đương nhiệm biết họ có còn được dân yêu. Họ đang gặp thách thức bởi nạn tham nhũng, lãng phí, thua lỗ, nợ công, môi trường ô nhiễm... Tình trạng nghèo đói, lạc hậu, bất an làm người dân bức xúc, đỉnh điểm là vụ nhập khẩu thuốc ung thư giả gần đây. Dân cũng nhận thức được, tổ quốc và chính phủ là hai khái niệm không giống nhau." 

"Nhưng, biết đâu điều kỳ diệu vẫn xảy ra. Chính phủ Việt Nam sẽ lập kỷ lục là một chính phủ hiện đại nhiều lần nhất xin được vàng của dân. Một minh chứng hùng hồn về tinh thần bách chiến bách thắng không phải là không tưởng? "