Phát triển dân túy ở Ý: các nguyên nhân (Huê Đăng)

Một bài phân tích rất xuất sắc, có chiều sâu và đã trả lời đầy đủ cho câu hỏi vì sao chủ nghĩa dân túy lại trỗi dậy trên toàn thế giới nói chung và tại Ý nói riêng. Các phân tích của tác giả hoàn toàn phù hợp với những nhận định của THDCĐN về chủ nghĩa dân túy. Cám ơn tác giả Huê Đăng. 

 Lãnh đạo phong trào dân túy và bài ngoại Lega, M.Salvini, bộ trưởng Nội Vụ Ý.


Sự ra đời hôm 01/06/2018 của chính phủ dựa trên hai lực lượng chính trị 5 sao và Lega đã được xem như một sự kiện lịch sử quan trọng: Cộng hoà Ý lần đầu "chính thức" có một chính phủ dân túy. Sự kiện này cũng gây chấn động lớn trong Liên Hiệp Châu Âu vì Ý là quốc gia thành viên sáng lập và đồng thời cũng nằm trong khối đồng Euro.

Vài ngày trước khi chính phủ dân túy này ra đời chỉ số spread (khoảng cách giữa công trái phiếu của nhà nước Ý và công trái phiếu của nhà nước Đức) tăng vọt, trong khi thị trường tài chính "báo động" vì chỉ số của sàn chứng khoán ở Milano bị tụt giá mạnh.

Nói rằng đây là lần đầu Ý "chính thức" có một chính phủ dân túy bởi vì hai đảng nắm chính phủ là 5 sao và Lega được xem như là hai lực lượng chính trị dân túy, bài xích châu Âu và bài ngoại. Nhưng thực ra trên thực tế đây không phải là lần đầu nước Ý có chính phủ dân túy. Ngay từ năm 1994 "đại gia tỉ phú" Silvio Berlusconi, lợi dụng sự sụp đổ của các đảng phái chính trị truyền thống, tả cũng như hữu, đã "dấn thân" trực tiếp làm chính trị, lập đảng Forza Italia và đã dựng lên một chính phủ cũng đầy đủ "mùi vị" dân túy.

Nhưng nếu đi lùi thêm thời gian thì cũng có thể nói rằng chính từ những thập niên 1920 nước Ý cũng đã từng có chính phủ dân túy: đó là chính phủ phát-xít của Benito Mussolini.

Yếu tố kinh tế

Vì sao mà ở Ý các lực lượng dân túy đã gặt hái nhiều kết quả bầu cử hơn so với ở các nước châu Âu khác, chẳng hạn như Pháp hay Đức ? Vì sao ở những nơi khác những lực lượng chính trị chống dân túy lại đã trụ lại được và thậm chí còn tấn công ngược lại các lực lượng dân túy, như trường hợp của Emmanuel Macron, thì tại Ý, các lực lượng chống dân túy lại chia năm xẻ bảy không tìm ra được một mặt trận chung ?

Vì sao mà các cơ chế và giai cấp lãnh đạo chính trị ở các nước châu Âu khác có được những "kháng thể" chống sự xâm nhập của các "vi khuẩn" dân túy (thậm chí đến cả Tây Ban Nha vốn cũng đang gặp nhiều khủng hoảng chính trị), trong khi Ý lại hầu như hoàn toàn không có sức "đề kháng" ? Có rất nhiều lý do lịch sử, địa chính trị dẫn đến "bi kịch dân túy" ở Ý.

Trước hết là các lý do mang tính kinh tế: So với các nước Tây Âu khác thì Ý là quốc gia đã phải trả giá cao nhất trước những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008. GDP của Ý hiện nay vẫn còn thấp hơn so với năm 2007, và mức độ bình quân thu nhập đầu người ở Ý (27,7K Euro) thấp hơn mức trung bình châu Âu (29,9K).

Trong khi các quốc gia châu Âu khác, kẻ nhanh người chậm, hầu như tất cả đều phục hồi lại được các chỉ số phát triển và mức độ sung túc, chỉ có Ý vẫn còn loay hoay với cơn khủng hoảng. Điều này chắc chắn đã làm cho đời sống đa phần dân Ý càng thêm cơ cực, vất vả.

Tình hình kinh tế khó khăn nói trên đã tạo ra một chấn động lớn trong một xã hội vốn đang cảm thấy cuộc sống sung túc suy giảm ở mọi tầng lớp. Hai cú sốc khủng hoảng kinh tế thế giới hồi 2008 và 2011, cộng thêm quá trình mở rộng "kinh tế toàn cầu" cùng với cuộc cách mạng công nghệ liên tục .... đã "cứa lên da thịt" của xã hội, làm chao đảo hay thậm chí "đảo lộn" các tầng lớp giai cấp trong xã hội.

Trong khi "giai cấp vô sản thời kỹ thuật số" được đẻ ra thì những tầng lớp xã hội trước đây vốn một thời hưởng được sự bảo đảm ổn định kinh tế .... thì bây giờ những bảo đảm đó đang dần dần biến mất. Phản ứng tự nhiên là các tầng lớp này đang tìm cách vực lại sự sung túc đã mất. Chả thế mà các lực lượng tân-bảo hộ mậu dịch đang ngày được sự ủng hộ của nhiều cử tri.

Trong bối cảnh bất ổn kinh tế nói trên, mô hình sản xuất kinh tế truyền thống xưa nay ở Ý, vốn chủ yếu dựa trên phần lớn các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, thường dựa trên khả năng "tự biên tự diễn" hay cao lắm là dựa trên một hệ thống hạ tầng cơ sở ở cấp địa phương (khu vực, tỉnh thành, huyện xã), với sự hỗ trợ giới hạn của các ngân hàng địa phương, bị đặt trước nhiều thử thách của "biển lớn", vượt quá khả năng đối phó.

Những biến động kể trên đã khiến đại bộ phận người dân cảm thấy lo lắng vì công ăn việc làm dễ bị đe dọa, phúc lợi xã hội như y tế, giao thông công cộng, giáo dục, liên tục bị cắt giảm, tương lai, nhất là tương lai của con cháu, chẳng mấy sáng sủa.

Chỉ có trong khoảng trên dưới ba thập niên trở lại đây Ý mới bắt đầu chú tâm đến việc biến đổi và phát triển kỹ thuật công nghệ trong khi Mỹ và những nước Tây Âu khác đã bắt đầu trước đó rất lâu.

Các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa, đặc biệt là trong các lãnh vực dịch vụ, vốn trước đây được bao che trong thị trường nội địa, cũng nhận thức được rằng nền kinh tế toàn cầu hóa đang gậm nhấm lần lần vị trí độc quyền "có ăn suốt đời" của họ. Nhưng để đối phó lại những cạnh tranh mới thì họ bắt buộc phải tổ chức lại mô hình sản xuất ... và điều này cũng có nghĩa đe dọa quyền lực kiểm soát của họ trong lãnh vực sản xuất lẫn trên thị trường.

Tương tự giới lãnh đạo của các công ty Nhà nước (hay đã được quốc hữu hóa) cũng cảm thấy quyền lực của họ đang bị sói mòn trước sự bùng nổ cạnh tranh quốc tế. Đó là những công ty được ủy thác quản lý những nguồn tài chính và nguồn lực kinh tế khổng lồ của Nhà nước. Nhưng vấn đề là giới lãnh đạo kinh tế nói trên vẫn không "tìm" ra được một mô hình quản lý mới vừa thích hợp với tình hình kinh tế biến đổi nhưng lại vừa không đe dọa trung tâm quyền lực của họ.

Một hệ thống quản lý hành chánh đầy bất cập nhưng vẫn cứ nằm ì không nhúc nhích cộng thêm những đặc quyền của chính giới làm việc cho Nhà nước là cái giá rất cao làm giảm bất cứ khả năng cạnh tranh nào. Thậm chí những nhân viên Nhà nước cũng ý thức được điều đó mỗi khi họ có dịp phải đối đầu với hệ thống hành chánh nói trên, nhưng chẳng một ai dám nghĩ đến việc khước từ những đặc quyền đặc lợi đó.

Giáo dục đào tạo lạc hậu

Tuy con số thất nghiệp cao, nhưng cùng lúc các cơ sở sản xuất lại không tìm ra được lao động cần thiết trong những khu vực kinh tế hiện đại và có khả năng cạnh tranh. Bởi vì hệ thống giáo dục và đào tạo, từ các trường trung học chuyên nghiệp cho đến các đại học không có khả năng đào tạo lao động có tay nghề cần thiết.

Trong bối cảnh như thế những người dân nhập cư, thậm chí đối với cả trường hợp nhập cư hợp lệ, lại trở thành "đối tượng" của một cuộc "chiến tranh" giữa người nghèo với nhau để tranh giành công ăn việc làm, thậm chí tranh giành cả ngay khi công ăn việc làm cũng không có.

Tất cả những hiện tượng kể trên đã cho phép các lực lượng dân túy phát triển nhanh chóng bằng những lời hứa hẹn tái lập lại sự bảo đảm kinh tế (thu nhập công dân dành cho bất cứ ai không có công ăn việc làm), khôi phục lại mức độ phúc lợi xã hội (về hưu sớm, bảo hiểm y tế Nhà nước 100%), bảo vệ nền kinh tế sản xuất nội địa (nâng đỡ bằng tài chính như giảm áp lực thuế cho các cơ sở sản xuất), chống lại hàng hoá đến từ các nước khác (tăng thuế nhập khẩu). Tựu chung là khép lại cánh cửa kinh tế toàn cầu, áp dụng các chính sách bảo hộ mậu dịch ... Hay nói cách khác là làm sống lại những nhược điểm của nền kinh tế nội địa trước đây.

Thực ra chỉ cần có một chút suy nghĩ thì ai cũng có thể thấy đó là những lời hứa hão huyền bởi vì một bên tạo thêm thất thu cho ngân sách Nhà nước (giảm áp lực thuế chẳng hạn), bên kia thì lại làm tăng mức độ chi tiêu ngân sách (tăng phúc lợi xã hội, thu nhập công dân ...) khiến cho ngân sách Nhà nước lại sẽ thêm bội chi trong một quốc gia vốn hiện nay có nợ công lớn nhất trong Liên hiệp Châu Âu.

Yếu tố an ninh và trách nhiệm của Liên Âu

Nhưng những lý do kinh tế xã hội vừa kể cũng không lý giải hết được vì sao các lực lượng dân túy sinh sôi nẩy nở.

Vấn đề nhập cư trong những thập niên gần đây cũng đang tạo ra những khó khăn cho nước Ý trong việc quản lý người nhập cư (nhất là nhập cư trái phép) và khiến rất nhiều người Ý cảm thấy an ninh công cộng bị đe doạ.

Trước nhất phải nói vì vị trí địa lý của mình (bán đảo của phía nam châu Âu nằm lọt giữa biển Địa Trung Hải giáp ranh với khu vực Bắc Phi) nước Ý đã trở thành "đầu cầu" cho làn sóng nhập cư ồ ạt xuyên qua biển Địa Trung Hải để vào châu Âu.

Trong suốt mấy thập niên qua các chính phủ Ý đã liên tục gióng tiếng báo động với châu Âu và nhất là cảnh báo sự quá tải của Ý, yêu cầu châu Âu hợp tác với chính phủ Ý để đưa ra một chính sách giải quyết vấn đề nhập cư một cách vừa nhân đạo vừa có kiểm soát. Nhưng trong quá khứ, ngoài những tuyên bố chung chung, những hứa hẹn suông, trên thực tế các chính phủ trong Liên hiệp Châu Âu đã để Ý "đơn thân độc mã" gánh hết gánh nặng của làn sóng vượt biển Địa Trung Hải để nhập cư trái phép vào châu Âu.

Phải nói rõ là nhập cư trái phép vào châu Âu chứ không phải vào Ý, bởi vì đại bộ phận người vượt biển đến từ Bắc Phi chủ yếu chỉ muốn dùng nước Ý như đầu cầu để đặt chân lên đất liền và rồi sẽ tìm cách vượt biên giới sang các nước phía bắc châu Âu vốn có nền kinh tế vững vàng hơn nên dễ có cơ hội lao động. Hầu như đa số người nhập cư không có chủ tâm muốn trụ lại Ý.

Nhưng việc quản lý yếu kém của các trại nhập cư ở Ý vì bị quá tải, đã khiến những người nhập cư phải tìm đủ mọi cách để mưu sinh. Bên cạnh đó, nhất là ở các khu vực phía nam nước Ý, lại có các băng đảng xã hội đen Mafia lúc nào cũng sẵn sàng lôi cuốn những người nhập cư bất hợp pháp vào con đường bất chánh, vì những người nhập cư bất hợp pháp này không có giấy tờ hợp lệ nên họ sống hoàn toàn bên ngoài luật pháp, do đó dễ dàng trở thành đối tượng lao động để Mafia đưa họ vào những hoạt động bất chánh phi pháp như trộm cướp, buôn lậu khí giới, buôn lậu ma tuý, đâm thuê giết mướn, mãi dâm.

Tất cả những sự kiện kể trên khiến cho người Ý cảm thấy bất an, thậm chí có những địa phương người dân cảm thấy bị chính cơ quan quyền lực an ninh bỏ rơi hay không đủ sức bảo vệ người dân, và ở những nơi đó các lực lượng dân tuý, cùng các nhóm hữu khuynh cực đoan bài ngoại phát-xít, tha hồ vẫy vùng như cá trong nước.

Một mặt các lực lượng dân túy lên án Nhà nước không bảo đảm an ninh công cộng, một mặt họ đứng ra lập các đoàn "nhân dân tự vệ" đi tuần hành ban đêm, dù rằng trên thực tế những đoàn "nhân dân tự vệ" đó phô diễn nhiều hơn là thực chất, nhưng trước mắt họ thu hút được cử tri như một "cơ chế" có khả năng bảo vệ người dân thay cho Nhà nước.

Nhược điểm chính trị

Bên cạnh các yếu tố kinh tế xã hội và an ninh nói trên, trong các cuộc bầu cử chính trị người ta dễ nhận ra những điểm yếu kém của các đảng phái chính trị và cơ chế Nhà nước. Nó đã không cho phép nước Ý có đủ "kháng thể" để chống lại những khuynh hướng dân túy.

Thí dụ ở Pháp, nơi cũng có sự hiện diện của các lực lượng cực hữu và dân túy, nhưng mỗi khi có mối đe doạ thực sự thì tất cả các đảng phái chính trị, có khi khác biệt rất nhiều về ý thức hệ tả-hữu, đều đồng lòng tạm gác qua một bên những bất đồng, đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả, đã hiệp sức đứng chung vào một mặt trận để ngăn chận làn sóng dân túy. Sự kiện này đã xảy ra nhiều lần như cuộc bầu cử tổng thống năm 2002 (vòng hai giữa Jacques Chirac và Jean-Marie Le Pen), và mới nhất là năm 2017 khi ông Emmanuel Macron thắng được Marine Le Pen.

Trong khi đó ở Ý, hiện tượng đứng chung với nhau vì lợi ích quốc gia không hề xảy ra. Thậm chí trong các cuộc bầu cử, bản thân các lực lượng chính trị, tả cũng như hữu, đều chịu cảnh phân tán lực lượng ra thành nhiều đảng phái nhỏ và rời rạc. Đa phần giới lãnh đạo chính trị của Ý vẫn còn quan niệm kiểu "thà làm vương tiểu quốc còn hơn làm dân cường quốc".

Tình trạng các đảng phái chính trị truyền thống và cơ chế Nhà nước yếu kém làm giảm lòng tin của cử tri vào những đối thoại biện chứng giữa các lực lượng chính trị trong một môi trường nghị viện, từ đó cử tri thường hay đi tìm một "đấng minh quân" (strong man) có sức lôi cuốn quần chúng để tôn thờ và giao hết niềm tin và hy vọng vào cá nhân đó một cách mù quáng. Trong lịch sử Ý cũng đã nhiều lần cử tri đã tìm được "đấng minh quân" ... để rồi sau đó lại càng thêm thất vọng và nước Ý càng thêm bất ổn.

Trong quá khứ có thể thấy những "đấng minh quân" đó đã xuất hiện qua những nhân vật như Benito Mussolini, người đã tàn phá nước Ý trong hai thập niên của chế độ phát-xít (1922-1943), hoặc gần hơn thì có Silvio Berlusconi cũng đã từng được xem như một nhân vật xuất chúng biết làm chính trị một cách sáng tạo: vận hành cơ chế Nhà nước y hệt như vận hành một cơ sở kinh doanh kinh tế trong đó chỉ có một người duy nhất có toàn quyền quyết định tất cả mọi chuyện là chủ nhân. Dân túy lúc nào cũng đậm mùi "tôn thờ lãnh tụ" như đã xảy ra trong quá khứ. Và trong tương lai cũng sẽ không thay đổi bao nhiêu.

Cái bẫy mị dân

Một xu hướng đặc biệt của giới lãnh đạo Ý, nhất là lãnh đạo kinh tế, là thường hay tìm cách xoa dịu, chiều lòng, thậm chí đôi khi như ve vãn các lực lượng chống đối lại cơ chế Nhà nước, với hy vọng sẽ có thể "thuần hóa" được các lực lượng này. Lịch sử cũng đã cho thấy là, ngay từ thời phát-xít của Mussolini kéo dài từ 1922 đến 1943, hy vọng ấy chỉ là hão huyền.

Những xoa dịu hay ve vãn nói trên đã không "diệt được vi khuẩn dân túy" mà còn bị chính dân túy, với những khẩu hiệu như "đổi mới", "cách mạng", nuốt chửng.

Chiến tranh lạnh

Một trong những nguyên nhân khiến cho tầng lớp lãnh đạo chính trị và kinh tế ở Ý yếu kém hơn so với quốc gia châu Âu khác chính là vị trí địa lý đặc biệt của nước Ý. Nước Ý là một bán đảo nằm lọt sâu vào giữa biển Địa Trung Hải với hai bờ biển hai bên đông và tây, các đảo cực nam của Ý là điểm tiếp cận gần nhất của khu vực Bắc Phi để đến châu Âu. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh nước Ý như là một thứ "hàng không mẫu hạm" thiên nhiên cho phép liên minh Bắc Đại Tây Dương (OTAN) và Mỹ xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự ngay trên đất Ý để kiểm soát toàn bộ biển Địa Trung Hải và khu vực Bắc phi.

Trong vị trí quan trọng đặc biệt đó, Ý đã được Mỹ coi như là một đồng minh tối quan trọng, một mắt xích không thể thiếu trong liên minh NATO. Do đó trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh Mỹ luôn luôn tìm đủ cách để o bế, nuông chiều lãnh đạo cầm quyền của Ý thời đó (lúc đó là đảng trung hữu Dân Chủ Thiên Chúa Giáo), sẵn sàng viện trợ ồ ạt cho Ý với mục tiêu là để nắm giữ được Ý trong cuộc đối đầu với khối Cộng Sản do Liên Xô cầm đầu.

Tương tự như thế, Liên Xô cũng đã "hết lòng" viện trợ cho đảng Cộng sản Ý (PCI) để hỗ trợ các hoạt động có lợi cho Liên Xô trong suốt thời chiến tranh lạnh.

Kết quả là toàn bộ giai cấp lãnh đạo chính trị Ý, tả cũng như hữu, đều được mơn trớn, nuông chiều vô tội vạ từ phía Mỹ và phía Liên Xô. Tiền viện trợ ồ ạt đổ vào từ hai phía đến độ lãnh đạo chính trị và kinh tế Ý tin một cách mù quáng rằng cái vị trí "hàng không mẫu hạm thiên nhiên" nói trên là một thứ "tiền rừng bạc biển" mà Ý có thể ung dung nhàn hạ sống sung túc đến mãn đời mà không cần phải nhọc công xây dựng chi cả.

Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, nước Ý phát triển kinh tế, người dân "ăn nên làm ra", hàng hóa tiêu dùng tràn ngập cho đến khi chiến tranh lạnh kết thúc. Khi không còn chiến tranh lạnh thì "hàng không mẫu hạm thiên nhiên" của Ý cũng bị "mất giá". Phía Mỹ đã "rút cờ", đóng cửa hàng loạt căn cứ quân sự của Mỹ ở Ý. Liên Xô cũng bị tan rã. Tất cả luồng tài chính đến từ phía Mỹ và Liên Xô một sớm một chiều tự nhiên cạn kiệt.

Tiền rừng bạc biển bỗng nhiên biến mất. Thế là nền kinh tế của Ý đâm ra chao đảo, giới lãnh đạo chính trị Ý lúc ấy mới lộ ra cái nhược điểm quen "ngồi mát ăn bát vàng" hoàn toàn không có khả năng "lao động".

Tình hình đó trong suốt mấy thập niên đã đưa đẩy nền kinh tế tài chính của Ý vào những khó khăn, người dân lúc ấy mới ngộ ra rằng cái cơ chế Nhà nước đã "bố thí" rộng rãi cho họ trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh chỉ là một cái vỏ rỗng.

Không tả không hữu

Tất cả những thất bại liên tục về đường lối và chính sách của các đảng phái chính trị truyền thống, tả cũng như hữu, cộng thêm những vụ xì-căng-đan về tham nhũng hối lộ to tát, to đến độ mà hồi đầu thập niên 90 đã nổ ra "chiến dịch bày tay sạch" (mani pulite) của tòa án ở Milano, hàng loạt nhân vật chính trị chóp bu, tả có hữu có, bị phanh phui và ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của các đảng phái thời đó. Đến độ làm triệt tiêu cả nền Đệ I Cộng hòa của Ý, và mở màn cho bước đầu của quá trình "thăng tiến" của các lực lượng chính trị dân túy. Điểm khởi đầu là sự xuất hiện đầy ấn tượng và thành công, của một "đại gia tỉ phú" mang tên Silvio Berlusconi.

Tự sự suy yếu và tai tiếng của các đảng phái chính trị truyền thống khiến đại bộ phận dân Ý có quan điểm rằng tả cũng như hữu, tất cả đều chỉ lo "chè chén" và quyền lợi đẳng cấp, bỏ mặc người dân. Từ đó người dân Ý cũng chẳng còn tha thiết gì đến các luồng tư tưởng chính trị. Người dân chỉ còn biết lo cho chính bản thân của mỗi người, chờ đợi thành quả của những hứa hẹn của các lực lượng dân túy.

Có thể nói là ở Ý các lực lượng dân túy thành công không phải nhờ vào các ưu điểm (vốn không có) của chính mình mà là nhờ vào các nhược điểm của các lực lượng chính trị đảng phái truyền thống đã từng thay phiên nhau cầm quyền.

Sự thất bại chính trị của các đảng phái chính trị truyền thống, tả cũng như hữu, đã xói mòn tất cả các uy tín của họ, và lôi kéo cả cơ chế Nhà nước xuống vực thẳm, dẫn đến hàng loạt các vấn đề khó khăn và bức xúc cho cử tri ở mọi tầng lớp.

Sự thiếu đầu tư xây dựng cơ chế Nhà nước Ý tân tiến, minh bạch, nhất là trong lãnh vực hành chính, tài chính, và lao động đã khiến cho phần lớn người dân Ý xem các tiêu chuẩn kinh tế tài chính của Liên Hiệp Châu Âu như một kiểu "xen vào nội bộ Nhà nước Ý", hay tệ hơn nữa là một thứ "gông cùm trói buộc nước Ý".

Tất cả những lý do để trên được trộn lẫn với nhau để các lực lượng dân túy lợi dụng như một thứ thuốc nổ làm vỡ tung cơ chế Nhà nước.

RFI