Huỳnh Thục Vy và câu chuyện lá cờ (Thạch Đạt Lang)

Cờ đỏ sao vàng chỉ là biểu tượng của đảng CSVN. Việc phế bỏ nó rất dễ dàng nếu chúng ta liên kết được sức mạnh toàn dân. Hãy dùng năng lượng của sự căm ghét, bất mãn lá cờ đỏ sao vàng vào những việc thực tế, có nhiều tác động, ảnh hưởng đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản, hơn là xịt sơn lên nó.





Tuần lễ vừa qua, ngoài xã hội cũng như cộng đồng mạng xôn xao về chuyện blogger Huỳnh Thục Vy bị công an thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk-Lắk bắt giữ mấy tiếng đồng hồ, sau đó được trả tự do nhưng cấm rời khỏi nơi cư trú, đồng thời bị khởi tố theo điều 276 BLHS vì hành động dùng sơn xịt lên lá cờ đỏ sao vàng của chế độ CSVN, sau đó phổ biến trên mạng. Bức ảnh lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, được sự hoan hô, cổ võ của nhiều người (chống cộng) trong và ngoài nước.


Sau khi được trả tự do, bà Huỳnh Thục Vy viết trên trang Facebook của mình như sau: “Xịt sơn lên cờ máu là một phần của quyền tự do biểu đạt của công dân theo luật quốc tế, bất chấp luật rừng của chính quyền độc tài”.

Xin nói rõ thêm, người viết không gọi cờ đỏ sao vàng là cờ tổ quốc, cờ của đất nước, dân tộc Việt Nam, vì đây là lá cờ chưa hề đại diện cho ước nguyện của toàn thể người dân Việt Nam.

Về mặt pháp lý, khởi thủy ngay từ trước năm 1945, cờ đỏ sao vàng là hiệu kỳ của Mặt Trận Việt Minh, tiền thân của đảng CSVN. Sau khi cướp được chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945, ông Hồ Chí Minh ký sắc lệnh sử dụng lá cờ này làm quốc kỳ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và sau tháng 4 năm 1975, trở thành quốc kỳ CHXHCNVN.

Đây là một sự áp đặt của chế độ cộng sản lên đầu người dân Việt Nam, người dân chưa bao giờ được hỏi ý kiến, hay được biểu quyết về biểu tượng của đất nước. Tuy nhiên đây không phải là điều đáng bàn trong phạm vi bài viết.

Bài viết cũng không có mục đích phân tích hành động của bà Thục Vy đúng hay sai cũng như tính cách pháp lý của điều luật 276-BLHS của chế độ cộng sản, chỉ muốn đưa ra ý kiến, nhân định về tác động, ảnh hưởng của hành động xịt sơn lên lá cờ đỏ, sao vàng, biểu tượng của chế độ cộng sản.

Huỳnh Thục Vy là một blogger tương đối nổi tiếng trong nước, được nhiều người ủng hộ vì những hành động tranh đấu, đòi hỏi nữ quyền, tức nhân quyền, cũng như những phát biểu chính kiến bất đồng với chế độ cộng sản VN. Bà Vy cũng là tác giả cuốn sách “Nhận Định Sự Thật Tự Do và Nhân Quyền”.

Mặc dù ít có những hoạt động nổi tiếng hay tham gia tích cực vào những cuộc biểu tình chống Trung Cộng, nhưng có lẽ do bề ngoài xinh đẹp, ăn nói khôn ngoan, thông thạo Anh ngữ nên bà Vy được một số người thần tượng, cổ vũ, đề nghị làm tổng thống trong chính phủ tương lai sau khi chế độ CSVN sụp đổ.

Bà Huỳnh Thục Vy cũng chưa hề bị bắt, bị giam giữ, hành hung hay bị kết án tù như một số blogger nữ khác như Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh… khi những người đấu tranh còn có thể đếm trên đầu ngón tay.

Lần khởi tố này chưa biết chế độ CSVN sẽ có biện pháp, hình phạt gì đối với bà Vy. Hành động bắt giữ một người phụ nữ có con nhỏ dưới 3 tuổi của chế độ CSVN vì hành động xịt sơn lên lá cờ đã dấy lên một làn sóng phản đối chế độ CSVN của các phong trào, tổ chức nhân quyền quốc tế. Có lẽ vì vậy, công an Buôn Hồ đã thả bà Thục Vy về nhà sau vài giờ giam giữ, lấy khẩu cung. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đây là kịch bản mới của nhà cầm quyền Việt Nam đối với người bất đồng chính kiến.

Xét về phương diện pháp lý, hành động xịt sơn lên biểu tượng của một tổ chức, hội đoàn, cao hơn nữa là biểu tượng của một thể chế, một quốc gia … chỉ biểu lộ sự bất mãn, không chấp nhận biểu tượng đó. Hành động đó nếu không được thực hiện ở nơi công cộng, không gây thiệt hại cho ai, không làm cản trở sinh hoạt xã hội, thì chẳng có lý do gì để bắt giữ, điều tra, khởi tố.

Chỉ vì cảm tính, xem đó là biểu tượng thiêng liêng của họ, nên chế độ cộng sản mới có hành vi bắt giam mấy tiếng đồng hồ để điều tra và khởi tố Huỳnh Thục Vy. Chính hành động bắt giam, khởi tố, cấm rời khỏi nơi cư trú, tạm cấm xuất cảnh… này, đã khiến tên tuổi bà Vy càng nổi tiếng hơn và khuôn mặt chế độ càng trở nên tồi tệ, hèn hạ, lem luốc hơn.

Từ chuyện xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng, người viết chợt nhớ hành động của ông Lý Tống, cựu phi công của Không quân VNCH thẩy chiếc quần lót phụ nữ lên bức tượng bán thân của ông Hồ Chí Minh vào dịp VAALA (một tổ chức văn hóa Việt-Mỹ được cho là thiên cộng) tổ chức triển lãm nghệ thuật ở Orange County năm 2009.

Những hành động này chắc chắn gây hào hứng, thích thú lẫn đôi chút hả hê cho một số người chống cộng tại hải ngoại vì cảm giác trả được (chút ít) hận thù đối với chế độ cộng sản. Ngoài ra không gây thiệt hại gì nhiều cho VAALA ngoài việc phải dẹp tiệm, đóng cửa sớm.

Bà Huỳnh Thục Vy cũng như ông Lý Tống, có thể nói, đã trở thành những nhân vật cộng đồng, tiếng nói, hành động có ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức nhiều người. Do đó cần phải xem lại, hành động ném chiếc quần lót phụ nữ lên bức tượng bán thân Hồ Chí Minh hay xịt sơn lên cờ đỏ sao vàng đã được suy nghĩ, cân nhắc, tính toán lợi hại trước khi hành động hay chỉ là những hành động nặng về cảm tính, bốc đồng hoặc còn mục đích nào khác?

Hơn nữa, nếu xét về mặt xã hội, tâm lý…, hành động của bà Huỳnh Thục Vy có thật sự tác động lên suy nghĩ, nhận thức của người dân trong nước một cách tích cực hơn hay ngược lại, cũng là một điều cần phải suy nghĩ, đánh giá.

Có nên ca tụng, cổ võ hành động này để khiêu khích chính quyền, chế độ cộng sản, gây phản cảm với những cán bộ, đảng viên ĐCS đang muốn có những thay đổi tích cực cho đất nước?

Tôi không biết con số cán bộ, đảng viên ĐCS đang muốn có những thay đổi tích cực cho đất nước nhiều hay ít, bao nhiêu phần trăm và nắm giữ được những địa vị, phòng sở quan trọng nào trong đảng, chính quyền…Đừng nên quên rằng, cha, ông hoặc chính bản thân họ cũng đã có người đổ máu cho lá cờ đỏ sao vàng. Gây phản cảm với họ là tự phân tán sức mạnh có thể thay đổi, làm sụp đổ chế độ tồi tệ hiện nay.

Chắc chắn sẽ có rất ít người đặt câu hỏi, so sánh: Giữa hành động xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng của bà Huỳnh Thục Vy và hành động tọa kháng tại gia với tấm bảng Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam của bà Phạm Thanh Nghiên, hành động nào quả cảm hơn, gây tác động tích cực đến suy nghĩ, nhận định của quần chúng hơn? Hơn nữa hành động của bà Nghiên được thực hiện 10 năm về trước, khi sự chống đối chế độ vẫn còn hiếm hoi, lưa thưa, vắng vẻ.

Cờ đỏ sao vàng chỉ là biểu tượng của đảng CSVN. Việc phế bỏ nó rất dễ dàng nếu chúng ta liên kết được sức mạnh toàn dân. Hãy dùng năng lượng của sự căm ghét, bất mãn lá cờ đỏ sao vàng vào những việc thực tế, có nhiều tác động, ảnh hưởng đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản, hơn là xịt sơn lên nó.

15/8/2018