Cambodia: có đa đảng là có dân chủ? (Quỳnh Vi-Luật Khoa)
Đa đảng chỉ là một con số, đa nguyên là một tinh thần. Không ít người VN tranh đấu cho dân chủ từng cho rằng, không cần lý thuyết và tư tưởng chính trị mà chỉ cần đánh đổ cộng sản là tự khắc có dân chủ?! Thực tế lại không như vậy. Phong trào dân chủ VN phải có "tư tưởng chính trị" và một "dự án chính trị" rõ ràng và khả thi thì mới có thể thuyết phục được người dân VN ủng hộ cho một lộ trình tranh đấu trước mắt và công cuộc xây dựng dân chủ trong tương lai.
Lý do Hun Sen đưa ra là đã có tổng cộng 20 đảng phái chính trị tham gia tranh cử lần này, và đó chính là dân chủ.
Lập luận này nghe qua thì cũng có vẻ… khá hợp lý. Khi đã có nhiều hơn
một đảng phái chính trị, thì về mặt lý thuyết, người dân sẽ có quyền
tuyển chọn ra ứng viên đến từ bất kỳ đảng nào mà họ cảm thấy đáp ứng
được nhu cầu của cử tri. Và nếu như người dân được lựa chọn bằng lá
phiếu, thì đó chẳng phải là dân chủ hay sao?
Vậy thì cho dù đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do Hun Sen lãnh đạo dành được 100% số
ghế tại Quốc hội Cambodia (National Assembly) trong cuộc bầu cử vừa
qua, điều đó cũng đâu có gì đáng bàn cãi khi mà họ đã cạnh tranh với
những 19 đảng phái chính trị khác?
Thế mà Hun Sen vẫn bị cộng đồng quốc tế lên án và phản đối, thậm chí còn bị cáo buộc là
đã “bóp chết nền dân chủ Cambodia” mà Liên Hiệp Quốc đã dày công xây
dựng trong 25 năm qua. Ngay trước cuộc tổng tuyển cử, cả Liên minh Châu
Âu (EU) lẫn Hoa Kỳ đều tuyên bố sẽ
áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này, nếu các quy
tắc về bầu cử tự do và công bằng của quốc tế không được tuân thủ.
Đa số các “thế lực thù địch” đều lập luận rằng đảng CPP và Hun Sen
vốn không thể toàn thắng trong mùa bầu cử 2018 vừa qua, nếu như đối thủ
chính trị “đủ cân đủ lượng” với họ vẫn còn tồn tại. Bởi vì cho dù là có
đến 19 đảng chính trị khác tham gia tranh cử, nhưng tất cả đều là vô
nghĩa khi đảng đối lập duy nhất – từng nắm giữ gần 40% số ghế trong Quốc
hội – đã bị bức tử từ nửa năm trước đó.
Không phải cứ có đa đảng thì sẽ có dân chủ
Trong những điều kiện căn bản của một thể chế dân chủ vốn không chỉ
nhắm đến số lượng đảng phái trong một nước, mà là sự đa nguyên chính trị
(political pluralism) trong một quốc gia.
Khi mà đảng cầm quyền, nhằm giữ vững vị thế độc quyền chính trị, có
thể tùy ý “hô biến” để xóa sổ bất kỳ đảng phái đối lập nào mang lại đe
dọa đối với quyền lực của họ, thì đó không phải là đa nguyên chính
trị. Và khi không có một lực lượng nào đủ sức cạnh tranh với đảng cầm
quyền một cách công bằng, thì dù cho có hàng trăm hay hàng nghìn đảng
phái đi nữa, mô hình đó vẫn không thể gọi là một nền dân chủ.
Đa nguyên chính trị là một yếu tố cần thiết cho một nền dân chủ, vì
nó không chỉ khuyến khích việc thành lập các đảng phái để tạo ra sự cạnh
tranh. Mà hơn thế, trong một nền chính trị đa nguyên thì tất cả các
đảng phái đó đều được đảm bảo điều kiện hoạt động trong một môi trường
công bằng và ôn hòa. Việc chuyển tiếp quyền lực chính trị giữa các cá
nhân, hoặc giữa những lực lượng khác nhau trong xã hội, sau mỗi cuộc bầu
cử, sẽ diễn ra trong hòa bình.
Đơn cử một ví dụ là nước Mỹ thời lập quốc vốn không có đảng phái,
thậm chí Hiến pháp Hoa Kỳ còn chẳng có dòng nào viết về đảng chính trị.
Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc nước Mỹ không có các lực lượng
chính trị đối kháng nhau. Cuộc tổng tuyển cử năm 1796 là lần đầu tiên có
hai ứng cử viên chạy đua cho chức vụ tổng thống, và đảng phái chính trị
tại Hoa Kỳ cũng bắt đầu hình thành theo.
Màn đối đầu giữa Thomas Jefferson và John Adams năm đó rất quyết
liệt, vì họ đại diện cho hai tư duy chính trị hoàn toàn đối lập nhau.
Mức độ gay gắt của mùa bầu cử ấy chẳng hề kém cạnh cuộc bầu cử mới nhất
năm 2016 giữa Hillary Clinton và Donald Trump. Nhưng dù là 1796 hay 2016
và có là ai đắc cử đi chăng nữa, thì việc chuyển giao quyền lực của
người đứng đầu quốc gia Hoa Kỳ đã diễn ra trong ôn hòa và trật tự.
Có thể nói, các hệ tư tưởng khác nhau của các nhà lập quốc Hoa Kỳ
thời kỳ đầu chính là sự đa nguyên chính trị mà một nền dân chủ cần có.
Chính sự khác biệt trong tư duy chính trị của các nhà lập quốc Hoa Kỳ và
sự đối chọi giữa các phe phái khi đó, đã giúp cho quốc gia của họ phát
triển thần tốc và trở thành một hình mẫu về mô hình nhà nước dân chủ
ngày nay.
Xóa sổ lực lượng đối lập tức là xóa bỏ đa nguyên
Muốn đảm bảo đa nguyên chính trị, hai thiết chế quan trọng bậc nhất
cần phải có là báo chí tự do và tư pháp độc lập. Nhưng Hun Sen, bằng
cách đàn áp báo chí và thao túng các cơ quan tư pháp, đã triệt tiêu đa
nguyên chính trị tại đất nước này.
Chúng ta hãy thử hình dung một cuộc chạy đua 800 mét với 21 tuyển thủ
điền kinh mà trong đó chỉ có hai người là ngang sức ngang tài với nhau.
19 bạn còn lại thì dù có chấp chạy trước đi nữa vẫn không có cơ hội
đoạt giải vì thể lực không đủ. Nhưng nếu một trong hai tuyển thủ có cơ
hội giành ngôi quán quân lại “giở trò” khiến cho đối thủ duy nhất của
mình bị cấm thi đấu vĩnh viễn, thì liệu có còn ai dám cạnh tranh nữa
không? Và một cuộc đua như thế có được xem là công bằng không?
Hun Sen đã dùng chính phương pháp nói trên để loại trừ đối thủ chính
trị duy nhất có khả năng uy hiếp quyền lực của mình trong cuộc tổng
tuyển cử vừa qua.

Lãnh đạo đảng CNRP Khem Sokha và cựu lãnh đạo Sam Rainsy cùng đoàn người sau cuộc tổng tuyển cử 2013. Ảnh: AFP.
Năm năm trước, vào cuộc tổng tuyển cử 2013, lần đầu tiên trong vòng
gần 20 năm nắm toàn bộ quyền lực tại Cambodia, Hun Sen và đảng CPP đã
đứng trước nguy cơ có thể thất bại trước một đối thủ chính trị thực thụ:
đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP).
Đảng CNRP đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013 với 63/123 ghế tại Quốc hội, và lên tiếng cáo buộc CPP gian lận khi chỉ thừa nhận CNRP giành được 55/123 số ghế.
Mối đe dọa từ CNRP càng thêm rõ nét vào mùa hè năm ngoái. Trong kỳ
bầu cử địa phương (commune election) cho các chức vụ hội đồng phường, xã
vào tháng 6/2017, khoảng cách giữa hai đảng càng lúc càng rút ngắn khi số phiếu phổ thông (popular vote) mà CNRP đạt được chỉ thua phe CPP có 500.000 phiếu.
Nhưng chỉ vỏn vẹn năm tháng sau, đến tháng 11/2017 thì đảng CNRP đã
hoàn toàn bị xóa sổ tại Vương quốc Chùa tháp. Hun Sen và đảng CPP vốn đã
lên kế hoạch cho “một trận đánh đẹp” nhằm dẹp tan CNRP trước mùa bầu cử
2018 từ một năm trước đó.
Tháng 3/2017, Luật Đảng phái tại Cambodia đã được Quốc hội với phe đa số thuộc đảng CPP chấp thuận sửa đổi để
mở đường cho kế hoạch loại trừ CNRP ra khỏi cuộc đua chính trị. Theo
đó, tòa án được trao quyền giải tán bất kỳ đảng chính trị nào với những
tiêu chuẩn hết sức mơ hồ và lỏng lẻo.
Tiếp theo, Hun Sen ra tay đóng cửa các
tờ báo và cơ quan truyền thông độc lập như tờ Cambodia Daily nhằm ngăn
cản các tiếng nói bất đồng chính kiến. Sau đó, chính quyền bắt giữlãnh đạo phe đối lập là Kem Sokha với tội danh phản quốc.
Sử dụng Luật Đảng phái đã được sửa đổi, Tòa án Tối cao Cambodia – mà
một số đánh giá cho rằng cũng do Hun Sen và CNP thao túng – đã giải tán đảng
CNRP vào tháng 11/2017. Ngoài ra, toàn bộ số ghế của CNRP tại Quốc hội,
cũng như các vị trí hội đồng phường, xã cũng bị tòa án tuyên không còn
giá trị.
Sau đó, các vị trí do dân bầu ra trong năm 2017 của CNRP đã bị CPP
thay thế đến 99% ở các cấp địa phương. Số ghế của CNRP tại Quốc hội cũng
bị CPP chia đều cho các đảng phái chính trị đối lập nhỏ lẻ. Chỉ sót lại
duy nhất một vị trí lãnh đạo địa phương còn độc lập khỏi CPP (trong
tổng số 1.646), do thành viên của một đảng chính trị nhỏ là ông Da Chhean của đảng Quốc gia Khmer Thống nhất (KNUP) nắm giữ tại thị xã Thmar Puok thuộc tỉnh Banteay Meanchay.
2/8/2018
Tài liệu tham khảo: