Dự Án Chính Trị (Đỗ Ngà)
Dự án chính trị trong lòng xã hội
độc tài là thực sự khó khăn vạn lần dự án kinh tế. Vốn của một dự án
chính trị không phải tiền mà là tri thức và con người. Phải chuẩn bị đủ 2
yếu tố, tri thức về một nền chính trị tiến bộ và phương pháp cấy lượng
tri thức đó vào trong đầu hàng triệu người. Nếu bạn có dự án chính trị
thì chính quyền độc tài cũng có dự án để đánh phá và truy bắt bạn để
diệt tận gốc. Đó là lí do vì sao dự án chính trị nó là một dự án với
tầng tầng lớp lớp khó khăn chống lại người thi hành.
Dự án Vương Cung Thánh Đường Sagrada Família là một dự án vĩ đại của
kiến trúc sư người Catalan - Antoni Gaudí. Dự án này khởi công xây dựng
từ 1882 tại thành phố Barcelona thuộc xứ Catalan - Tây Ban Nha, hiện
nay vẫn còn đang thi công. Dự tính sẽ được hoàn thành vào năm 2026, tròn
100 năm sau ngày mất của Antoni Gaudí. Đây là một dự án vĩ đại vì sự đồ
sộ, sự công phu vì nó chứa quá nhiều chi tiết vừa lạ lẫm và tinh xảo.
Với thời gian thi công kéo dài qua 3 thế kỷ từ 19-20-21, thì tất nhiên
dự án này phải được thực hiện bởi nhiều thế hệ tiếp nối chứ không thể
vội vã trong một thế hệ.
Chúng ta thấy, có nhiều dự án ngắn ngủi
nhưng cũng có nhiều dự án đòi hỏi sự lâu dài và phải nhiều thế hệ nối
tiếp nhau thi hành. Như chúng ta biết, nay loài người đã tiến bộ rất xa,
nên khi thực hiện một kế hoạch lớn, luôn phải có người hoạch định dự án
trước, và tiếp theo là thực hiện. Điều quan trọng bậc nhất của việc
thực thi dự án là vốn. Nếu thiếu vốn thì xem như vứt.
Về những dự
án kinh tế, tất nhiên vốn là tiền. Có tiền sẽ đẩy dự án đi đúng tiến
độ, có tiền chọn nhà thầu xịn và uy tín. Ai làm trong ngành xây dựng
chắc phải rõ, khi chủ dự án mạnh về tiền thì dí nhà thầu chạy như điên
để hoàn thành đúng tiến độ là việc rất đơn giản. Còn thiếu tiền, nói
chẳng ai nghe và dự án đổ vỡ là chắc chắn.
Đấy là hình ảnh dễ
thấy về vai trò của vốn trong dự án. Những dự án kinh tế thường có nguồn
vốn vay trước, thực hiện xong, kinh doanh và trả nợ. Chính vì thế nên
ta thấy việc thực hiện dự án của chủ đầu tư trong gian ngắn ngủi là
chuyện bình thường. Có ai đặt câu hỏi, rằng nếu việc thực hiện một dự án
kinh tế mà chủ đầu tư đi cóp nhặt từng đồng lẻ để dành rồi đợi đến lúc
đủ tiền mới triển khai dự án không? Chắc chắn sẽ không có dự án kinh tế
nào đi theo lối này cả. Vì dự án kinh tế được thực hiện trong xã hội
hiện đại, với hệ thống ngân hàng hoạt động như là một phần nền tảng
không thể thiếu của nền kinh tế. Đó là chỗ huy động vốn nhàn rỗi của
toàn xã hội để cho người cần vốn vay để thực hiện dự án.
Nhưng
nếu làm một dự án chính trị thì sao? Dự án chính trị trong lòng xã hội
độc tài là thực sự khó khăn vạn lần dự án kinh tế. Vốn của một dự án
chính trị không phải tiền mà là tri thức và con người. Phải chuẩn bị đủ 2
yếu tố, tri thức về một nền chính trị tiến bộ và phương pháp cấy lượng
tri thức đó vào trong đầu hàng triệu người. Nếu bạn có dự án chính trị
thì chính quyền độc tài cũng có dự án để đánh phá và truy bắt bạn để
diệt tận gốc. Đó là lí do vì sao dự án chính trị nó là một dự án với
tầng tầng lớp lớp khó khăn chống lại người thi hành. Trong hoàn cảnh sự
hiểu biết của người dân về chính trị cực thấp, thì người làm dự án chính
trị giống như kẻ đi mót từng cent để dành để thực hiện dự án triệu đô
vậy. Nó cần thời gian rất lâu chứ không đơn giản.
Vaclav Havel
thực hiện thành công cuộc Cách mạng Nhung 1989 làm sụp đổ độc tài CS ở
Tiệp là dựa vào 2 lợi thế, thứ nhất là dân trí Tiệp Khắc khá cao, thứ
nhì là sự khủng hoảng dây chuyền của cả khối Đông Âu kéo theo hiệu ứng
Domino. Ấy vậy mà, Vaclav Havel cũng phải mất đến 20 năm mới thành công.
Còn với Việt Nam hiện nay, điều đầu tiên của một dự án chính trị là
khai dân trí, hay nói đúng hơn là kéo nỗi sợ ra khỏi hàng triệu người
đang hiểu rõ thời cuộc mà câm nín vì sợ. Chỉ riêng điều này thôi thì nó
cũng có thể chiếm hàng nhiều thập kỷ chứ không phải ngày một ngày hai.
Nghĩa là bất cứ ai thực hiện dự án chính trị hiện nay đều phải làm công
tác kiếm bạc cắc để dành thực hiện dự án triệu đô. Ở Việt Nam, người làm
dự án chính trị phải bắt đầu bằng tay trắng. Mỗi hoàn cảnh sẽ có dự án
chính trị phù hợp chứ không thể nhìn vào Đông Âu mà phăng ra thời gian
sụp đổ CSVN là sai bét.
Từ xuất phát điểm thấp, để tiến tới dân
chủ thì mỗi thế hệ sẽ làm những dự án chính trị tiếp nối để đi đến thành
công. Đôi khi nó rất dài.
Lịch sử nghị viện là quá trình cực kỳ
dài. Thế kỷ thứ 7 TCN ở La Mã, chế độ quân chủ tồn tại vua và hội đồng
cố vấn. Hội đồng này là những ông tộc trưởng, hay nói đúng hơn và ông
vua địa phương. Theo thời gian hội đồng này có quyền hành lớn mạnh và
lấn át quyền vua. Đến thế kỷ thứ 5 TCN thì hội đồng cố vấn dẹp bỏ vua và
bầu nguyên thủ có nhiệm kỳ thay cho vua. Lúc đó Hội đồng Cố vấn được
đổi tên thành Viện nguyên lão. Chế độ cộng hòa La Mã tồn tại 5 thế kỷ
rồi sau đó chế độ quân chủ tái lập vào thế kỷ đầu sau công nguyên. Khi
đó viện Nguyên lão bị tước dần quyền lực và tập trung vào tay hoàng đế.
Đến 1000 năm sau, vào thời Trung Cổ, ở Anh, Viện Nguyên lão khi xưa được
mang tên là Nghị viện và bắt đầu lớn mạnh. Đến 1642-1651 xảy ra nội
chiến giữa phe Nghị Viện và phe Bảo hoàng trong thượng tầng chính trị
Anh. Kết quả, phe Nghị viện thắng và tước hết quyền lực vua. Từ đó chế
độ Quân chủ lập hiến hình thành rất sớm ở Anh và tồn tại cho đến ngày
nay.
Nền dân chủ với thể chế chính trị Quân chủ lập hiến kiểu Anh
Quốc là hình mẫu về tam quyền phân lập để sau này Montesquieu viết nên
cuốn Tinh Thần Pháp luật nổi tiếng với mẫu tam quyền phân lập kiểu cộng
hoà. Tức ông đã viết lại mẫu chính trị Anh Quốc đương thời kết hợp mẫu
Cộng hoà La Mã cổ đại và có hiệu chỉnh. Tác phẩm hoàn hảo được các nhà
lập quốc Hoa Kỳ làm nội dung chính của bản Hiến Pháp Hoa Kỳ nổi tiếng
cho đến ngày nay. Đấy là lịch sử hình thành thể chế chính trị tam quyền
phân lập kiểu cộng hòa. Nghị viện cũng có 2 viện gồm Thượng viện (tức
Viện Nguyên lão thời cổ đại) và Hạ viện (tức Viện thứ dân thời Là Mã cổ
đại). Nền dân chủ số 1 thế giới hiện nay nó có gốc gác rất xa xưa và
trải qua thăng trầm lịch sử, lúc thịnh, lúc suy và đến điểm chín muồi nó
sẽ chiếm lĩnh mô hình chính trị toàn cầu.
Qua đây chúng ta
thấy, nếu phăng ra tận gốc nguồn cội nền dân chủ, thì nó không phải là
dự án được dự trù trước. Vì nó quá dài, và những người khởi xướng đầu
tiên họ cũng chẳng biết gần 3000 năm sau nó có hình hài như thế nào. Nó
được hình thành bởi những người cấp tiến sau sẽ phát triển dựa trên
những tiến bộ mô hình trước đó. Có lúc nó thịnh, và có lúc nó suy phải
nhường cho chế độ quân chủ chuyên chế ngự trị đến 1500 năm.
Quay
trở lại dự án chính trị cho Việt Nam như thế nào? Tôi nghĩ dự án nên
chia nhỏ từng giai đoạn. Đầu tiên khai dân trí là điều phải làm, nó
chiếm thời gian rất dài cũng phải làm. Nhận thức cao, dân bớt sợ thì lúc
đó sẽ có đường mở cho bước kế tiếp. Dân đã thức tỉnh thì dễ tính toán
lắm, còn không khai dân trí, thì mọi dự án chính trị sẽ thất bại mà
thôi. Nếu có khủng hoảng kinh tế sẽ đẩy dân ngã về phía phản kháng nhiều
hơn. Đấy đôi khi là cơ hội đột biến mà việc khai dân trí hàng chục năm
chưa chắc gì làm được. Nhưng không thể ngồi chờ sung rụng mà dù chậm
cũng bắt tay làm. Có khi tốn một khoảng thời gian đến vài thế hệ chịu
kiên trì và hy sinh mới có thành công, tựa như dự án xuyên thế kỷ Vương
Cung Thánh Đường Sagrada Família vậy.
Thành công chỉ đến khi
nhiều thế hệ biết hy sinh và tiếp nối nhau trên con đường đấu tranh mới
được. Xem kỹ lại, quốc gia cường thịnh nào mà không có thế hệ hy sinh
lót đường? Khi giới đấu tranh thấy nản "vì nếu đấu tranh đến già mình
cũng chẳng thu được thành quả gì" thì đấy chính là cái thất bại của dân
tộc. Không có thế hệ nào chịu lót đường thì tất nhiên quốc gia thiếu bệ
phóng, mãi đói nghèo, tụt hậu xa dần với thế giới tiến bộ và cái kết là
diệt vong, vì chẳng có võ sĩ nào lùi mãi mà không rớt đài.