VN ở thế 'tiến thoái lưỡng nan' sau Cá Rồng Đỏ? (BBC)
Một số chuyên gia về Biển Đông cho
rằng với việc xuống thang 'trước áp lực của Trung Quốc' trong dự án Cá
Rồng Đỏ khiến Việt Nam ở vào thế 'tiến thoái lưỡng nan' và việc ký COC
là 'sai lầm lớn'.
Ngày 23/3, BBC đăng bài viết của phóng viên
Bill Hayton về việc Việt Nam ngưng khoan thăm dò khí đốt tại khu vực có
tranh chấp ở Biển Đông, sau khi bị Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực tại
Trường Sa.
Kể từ hôm đó vẫn chưa có phản ứng chính thức với báo chí của chính quyền Việt Nam.
Trả
lời phỏng vấn của BBC hôm 26/03, về việc liệu Hoa Kỳ có thể giúp Hà Nội
trong các vấn đề như vậy hay không, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về
Việt Nam từng làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng gia Úc, cho hay:
"Quyết
định dừng việc thăm dò dầu ở vùng nước xung quanh Bãi Tư Chính
(Vanguard Bank) của Việt Nam là một minh hoạ cho thấy việc các quốc gia ở
vùng Biển Đông phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền các vùng
biển nằm kề Đường Chín đoạn vô ích như thế nào. Trung Quốc có thể mang
các tàu đánh cá với quân đội vũ trang, tàu tuần tra bờ biển và tàu chiến
hải quân để áp đảo bất cứ lực lượng hải quân nào Việt Nam có thể tập
hợp được."
"Việc Việt Nam 'xuống nước' có nguy cơ vấp phải phản
đối từ công chúng rằng Đảng Cộng sản không bảo vệ nổi chủ quyền và lãnh
thổ đất nước."
'Tiến thoái lưỡng nan'
Theo giáo sư Carl Thayer, phóng viên Bill Hayton của
BBC từng cho rằng chuyến thăm gần đây của tàu USS Carl Vinson đến Đà
Nẵng là một cách để Việt Nam ngăn Trung Quốc gây áp lực lên các dự án
thăm dỏ dầu khí tại mỏ Cá Rồng Đỏ.
Cũng ông Bill Hayton lập luận rằng phương án này thất bại và Trung Quốc không sợ hải quân Hoa Kỳ.
Nay theo GS Thayer thì:
"Không
có lý do gì rõ ràng cho thấy tại sao Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam để
chống lại khẳng định chủ quyền từ Trung Quốc. Trong khi mối quan hệ quốc
phòng gần đây đã được cải thiện thì trên thực tế hai nước vẫn chưa phải
là đối tác chiến lược. Mỹ duy trì sự hiện diện hải quân ở Biển Đông để
ngăn chặn hải quân Trung Quốc thực hiện việc kiểm soát các tuyến đường
hàng hải quan trọng."
"Vì thách thức từ Trung Quốc không có sự
tham gia của quân đội, Việt Nam không dám để vấn đề leo thang bằng cách
triển khai các tàu khu trục lớp Gepard hoặc tàu ngầm lớp Varshavyanka
(Kilo). Cho đến nay Trung Quốc chỉ sử dụng áp lực ngoại giao để buộc
Việt Nam xuống nước.
"Hai bên gần đây đã tiến hành việc trao đổi
quốc phòng thân thiện lần thứ năm. Năm ngoái, Trung Quốc đột ngột hủy
bỏ các cuộc trao đổi biên giới thân thiện thứ tư để phản đối việc Việt
Nam khởi động lại hoạt động thăm dò dầu khí. Một khi Việt Nam chấm dứt
hoạt động này, các cuộc trao đổi biên giới sẽ được nối lại."
"Việt Nam bị mắc kẹt trong tình trạng tiến thoái lưỡng
nan. Nếu Việt Nam công khai sự cố gần đây thông qua các cuộc phản đối
ngoại giao thì sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ người dân và phản ứng từ
Trung Quốc. Nếu im lặng, Việt Nam sẽ thế chấp tương lai phát triển tài
nguyên dầu mỏ và khí đốt vào tay Trung Quốc," GS Thayer cho hay.
Cảnh báo về Đường Lưỡi bò
Từ Việt Nam, tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, phó Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế, Xã Hội Đà Nẵng, bình luận
trên Facebook cá nhân của ông:
''Diễn biến mới nhất này cho thấy
'cảnh báo việc Trung Quốc tiếp tục dùng Đường Lưỡi bò làm cơ sở pháp lý
để đe dọa và uy hiếp các nước ven biển Đông, trong đó có Việt Nam, buộc
Việt Nam phải rút lui hai dự án dầu khí quan trọng của mình', là 'hoàn
toàn chính xác'."
'Cảnh báo' mà tiến sỹ Anh Sơn, người gần đây bị
kỷ luật Đảng vì một số bài viết có nội dung không phù hợp với đường lối
chính thống trên Facebook cá nhân, nêu ra bắt nguồn từ bài "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông: Một sai lầm to lớn"
của tướng Daniel Schaeffer - quan chức Bộ Quốc phòng Pháp đã hồi hưu,
chuyên gia hàng đầu về tranh chấp trên Biển Đông, gửi cho ông Sơn năm
2017.
Trong bài viết này, tướng Daniel Schaeffer cảnh báo các nước
ASEAN về mưu đồ của Trung Quốc trong quá trình đàm phán COC và những
nguy hiểm mà các nước ASEAN có thể đối mặt một khi COC được thông qua và
ký kết, mà không loại bỏ được 'Đường lưỡi bò' phi pháp do Trung Quốc tự
ý vạch ra, ôm trọn hầu hết Biển Đông.
Có hai dẫn chứng được đưa ra, theo phân tích của ông Schaeffer.
"Thứ
nhất, Trung Quốc đã đe dọa chiến tranh với Philippines nếu nước này
tiếp tục thăm dò và khai thác dầu ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), một bãi
ngầm tọa lạc ở phía bắc quần đảo Trường Sa và phía tây đảo Palawan của
Philippines. Đây là hành động sai trái bởi thực thể chìm dưới nước này
đã được Tòa Trọng tài thường trực công nhận là nằm hoàn toàn bên trong
vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, do đó nó thuộc quyền chủ quyền,
không phải là chủ quyền, của nước này.
Hơn nữa, Trung Quốc không
được quyền yêu sách chủ quyền đối với thực thể này bởi vì Tòa Trọng tài
thường trực đã viện dẫn Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS)
rằng: không ai có thể yêu sách chủ quyền đối với một bãi ngầm, trừ khi
nó nằm ở lãnh hải của nước đó."
"Thứ hai, mới đây Trung Quốc ép
buộc Việt Nam và Công ty Repsol của Tây Ban Nha ngừng thăm dò dầu khí ở
lô 136-03, nơi xa nhất về phía đông nam của vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam, thuộc khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ở phía tây nam quần
đảo Trường Sa", vì khu vực này nằm bên trong 'đường 9/10 đoạn'."
Theo
tướng Schaeffer, hai dẫn chứng nêu trên cho thấy rất rõ rằng một khi
COC có tính ràng buộc pháp lý được thông qua mà 'đường 9/10 đoạn' không
biến mất, thì "các quốc gia Đông Nam Á ở ven Biển Đông sẽ phải tiếp tục
chịu đựng những cáo buộc của Trung Quốc bởi những hoạt động (hợp pháp)
của họ, mà Trung Quốc cho là sai trái".
Và như vậy, Trung Quốc sẽ
dùng những quy tắc mà các nước ASEAN đặt ra để chống lại họ, thay vì
những quy tắc này sẽ bảo vệ họ như họ mong đợi.
Theo ông Anh Sơn,
mỏ Cá Rồng Đỏ hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt
Nam. Vào cuối năm 2017, báo chí Việt Nam đã liên tiếp trích dẫn các
giới chức lãnh đạo dầu khí Việt Nam ca ngợi tiềm năng của mỏ khí Cá Rồng
Đỏ, có thể sản xuất 25.000-30.000 thùng dầu và 60 triệu mét khối khí
mỗi ngày.
"Tuy nhiên Trung Quốc cho rằng mỏ này nằm gần Đường Lưỡi
bò" mà Trung Quốc tự động vạch ra (chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông,
dù đã bị Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vô hiệu hóa trong phán quyết về
vụ Philippines kiện Trung Quốc theo Phụ lục 7 của UNCLOS và ngày
12/7/2016), nhưng Trung Quốc vẫn bất chấp phán quyết) và cho rằng mỏ Cá
Rồng Đỏ đã ăn vào vùng mỏ thuộc quyền của Trung Quốc", theo ông Anh Sơn.
Sai lầm đến từ COC?
Bài viết của tướng Schaeffer ra đời trong bối cảnh
các nước ASEAN bàn thảo để xây dựng dự thảo văn kiện khung cho bộ Quy
tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc vào tháng 8/2017.
Ông
Anh Sơn cho biết, một trong những vấn đề quan trọng mà các nước ASEAN
muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc trong các đàm phán về COC, là bộ Quy
tắc ứng xử ở Biển Đông này phải có tính ràng buộc pháp lý (legally
binding) để thay thế cho bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông
(DOC) đã được ASEAN và Trung Quốc ký kết tại Phnom Penh (Campuchia) vào
ngày 4/11/2002, vốn không có giá trị ràng buộc pháp lý, nên luôn bị
Trung Quốc phớt lờ và bất tuân kể từ khi DOC ra đời.
"Tuy nhiên,
trong khi các nước ASEAN mong muốn COC phải có tính ràng buộc pháp lý
thì Trung Quốc lại muốn COC chỉ có tính ràng buộc (binding) mà thôi. Sau
cùng, các bên đàm phán đã quyết định không đưa vấn đề ràng buộc pháp lý
vào trong văn kiện khung."
Trước thực tế này, ông Schaeffer cho rằng:
"Bằng
việc đàm phán một COC, các nước Đông Nam Á, cuối cùng đã trang bị những
vũ khí có thể chống lại họ trong tương lai. Đó là lý do tại sao, vào
thời điểm hiện tại, kết quả có thể dự đoán trước của COC, không chỉ là
một ảo tưởng, mà còn là những hiệu ứng làm dịu được mong đợi từ những gì
có liên quan, khi mà 'đường 9/10 đoạn' vẫn tồn tại"
Ông Schaeffer cũng cảnh báo:
"Trung
Quốc một mặt đang trì hoãn đàm phán COC, mặt khác lại tạo ra một ảo
giác về những tranh cãi xung quanh tính ràng buộc pháp lý hay tính ràng
buộc của một COC đang manh nha trong bối cảnh một ASEAN đang bị Trung
Quốc phân tán.
Trong khi đó, các nước ASEAN lại chưa thực sự thấu
hiểu sự nguy hiểm của việc không vô hiệu hóa 'đường lưỡi bò', mà lại
vội vàng thông qua một COC có tính ràng buộc pháp lý, thì đó là một sai
lầm to lớn, và sẽ trao cho Trung Quốc một thứ vũ khí có thể chống lại
các nước ASEAN trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông trong tương lai."
'Sẵn sàng chiến đấu'
Hôm
20/03/2018, hai tác giả Koh Swee Lean Collin and Ngô Minh Trí viết trên
trang The Diplomat rằng bài học từ trận hải chiến ở Trường Sa là
"Việt Nam đã chiến đấu chống lại Trung Quốc ở Biển Đông và nay cần "sẵn
sàng" làm như thế một lần nữa.
Nhưng trên thực tế, sau sự kiện 'rút khỏi Cá Rồng Đỏ", hiện chỉ thấy phía Trung Quốc 'sẵn sàng chiến đấu'.
Hôm
26/03, Trung Quốc tuyên bố đã cho chiến đấu cơ tới diễn tập trên vùng
trời Biển Đông và Tây Thái Bình Dương, Reuters dẫn nguồn lực lượng không
quân nước này tuyên bố.
Trước đó, hôm 25/3/2018, Không quân Quân
Giải phóng Trung Quốc nói cuộc diễn tập là hành động tốt nhất để
chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.
Bắc Kinh nói các máy bay ném
bom H-6K và các chiến đấu cơ Su-30 cùng Su-35 và các loại phi cơ khác đã
tiến hành tuần tra chiến đấu trên vùng trời Biển Đông mà Trung Quốc gọi
là Nam Hải.
Ngoài ra họ cũng diễn tập tại Tây Thái Bình Dương, sau khi bay qua Eo biển Miyako nằm giữa hai hòn đảo miền nam của Nhật Bản.
Nội
dung thông cáo không nói rõ việc tập trận đã diễn ra khi nào, cũng như ở
nơi nào cụ thể trên Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
Việc cho
các chiến đấu cơ Su-35 bay trên Biển Đông nhằm tăng cường khả năng chiến
đấu của lực lượng không quân trên biển, trang blog của không quân Trung
Quốc viết.