TQ đánh tập đoàn Anbang: tiếp theo là ai? (Simon Atkinson-BBC)
Các hãng hàng không, câu lạc bộ bóng đá, khách sạn và trường quay:
Những tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc thâu tóm nhiều cơ sở khắp nơi
trên thế giới, trong đó có các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khá sexy.
Mặc dù phát triển lên mức khổng lồ và có những khoản vay lớn, các tập đoàn này được coi là không thể chạm vào được do những mối quan hệ chính trị.
Đó là chuyện xảy ra cho đến giữa năm ngoái, khi Bắc Kinh bất ngờ quan tâm đến những "người khổng lồ" này sau một thời gian tăng trưởng tưởng như không có giới hạn.
Và tuần trước đã có hành động cụ thể. Bắc Kinh đánh vào một trong những tập đoàn này - thâu tóm quản lý của Anbang, gã khổng lồ về tài chính và bảo hiểm, và truy tố người đứng đầu tập đoàn này.
Theo các nhà phân tích, điều này có thể là chỉ dấu những can thiệp của nhà nước Trung Quốc sẽ tiếp diễn.
Tiếp theo có thể đến ai?
Động thái chống lại Anbang được Economist Intelligence Unit (EIU), thuộc Tập đoàn Economist, gọi là "phát súng cảnh báo".Nhưng đây chỉ là một trong các doanh nghiệp được biết đến với cái tên "tê giác xám" - những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nổi cộm trong nền kinh tế, thường bị lờ đi, cho đến khi chúng bắt đầu lao nhanh và đạp lên tất cả.
Doanh nghiệp tiếp theo "trong làn đạn" của Bắc Kinh có lẽ sẽ là HNA, được mô tả là tập đoàn lớn nhất mà có lẽ bạn từng biết.
Đầu tư khoảng 40 tỷ USD trong ba năm qua, HNA khác Anbang ở chỗ tập đoàn này chủ yếu mua những "doanh nghiệp thật" hơn là những định chế tài chính phức tạp.
Tập đoàn này sở hữu Hàng không Hainan, công ty dịch vụ sân bay Swissport, hãng cung cấp đồ ăn trên máy bay Gate Gourmet, có cổ phần lớn trong Deutsche Bank, 25% cổ phần của tập đoàn khách sạn Hilton, và sở hữu Carlson Hotels, hãng điều hàng chuỗi khách sạn Radisson.
Mặc dù không có tin nào cho rằng tập đoàn HNA đang gặp khó khăn tài chính, hãy trông đợi Bắc Kinh gây sức ép lên HNA để bán "hầu hết nếu không phải tất cả cổ phần trong ngành tài chính," theo ông Micheal Hirson, nhà phân tích của Eurasia Group.
Hồi đầu tháng này, HNA thông báo hãng đã giảm cổ phần trong Deutsche Bank từ 9,9% xuống 9,2%.
Mặc dù hầu hết các nhà đầu tư của Anbang là cá nhân đầu tư tiền vào những thứ như chính sách bảo hiểm, những mạnh thường quân tài chính của HNA chủ yếu là các tổ chức.
Một mặt, điều này có nghĩa sự sụp đổ của tập đoàn này sẽ ít nhạy cảm về mặt chính trị hơn rất nhiều. Những người dân thường chẳng mấy khi thương cảm khi các công ty tài chính khổng lồ bị ảnh hưởng.
Nhưng các chuyên gia của Eurasia Group, hãng tư vấn về rủi ro chính trị, nói chúng ta không thể trông đợi một biện pháp quá mạnh tay từ phía chính phủ Trung Quốc.
"Bắc Kinh không muốn bắt những người mua trái phiếu phải chịu lỗ nặng, vì nó sẽ khiến các doanh nghiệp nhà nước khác phải trả giá cao hơn để có được nguồn vốn từ bên ngoài," ông Hirson nói.
Những vụ đổ bể doanh nghiệp lớn còn mang theo rủi ro về chính trị.
HNA chưa có bình luận gì. Nhưng trả lời BBC hồi năm ngoái, giám đốc Adam Tan lạc quan về các kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thắt chặt khoản đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông dự đoán HNA vẫn nhận được sự ủng hộ từ các ngân hàng Trung Quốc, và có thể trông cậy vào các ngân hàng quốc tế nữa vì sự hiện diện lớn của tập đoàn này bên ngoài Trung Quốc.
Có lẽ ngày nay ông khó mà lạc quan được như vậy.
Còn Dalian Wanda thì sao?
Trong số tất cả các tập đoàn Trung Quốc bị 'đánh', Dalian Wanda có tên tuổi nổi nhất ở nước ngoài, một phần vì những lĩnh vực mà công ty này đầu tư vào.Dưới quyền điều hành của Wang Jianlin, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, công ty này phát triển thành doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn nhất nước này.
Và Dalian Wanda còn đầu tư ra nước ngoài, đáng kể nhất là ở Hollywood - quản lý chuỗi rạp chiếu phim AMC cũng như hãng phim Legendary Entertainment, hãng đồng sản xuất những bộ phim bom tấn như Godzilla hay The Dark Knight Rises (Kỵ sỹ bóng đêm trỗi dậy).
Nhưng ông Wang, từng được coi là nhân vật được Bắc Kinh sủng ái, đã thất sủng với chính quyền, và những ngân hàng cho vay được chỉ đạo ngừng ủng hộ ông.
Sau khi có cảnh báo, ông Wang mau chóng bán nhiều công ty kinh doanh, trong đó có các công viên giải trí và khách sạn trong một thương vụ bất động sản thuộc loại lớn nhất của Trung Quốc. Tập đoàn của ông tập trung vào kinh doanh rạp chiếu bóng và khu mua sắm.
Trước đó, Dalian Wanda rút khỏi một gói thầu trị giá 1 tỷ USD cho hãng Dick Clark Productions, chủ của giải thưởng và hãng TV Golden Globe nổi tiếng. Chính sách kiểm soát đầu tư nước ngoài của Trung Quốc được cho là lý do của việc này.
Ông Hirson của Eurasia Group mô tả vụ bán tháo các tài sản này là "động thái hung hăng" để "làm giảm rủi ro".
Ông nói thêm, đây là "một quyết định đau đớn cho ông Wang nhưng là quyết định giờ đây ta thấy là rất khôn ngoan".
Còn tập đoàn nào có thể bị "đánh" nữa?
Tập đoàn lớn được chú ý tới vào giữa 2017 là Fosun.Fosun đầu tư vào câu lạc bộ bóng đá Anh Wolverhampton Wanderers, tập đoàn giải trí Club Med, hãng lữ hành Thomas Cook và đoàn xiếc giải trí Cirque de Soleil.
Và không như các tập đoàn khác, Fosun vẫn tiếp tục đầu tư ở nước ngoài.
Mới tuần trước, tập đoàn này nói họ vừa hoàn tất một thương vụ để trở thành nhà đầu tư có cổ phần chính của Lanvin, nhãn hiệu thời trang cao cấp lâu đời nhất của Pháp. Tuy thế, khoản đầu tư khoảng 120 triệu USD trong thương vụ này là tương đối nhỏ so với các khoản đầu tư khác của Fosun.
Cả Wanda và Fosun đều "có vẻ như có nền móng chính trị chắc chắn hơn," theo ông Hirson.
Nhưng điều này có nghĩa gì cho đầu tư hải ngoại của Trung Quốc?
Việc nhà nước thắt chặt quản lý nhắm tới các tập đoàn lớn đầu tư vào rất nhiều các lĩnh vực khác nhau.
Hầu hết các doanh nghiệp khác vẫn có thể tiếp tục đầu tư.
Nhưng mức đầu tư nước ngoài đã giảm so với thời kỳ cao điểm của năm 2015 và 2016.
Số các thương vụ mua bán của Trung Quốc ở Mỹ và Châu Âu giảm gần 25% năm 2017 so với năm trước, theo số liệu của Dealogic.
Và thái độ phản đối đầu tư Trung Quốc ở Mỹ của chính quyền Trump - như đã thấy khi một số thương vụ lớn sụp đổ - có nghĩa rằng xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục.
Mới tuần này, Đức nói nước này sẽ theo dõi sát sau khi Geely của Trung Quốc mua gần 10% cổ phần của Daimler, chủ của hãng Mercedes-Benz.
Vì sao Anbang bị nhắm vào?
Tập đoàn Anbang nổi tiếng có chiến lược thâu tóm mạnh ở nước ngoài, trong đó có khách sạn Waldorf Astoria ở New York.Nhưng các nhà chức trách Trung Quốc đang tiến hành kiểm soát chặt ngành tài chính để tránh rủi ro và tình trạng vay quá mức.
Người đứng đầu tập đoàn, ông Wu Xiaohui, người bị giới chức bắt giữ hồi tháng 6/2017, sẽ bị truy tố vì "án kinh tế".
Các nhà phân tích của Eurasia Group mô tả sự việc này "vừa là hạ bệ vừa là cứu".
"Động thái của Bắc Kinh phản ánh chính sách nhắm vào các tập đoàn lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình - trừng phạt các hoạt động sai trái của các lãnh đạo công ty đồng thời gửi đi một thông điệp trấn an tới thị trường," ông Michael Hirson bình luận.
Trung Quốc đã có thể chọn cách quốc hữu hóa Anbang (chẳng hạn, như khi chính phủ Anh quốc hữu hóa ngân hàng Royal Bank of Scotland trong khủng hoảng ngân hàng năm 2008).
Hoặc Trung Quốc có thể bán lại Anbang cho một công ty khác.
Nhưng thay vào đó, Bắc Kinh đặt Anbang dưới sự quản lý của cơ quan điều tiết trong vòng một năm.
Điều này, theo ông Hirson, là một biện pháp "khá minh bạch và thân thiện với nhà đầu tư", cho phép các cơ quan điều tiết thanh lý tài sản của Anbang và thu hồi vốn mà vẫn giữ cho hãng này khỏi quyền sở hữu của nhà nước.