Tại sao người dân không quan tâm chuyện xăng tăng giá? (Phi Phi)

Người dân Việt Nam tuy không giỏi về tinh thần trách nhiệm hay tư duy hệ thống nhưng được cái giỏi chịu đựng. Chưa bị khô máu là chưa có thèm bận tâm đâu!



1. Thói quen đổ xăng của người Việt Nam là: "Đổ cho tôi 50 ngàn, 100 ngàn" chứ không phải "Đổ cho tôi 1 lít, 2 lít". Cho nên người mà không đọc tin xăng tăng giá thì sẽ không bao giờ để ý cũng như không thể nào nhận ra sự thay đổi này, vì tiền trả mỗi lần đổ vẫn như cũ (50-100 ngàn đồng). Lượng xăng thay đổi là chuyện không thể nhận ra. 

2. Người Việt Nam khinh thường tiền lẻ. Với họ xăng tăng giá lên thêm một phát 40 ngàn may ra họ quan tâm chứ 4 ngàn vẫn chỉ là một con số quá nhỏ, bằng ly trà đá hay một lần gửi xe là cùng. Tiền nhỏ nên không bận tâm, cùng giống như cách vài trăm đồng, thậm chí vài ngàn đồng siêu thị thối lại bằng kẹo cũng không ai bận tâm vậy. Chúng ta không như Nhật mà biết tiết kiệm từ những cái nhỏ, chúng ta quen với việc lãng phí và không trân trọng tiền lẻ từ lâu nay rồi. 

3. Người Việt Nam không có tư duy hệ thống: chúng ta không thể nhìn ra cách cuộc sống vận hành theo hệ thống nên cũng không thể nhìn ra rằng việc xăng tăng giá 4 ngàn đồng/lít thì có những tác động cụ thể gì. Bản thân tôi tuy biết là nó có tác động nhưng cũng không cụ thể hoá được những tác động ấy. Không thể cụ thể hóa nên người ta dễ chọn cách cho qua. Tư duy hệ thống là khi thấy giá xăng lên thì biết rằng giá cước vận chuyển tăng, sẽ làm cho giá cả mọi loại hàng hoá sẽ tăng. Kéo theo giá mọi thứ tăng là lạm phát, nghĩa là tiền mất giá. Tiền càng mất giá thì mình làm việc cực khổ bao nhiêu cũng không đủ chi tiêu, đừng nói làm giàu. Chưa kể tiền Việt mất giá cũng có nghĩa uy thế của đất nước vốn dĩ không có bao nhiêu lại càng thêm tụt hạng trên thị trường thế giới. Uy tín tụt hạng thì ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, kể cả chuyện như xin visa du lịch nước ngoài cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Tư duy hệ thống là phải nhận ra sự bất hợp lý trong các tuyên bố của báo chí hay quan chức về việc "giá xăng của chúng ta vẫn đang thấp hơn các nước khác hay các nước trong khu vực" mà không được quên nhắc nhở nhau nhìn vào thu nhập trung bình của các nước ấy, cách tính thuế phí của họ (so với thuế bảo vệ môi trường của mình) và đặc biệt, cách mỗi nước làm kinh tế như thế nào. Không được quên nước ta là nước khai thác và xuất khẩu dầu thô. Trong khi các nước khác nhập khẩu dầu thô và xuất khẩu dầu đã qua xử lý ngược lại cho nước ta. Điều này tạo ra sự khác biệt rất lớn về giá cả và mọi thứ. Kiểu như người ngu ngốc thấy đồng tiền của mình có con số to hơn thì mừng vui. Người hiểu biết thấy đồng tiền của mình càng to lại càng bất an lo lắng vì biết giá trị thật của nó rất nhỏ. (1USD = 22.000vnđ) Thiếu tư duy hệ thống, mọi người đa phần chỉ nghĩ được việc xăng tăng thì cùng lắm một tuần lại bỏ thêm vài chục ngàn đồng là xong. Trong khi sự thật không hề đơn giản thế. Lợi ích hay thiệt hại của mình còn nhìn không ra, làm sao nhìn thấy thiệt hại của cả một đất nước? Mong gì tới việc nghi vấn và chất vấn khả năng điều hành của Đảng? 

4. Người Việt Nam cho rằng những việc thuộc chính sách, chính trị đó không phải việc của mình vì bị ru ngủ quá lâu với câu nói "mọi việc đã có đảng và nhà nước lo". Không, chả có ai lo cho bạn cả, nếu như bạn còn chẳng lo được cho chính mình. Nói thẳng ra là người Việt Nam vô trách nhiệm. Tính vô trách nhiệm này bắt nguồn từ văn hóa Khổng giáo khi nó áp đặt người yếu thế dưới quyền vua chúa, quan chức, nữ dưới quyền nam, dân dưới quyền quan, luật nước dưới luật rừng...Trong một đất nước dân chủ, mọi người đều có quyền nói. Trong một đất nước quân chủ, lại còn thêm văn hóa Khổng giáo cho rằng thuần phục Vua chúa, nâng vua chúa lên hàng con trời là đạo lý làm người thì người dân hiển nhiên bị loại khỏi quyền can dự vào chính sự, chính sách. Trên bảo sao dưới nghe vậy. Dám mở miệng sẽ mất đầu như chơi. Dần dà sinh ra một văn hóa câm nín trước mọi thứ để được an thân cho rồi. Không sung sướng gì nhưng ít nhất giữ được "cái đầu" cũng là may. Ngày nay thì giữ được "chén cơm manh áo" là tốt rồi. 

5. Người Việt Nam cho rằng giá xăng tăng thì cứ tăng thôi chứ giờ có lên tiếng cũng chẳng thể làm được gì. Nét suy nghĩ này cũng bắt nguồn từ văn hóa Khổng giáo và nền chính trị không do người dân làm chủ đất nước. Nét suy nghĩ này được bồi dưỡng thêm bởi sự cầm quyền của Đảng cộng sản bao năm qua đã chứng minh rõ nét điều ấy: rằng người dân không có quyền gì cả. Bao nhiêu vụ chặt cây, Formosa chả rõ quá à? Muốn lên tiếng không? Vào tù mà lên tiếng nhé? Điều này dẫn tới một sự thật là rất nhiều người dân chọn cách sống "bình yên", chọn việc "kệ mẹ cho rồi, chả thèm "bắt nhời" nữa!" 

6. Rất nhiều người không bận tâm về tin này, bởi vì lý do đơn giản họ không hề biết. Báo chí không nói đến, người nổi tiếng không nhắc đến, bạn bè họ chẳng bao giờ đề cập đến...thì làm sao mà họ biết. Không biết thì làm sao mà quan tâm? Không quan tâm thì làm sao mà thay đổi? Không thay đổi thì làm sao mà tốt hơn? Thôi thì xăng cứ tăng đi, tôi ủng hộ xăng tăng lên 40k/lit luôn "cho nó máu". Người dân Việt Nam tuy không giỏi về tinh thần trách nhiệm hay tư duy hệ thống nhưng được cái giỏi chịu đựng. Chưa bị khô máu là chưa có thèm bận tâm đâu!

Phi Phi (25/2/2018)