Chứng khoán Việt Nam mất gần 14 tỉ USD sau hai ngày (Thanh Niên)
Với mức giảm điểm này, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp
tục "bay hơi" hơn 132.000 tỉ đồng, tương ứng 5,8 tỉ USD. Như vậy, chỉ
trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt
Nam đã mất đi gần 14 tỉ USD.
Từ mức giảm mạnh hết biên độ hơn 60 điểm và rớt khỏi mốc 1.000 điểm, đến
khi kết thúc phiên giao dịch ngày 6.2, chỉ số VN-Index giảm 37,11 điểm,
tương ứng giảm 3,54%, còn 1.011,6 điểm.
Với mức giảm điểm này, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp
tục "bay hơi" hơn 132.000 tỉ đồng, tương ứng 5,8 tỉ USD. Như vậy, chỉ
trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt
Nam đã mất đi gần 14 tỉ USD.
Phiên giao dịch hôm nay được xem là khá kịch tính và đầy hồi hộp
của thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ khi mở cửa đến khi kết thúc
phiên giao dịch buổi sáng, cổ phiếu nằm sàn la liệt. Mặc dù lực cầu bắt
đáy khá mạnh nhưng lực bán tháo vẫn quá lớn khiến nỗ lực kéo giá đều
không thành công. Các cổ phiếu như BID, BVH, CTG, GAS, VIC, VJC, ROS,
SSI, PLX… nằm ở mức giá sàn.
Tuy nhiên bước sang đợt giao dịch buổi chiều, nhiều cổ phiếu bắt
đầu hồi phục và thoát được giá sàn. Lệnh mua ồ ạt được đưa vào hai sàn
vào khoảng 14 giờ, đặc biệt trên sàn TP.HCM, giúp khối lượng giao dịch
của nhiều cổ phiếu tăng mạnh như HPG đạt gần 15 triệu cổ phiếu, STB có
gần 33 triệu cổ phiếu khớp lệnh thành công, SSI có hơn 12 triệu cổ phiếu
khớp lệnh, FLC có gần 14 triệu cổ phiếu trao tay…
Lực cầu bắt đáy dâng cao giúp VN-Index thu hẹp đà giảm và chỉ còn
giảm hơn 20 điểm. Tuy nhiên, lực bán vẫn quá mạnh và tiếp tục đẩy thị
trường lùi sâu trở lại. Các cổ phiếu như BID, BVH, GAS, PLX, VJC, PVD,
ROS, VRE, PVS… kết thúc phiên giao dịch ở mức giá sàn.
Phiên hôm nay, thị trường ghi nhận sự hồi phục của các cổ phiếu như
HPG, MSN, STB, VIC, NVB… Đáng kể nhất phải nói đến VRE, cổ phiếu này dù
có thời điểm dư bán giá sàn lên đến hơn 7 triệu cổ phiếu, nhưng lực cầu
bắt đáy mạnh đã giúp VRE hút hết lượng cổ phiếu giá sàn này. Khối lượng
khớp lệnh của VRE trong phiên lên đến 9 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, VRE
còn được khối ngoại mua vào hơn 94 triệu cổ phiếu thông qua phương thức
thỏa thuận, trị giá 4.500 tỉ đồng.
Thanh khoản thị trường vì vậy cũng tăng vọt so với các phiên trước,
với tổng khối lượng giao dịch đạt 607 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ,
trị giá lên đến gần 17.000 tỉ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng
góp khoảng 5.800 tỉ đồng. Như vậy, giá trị giao dịch phiên hôm nay đã
tăng hơn gấp đôi so với phiên hôm qua.
Nhà đầu tư bị “call margin”
Hầu hết các công ty chứng khoán và chuyên gia đều cho rằng thị
trường chứng khoán Việt Nam rơi tự do hai phiên đầu tuần này phần lớn bị
ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh. Việc giảm mạnh trong
hai phiên đầu tuần khiến áp lực bán ra của các nhà đầu tư đang gia tăng.
Ngay sau phiên giảm mạnh ngày 5.2, nhiều nhà đầu tư đã bị các nhân
viên môi giới công ty chứng khoán yêu cầu phải nộp thêm tiền hoặc bị
buộc phải bán ra cổ phiếu vì đang sử dụng cầm cố vay tiền đầu tư trước
đó (margin). Thuật ngữ “call margin” được sử dụng chính trong trường hợp
này khi giá hàng loạt cổ phiếu giảm sâu, khiến tỷ lệ vay margin đụng
trần.
Anh Sang, một nhà đầu tư tại quận 3 (TP.HCM) cho biết ngay vào cuối
phiên 5.2, anh đã bị công ty chứng khoán yêu cầu nộp thêm tiền vì đã
“full margin”. Bước sang đầu phiên sáng nay, khi hàng loạt cổ phiếu bị
bán tháo thì anh Sang lại tiếp tục bị yêu cầu nộp thêm tiền hoặc bán bớt
cổ phiếu. Anh Sang đồng ý bán bớt cổ phiếu nhưng đặt ở giá sàn đến cuối
phiên sáng cũng không bán được. Anh cho biết giờ như ngồi trên đống
lửa, bán sàn thì bị lỗ nặng mà không bán cũng không xong.
Tương tự, chị Hồng, một nhà đầu tư khác cho biết vì tỷ lệ vay
margin của chị cũng khá cao dù chưa bị “full” nhưng để phòng ngừa rủi
ro, chị đặt bán ngay giá ATO đầu phiên sáng nay một phần cổ phiếu. Tuy
nhiên lệnh của chị vẫn không thể khớp được vì bên mua nhỏ giọt. Mãi đến
khi bước sang đợt giao dịch buổi chiều khi nhiều cổ phiếu hồi phục thì
chị mới giao dịch thành công.
“Đầu tư chứng khoán mà vay tiền thì phải chịu rủi ro bị "call
margin" những lúc thị trường lao dốc. Dù biết vậy nhưng mà cứ nhìn cổ
phiếu đập sàn là tim đau, lòng thắt hết lại vì tiền trong tài khoản bốc
hơi nhanh chóng”, chị Hồng tâm sự.
Đồng loạt các công ty chứng khoán và chuyên gia tài chính đều cho
rằng nhà đầu tư cá nhân cần bình tĩnh. Nhưng không nên vội bắt đáy vì
thị trường sẽ còn diễn biến phức tạp khó dự báo, nhất là gần đến thời
gian nghỉ Tết Âm lịch.
Mai Phương