Chừng nào Nhà nước mới chấm dứt làm kinh tế (TBKTSG)

Có thể nói, chừng nào Nhà nước vẫn trực tiếp làm kinh tế và chừng nào tiền bỏ ra kinh doanh, đầu tư không gắn liền với khúc ruột của các lãnh đạo doanh nghiệp, thì nguy cơ Nhà nước mất mát tài sản sẽ vẫn còn, dù có trực tiếp bỏ tiền ra để cứu những đơn vị làm ăn thua lỗ hay không.

 Nhà máy đóng tàu Dung Quất, một trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ. Ảnh: TL
  
Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nêu ra quan điểm như vậy trong việc xử lý các doanh nghiệp gây thua lỗ trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Việc Nhà nước không dùng tiền thuế của dân để cứu những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ là quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, quyết định đó cũng chỉ là “chữa cháy” và mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề, vì suy cho cùng những thiệt hại, khoản lỗ khổng lồ mà các doanh nghiệp này tạo ra Nhà nước vẫn phải gánh chịu, nghĩa là vẫn phải lấy tiền thuế của dân để bù vào.

Kinh doanh thì phải có rủi ro, nhưng với doanh nghiệp nhà nước thì mức độ rủi ro cao hơn rất nhiều bởi vì với nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp, đồng tiền không đi liền “khúc ruột”. Chưa kể, tâm lý ỷ lại đã có Nhà nước đứng sau, thua lỗ thì xin Nhà nước rót vốn cứu, còn rất lớn. Việc Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định không cấp thêm vốn vào dự án, doanh nghiệp thua lỗ phần nào nói lên điều đó.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy việc Nhà nước cứu doanh nghiệp nhà nước thua lỗ là rất phổ biến. Hình thức cứu khá đa dạng, như trực tiếp bơm thêm tiền để tăng vốn cho doanh nghiệp, hoặc cứu thông qua cho sáp nhập với doanh nghiệp khác; cho bán bớt tài sản và hạ vốn chủ sở hữu; tăng chính sách ưu đãi về thuế; cho khoanh nợ, xóa nợ hoặc giảm lãi suất các khoản vay… Nhưng dù là cách nào thì ngân sách cũng phải gánh chịu.

Để tránh Nhà nước phải dùng tiền thuế của dân để cứu hoặc bù lỗ cho các doanh nghiệp nhà nước, giải pháp căn cơ vẫn là Nhà nước không làm kinh tế nữa. Đây cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế nêu ra từ rất nhiều năm nay, nhưng đáng tiếc là đến nay nó chưa thể trở thành chủ trương cụ thể.

Có thể thấy trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ mà Bộ Công Thương đang phải vất vả xử lý hậu quả, có nhiều dự án mà khả năng thất bại đã được một số chuyên gia trong ngành nhìn thấy từ khi nó còn ở trên giấy. Câu hỏi đặt ra là phải chăng các chủ đầu tư kém đến mức không nhận ra sự thiếu khả thi của dự án? Chắc chắn không phải như vậy. Nhưng dự án vẫn được cấp vốn để làm và câu trả lời cho nghịch lý này chỉ có thể là nó được triển khai không dựa theo chuẩn mực kinh doanh, mà được quyết định bởi ý muốn chủ quan hay vì lý do không minh bạch nào đó.

Câu chuyện về những dự án của doanh nghiệp nhà nước đã nhìn thấy thất bại ngay từ khởi đầu, nhưng vẫn được bật đèn xanh cho làm, không phải hiếm. Trong đó có những dự án thiệt hại rất lớn như trong ngành đóng tàu, khai khoáng. Nếu nhà nước không dễ dàng bật đèn xanh và cấp vốn hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư của các dự án này vay vốn, hoặc nếu chủ đầu tư của các dự án không phải doanh nghiệp nhà nước, thì chắc chắn tình thế đã khác hẳn.

Có thể nói, chừng nào Nhà nước vẫn trực tiếp làm kinh tế và chừng nào tiền bỏ ra kinh doanh, đầu tư không gắn liền với khúc ruột của các lãnh đạo doanh nghiệp, thì nguy cơ Nhà nước mất mát tài sản sẽ vẫn còn, dù có trực tiếp bỏ tiền ra để cứu những đơn vị làm ăn thua lỗ hay không.