Đảng cộng sản sợ gì nhất? (Việt Hoàng)

Việt Nam đang bị hủy hoại từng ngày từng giờ nhưng giới trí thức Việt Nam vẫn không thấy đâu. Các tiếng nói cất lên cũng rất yếu ớt và thường là không được hưởng ứng một cách cần phải có. Trí thức Việt Nam cô đơn, bất lực và chia rẽ. Thậm chí có nhiều người tự cho mình là trí thức nhưng trước hiện tình đất nước họ bàng quang và phán xét như là người ngoại quốc hoặc người ngoài cuộc.
Ai cũng biết là đảng cộng sản sợ mất quyền lực nhất. Quyền lực mang lại cho các đảng viên cao cấp và giới lãnh đạo đảng tất cả mọi thứ. Quyền lực của đảng gắn liền với chế độ. Mất chế độ là mất hết quyền lợi vì thế đảng luôn đánh đồng đảng, chế độ với đất nước, vu vạ cho những ai chống đảng thành chống tổ quốc và chống nhân dân.
Đảng cộng sản sợ gì nhất ?
Đảng cộng sản không danh chính ngôn thuận vì họ không được người dân chọn lựa và ủy quyền thông qua một cuộc bầu cử tự do, minh bạch và công bằng với các đảng chính trị khác. Họ luôn vỗ ngực rằng không ai xứng đáng hơn họ, họ là sự lựa chọn của nhân dân… nhưng họ lại cấm tất cả các đảng phái khác hoạt động. Họ sợ thất bại và thua cuộc trong một chơi dân chủ và sòng phẳng. Họ sợ nhiều thứ.
1. Đảng lo sợ bốn triệu đảng viên biết được sự thật.
Sự thật lớn nhất đó là ban lãnh đạo cộng sản không vì dân vì nước, không trong sạch, không đoàn kết và không thống nhất như ban tuyên giáo tuyên truyền.
Nạn tham nhũng hoàng hành từ trên xuống dưới, các phe nhóm lợi ích trong đảng tranh dành và đấu đá nhau khốc liệt. Tất cả chỉ vì một lý do : độc tài và không có dân chủ ngay cả trong nội bộ đảng. Áp đặt và khủng bố là cách hành xử quen thuộc trong nội bộ đảng.
Đảng rất lo ‘diễn biến hòa bình, tự chuyển hóa, tự chuyển biến’ bên trong nội bộ đảng. Đảng tìm mọi cách ngăn cấm đảng viên công chức tiếp cận với các thông tin đa chiều trên mạng xã hội. Đồng thời đảng cố gắng tẩy não các đảng viên bằng các lớp học và tập huấn chính trị thường xuyên hoặc các lớp sơ, trung và cao cấp về lý luận chính trị cho các cán bộ ở mọi cấp trong chính quyền.
2. Đảng lo sợ sự chống đối và nổi loạn của người dân.
Các cuộc phản ứng của các cá nhân (và tập thể nhỏ) tự phát luôn đưa đến hậu quả không lường vì không thể dự đoán trước. Đàn áp là điều đương nhiên (chính quyền nào cũng sẽ làm như vậy) nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và các trang mạng xã hội thì bất cứ một sự đàn áp nào của chính quyền (dù có chính đáng đến đâu đi nữa) cũng sẽ được các bloggers khai thác và tạo ra hình ảnh bất lợi cho uy tín của đảng.
Vụ Đồng Tâm là một ví dụ, sự việc đã được quốc tế hóa. Nuốt không trôi mà nhè ra cũng không được. Chính quyền không lấy được đất lại còn bị bắt làm con tin. Bỏ qua thì sợ tạo ra tiền lệ chống đối trong tương lai vì việc ‘thu hồi đất’ sẽ phải làm dài dài, còn nếu đàn áp đến cùng thì hậu quả sẽ không lường. Một đốm lửa nhỏ có thể gây ra cháy rừng. Một cuộc ‘cách mạng đường phố’ có thể bắt đầu từ đây…
Đảng cộng sản không sợ gì ?
1.Đảng không sợ trí thức.
Câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông ‘trí thức không bằng cục phân’ có lẽ đã đúng một phần nào về giới trí thức cộng sản, là hậu duệ giới sĩ phu (của nền văn hóa Khổng giáo cách đây hơn hai ngàn năm) vẫn đang tồn tại cho đến tận ngày hôm nay.
Việt Nam đang bị hủy hoại từng ngày từng giờ nhưng giới trí thức Việt Nam vẫn không thấy đâu. Các tiếng nói cất lên cũng rất yếu ớt và thường là không được hưởng ứng một cách cần phải có. Trí thức Việt Nam cô đơn, bất lực và chia rẽ. Thậm chí có nhiều người tự cho mình là trí thức nhưng trước hiện tình đất nước họ bàng quang và phán xét như là người ngoại quốc hoặc người ngoài cuộc. Những người này họ không lên tiếng ủng hộ cho bất cứ ai và bất cứ tổ chức nào, họ cũng không có khả năng để thành lập các tổ chức riêng cho mình nhưng lại phán xét các tổ chức đối lập hiện nay là thế nọ thế kia, họ chỉ chê bai nhưng lại không đưa ra được giải pháp gì…
Dẫu biết khó thay đổi di sản văn hóa Khổng giáo đã ăn sâu và đè nặng lên tâm hồn trí thức Việt Nam nhưng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) vẫn quyết tâm và kiên trì để thay đổi. Trong cuộc cách mạng dân chủ mà Tập Hợp đề nghị và cổ xướng thì tầng lớp mà chúng tôi muốn tiếp cận và thuyết phục đầu tiên đó là tầng lớp trí thức Việt Nam, những người có hiểu biết và quan tâm đến vận mệnh của đất nước.
Tập Hợp khác với đảng cộng sản và các tổ chức khác là chúng tôi muốn tạo ra sự thay đổi ‘từ trên xuống dưới’ thay vì ‘từ dưới lên trên’. Sở dĩ Tập Hợp chưa đón nhận được sự ủng hộ cần thiết của người dân Việt Nam suốt 35 năm qua cũng vì lẽ đó. Tâm lý và văn hóa của Khổng giáo là ‘hành động’ chứ không phải ‘thuyết phục’ bằng lý lẽ. Hành động gì không biết, có chuẩn bị gì chưa cũng không cần miễn là phải hành động và hành động, còn Tập Hợp thì chỉ thuyết phục và thuyết phục…
Tập Hợp cũng có một nỗi sợ giống như đảng cộng sản, đó là sợ ‘một cuộc cách mạng đường phố’ xảy ra tại Việt Nam. Chúng tôi chủ trương thay đổi từ trên xuống dưới để tránh đổ vỡ. Bất cứ một cuộc cách mạng bạo lực nào cũng sẽ gây ra nhiều đau thương và mất mát cho người dân Việt Nam, đồng thời để lại những vết thương rất khó hàn gắn trong lòng người. Thay vì tiếp cận và thuyết phục những người dân nghèo khổ đang là nạn nhân của chế độ để tìm kiếm sự hậu thuẫn và ủng hộ như các cá nhân và tổ chức khác chủ trương, Tập Hợp tìm cách thay đổi tư duy của tầng lớp trí thức và những người thực sự quan tâm đến chính trị và đất nước.
Tập Hợp cố gắng và bền bỉ thuyết phục tầng lớp trí thức rằng đấu tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh có tổ chức và giữa các tổ chức với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Việc đầu tiên cần làm của một người Việt ưu tư với đất nước là phải tham gia hoặc ủng hộ cho một tổ chức chính trị nào đó. Cần tìm hiểu về tư tưởng, đường lối và lộ trình tranh đấu cũng như các giải pháp kiến thiết lại đất nước trong tương lai của tổ chức đó và truyền tải lại cho người dân được biết.
Cuộc cách mạng dân chủ mà Tập Hợp đề nghị là để mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, một kỷ nguyên của hòa bình, bao dung, hòa giải, phát triển và tôn trọng phẩm giá con người chứ không nhằm đập phá hay tiêu diệt bất cứ một ai, hay một đảng phái nào kể cả đảng cộng sản.
2. Đảng không sợ các ‘thế lực thù địch’.
Đảng luôn luôn lấy con ngáo ộp ‘các thế lực thù địch’ ra để hù dọa dân chúng, nhưng các thế lực thù địch này là ai thì đảng không bao giờ nói cho dân biết, vì đó là một sự bịa đặt hoàn toàn.
Các tổ chức đối lập của người Việt trong và ngoài nước không phải là thế lực thù địch vì họ không chống lại tổ quốc, không chống lại nhân dân mà họ chỉ không đồng tình với đường lối mà đảng cộng sản đã thực thi hơn 70 năm qua tại Việt Nam. Hơn nữa đảng cộng sản hoàn toàn không sợ các tổ chức này vì một lý do rất giản dị : các tổ chức đối lập vẫn còn rời rạc và thiếu tầm vóc, hoàn toàn chưa đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Các quốc gia như Mỹ, Nhật, Trung Quốc hay EU đều là những ‘đối tác chiến lược toàn diện’ của đảng chứ không phải ‘thế lực thù địch’. Đảng chỉ dùng con ngáo ộp này để lấy cớ chụp mũ và đàn áp những người bất đồng chính kiến.
3. Đảng cộng sản cũng không có lý do để đàn áp hay lo sợ về Tập Hợp vì :
- Rất khó buộc tội các thành viên của Tập Hợp vì lập trường của chúng tôi từ lúc thành lập đến nay luôn là đấu tranh bất bạo động để thiết lập một thể chế dân chủ đa nguyên cho Việt Nam trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hơn nữa Tập Hợp không có thành viên trong nước mà chỉ có thân hữu, tức là những người ủng hộ tư tưởng và đường lối của Tập Hợp.
- Đảng cộng sản không muốn ‘quảng cáo miễn phí’ cho Tập Hợp, một tổ chức đối lập thực sự của Việt Nam.
- Tập Hợp là tương lai của Việt Nam vì thế đảng cộng sản không muốn bịt đường thoát hiểm.
- Tập Hợp không chủ trương làm ‘cách mạng đường phố’ dù rằng bước 5 (bước cuối cùng trong lộ trình đi đến thành công của một cuộc cách mạng mà Tập Hợp đề nghị) là ‘giành chính quyền’. Thực ra khi đã xây dựng được lực lượng và thuyết phục được quần chúng thì ngay cả một cuộc biểu tình biểu dương lực lượng cũng không cần thiết vì khi đó đảng cộng sản đã phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán rồi.
- Đảng cộng sản vẫn tin rằng Tập Hợp chưa làm gì được họ. Nếu người dân chống đối thì đảng cộng sản sẵn sàng dùng quân đội và công an để đàn áp nhưng với những tổ chức hoạt động bài bản như Tập Hợp thì họ tin rằng còn lâu chúng tôi mới thuyết phục được tầng lớp trí thức Việt Nam ngồi lại với nhau trong một tổ chức. Đảng cộng sản hiểu rất rõ rằng kêu gọi giới trí thức đoàn kết và ủng hộ cho một tư tưởng hay một dự án chính trị của một tổ chức chính trị là việc rất khó vì ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo vẫn còn nặng nề trong tâm thức của người Việt Nam.
Một ví dụ, có người cứ nghe nhắc đến cụm từ ‘hòa giải và hòa hợp dân tộc’ là chụp ngay cho Tập Hợp cái mũ ‘hòa giải với cộng sản’. Cho đến nay chưa ai có thể chỉ cho mọi người biết ở đâu và khi nào Tập Hợp nói rằng chúng tôi muốn ‘hòa giải với cộng sản’ ? Chưa bao giờ chúng tôi nói điều đó.
Tuy nhiên đảng cộng sản cũng là một thành phần của dân tộc Việt Nam và vì họ gây ra nhiều đổ vỡ cho người dân Việt Nam nhất nên họ cần phải hòa giải với người dân Việt Nam hơn ai hết. Còn việc họ có muốn hòa giải với dân tộc Việt Nam hay không thì đó là việc của họ.
Tập Hợp chỉ kêu gọi ‘hòa giải dân tộc’ để rồi tiến đến ‘hòa hợp dân tộc’, tức là người Việt Nam sẽ cùng nhau chung sống hòa bình và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Nếu đảng cộng sản không chịu ‘hòa giải dân tộc’ thì tự họ tách họ ra khỏi cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Đảng cộng sản nên cẩn thận
Với sự trì hoãn thay đổi đất nước về dân chủ, tiếp tục níu kéo bánh xe lịch sử để hy vọng kéo dài sự cầm quyền của mình, đảng cộng sản Việt Nam đang bơi ngược dòng thời đại. Họ sẽ không có tương lai. Dù hiện tại đảng không sợ ai hay có sợ ai thì cuối cùng cái gì đến, cũng sẽ đến.
Một chính đảng hay mỗi con người khôn ngoan và có viễn kiến là phải nhìn thấy được tương lai. Ban lãnh đạo đảng và bốn triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hãy tự hỏi chính mình : Liệu còn tương lai tốt đẹp nào đang chờ đón đảng cộng sản ?
Việt Hoàng
(17/10/2017)