Tăng thuế GTGT: Một lựa chọn khiên cưỡng (Vũ Đình Ánh)

Việc tăng thuế GTGT có xu hướng làm tăng giá cả hàng hóa đến người tiêu dùng cuối cùng, khiến họ có thể thu hẹp tiêu dùng. Theo đó, sản phẩm hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp có thể chậm tiêu thụ, thậm chí ế thừa, khiến doanh nghiệp hoặc phải thu hẹp sản xuất, giảm nguồn cung, hoặc cố gắng không tăng giá bán mà chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Trong cả hai trường hợp, doanh nghiệp đều yếu đi và đều tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững cũng như ảnh hưởng xấu đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng khác như lạm phát, thất nghiệp,...

 
Trung tuần tháng 8/2017, Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật sửa đổi bổ sung năm luật thuế, bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế tài nguyên, để lấy ý kiến rộng rãi. Căn cứ quan trọng nhất cho lần sửa đổi chính sách thuế dự định trình Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là Nghị quyết số 25/2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN và Nghị quyết số 35/2016 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng, giai đoạn đến năm 2020, theo đó cơ cấu thu NSNN sẽ dịch chuyển theo hướng tăng thu trong nước để bù đắp cho sự sụt giảm các nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (do thực hiện cam kết quốc tế về cắt giảm thuế quan, tự do hóa thương mại) và dầu thô (do tác động của giá trên thị trường thế giới). Tỷ trọng thu trong nước trong tổng thu NSNN tăng lên được kỳ vọng sẽ góp phần tăng tính ổn định, bền vững của hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếc rằng, trong số các sửa đổi bổ sung, đề xuất tăng thuế suất phổ thông thuế GTGT từ 10% hiện nay lên 12% từ đầu năm 2019 (phương án 1) hay tiếp tục tăng lên 14% từ đầu năm 2021 (phương án 2) có nguy cơ không mang lại hiệu quả như những nhà làm luật mong đợi.

Làm méo mó chức năng phân phối lại thu nhập của thuế

Việc tăng thuế GTGT có xu hướng làm tăng giá cả hàng hóa đến người tiêu dùng cuối cùng, khiến họ có thể thu hẹp tiêu dùng. Theo đó, sản phẩm hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp có thể chậm tiêu thụ, thậm chí ế thừa, khiến doanh nghiệp hoặc phải thu hẹp sản xuất, giảm nguồn cung, hoặc cố gắng không tăng giá bán mà chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Trong cả hai trường hợp, doanh nghiệp đều yếu đi và đều tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững cũng như ảnh hưởng xấu đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng khác như lạm phát, thất nghiệp,...

Bên cạnh đó, tăng giá đồng loạt sản phẩm hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là những hàng hóa dịch vụ thiết yếu, do tăng thuế suất thuế GTGT, có mức độ tác động khác nhau đối với mỗi nhóm dân cư theo thu nhập. Nếu những nhóm dân cư có mức thu nhập từ trung bình khá trở lên có thể chịu tác động tiêu cực ít hơn, thậm chí chẳng có vấn đề gì đối với nhóm dân cư khá giả hay giàu có thì ngược lại, nhóm dân cư có thu nhập từ mức trung bình thấp trở xuống, đặc biệt là nhóm người nghèo và cận nghèo, có thể sẽ chịu tác động nặng nề. Như vậy, bất bình đẳng trong xã hội sẽ gia tăng và hố ngăn cách giàu nghèo sẽ ngày càng bị khoét sâu, nhất là khi hệ thống an sinh xã hội của nước ta còn nhiều hạn chế. Như vậy, chức năng đầu tiên của thuế là phân phối lại thu nhập đã bị méo mó.

Có người lập luận rằng tăng thuế suất thuế GTGT nhằm điều tiết tiêu dùng, khuyến khích tiết kiệm và đầu tư. Lý thuyết đúng là như vậy, song đó là lý thuyết đối với những nước phát triển, giàu có đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người hàng chục ngàn USD chứ không phải đối với những nước đang phát triển với GDP bình quân đầu người chưa tới 2.500 USD như Việt Nam, nơi phần lớn người dân vẫn phải dành phần lớn thu nhập của mình để tiêu dùng.

Qui mô thuế có tăng cũng không bền vững

Căn cứ hay lý do quan trọng hàng đầu để đề xuất tăng thuế suất thuế GTGT là đảm bảo nguồn thu cho NSNN, giảm bớt mức thâm hụt NSNN trong bối cảnh quy mô nợ công theo chuẩn Việt Nam đã áp sát trần cho phép1.

Tuy nhiên, có những cách khác để tăng quy mô và điều chỉnh cơ cấu thu NSNN nói chung, tăng quy mô thu thuế GTGT và thay đổi tỷ trọng của nó trong cơ cấu thu NSNN nói riêng ngay cả khi giữ nguyên hay thậm chí giảm thuế suất thông qua hàng loạt các biện pháp như tăng cường quản lý thuế, chống thất thu NSNN, mở rộng diện chịu thuế, giảm diện và mức độ ưu đãi miễn giảm thuế, giảm diện được hưởng thuế suất thuế GTGT ưu đãi ở mức 0% và 5%, kiểm soát chặt hoàn thuế và khấu trừ thuế GTGT, hoàn thiện quy trình và phương pháp tính toán cũng như thu nộp thuế GTGT, v.v.

Tương tự, muốn giảm thâm hụt NSNN thì có thể sử dụng nhiều biện pháp giảm bội chi như tinh giản bộ máy nhằm giảm chi thường xuyên, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, v.v. chứ không nhất thiết phải tăng thuế suất thuế GTGT hay đưa ra những sắc thuế bất hợp lý nhằm tăng nguồn thu.

Đối với nợ công, sẽ chỉ an toàn nếu chúng ta quản lý và sử dụng nợ công hiệu quả, chẳng hạn như gắn quyền hạn và trách nhiệm quản lý, sử dụng, vay và trả nợ công một cách chặt chẽ, thống nhất một đầu mối, đảm bảo khả năng trả nợ cả gốc và lãi đi đôi với tăng cường năng lực quản lý nợ công theo thông lệ quốc tế và nguyên tắc thị trường tài chính, thị trường nợ trong nước và toàn cầu, v.v. Khi đó, ngay cả quy mô nợ công có vượt trần hiện tại cũng không đáng lo ngại và không ảnh hưởng gì tới an ninh tài chính cả.

Tuy nhiên, thay vì triển khai quyết liệt những giải pháp thiết thực trên đây, đáng tiếc là người ta lại lựa chọn tăng thuế GTGT, biện pháp tiềm ẩn nhiều hệ lụy nhất. Thế nhưng tăng thuế suất thuế GTGT cũng không chắc chắn sẽ làm tăng quy mô thuế GTGT vốn đang chiếm vị trí dẫn đầu trong các khoản thu NSNN với tỷ trọng gần 30%, bởi thuế suất tăng cao là động lực thúc đẩy trốn lậu thuế, nhất là trong bối cảnh khả năng quản lý thuế của chúng ta còn nhiều hạn chế, bất cập; tình trạng thất thu thuế, mua bán không hóa đơn, chứng từ còn rất phổ biến; quy trình và phương pháp thu thuế GTGT chưa hoàn thiện... Ngoài ra, quy mô tiêu dùng thực chất có thể giảm khiến doanh thu thực tế của doanh nghiệp giảm theo. Mặc dù do yếu tố giá cả và lạm phát tăng nên bề ngoài quy mô tiêu dùng và doanh thu danh nghĩa của doanh nghiệp vẫn tăng, nhưng sự tăng đó không thực chất và không bền vững, với cái giá bất ổn vĩ mô còn lớn hơn nhiều.

Tránh áp đặt kinh nghiệm quốc tế

Căn cứ trở thành cứu cánh của đề xuất tăng thuế suất thuế GTGT, éo le thay, lại là kinh nghiệm quốc tế2. Một mặt, kinh nghiệm quốc tế không phải và không thể là căn cứ duy nhất và quan trọng nhất cho việc hoạch định một chính sách kinh tế vĩ mô nào đó, lại càng không phải là căn cứ phù hợp cho việc hoạch định chính sách thuế GTGT - một sắc thuế chỉ áp dụng ở vài chục trong số hàng trăm nước trên thế giới (trong đó không có những nước phát triển hàng đầu như Mỹ hay Nhật Bản - họ áp dụng thuế bán hàng hay thuế tiêu dùng với thuế suất dưới 10% và cơ chế thu hoàn toàn khác thay vì áp dụng thuế GTGT). Mặt khác, kinh nghiệm quốc tế chỉ có giá trị thật sự đối với Việt Nam khi xuất phát từ bối cảnh lịch sử cụ thể của quốc gia nào đó có mức độ tương đồng cao nhất với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta tại thời điểm hoạch định chính sách cũng như tương đồng về mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Việc lựa chọn thực tế thuế suất thuế GTGT những năm gần đây của EU hay OECD để so sánh rồi kết luận thuế suất thuế GTGT của nước ta còn thấp nên phải tăng lên là điều hết sức vô lý, vì điều kiện, hoàn cảnh và trình độ phát triển của các nước này rất khác so với nước ta, hầu như không thể so sánh. Hơn nữa, chính sách thuế GTGT là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô rất nhạy cảm với diện tác động bao trùm tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức nên việc hoạch định chính sách thuế GTGT nói chung, điều chỉnh thuế suất thuế GTGT nói riêng cần được cân nhắc thận trọng, kỹ càng, phân tích đánh giá tác động toàn diện, sâu sắc trước khi quyết định và phải lưu ý tới không chỉ các yếu tố về chính trị, kinh tế, tài chính mà còn cả các yếu tố về văn hóa, xã hội, thậm chí cả tập quán, thói quen tiêu dùng, tâm lý xã hội...

Theo Tia Sáng

 Nếu Chính phủ vẫn nhất quyết tăng thuế suất thuế GTGT thì cần có nghiên cứu khoa học. Và theo tôi, chỉ tăng thuế GTGT đối với các hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu, hàng hóa được tiêu dùng bởi nhóm hộ khá và giàu như hàng xa xỉ, phi lương thực, thực phẩm... Ngoài ra, đối với các dịch vụ phục vụ ngành du lịch cũng không nên tăng thuế GTGT vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của khách du lịch và xuất khẩu tại chỗ các mặt hàng mà khách du lịch tiêu dùng do việc hoàn thuế GTGT của Việt Nam vẫn chưa tốt.

TS Phùng Đức Tùng (Viện Nghiên cứu phát triển Mekong)