Dự án Trung Quốc làm tại Việt Nam chất lượng xấu và tốn kém (Kính Hòa-RFA)

Dự án này được dự định xây dựng trong năm năm, từ năm 2008 đến năm 2013, nhưng bốn năm sau thời hạn ấn định đó vẫn chưa hoàn thành. Đây là một dự án tiêu biểu trong số nhiều dự án do Trung Quốc nhận thầu, về tình trạng kém chất lượng, kéo dài thời gian thi công, số vốn tăng lên so với dự tính ban đầu.


Vì sao Trung Quốc thắng thầu nhiều dự án?

Ngày 18 tháng 9, 2017, báo chí Việt Nam đưa tin là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông không thể chạy thử trong tháng 10 tới đây vì thiếu tiền. Theo các giới chức Việt Nam thì số tiền này đã được các nhà đầu tư hứa bổ sung vào dự án này từ năm ngoái nhưng vẫn chưa được giải ngân. Sở dĩ có sự bổ sung vốn như vậy là do dự án đã bị đội giá, được các nhà đầu tư Trung Quốc giải thích là sự trượt giá của các trang thiết bị từ Trung Quốc.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông là một dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm giải quyết giao thông công cộng ở khu vực thủ đô Hà Nội. Tổng số vốn ban đầu dự tính chi ra cho dự án này là 552 triệu đô la Mỹ, trong đó có 419 triệu là vốn vay viện trợ phát triển (ODA) từ Trung Quốc.

Dự án này được dự định xây dựng trong năm năm, từ năm 2008 đến năm 2013, nhưng bốn năm sau thời hạn ấn định đó vẫn chưa hoàn thành. Đây là một dự án tiêu biểu trong số nhiều dự án do Trung Quốc nhận thầu, về tình trạng kém chất lượng, kéo dài thời gian thi công, số vốn tăng lên so với dự tính ban đầu.

Nhật báo Nikkei của Nhật Bản, số ra ngày 20 tháng 9/2017 còn liệt kê thêm một số sự án cụ thể khác do Trung Quốc thực hiện là Sân vận động Mỹ Đình, Dự án mở rộng nhà máy luyện thép Thái Nguyên, Nhà máy cán thép Lào Cai, Dự án Bauxite Tây nguyên, các dự án xử lý rác, và một số nhà máy dệt. Tổng số tiền đầu tư cho các dự án này lên đến hơn 2 tỉ đô la Mỹ.

Theo báo Nikkei, đặc điểm chung trong các dự án do Trung Quốc thi công ở Việt Nam là họ thắng thầu nhờ vào lời hứa giá rẻ. Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, nói với tờ Nikkei rằng hóa ra các dự án đó tính ‘già hóa non’, vì giá thành tăng lên mà chất lượng lại kém.

Nhưng tại sao họ lại thắng thầu?

Ngoài lý do giá rẻ, báo chí Việt Nam cũng cho biết rằng trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có sử dụng vốn ODA của Trung Quốc thì Bắc Kinh đều ràng buộc là phải sử dụng nhà thầu người Trung Quốc.

Còn một lý do nữa không thấy báo chí trong nước đề cập là thói quen đút lót để thắng thầu của các công ty Trung Quốc.

Tiến sĩ Ngô Trí Long, một chuyên gia kinh tế sống ở Hà Nội so sánh cách làm ăn giữa các công ty Trung Quốc với các công ty phương Tây và Nhật Bản:

“Khác với các nước phương Tây, luật pháp rất nghiêm, hiện nay Trung Quốc cũng chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường cho nên còn rất nhiều những tàn dư, những góc khuất, những mặt tối. Rất nhiều cán bộ Việt Nam bị tha hóa bị những đối tác đấy mua chuộc, dẫn đến những hậu quả như vậy.”

Hợp tác kinh tế sắp tới với Trung Quốc ra sao?

Ngay trong lúc có tin dự án Cát Linh Hà Đông tiếp tục bị chậm trễ, thì một trang mạng tiếng Việt của Trung Quốc là CRI đăng tải thông tin về một Hội nghị chuyên đề tại Bắc Kinh giữa các viên chức Việt Nam và Trung Quốc về thương mại, trong đó một quan chức Việt Nam của tỉnh Tuyên Quang cam kết rằng sẽ cung cấp điều kiện có lợi nhất cho doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn trong phạm vi luật pháp Việt Nam.

Nội dung phát biểu này được tờ báo Trung Quốc đưa ra thành tựa đề của bài viết rằng Việt Nam cam kết sẽ nổ lực tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Chúng tôi hỏi ông Ngô Trí Long là liệu những lời phát biểu như vậy có mâu thuẫn với những gì mà báo chí Việt Nam đã loan tải về các dự án do Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam hay không, ông trả lời:

Cái này không mâu thuẫn, vì trong đường ngoại giao thì Việt Nam nói rằng có phương châm đa phương hóa, anh nào làm tốt thì vào, mà hoàn toàn không có định kiến, trên thế giới không có kẻ thù. Mạc dù những dự án của Trung Quốc rất kém chất lượng, hiệu quả không tốt, cái này đã được kiểm nghiệm thực tế ở Việt Nam. Đường sắt trên cao, các dự án BOT, các dự án có vốn của Trung Quốc thì đều là như vậy. Ban đầu bỏ ra giá thấp rồi sau đội giá lên. Nói như vậy không phải đẩy anh về một phía, thấy anh Tàu là gạt bỏ thì không nên.”

Trong bài báo này của Trung Quốc cũng có dẫn lời Tham tán thương mại Sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, nói rằng quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước gia tăng mạnh, và cho đến tháng 8 năm 2017, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ tư ở Việt Nam.

Trong Hội nghị chuyên đề này các viên chức Trung Quốc nhiều lần lặp lại rằng Trung Quốc sẽ dùng Việt Nam như một bước trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc sang thị trường Mỹ và phương Tây, vì hai thị trường này đang ngăn cản hàng hóa Trung Quốc.

Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định:

Việt Nam phải làm sao để nâng uy tín của mình, uy tín của quốc gia thì không ai cho mà tự mình thôi. Trung Quốc phát biểu là sẽ thông qua Việt Nam để làm một cầu nối, làm một bàn đạp để bán hàng hóa Trung Quốc, nếu Việt Nam không cảnh giác, cũng như không thực thi đúng những cam kết với quốc tế, cũng như không công khai minh bạch đúng luật lệ quốc tế thì trước sau Việt Nam cũng bị loại ra khỏi thương trường quốc tế.”

Theo Tiến sĩ Long thì các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nhận thức điều này và sẽ không để cho chuyện Trung Quốc lợi dụng Việt Nam xảy ra.
Các viên chức thương mại hai nước cũng có bàn đến những kế hoạch hợp tác kinh tế do Trung Quốc khởi xướng, ví dụ như sáng kiến ‘Một vành đai, Một con đường’.

Trong một lần trao đổi với chúng tôi về những sáng kiến hợp tác kinh tế khu vực của Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội nói rằng:

“Theo tôi thì Việt Nam đã tham gia vào các sáng kiến này ngay từ đầu. Nhưng sự dính líu của Việt Nam vào các sáng kiến này không phải là quá mặn mà. Cũng là tham dự vào cho nó phải lẽ.”

Ông Ngô Trí Long không phản đối việc tham gia của Việt Nam vào các sáng kiến này, nhưng ông cho rằng cần thận trọng, và theo ông các quốc gia khác trong khu vực cũng thận trọng khi tham gia các sáng kiến này. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia về ngân hàng đang làm việc ở Việt Nam, cũng nói với đài RFA về các dự án kém chất lượng do Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam rằng những dự án đó ảnh hưởng đến tương lai của Việt Nam, cho nên cần phải rất cẩn trọng