Nóng - phẳng - chật (Võ Văn Thành)

"... Nhưng khi “nóng, phẳng, chật” đã được đặt lên bàn nghị sự - không phải lần đầu tiên, mà là liên tục qua các cuộc họp - vẫn chưa thấy nó được hệ thống hóa thành một vấn đề mang tính xuyên suốt. Từng vấn đề nhỏ lẻ được nêu ra, với từng bộ, rồi nếu nó được xử lý - điều không phải lúc nào cũng may mắn diễn ra - thì cũng chỉ xử lý cục bộ."



Trong những ngày diễn ra kỳ họp giữa năm của Quốc hội, Hà Nội trải qua đợt nắng nóng kỷ lục.

Hàng xà cừ cao lớn xanh mướt trên phố Hoàng Diệu - nơi đoàn xe chở đại biểu đi qua mỗi ngày, không ngăn nổi cái hầm hập phả lên từ mặt đường nhựa. Trên nghị trường, hàng loạt vấn đề nóng cũng được đặt lên bàn làm việc. Ba trong số đó, có thể gọi tên là nóng bức, bằng phẳng và chật chội.

Cảm giác đi bộ trên mặt đường nhựa hầm hập của phố Hoàng Diệu lúc vào toà nhà Quốc hội, giúp tôi thêm thấm thía khi nghe một đại biểu đến từ Tây Nguyên chia sẻ lo lắng về tình trạng phá rừng. Bà Ksor Phước Hà - Phó trưởng công an thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) - nói trong phiên thảo luận sửa đổi Luật bảo vệ và phát triển rừng: “Con người đang vật vã, hổn hển vì một cá nhân trưởng thành phải hít khoảng 3 triệu lít ôxy mỗi năm, tìm đâu ra đủ lượng ôxy này khi nhà nhà điều hòa, người người xe máy, ôtô…”.

Theo bà, ở Việt Nam, mỗi năm xảy ra 7.000 vụ phá rừng, 20.000 vụ vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép. “Thực ra đây mới là con số công khai”, bà nói thêm.

Không chỉ với vùng cao nguyên đất đỏ, sự nóng bức môi trường sống còn diễn ra ở nhiều nơi khác. Người ta từng ví von việc con người phát triển kinh tế, nếu lạm dụng quá mức mẹ thiên nhiên thì sẽ như cỗ xe lắp máy móc cũ kỹ. Ở đâu xe càng tăng tốc thì ở đó khói bụi xả ra càng nhiều.

Tiếp theo là chật chội. Dân số trên 90 triệu người và nằm trong nhóm các nước có mật độ cao nhất thế giới, sự bùng nổ nhu cầu khi thu nhập được cải thiện đã dẫn đến những điểm nghẽn hạ tầng. Và đến lượt việc xây cất hạ tầng lại gặp khó vì quy mô dân số này.

Chỉ riêng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cần đến trên 23 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn một tỷ USD) chỉ để giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư. Chính phủ cho biết có tới 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức sẽ phải di dời.

Tương tự với dự án đường cao tốc Bắc Nam, trong giai đoạn 2017-2020, để làm 713 km thì các địa phương phải giải tỏa khoảng 3.523 ha với hơn 8.000 hộ dân bị ảnh hưởng và 2.100 hộ tái định cư; kinh phí cho công việc này chưa kể làm đường là trên 13 nghìn tỷ đồng. Nếu làm toàn tuyến với chiều dài 1.372 km, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lên đến trên 27 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, nhiều đại biểu Quốc hội than phiền, đang có hình ảnh tương phản giữa chật chội và thông thoáng. Cụ thể là sân golf cạnh sân bay Tân Sơn Nhất.

Sự tương phản trên đặt ra vấn đề lớn về quản lý quy hoạch. Việt Nam còn có kế hoạch làm đường sắt cao tốc và nhiều dự án hạ tầng lớn khác, sự chật chội nếu hôm nay không được quy hoạch và quản lý tốt, chi phí ở ngày mai sẽ vô cùng đắt đỏ.

Cuối cùng là bằng phẳng. Ngày nay, có tới 1/3 điện thoại Samsung bán ra trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, thiết bị của công ty này được đưa vào ghi chú khi Uỷ ban kinh tế thẩm tra báo cáo thường niên của Chính phủ, đơn giản vì nó chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quốc gia.

Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị của “thế giới phẳng”. Sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ và quá trình mở cửa, hội nhập ở Việt Nam, giờ đây không còn là câu chuyện xa lạ. Vấn đề chỉ là ta đang ở chỗ nào trong chuỗi giá trị toàn cầu đó và nỗ lực được đến đâu.

“Nóng, phẳng, chật” là cách diễn đạt của nhà báo Thomas Friedman về những yếu tố nổi trội mà thế giới ngày nay đang phải đối diện - trong cuốn sách cùng tên vào năm 2008 của ông. Sự nóng lên của trái đất và dân số tăng nhanh, đòi hỏi một chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường sống được đặt lên bàn nghị sự ở tầm quốc gia, mà ông gọi là “Mã xanh”. Mã xanh gồm 3 phần: Điện sạch; Sử dụng năng lượng hiệu quả và Bảo vệ môi trường.

Việt Nam dường như không là ngoại lệ. Nhưng khi “nóng, phẳng, chật” đã được đặt lên bàn nghị sự - không phải lần đầu tiên, mà là liên tục qua các cuộc họp - vẫn chưa thấy nó được hệ thống hóa thành một vấn đề mang tính xuyên suốt. Từng vấn đề nhỏ lẻ được nêu ra, với từng bộ, rồi nếu nó được xử lý - điều không phải lúc nào cũng may mắn diễn ra - thì cũng chỉ xử lý cục bộ.

Thậm chí nếu không nhắc, hẳn nhiều người cũng quên rằng chúng ta cũng đã có một bộ “Mã xanh”. Đó là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, được thủ tướng ký năm 2012.

Bây giờ nhìn lại văn bản ấy, thấy hàng loạt tiêu chí đã “xếp kho”. Ví dụ như, trong chiến lược quốc gia mới phê duyệt cách đây 5 năm, chúng ta đặt ra tỷ lệ che phủ rằng vào năm 2020 là 45%. Sau 4 năm, tỷ lệ này còn chưa nổi 41%. Vài ngày trước, một Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp được phê duyệt đã đặt mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%”.

Hoặc những “chiến lược” mà có lẽ sẽ không thể thành sự thật, như là loại bỏ công nghệ độc hại ở các làng nghề vào năm 2020, hay là khi mua xe công sẽ ưu tiên xe hybrid vào năm 2017...

“Nóng, phẳng, chật” chắc sẽ còn phải lên bàn nghị sự ở nhiều kỳ họp nữa.

Võ Văn Thành