Đại biểu phàn nàn vì Bộ trưởng trả lời 'hệt như 3 nhiệm kỳ trước' (VNE)
"Chúng ta có tiền mà không tiêu hết được", ông nói và cho rằng, có phần
trách nhiệm của Chính phủ, là một trong những nguyên nhân làm tăng
trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, giảm hiệu quả sử dụng vốn. "Chính phủ
nhận trách nhiệm trước Quốc hội để hứa làm tốt hơn thời gian tới", ông
nói thêm.
Là vị trưởng ngành cuối cùng trực tiếp đăng đàn sau 3 ngày Quốc hội
chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận được câu hỏi của 37 đại biểu
sau 4 giờ làm việc. 19 đại biểu có cơ hội tranh luận thêm, trong khi 11
người đã ấn nút xin lượt song chưa được chất vấn vì hết thời gian.
Được lãnh đạo Quốc hội đánh giá là nắm rõ tình hình của ngành sau khi
nhậm chức hơn một năm, song phần trả lời của Bộ trưởng Kế hoạch &
Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sáng 15/6 lại bị phê là “chưa rõ, chưa trọng tâm
và chưa thỏa mãn”, nên nhiều đại biểu tham gia tranh luận.
'Bộ trưởng trả lời giống hệt vị trưởng ngành cách đây 3 nhiệm kỳ"
Đó là nhận xét của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) khi đọc báo
cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi tới Quốc hội trước phiên chất vấn,
đề cập tới trách nhiệm về các dự án trọng điểm quốc gia. Bà cho rằng, Bộ
trưởng mới chỉ nêu ra loạt quy định, Nghị định... mà không rõ được
trách nhiệm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và cá nhân ông.
"Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống cách trả lời của Bộ
trưởng Kế hoạch cách đây 3 nhiệm kỳ. Khi đó, Đại biểu Quốc hội khóa XI -
Nguyễn Ngọc Trân đã phải nhận xét 'Bộ trưởng đã đưa ra cả một rừng
luật, nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu", bà Thúy nói,
đồng thời đề nghị “Bộ trưởng cần khẳng định trách nhiệm của Bộ mình
trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia và cam kết để khắc
phục hạn chế chậm trễ tại các dự án này”.
Đáp lại, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng để xác định được trách nhiệm các
bộ, ngành ra sao trong các dự án này thì cần nêu lại các quy định trách
nhiệm được nêu ở các quy định pháp luật nào, được nhận diện, nhận danh
ra sao. "Vì thế, trong báo cáo sơ bộ gửi tới Quốc hội chúng tôi đã nêu
chi tiết các quy định, Nghị định... quy định trách nhiệm các bộ, ngành",
ông Dũng nói.
Riêng về trách nhiệm Bộ Kế hoạch, có 3 chức năng: Chủ tịch Hội đồng
thẩm định Nhà nước; giám sát và tham mưu huy động, phân bổ vốn đầu tư
cho thực hiện dự án nếu sử dụng Ngân sách Nhà nước.
Ông cũng nói thêm, giai đoạn 2011 - 2015 Bộ đã thẩm định một dự án quan
trọng quốc gia là sân bay Long Thành, đã báo cáo Quốc hội ở kỳ họp thứ 2
và gần đây thẩm định dự án cao tốc Bắc Nam đang được trình tại kỳ họp
này.
Đại biểu Kim Thúy không đồng tình, bà tranh luận lại rằng sự trích dẫn,
viện dẫn văn bản pháp luật trong báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư
cũng không đúng. Đơn cử, dự án đường cao tốc Bắc Nam ngày 30/5
Chính phủ mới có tờ trình Quốc hội. Quốc hội chưa thông qua thì “không
thể nói Bộ Kế hoạch có trách nhiệm trong thẩm định thực hiện dự án này”.
Một lần nữa bà đề nghị được biết cam kết của Bộ trưởng ra sao để khắc
phục những hạn chế này.
Tranh luận 3 lần với Bộ trưởng
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) làm nóng hội trường khi chất vấn
và tranh luận tới 3 lần với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Đặt vấn đề chất
vấn, Phó bí thư thành ủy TP HCM nhận xét, việc triển khai thực hiện Luật
Đầu tư công và quy định Nghị định về quy trình lập, thẩm định dự án đầu
tư đang có mâu thuẫn trong quy định về người có thẩm quyền cấp phép dự
án tại địa phương. Trong khi luật quy định chỉ HĐND cấp tỉnh, thành phố
được quyền cấp phép, thì Nghị định 136/2015 về hướng dẫn một số điều của
Luật đầu tư công lại cho phép ủy quyền này cho thường trực HĐND.
“Nếu ủy quyền cho thường trực HĐND thì quyết định chủ trương đầu tư
bằng văn bản nào để đảm bảo không vi phạm pháp luật?”, bà Tâm hỏi và cho
rằng, quy định tại điều 6 Nghị định 136/2015 có thể vi phạm cả 3 luật:
Đầu tư công, Văn bản quy phạm pháp luật và Chính quyền địa phương.
Thừa nhận “luật không quy định, nhưng Nghị định lại có”, Bộ trưởng
Nguyễn Chí Dũng lý giải, mỗi năm HĐND chỉ họp 2 lần, mà theo Luật phải
xem xét, quyết định dự án đầu tư trước 31/10. Nếu chờ tới khi HĐND họp
rồi mới quyết định thì không khớp với nhiều địa phương.
“Nếu giữ nguyên theo luật thì chỉ HĐND được quyết quyền đầu tư thì sẽ
sẽ vướng khoảng 50 tỉnh. 50 tỉnh này đề nghị chúng tôi ủy quyền cho
thường trực HĐND. Vì thế, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ tùy điều kiện cụ
thể từng địa phương, HĐND sẽ tự quyết định chủ trương đầu tư hoặc ủy
quyền cho thường trực. Tinh thần là giải quyết ách tắc cho địa phương”,
ông Dũng nói.
Không đồng ý với tinh thần “áp dụng tùy điều kiện từng địa phương”, bà
Tâm bấm nút tranh luận lần 2. Theo bà, luật đã quy định thì phải áp dụng
nghiêm, thống nhất chứ không thể tùy tiện.
“Hiện nay là phân cấp ngược, có nghĩa là kéo về Bộ Kế hoạch & Đầu
tư nhiều hơn trước đây, điều này là không hợp lý và các địa phương hiện
nay đang rất khó khăn và lúng túng”, Phó bí thư thành ủy TP HCM nói và
đề nghị rà soát lại toàn bộ Luật đầu tư công để phân cấp mạnh hơn nữa.
Quan điểm này của bà Quyết Tâm nhận được đồng tình từ nhiều đại biểu
Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ). Đại biểu Nguyễn
Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng, Luật Đầu tư công đang bộc lộ nhiều vấn đề
về mặt phân cấp, phân quyền khi đi ngược lại với mục tiêu của Chính phủ.
“Luật này đang tập trung việc về phía các bộ, ngành nhiều hơn là phân
cấp về địa phương, khiến tiến độ thực hiện nhiều công việc còn chậm”,
ông Thể nói.
Trả lời phần tranh luận của các đại biểu, lãnh đạo Bộ Kế hoạch &
Đầu tư khẳng định, tinh thần của luật không đi ngược lại mục tiêu của
Chính phủ, với chuyện phân cấp cho các địa phương. “Nếu đại biểu
thấy về mặt pháp lý không ổn thì chúng tôi sẽ báo cáo lại Chính phủ để
xem xét, làm thế nào để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương”, ông nói.
Ông Dũng nói thêm, các dự án đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách cần
được thẩm định và xác định nguồn một cách kỹ lưỡng để tránh tình trạng
lãng phí, thất thoát như trước đây. Đây là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch
& Đầu tư. Còn những dự án sử dụng nguồn vốn của các địa phương vẫn
hoàn toàn do các địa phương tự quyết định.
“Dự án sử dụng nguồn vốn của địa phương vẫn hoàn toàn do các địa phương
tự quyết định, không phải dự án của địa phương đưa lên Trung ương làm”,
ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Dù Bộ trưởng Kế hoạch đã giải trình, song Phó bí thư thành ủy TP HCM
vẫn thấy chưa hài lòng. Xin tranh luận lần 3, bà Quyết Tâm nói: “Tôi
chưa đồng ý với Bộ trưởng. Tuy nhiên, do thời gian chất vấn không còn,
nên tôi sẽ dành câu hỏi này cho Phó thủ tướng tại phiên chất vấn vào
buổi chiều nay”.
Không có xin - cho trong phân bổ vốn đầu tư
Trong số 37 câu hỏi các đại biểu Quốc hội gửi tới trưởng ngành kế
hoạch, phần lớn đều xoay quanh trách nhiệm của ngành kế hoạch trong phân
bổ, giải ngân vốn đầu tư chậm thời gian qua.
“Xin bộ trưởng cho biết rõ nguyên nhân gì khiến giao vốn, giải ngân vốn
đầu tư công chậm, và giải pháp khắc phục tình trạng này?”, đại biểu
Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) hỏi.
Lý giải, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là năm đầu tiên thực
hiện giao vốn theo quy định tại Luật Đầu tư công 2014, nên quy trình
chọn lựa, thẩm định dự án đã chặt chẽ, phức tạp hơn. Vì thế khi triển
khai thủ tục tại các bộ, ngành, địa phương còn lúng túng. “Công tác
chuẩn bị dự án của chúng ta thật sự có vấn đề. Nhiều dự án còn tồn tại
những điểm chưa tốt, còn lỏng lẻo, chưa nghiêm trong công tác chuẩn bị”,
Bộ trưởng nhận xét và cho biết, một số địa phương đôi khi chỉ đưa ra dự
án để xin, sau đó về mới lên công tác chuẩn bị chi tiết.
“Trách nhiệm trong phân bổ vốn chậm thuộc về các địa phương, chứ không
có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch. Nhưng chúng tôi nhận trách nhiệm chưa
cương quyết, còn nể nang khi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện
nghiêm túc quy định Luật Đầu tư công", Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Dù vị trưởng ngành kế hoạch nhận trách nhiệm, nhưng phần giải thích của ông chưa thuyết phục được số đông đại biểu.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Hoàng Quang Hàm cho
rằng, việc Bộ trưởng đổ lỗi cho Luật Đầu tư công chưa hoàn toàn thuyết
phục khi lý giải cho việc bố trí vốn dài trải 80.000 tỷ đồng, giải ngân
vốn đầu tư chậm.
“Tại sao phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, ODA thiếu dự toán? Nguyên
nhân gốc rễ có phải vẫn tồn tại xin - cho nên phân bổ chậm? Bộ đã can
thiệp quá sâu vào quá trình phân bổ nên ách tắc cho đầu tư hay không?”,
vị đại biểu tỉnh Phú Thọ đặt loạt câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng đưa ra
được hướng khắc phục.
Bộ trưởng Dũng tỏ ra lúng túng, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân liền lên tiếng: “Để tôi trả lời câu này luôn cho Bộ trưởng!”.Theo
bà Ngân, luật quy định tất cả các công trình trọng điểm quốc gia phải
trình Quốc hội xem xét, thông qua. Hiện thủ tục hồ sơ của dự án 10.000
tỷ chống ngập TP HCM, dự án cao tốc Bắc Nam hiện chưa hoàn thiện nên
Quốc hội chưa thông qua tại kỳ họp này, mà phải dời sang kỳ tới.
“Trách nhiệm chính là do các Bộ, ngành và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã
chậm làm thủ tục hồ sơ ra Quốc hội, nên chưa phân bổ được", Chủ tịch Kim
Ngân nói.
Ông Dũng liền đáp: “Xin cám ơn Chủ tịch”.
Nói thêm chuyện phân bổ vốn đầu tư chậm, ông Dũng phân trần, thực tế
việc bố trí vốn dàn trải và chậm hiện nay không còn nhiều. Đến nay, kế
hoạch trung hạn chỉ còn lại 12,5% và kế hoạch năm 2017 gần như giao hết,
còn lại 1,5%.
Giải ngân vốn ODA trước đây theo dự án, cam kết nhà tài trợ; còn hiện
theo quy định Hiến pháp vốn ODA được giải ngân theo kế hoạch sử dụng
vốn. Tuy nhiên, vừa qua các Bộ, ngành đã không quan tâm, chưa xây dựng
kế hoạch.
"Trách nhiệm Bộ Kế hoạch & Đầu tư không thuộc về việc phân bổ", ông
Dũng nói và nhắc lại quá trình phân giao, phân bổ vốn: Bộ, ngành xây
dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất phân bổ vốn. Bộ Kế hoạch hướng dẫn tiêu
chí, định mức phân bổ, sau đó tổng hợp, rà soát và trình Chính phủ quyết
định báo cáo Quốc hội. Quốc hội phê chuẩn thông qua thì Chính phủ giao
vốn, và Bộ Kế hoạch có nhiệm vụ thông báo.
"Không có chuyện xin cho, toàn bộ do các bộ ngành quyết định", ông Dũng khẳng định.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: ‘Có tiền mà không tiêu hết’
Giải trình trước Quốc hội về giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công, Phó
thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, việc giải ngân vốn đầu tư công năm
2016 và 5 tháng đầu năm 2017 tuy cao hơn cùng kỳ nhưng còn chậm, không
phân bổ hết dự toán.
"Chúng ta có tiền mà không tiêu hết được", ông nói và cho rằng, có phần
trách nhiệm của Chính phủ, là một trong những nguyên nhân làm tăng
trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, giảm hiệu quả sử dụng vốn. "Chính phủ
nhận trách nhiệm trước Quốc hội để hứa làm tốt hơn thời gian tới", ông
nói thêm.
Chậm giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng thừa nhận do nguyên nhân
chủ quan là chủ yếu. Mục tiêu của Luật Đầu tư công là tránh thất thoát,
dàn trải nhưng cũng nhiều quy định thủ tục còn cải trở việc giải ngân.
Các Bộ, ngành đang mất nhiều thời gian rà soát ưu tiên để cắt giảm.
Về chủ quan, ông cho hay, các Bộ, ngành cũng "giằng xé rất nhiều trong
lựa chọn. Có trình trạng việc nào cũng muốn làm, khiến cắt giảm dự án
khó khăn".
"Còn tình trạng thích ôm việc của các bộ, ngành. Một số bộ thấy việc gì
cũng quan trọng, việc gì cũng to để Bộ làm. Việc phân cấp cho địa
phương chưa quyết liệt, không thể biện minh hay chối cãi", ông Huệ nhấn
mạnh. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, chưa được các Bộ xử
lý nghiêm...
Để đẩy nhanh tiến độ hiệu quả đầu tư công, ông Huệ cho hay, Thủ tướng,
Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Tốc độ giải ngân vốn 5 tháng
cuối năm 2016 gấp 7 lần so với 7 tháng đầu năm này. Còn 5 tháng đầu năm
2017, tốc độ giải ngân vốn đạt 24,7% mức đã giao, tăng gần 4% so với
cùng kỳ. Tuy vậy, kết quả này vẫn bị đánh giá là chậm.
Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như yêu cầu bộ, ngành địa
phương tiếp tục đấu thầu xây dựng, tăng cường phân cấp hơn nữa; rà soát
bất cập trong văn bản pháp luật hướng dẫn; xử lý cán bộ tham mưu các cấp
làm chậm giải ngân, gây thất thoát...
Ngoài ra, trường hợp quá hạn phân bổ mà chưa giải ngân được mức tối
thiểu, sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho cắt giảm để nhập
vào dự phòng chung, hoặc sẽ không phân bổ ngân sách cho năm 2018. “Kỷ
cương, lỷ luật phải siết chặt lại mới có thể chuyển biến trong thời gian
tới”, Phó thủ tướng nói và đề nghị Quốc hội giám sát thường xuyên.
Nhóm phóng viên