6 yếu tố ảnh hưởng đến triển vọng dân chủ hóa Việt Nam (Luật Khoa)
Khi khảo sát quá trình chuyển đổi từ các chế độ độc đảng, chế độ quân
sự, và các dạng độc tài khác sang nền dân chủ bầu cử, nhà nghiên cứu
Benedict J. Tria Kerkvliet (Đại học Quốc gia Úc) nhận thấy có sáu yếu tố
chính ảnh hưởng đến quá trình dân chủ hóa này: giới chóp bu, tính chính
danh, cấu trúc xã hội, xã hội dân sự, ý thức hệ, và bối cảnh quốc tế.
Giáo sư Benedict J. Tria Kerkvliet là một gương mặt quen thuộc trong giới học giả nghiên cứu về Việt Nam.
Ảnh: cseashawaii.org
Ảnh: cseashawaii.org
Giới chóp bu
Giới chóp bu chính trị ở Việt Nam là các nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản
(ĐCS), họ nắm giữ các chức vụ cao trong chính phủ, quân đội, cảnh sát,
và các cơ quan khác của nhà nước. Giữa họ có một quan điểm đồng thuận
gần như tuyệt đối rằng nền dân chủ bầu cử là thứ không thích hợp với
Việt Nam (1). Họ bác bỏ đa nguyên chính trị, bầu cử tự do, và mở rộng tự
do dân sự. Theo họ, đây là các đặc điểm của nền dân chủ “tư sản”, vốn
chỉ phục vụ lợi ích của người giàu và các tập đoàn, và các nhóm lợi ích
đặc quyền đặc lợi khác.
Quan điểm về nền dân chủ “tư sản” này có nguồn gốc trong tư tưởng của
Karl Marx, khi ông phê phán nền dân chủ phương Tây thế kỷ 19. Quan điểm
này dễ dàng du nhập vào một nước như Việt Nam, khi từng là một xã hội
phong kiến với sự phân chia giai cấp giữa nông dân và địa chủ, và nhất
là khi Việt Nam từng bị Pháp và Mỹ – các nước có nền dân chủ bầu cử –
xâm chiếm, gây ra nhiều thiệt hại về người và vật chất. Với lịch sử như
vậy, giới lãnh đạo Việt Nam thường coi các nước phương Tây là thù địch
và đạo đức giả khi họ muốn trừng phạt Việt Nam vì vi phạm các nguyên tắc
dân chủ.
Trên thực tế, giới lãnh đạo cho rằng, Việt Nam đang hướng đến một nền
dân chủ toàn diện và thực chất hơn nhiều so với nền dân chủ bầu cử. Đó
là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, và đây chính là mục tiêu ưu tiên, chứ
không phải là đa đảng hay là các quyền tự do dân sự. Cốt lõi của nền dân
chủ xã hội chủ nghĩa là sự bình đẳng của mọi công dân trong các lĩnh
vực kinh tế, chính trị, văn hóa, và xã hội. Và để đạt đến nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa này, thì điều tiên quyết là phải giữ vững sự lãnh đạo của
ĐCS.
Chính quyền Việt Nam thừa nhận hệ thống của họ còn nhiều yếu kém, nhiều
quan chức tham nhũng và lạm quyền. Tuy nhiên, theo họ thì đây chỉ là một
bộ phận nhỏ, và chính quyền vẫn kiên định theo đuổi mục tiêu đưa Việt
Nam thành một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhiều chính sách lớn đang
được thực hiện để mở rộng dân chủ, như là cải tiến các thủ tục để người
dân có thể dễ dàng phản ánh lên chính quyền các ý kiến, khiếu nại và
mong muốn của họ. Chính quyền cho rằng, những thay đổi dần dần khi tiến
hành các chương trình dân chủ cấp địa phương và việc mở rộng số lượng
ứng viên trong các cuộc bầu cử sẽ giúp cải thiện hệ thống; trong khi đó,
những thay đổi lớn như cho phép đa đảng sẽ dẫn đến hỗn loạn chính trị.
Cũng có một vài quan chức cấp cao trong ĐCS kêu gọi cải cách chính trị
toàn diện, nhưng rồi tiếng nói của họ nhanh chóng bị dập tắt. Nổi bật
nhất là Trần Xuân Bách, người từng là ủy viên Bộ Chính trị, đã bị tước
bỏ hết mọi chức vụ trong ĐCS khi kêu gọi Việt Nam cần thực hiện nền dân
chủ đa đảng (2). Một trường hợp khác, ít nổi tiếng hơn, là Nguyễn Vũ
Bình, người từng có 9 năm làm biên tập viên cho Tạp chí Cộng sản. Vào
năm 2002, ông tìm cách thuyết phục giới lãnh đạo cho phép thành lập đảng
Tự do – Dân chủ nhằm cạnh tranh với ĐCS trong các cuộc bầu cử. Song vì
việc này, ông bị cách chức và đuổi ra khỏi Đảng (3).
Trong giới chóp bu của chế độ hiện nay, vẫn đang còn những cá nhân ủng
hộ cải cách chính trị hơn nữa (4). Họ cũng cởi mở hơn đối với những
tiếng nói bất đồng trong xã hội. Tuy nhiên, hầu hết những người này
không ủng hộ nền dân chủ đa đảng; họ đồng ý với những người bảo thủ –
vốn chiếm số đông – rằng cần phải duy trì vai trò lãnh đạo của ĐCS. Rõ
ràng giới chóp bu của ĐCS tương đối thống nhất về vấn đề này.
Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận lớn người Việt Nam bắt đầu ủng hộ các
cuộc bầu cử đa đảng, mở rộng tự do dân sự, báo chí độc lập, cũng như
nhiều đặc điểm khác của nền dân chủ bầu cử. Trong số đó, có nhiều người
là những nhân vật nổi tiếng hoặc thậm chí là các đảng viên ĐCS. Họ
thường xuyên lên tiếng với tư cách cá nhân hoặc tập thể. Một ví dụ gần
đây là Kiến nghị về Sửa đổi Hiến pháp 1992 vào năm 2013. Kiến nghị này
ban đầu có được chữ ký ủng hộ của 72 người, gồm các giáo sư, luật gia,
các quan chức nghỉ hưu, quan chức quân đội, nhà văn, nhà báo và nhiều
người khác nữa. Sau đó, bản kiến nghị được lưu hành rộng rãi trên
internet và nhận được hàng trăm (thực tế là hàng chục nghìn – ND) chữ ký
bổ sung. Đi kèm với kiến nghị này là một bản hiến pháp khuyến nghị mang
tính dân chủ với những đề xuất như cho phép đa đảng.
So với thời của những năm 1990 thì các phát biểu công khai, các kiến
nghị, và các hoạt động kêu gọi cải cách sâu rộng về mặt chính trị của
Việt Nam đang tỏ ra là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, bên trong
các thế lực chính trị hiện đang có dấu hiệu rạn nứt nội bộ, thì lượng
người ủng hộ cải cách chính trị và dân chủ bầu cử vẫn còn rất nhỏ so với
những người phản đối nó. Do đó, trong tương lai gần, giới chóp bu chính
trị vẫn chưa đóng vai trò tích cực trong tiến trình dân chủ hóa ở Việt
Nam.
Tính chính danh
Tính chính danh của ĐCS tồn tại chủ yếu là nhờ những thành tích của nó
trong việc lãnh đạo các cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất
nước, cũng như việc cải thiện điều kiện sống của người dân Việt Nam (5).
Không nghi ngờ gì nữa, có rất nhiều người Việt Nam không công nhận tính
chính danh của nhà cầm quyền – đặc biệt là những người đứng về phía
chính quyền Việt Nam Cộng hoà cũ, hoặc những người bị chính quyền đàn áp
hay tịch thu tài sản, và cả những người từng ủng hộ cuộc chiến thống
nhất đất nước nhưng cuối cùng lại thất vọng với kết quả hiện tại. Bên
cạnh đó, rất nhiều người khác chấp nhận chế độ hơn là ủng hộ nó. Tuy
nhiên, nhìn chung thì hầu hết người Việt nam chấp nhận tính chính danh
của chế độ.
Tính chính danh của chế độ bắt đầu bị nghi ngờ từ giai đoạn cuối những
năm 1970 cho đến giữa những năm 1980. Nhiều người Việt Nam ở miền Nam
cực kỳ bất mãn và thậm chí thù ghét chính quyền Cộng sản mà họ phải chấp
nhận sau năm 1975. Ngoài ra, đời sống kinh tế rất tồi tệ – không chỉ ở
miền Nam mà còn trên toàn quốc. Lạm phát tăng cao, sản xuất nông nghiệp
sụt giảm, khan hiếm lương thực đặc biệt là ở thành thị, và viện trợ nước
ngoài không còn nữa. Hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung mà chính
quyền cộng sản theo đuổi đã rơi vào khủng hoảng. Rất nhiều người Việt
Nam rời bỏ đất nước.
Những áp lực này đã buộc giới lãnh đạo đất nước phải xem xét lại mô hình
kinh tế của họ, và rồi cuối cùng họ phải thay đổi nó. Vào cuối những
năm 1980, kinh tế Việt Nam dần chuyển đổi sang mô hình mà các quan chức
gọi là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; trong đó có
nhiều điểm giống với các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Thái Lan,
Philippines, Indonesia và nhiều quốc gia châu Á khác. Đời sống người dân
dần được cải thiện và nền kinh tế nở rộ trên cả nước.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trung bình khoảng 7% mỗi năm trong giai
đoạn 1995-2013 (6), và là một trong những nước có tăng trưởng cao nhất
châu Á. Vào giữa những năm 1980, Việt Nam là một trong những nước nghèo
nhất thế giới; tuy nhiên, sau đó đã dần trở thành một quốc gia có thu
nhập vào hàng trung bình thấp. Vào đầu những năm 1990, gần 60% người dân
Việt Nam sống ở mức nghèo đói; song đến năm 2010 con số này đã giảm
xuống chỉ còn 21%. Chưa đến hai thập kỷ, điều kiện sống của hơn 30 triệu
người Việt Nam đã được nâng lên trên mức nghèo đói. Chỉ số phát triển
con người của Việt Nam đã tăng từ 0.439 vào năm 1990 lên 0.617 vào năm
2012 (7).
Những thay đổi quan trọng này về điều kiện sống và nền kinh tế đã củng
cố tính chính danh của chế độ. Một cuộc khảo sát vào năm 2011 cho thấy
rằng mức độ “ủng hộ chế độ” của người Việt Nam là trên 85% – mức cao
nhất trong số 11 quốc gia châu Á được khảo sát (8). Rõ ràng là con số
trên đã cho thấy mức độ ủng hộ đáng kể của người dân đối với chế độ.
Từ năm 2008, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, đầu tư nước
ngoài giảm, lạm phát cũng tăng dần và bất bình đẳng gia tăng. Nếu những
xu hướng này ngày càng tiếp tục, chúng có thể làm xói mòn sự ủng hộ của
công chúng cho chế độ.
Một mối đe dọa khác với chế độ chính là nạn tham nhũng, và ai cũng phải
công nhận tình trạng phổ biến của nó. Nếu nạn tham nhũng trở nên nghiêm
trọng hơn, chắc chắn niềm tin của người dân vào chính quyền sẽ còn suy
giảm hơn nữa. Về tổng thể, phần lớn người dân Việt Nam vẫn chấp nhận
tính chính danh của chế độ, song dường như con số này đang ngày càng tụt
giảm. Đây cũng là một chỉ dấu vô cùng quan trọng cho tiến trình dân chủ
hóa tại Việt Nam.
Kết cấu xã hội
Từ những ngày đầu thành lập, ĐCS đã coi nông dân, công nhân, thợ mỏ, và
những tầng lớp thấp là lực lượng chính của họ. Cho đến đầu những năm
1980, nông dân chiếm trên 70% dân số Việt Nam, hiện nay còn khoảng 50%
(9).
Vì lợi ích của nông dân, ĐCS đã tiến hành các chương trình tái phân phối
đất quy mô lớn từ địa chủ, gồm cả đất của Giáo hội Công giáo chuyển cho
giới nông dân, để làm lợi cho gần ba phần tư dân số miền Bắc. Đất đai
lại được tái phân phối một lần nữa khi chương trình tập thể hóa nông
nghiệp kết thúc vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Nông dân,
và cả giới công nhân, đều được hưởng lợi rất nhiều từ các chương trình
giáo dục và phúc lợi của chính phủ (10).
Cho tới giữa những năm 1990, một tầng lớp trung lưu mới bắt đầu xuất
hiện. Người ta cho rằng giới này chiếm khoảng gần 20% dân số. Phần đông
các blogger, những người biểu tình và các nhà bất đồng chính kiến đến từ
tầng lớp trung lưu, song không có bằng chứng nào cho thấy rằng tâm lý
bất mãn phổ biến trong tầng lớp này. Đúng hơn thì hầu hết giới trung lưu
đều chấp nhận hiện trạng chính trị, và thậm chí họ còn phần nào biết ơn
chính quyền vì điều kiện sống thoải mái mà họ đang được hưởng.
Sự bất mãn thể hiện rõ hơn ở công nhân và nông dân so với tầng lớp trung
lưu. Tuy nhiên, điều mà họ phàn nàn không phải là về hệ thống chính
trị. Các cuộc biểu tình của công nhân nhà máy, với số lượng lên đến hàng
trăm cuộc mỗi năm với sự tham dự của hàng ngàn người, là nhằm để đòi
hỏi mức lương cao hơn và điều kiện lao động tốt hơn.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình của nông dân thì tập trung chống lại
tham nhũng, tịch thu đất đai, và các hình thức lạm dụng quyền lực khác
của quan chức địa phương. Cuộc biểu tình lớn nhất nổ ra vào năm 1997 với
hơn 10 nghìn người dân tham gia từ khắp Thái Bình kéo về trung tâm tỉnh
(11). Các cuộc biểu tình khác nhỏ hơn nhưng thường kéo dài hơn; trong
đó có cuộc biểu tình của hàng trăm người dân ở một quận ven sông Hồng
(Hà Nội) nhằm chống lại một dự án phát triển đô thị trên đất của họ.
Tới nay, chính quyền bắt đầu có những phản ứng mang tính đối thoại hơn
là đàn áp đối với các cuộc biểu tình của công nhân và nông dân. Mọi cuộc
biểu tình đều bị coi là bất hợp pháp song chính quyền không hình sự hóa
chúng, và thường đổ lỗi cho các chủ nhà máy hoặc những người quản lý đã
gây ra chúng.
Tuy nhiên, chính quyền cũng thường sử dụng vũ lực và đe dọa người biểu
tình, thậm chí đôi khi còn bắt giữ họ. Song đồng thời, họ cũng lắng nghe
và điều tra những chỉ trích từ phía người biểu tình, và thường công
nhận rằng những phàn nàn ấy là đúng đắn. Để ứng phó với các cuộc biểu
tình nông dân, chính phủ cũng đã sửa đổi luật pháp và đưa ra một vài
sáng kiến, một trong số đó chính là các chương trình “dân chủ ở cơ sở”.
Xã hội dân sự
Hồi những năm 1980, tại Việt Nam mới chỉ có một vài tổ chức xã hội dân
sự do chính quyền thành lập, song tới nay đã có vô số các tổ chức và
hiệp hội – như các tổ chức cộng đồng, các mạng lưới, các nhóm tiêu dùng,
các tổ chức từ thiện, v.v…
Vào cuối những năm 2010, Việt Nam có khoảng 100 nghìn tổ chức không đăng
ký (không chính thức) và khoảng 1700 tổ chức phi chính phủ có đăng ký
chính thức (12). Hàng chục tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng hoạt động
tại Việt Nam.
Một điều đáng chú ý là, các nhóm này có thể tận dụng internet làm kênh
truyền thông chính của mình, khi mà trên 30% người Việt sử dụng internet
– một trong những tỉ lệ cao nhất Đông Nam Á – để tiếp cận Facebook và
YouTube, đọc báo trong nước và quốc tế, nghe các chương trình truyền
hình trên thế giới, cũng như tiếp cận hàng trăm blog trong nước (chưa kể
đến những blog của người Việt ở nước ngoài).
Các nhà phân tích đã từng tranh luận rất nhiều rằng với dạng hình thức,
số lượng và hoạt động của các tổ chức, hiệp hội và các nhóm này, thì
liệu có thể hình thành nên một xã hội dân sự hay không. Tuy khái niệm xã
hội dân sự vẫn chưa được thống nhất, song có thể thấy một điều rõ ràng
là giờ đây người Việt Nam đã được tự do hơn rất nhiều trong việc tương
tác, liên kết và tổ chức các hoạt động. Họ cũng đã có thể tiếp cận những
nguồn thông tin, những ý tưởng và cảm hứng đến từ bên ngoài.
Xã hội dân sự có thể mở rộng một phần là nhờ kinh tế phát triển, đa dạng
hóa nghề nghiệp, công việc, và truyền thông. Cùng với đó, chính quyền
cũng giảm bớt kiểm soát. Một nguyên nhân quan trọng khác là do nhiều
người Việt đã tự hình thành các hiệp hội bất hợp pháp, song do số lượng
quá nhiều khiến các quan chức phải thay đổi quy định để hợp pháp hóa
những gì người dân đã tạo ra.
Cũng như trong các xã hội khác, nhiều hoạt động dân sự ở Việt Nam ít
dính dáng đến các vấn đề chính trị. Hầu hết họ ít chọn đối đầu chống lại
hệ thống chính trị. Nhiều tổ chức chọn tương tác với chính quyền để
theo đuổi các lợi ích, các mối quan tâm, chính sách cụ thể, và thậm chí
thúc đẩy cải cách ôn hòa. Chẳng hạn như Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng,
từ một nhóm nhỏ các chuyên gia vào năm 1988 nay đã trở thành một mạng
lưới quốc gia với hơn 10 nghìn thành viên, có chức năng giám sát chất
lượng của nhiều loại thực phẩm, đưa ra lời khuyên cho các cơ quan chính
phủ trong việc phác thảo và ban hành luật (13). Mạng lưới Tương lai Tươi
Sáng và Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn Công tác Xã hội và Phát triển Cộng
đồng – hai tổ chức hình thành độc lập với nhau nhằm hỗ trợ người nhiễm
HIV – giờ đây cũng đã có những ảnh hưởng nhất định đến các chính sách y
tế của nhà nước.
Một ví dụ thứ ba là mạng lưới các cá nhân, các nhóm không chính thức và
các tổ chức phi chính phủ đã sử dụng thành công các cuộc biểu tình,
truyền thông đại chúng và vận động hành lang trong giai đoạn 2007 – 2009
nhằm ngăn chặn chính quyền xây dựng một trung tâm thương mại trên khu
đất của một công viên ở Hà Nội (14).
Chính quyền thường tỏ ra khá khôn khéo trước các hoạt động dân sự như
vậy. Họ thường xuyên tìm cách khai thác sao cho vừa có lợi cho chính họ,
vừa phù hợp với chương trình chính trị nói chung. Các tương tác như vậy
giúp cải thiện quan hệ giữa người dân và chính quyền, củng cố quá trình
soạn thảo và thực thi chính sách, cũng như giúp tăng chất lượng trong
tuyên bố của chính quyền rằng hệ thống chính trị là của dân, do dân, và
vì dân. Kết quả là, như một học giả từng khẳng định, điều này thúc đẩy
cả xã hội dân sự lẫn chế độ (15).
Mối bận tâm lớn nhất của giới lãnh đạo là các hoạt động xã hội dân sự có
thể làm xói mòn vai trò của đảng Cộng sản, và khiến cho Việt Nam chệch
khỏi con đường dân chủ xã hội chủ nghĩa, hướng đến một “nền dân chủ tư
sản”. Thực vậy, có một số nhóm xã hội dân sự hy vọng rằng sự tham dự của
người dân theo thời gian sẽ dẫn tới dân chủ hóa. Website “Diễn đàn Xã
hội Dân sự”, được tạo ra vào tháng 9/2013 và nhận được sự ủng hộ của
hàng trăm người, đã kêu gọi người dân Việt Nam đưa ra quan điểm của mình
và sử dụng website để đối thoại về cách thức giúp cho đất nước ngày
càng dân chủ hơn.
Bên cạnh đó, còn có một bộ phận các nhóm cố gắng tạo ra những thay đổi
nền tảng cho hệ thống chính trị, thông qua việc đối đầu với chế độ.
Chẳng hạn, một số nhóm công khai tuyên bố thành lập các đảng phái với
mục đích giành sự kiểm soát từ tay đảng Cộng sản, và thiết lập một “nền
dân chủ thực sự”. Một số khác xuất bản các tờ báo và tạp chí trực tuyến
nhằm phê phán chế độ và kêu gọi chấm dứt độc tài. Thỉnh thoảng, một số
công nhân cũng cố gắng thiết lập các công đoàn hoàn toàn độc lập với
liên đoàn lao động của nhà nước, đồng thời kêu gọi đa đảng và phản đối
chính quyền hiện thời.
Chính quyền nhanh chóng đàn áp các công đoàn độc lập này, thậm chí họ
còn quấy rầy, ngăn cản và bỏ tù những người có quan hệ với các đảng phái
chính trị, xuất bản các ấn phẩm trên mạng, hay các blogspot chống đối
ĐCS. Có vẻ như những vụ đàn áp này đã khiến cho các cá nhân và tập thể
dần suy giảm tinh thần phản kháng trước chế độ độc tài.
Ý thức hệ
Chủ nghĩa Cộng sản, cùng với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx – Lenin,
là ý thức hệ chính thức của ĐCS. Song giờ đây, đa phần người Việt ngày
càng mất niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản.
Từ năm 1989, hầu hết các chế độ cộng sản đã sụp đổ, ngoại trừ năm nước:
Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Bắc Triều, và Cu Ba. Ở Việt Nam, các đặc
trưng của hệ thống cộng sản mà giới lãnh đạo từng khẳng định cũng không
còn nữa: nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã bị thay thế bởi nền kinh
tế thị trường; nông trường tập thể được thay thế bởi các trang trại hộ
gia đình; việc cấm đầu tư nước ngoài được thay thế bằng các sáng kiến
khuyến khích đầu tư nước ngoài; và việc cấm cản kinh tế tư nhân được
thay thế bởi sự ca tụng các hoạt động kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp
và ngân hàng do nhà nước sở hữu tiếp tục tồn tại song đã phải tiến hành
cải cách nhằm cạnh tranh với các đối thủ tư nhân, quốc tế.
Ý tưởng hệ cộng sản chính là thứ dẫn dắt cho tư tưởng và hành vi của các
thành viên ĐCS. Tuy nhiên, những ý tưởng ấy ngày nay đã mất đi ý nghĩa
đối với hầu hết mọi người. Theo một số báo cáo, khoảng 80% đảng viên ĐCS
đã không còn tin vào chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Marx – Lenin nữa
(16). Chính vì vậy, các đảng viên và nhiều quan chức bắt đầu hướng tới
việc tự tạo dựng cho riêng mình các mối quan hệ cá nhân, khi mà hệ thống
chính trị “đã trở nên bị chi phối bởi mối quan hệ, tiền bạc và địa vị”
(Gainsborough).
Tham nhũng cũng làm xói mòn niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa
xã hội bởi vì chính những người ca ngợi và thúc đẩy các ý tưởng đó lại
là những người tham nhũng nhất (17). Rất nhiều nhà lãnh đạo của Đảng
được cho là sở hữu tài sản lớn hơn rất nhiều so với mức lương của họ.
Đối với nhiều người Việt Nam, việc các nhà lãnh đạo tiến hành kỷ niệm
ngày sinh của Marx và Lenin, cũng như đưa ra các phát biểu ca ngợi chủ
nghĩa cộng sản khi mà niềm tin vào những điều này đang ngày càng suy
giảm là một điều rất lố bịch. Tình trạng tàn tạ của ý thức hệ cũng dẫn
đến sự bất mãn và phê phán đối với chính quyền. Nhiều người phê phán cho
rằng vẻ ngoài giả dối của chủ nghĩa cộng sản phải được lột bỏ, và đảng
Cộng sản phải trở lại với tên gọi đảng Lao động, vốn là tên của nó từ
năm 1951 đến 1976.
Chính quyền Việt Nam cũng ca ngợi và thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc, một ý
thức hệ được chấp nhận rộng rãi, chứ không như chủ nghĩa cộng sản hay
chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, cho đến gần đây, việc chính quyền liệu có
thực sự bảo vệ cho dân tộc Việt Nam cũng bị đặt vấn đề. Trong nhận thức
của nhiều người Việt, những năm gần đây Đảng và chính phủ đang từ bỏ chủ
quyền lãnh thổ và sự độc lập trước Trung Quốc. Chẳng hạn như chính
quyền đã để Trung Quốc giành được 200 km2 lãnh thổ tranh chấp vùng biên
giới, cũng như cho phép Trung Quốc đưa rất nhiều công nhân tới khai thác
bauxite và các khoáng sản khác ở Việt Nam. Đảng và chính quyền dường
như không đủ mạnh để ngăn chặn Trung Quốc, thậm chí còn thờ ơ trong các
vụ gây hấn ở biển Đông.
Tuy có ít người công khai phê phán, song ngày càng có nhiều người Việt
chia sẻ quan điểm này. Những phê phán cũng dần trở nên thẳng thắn và
trực diện hơn. Họ gửi thư và kiến nghị trực tiếp cho các lãnh đạo Đảng
và nhà nước; họ biểu tình ở các đường phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,
và các thành phố khác để phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc;
họ kêu gọi khẳng định chủ quyền của Việt Nam, và họ yêu cầu chính quyền
phải bảo vệ quốc gia. Thậm chí nhiều người bắt đầu lên tiếng rằng hệ
thống chính trị hiện tại không còn phù hợp và phải thay thế bằng một nền
dân chủ đa nguyên.
Bối cảnh quốc tế
Các cuộc nổi dậy thành công bằng “sức mạnh nhân dân” chống lại các chế
độ độc tài ở Philippines, Hàn Quốc và cuộc nổi dậy bất thành ở Myanmar
trong những năm 1980 ít làm người Việt chú ý. Trong khi đó, sự sụp đổ
của các chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô vào năm 1989-91 tuy đã gây
ra cú sốc đối với Việt Nam song không quá mạnh. Không sự kiện quốc tế
nào trong số các sự kiện này có thể kích thích sự bùng phát bất mãn của
dân chúng và đòi hỏi một nền dân chủ đa nguyên.
Việt Nam chưa từng trải qua các sự kiện có quy mô như cuộc biểu tình ở
quảng trường Tiananmen (Thiên An Môn – Trung Quốc) năm 1989. Tác động
quan trọng nhất của các sự kiện này lại chính là thúc đẩy chính quyền
Việt Nam theo đuổi các chính sách đối ngoại đa phương, kết giao với
nhiều nước và các tổ chức quốc tế để giữ vững chế độ. Việc thực thi
thành công chính sách này đã phần nào củng cố ĐCS.
Gần đây, các vụ lật đổ chế độ độc tài ở Trung Đông càng làm gia tăng
quyết tâm của chính quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn các cuộc nổi dậy
trong nước. Thậm chí, hệ quả hỗn loạn từ các cuộc nổi dậy ở Tunisia,
Lybia, Ai cập và cuộc nội chiến Syria cũng khiến những người ủng hộ nền
dân chủ đa nguyên ở Việt Nam bắt đầu thận trọng.
Có lẽ, sự kiện hiếm hoi truyền cảm hứng cho những người phê phán chế độ ở
Việt nam chính là bước chuyển đổi dân chủ ở Myanmar mới đây, khi giới
lãnh đạo quân sự Myanmar đã cho phép các đảng đối lập biểu tình và giành
chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Vụ việc này đã làm dấy lên niềm
hy vọng trong những người phê phán chế độ, rằng một phong trào ủng hộ
dân chủ đủ mạnh có thể sẽ gây áp lực khiến cho chính quyền phải hành
động tương tự như giới quân sự Myanmar. Những sự kiện quốc tế như vậy
chắc hẳn sẽ làm lung lay nền tảng của nhà nước Việt Nam hiện nay, và mở
ra khả năng lớn để chuyển sang hệ thống dân chủ đa đảng.
Kết luận
Trong sáu yếu tố thường gắn liền với sự sụp đổ của các chế độ độc tài
trong những thập kỷ gần đây, chỉ có một yếu tố có ảnh hưởng rõ rệt đối
với Việt Nam, còn các yếu tố còn lại tương đối mờ nhạt. Điều này cho
thấy rằng việc chuyển đổi sang nền dân chủ đa nguyên của Việt Nam có lẽ
còn khá lâu mới xảy ra.
Yếu tố ảnh hưởng rõ rệt đó chính là ý thức hệ. Ngày nay ở Việt nam, chủ
nghĩa cộng sản đã dần mất đi ý nghĩa và tính hấp dẫn của một lý tưởng;
tuy nhiên, giới lãnh đạo vẫn kiên định theo đuổi nó – đây chính là điều
làm xói mòn sự tín nhiệm của chính quyền trong mắt nhiều người dân Việt
nam. Chủ nghĩa dân tộc – vốn được nuôi dưỡng trong xã hội Việt Nam –
cũng là một ý thức hệ mà ĐCS tuyên bố theo đuổi, nhưng việc nhượng bộ
đối với Trung Quốc trong những năm gần đây đã làm tuyên bố này mất hẳn
giá trị.
Yếu tố thứ hai phần nào tác động tới Việt Nam chính là số lượng tăng lên
nhanh chóng và đa dạng của các tổ chức, hiệp hội, và các mạng lưới xã
hội dân sự. Mặc dù vậy, chỉ một vài trong số đó thể hiện quan điểm phê
phán về mặt chính trị. Bốn nhân tố còn lại – mức độ thống nhất trong
giới chóp bu, tính chính danh của hệ thống chính trị, cấu trúc xã hội,
và bối cảnh quốc tế – đều tỏ ra khá thuận lợi để duy trì hiện trạng.
Nhưng ai dám chắc được điều gì sẽ xảy ra? Những dự đoán ngay cả trong
tương lai gần về một hệ thống chính trị như Việt Nam đều hết sức khó
lường, bởi ẩn bên trong vẻ êm đềm này biết đâu lại có những cơn sóng
ngầm bị che giấu. Hơn nữa, nếu một sự kiện quốc tế nào đó nổ ra, chẳng
hạn như sự sụp đổ của chế độ cộng sản Trung Quốc, chắc hẳn sẽ đột ngột
gây náo động nền chính trị Việt Nam. Hoặc khi tích tụ những cuộc biểu
tình lớn của nông dân chống lại các quan chức tham nhũng và chống chiếm
đoạt đất đai, đặc biệt nếu nó có thể lôi kéo được sự ủng hộ của giới
công nhân – những người đang rất uất ức với điều kiện sống tồi tệ của họ
– và lôi kéo được cả những nhà bất đồng chính kiến, thì việc chuyển đổi
chính trị là điều hoàn toàn khả dĩ.
Benedic J. Tria Kerkvliet
Minh Anh dịch từ: Benedic J. Tria Kerkvliet, Democracy and
Vietnam, trong sách William Case, 2015, Routledge Handbook of Southeast
Asian Democratization, Routledge.
Tài liệu tham khảo:
1. Gainsborough, 2010. Vietnam: Rethinking the State, Zed Books, trang 156–176.
2. Huy Đức, 2012. Bên Thắng Cuộc, tập II. Saigon: OsinBook, trang 48–94.
3. Thư kiến nghị thành lập đảng chính trị mới, xem Nguyễn Vũ Bình
(2000). Vào những năm 2001-2002, ông trở thành một trong số ít những nhà
bất đồng chính kiến của Việt Nam. Tháng 9 năm 2002, ông bị bắt và bị bỏ
tù. Năm 2007, ông được thả ra và vẫn tiếp tục các hoạt động cho tới
nay.
4. Thayer, 2010. “The Trial of Lê Công Định: New Challenges to the
Legitimacy of Vietnam’s Party-State,” Journal of Vietnamese Studies 5
(3), Fall: 196–207.
5. Thayer, 2009. “Political Legitimacy of Vietnam’s One-Party State:
Challenges and Responses,” Journal of Current Southeast Asian Affairs 28
(4): 47–70.
6. World Bank. GDP Growth (annual %), 2014.
7. UNDP. Human Development Report 2013, New York: UNDP, trang 150.
8. Chu Yun-han, Bridget Welsh, Alex Chang, 2012. Congruence and
Variation in Sources of Regime Support in Asia, Asian Barometer and
Globalbarometer Working Paper Series, No. 64. Taipei, Taiwan: Asian
Barometer.
9. Tổng cục Thống kê, 2012. “Cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang
làm việc thời điểm 1/7 hàng năm phân theo ngành kinh tế”, trang 15.
10. Ravallion, Martin và Dominique van de Walle, 2003. Land
Allocation in Vietnam’s Agrarian Transition— Part 1: Breaking Up the
Collective Farms. London: Institute for Fiscal Studies, Centre for the
Evaluation of Development Policies.
11. Tương Lai, “Báo cáo sơ bộ về cuộc khảo sát xã hội học tại Thái Bình cuối tháng 6, đầu tháng 8 năm 1997”, 8 tháng 8 năm 1997.
12. Irene Norland, 2007. Filling the Gap: The Emerging Civil Society in Vietnam. Hanoi: CIVICUS.
13. Kerkvliet, Nguyễn Quang A, Bạch Tân Sinh, 2008. Forms of
Engagement Between State Agencies and Civil Society Organization in
Vietnam. Hanoi: NGO Resource Center, trang 30-33.
14. Wells-Dang, 2012. Civil Society Networks in China and Vietnam, New York: Palgrave Macmillan, trang 106–135.
15. Wischermann, 2011. “Governance and Civil Society Action in
Vietnam: Changing the Rules from Within – Potentials and Limits,” Asian
Politics and Policy 3:3, trang 385.
16. Con số 80% này là từ một thành viên ĐCS là Đỗ Xuân Thọ, trong một
lá thư kiến nghị mà ông gửi đến Ủy ban Trung ương Đảng vào năm 2010.
17. Theo thống kê của tổ chức Minh bạch Quốc tế, mức độ tham nhũng của Việt Nam luôn nằm trong nhóm tồi tệ nhất.
(Luật Khoa)