Động lực nào cho kinh tế tư nhân phát triển? (Luật sư Nguyễn Tiến Lập)

Yêu cầu đầu tiên và cũng có ý nghĩa thực tế, đó là bộ máy nhà nước, bao gồm cả kinh tế nhà nước, cần co lại, thu hẹp và tinh giản để không choán hết không gian và lấy đi các nguồn lực cần thiết làm hạn chế kinh tế tư nhân phát triển. Một bộ máy nhà nước lớn sẽ không chỉ đồng nghĩa với gánh nặng về chi phí cho nền kinh tế mà nó còn hàng ngày tạo ra các vấn đề, đi kèm với các rắc rối và phức tạp, vốn không cần thiết nhưng vẫn buộc và tốn kém công sức để giải quyết. Tiếp theo đó, tư duy và nhận thức của bộ máy công chức cần thay đổi để không tiếp tục duy trì mối quan hệ ban phát hay xin-cho giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thông qua áp dụng các cơ chế khuyến khích và chính sách ưu đãi.

 
Việc coi kinh tế tư nhân như là động lực của nền kinh tế chính là sự thừa nhận một thực tế đã diễn ra mấy chục năm đổi mới ở nước ta. Câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển ?

Kinh tế tư nhân là chính bản thân nền kinh tế.

Trước hết, không nên coi kinh tế tư nhân là quan trọng mà cần coi nó là chính bản thân nền kinh tế. Nói như thế bởi ngay từ thuở sơ khai của lịch sử, hoạt động kinh tế đã là các hành vi có tính bản năng quan trọng nhất của con người và chính nó đã tạo nên xã hội loài người và các nền văn minh. Vì vậy về mặt nguyên lý, kinh tế tư nhân là một hiện tượng tự nhiên của lịch sử, khác với nền kinh tế nhà nước vốn là một sản phẩm hoàn toàn “nhân tạo” bởi nó được sinh ra từ cách hiểu đầy định kiến cho rằng kinh tế tư nhân là nguồn gốc của mọi sự xấu xa cho đến tư tưởng cho rằng nhà nước phải có trách nhiệm lo hết mọi điều cho dân...

Điều hành một nền kinh tế nhà nước là cả một sự vất vả bởi nó luôn luôn cần được lãnh đạo và chỉ huy. Do đó, nền kinh tế càng lớn thì bộ máy chỉ huy và lãnh đạo càng phình to ra, cho đến khi nền kinh tế không thể nuôi nổi nó nữa. Ngược lại là nền kinh tế tư nhân, vốn không cần đến tất cả các thứ đó. Nó tự tồn tại theo các quy luật của tự nhiên, chính là các quy luật thị trường.

Vậy, nền kinh tế tư nhân thực chất là gì?

Đó là sự sáng tạo cá nhân, là tiền vốn của tư nhân và là các năng lực cũng như sự dám chịu trách nhiệm cá nhân.

Nếu kinh tế nhà nước trao cho tất cả mọi người một tư cách giống nhau, đó là danh nghĩa người chủ nhưng thực chất là người làm thuê, thì kinh tế tư nhân tạo cơ hội làm chủ thật sư cho tất cả mọi người, dù là sở hữu toàn bộ một sản nghiệp hay một phần nhỏ.

Con người, một khi được làm chủ, sẽ mặc sức sáng tạo, phát triển và thịnh vượng. Đồng thời, con người cũng phải thể hiện sự dũng cảm để gánh chịu mọi rủi ro, bởi nếu thua thì sẽ mất chính đồng vốn và tài sản của mình bỏ ra. Điều đáng lưu ý là sự sáng tạo trong nền kinh tế tư nhân cơ bản là sự sáng tạo mang tính bản năng và gắn với lợi ích cá nhân, cho nên nó không bao giờ bị mất đi động lực. Kinh tế tư nhân, do vậy, dù cho có thể phát triển lên xuống, nhưng nó vững bền. Thực tế còn chỉ ra rằng một nền kinh tế tư nhân mà sụp đổ thường do sự can thiệp không đúng đắn của nhà nước.

Kinh tế tư nhân cần các yếu tố nào để phát triển?

Để sáng tạo, con người luôn luôn cần cảm hứng. Nhiều người vẫn cho rằng con người vì lợi ích mới sáng tạo, chẳng hạn như ai đó có thể sáng tạo vì được trả tiền. Điều này có thể đúng trong các tình huống nhất định nhưng chắc chắn chỉ mang tính nhất thời. Cảm hứng luôn luôn là điều cốt lõi bởi nó gắn với đạo đức hay bản ngã của loài người. Nói một cách khác, đó là lòng tốt, tính hướng thiện và sự hy sinh vì người khác và cái chung.

Sáng tạo là điều đầu tiên cần nhưng chưa đủ. Để kiến tạo về kinh tế, con người còn phải có niềm tin để bỏ vốn liếng của mình ra. Niềm tin chính là cảm nhận và suy nghĩ của mình về người khác, ở đây là cái hệ thống nơi mình thuộc về. Ngay trong nền kinh tế thị trường, muốn có các doanh nghiệp hoạt động bằng đồng vốn tư nhân đích thực, chứ không phải các đồng vốn “tranh thủ mượn” hay chiếm đoạt từ nhà nước hay xã hội, cảm nhận an toàn về cái hệ thống chung buộc phải được tạo ra, thậm chí phải là sự an toàn một cách lâu dài và bền vững. Nếu không, sẽ vẫn có thể có nền kinh tế tư nhân, nhưng đó sẽ là loại kinh tế tư nhân không chịu rủi ro và mang nặng tính trục lợi, vơ vào hơn là cho đi, của những kẻ mạnh đối với kẻ yếu.

Yếu tố cuối cùng để kinh tế tư nhân phát triển, đó là các điều kiện bình đẳng về cả cơ hội và sự được đối xử, để không có cảnh “cá lớn nuốt cá bé”, vốn là bản tính tự nhiên của các giống loài.

Nếu bản năng của con người là cạnh tranh với nhau thì kinh tế tư nhân cũng vậy. Cộng đồng người có kẻ mạnh, kẻ yếu thì nền kinh tế tư nhân cũng có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Với sự khác biệt như vậy thì làm sao để có được sự bình đẳng như đã nói? Trong khía cạnh này, sự can thiệp của nhà nước là cần thiết và đó chính là việc ban hành và thực thi luật cạnh tranh, vốn về bản chất là các quy định kiểm soát để hạn chế độc quyền và sự móc ngoặc theo kiểu liên minh để chi phối hay thao túng nhằm loại bỏ tự do cạnh tranh.

Cần có một môi trường hay hệ sinh thái như thế nào cho kinh tế tư nhân phát triển?

Xin trở lại định nghĩa ban đầu, bởi kinh tế tư nhân là chính bản thân nền kinh tế, chứ không phải chỉ là “khu vực kinh tế tư nhân”, cho nên nó không cần các chính sách và biện pháp đơn lẻ. Trên tất cả, nó cần một môi trường hay hệ thống với ba trụ cột chính, đó là nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và môi trường xã hội.

Nhà nước pháp quyền mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tuy nhiên yếu tố có tính nhạy cảm nhất đối với kinh tế tư nhân là hệ thống tư pháp độc lập. Các chủ thể kinh tế tư nhân tương tác với nhau thông qua các hợp đồng. Khả năng thực thi của các hợp đồng, do đó, có ý nghĩa sống còn và nó chỉ có thể được bảo đảm bởi các tòa án và nền tư pháp vô tư, công bằng.

Kinh tế thị trường vốn là đất sống của kinh tế tư nhân, nhưng đó phải là nền kinh tế thị trường với các quy luật tự nhiên của nó được phát huy thực sự, trong đó có quy luật cung - cầu và quy luật cạnh tranh.

Để kinh tế tư nhân phát triển thì cũng không thể quên đi các yếu tố và môi trường xã hội gắn liền với nó. Thực chất, đó là môi trường riêng nơi các sáng kiến, sáng tạo và hành động của khu vực tư nhân được tự do thực hành và phát huy một cách độc lập, trong đó kinh doanh kiếm lời chỉ là một nội dung hay bộ phận cấu thành. Môi trường này quan trọng ở chỗ: nó vừa là nguồn nuôi dưỡng - hỗ trợ, nguồn cảm hứng và nơi ươm tạo tài năng lâu dài và bên vững cho kinh tế tư nhân.

Nhà nước giữ vai trò gì trong nền kinh tế tư nhân?

Câu hỏi còn lại này không kém phần quan trọng. Yêu cầu đầu tiên và cũng có ý nghĩa thực tế, đó là bộ máy nhà nước, bao gồm cả kinh tế nhà nước, cần co lại, thu hẹp và tinh giản để không choán hết không gian và lấy đi các nguồn lực cần thiết làm hạn chế kinh tế tư nhân phát triển. Một bộ máy nhà nước lớn sẽ không chỉ đồng nghĩa với gánh nặng về chi phí cho nền kinh tế mà nó còn hàng ngày tạo ra các vấn đề, đi kèm với các rắc rối và phức tạp, vốn không cần thiết nhưng vẫn buộc và tốn kém công sức để giải quyết. Tiếp theo đó, tư duy và nhận thức của bộ máy công chức cần thay đổi để không tiếp tục duy trì mối quan hệ ban phát hay xin-cho giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thông qua áp dụng các cơ chế khuyến khích và chính sách ưu đãi.

Nói một cách khác, cái đích cần đạt đến trong xây dựng quốc gia sẽ phải là một nền kinh tế tư nhân lành mạnh, phát triển dựa trên sáng tạo và cạnh tranh, chứ không phải một nền kinh tế với các doanh nghiệp đi lên bằng trục lợi cơ chế và chính sách. Tuy nhiên, Nhà nước cũng đồng thời không được sao nhãng các nhiệm vụ căn bản của mình, đó là cần phải làm những gì mà khu vực tư nhân không làm được hoặc không thể làm tốt hơn.

Thiết nghĩ, những trình bày ở trên có thể góp phần giải bài toán phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

(*) Thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên VIAC

Theo TBKTSG