Giá trị của đức tin (Đặng Quỳnh Giang)

Hồi trước, tôi cứ nghĩ những người đi tu là không bình thường, lập dị. Hôm nay tôi có được một bài học lớn. Rất khó để chúng ta làm được như họ, cũng chẳng ai buộc mình theo con đường đó, trên tất cả, chúng ta, xã hội hãy dành cho họ sự biết ơn, lòng kính trọng.

 
Tôi đến thăm mái ấm Tín Thác tháng trước. Đó là một cơ sở tình thương tư nhân ở thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng do sơ Thụy Hường gây dựng, quản lý. Nơi đây đang nhận nuôi các trẻ em mồ côi, cơ nhỡ; chăm sóc các bà mẹ có thai ngoài ý muốn và thường xuyên đến các bệnh viện nhặt những thai nhi bị bỏ, đưa về chôn cất tại nghĩa trang mà sơ Hường mua, xây dựng khoảng năm năm trước. Lúc tôi đến, mái ấm đang cưu mang gần 100 em nhỏ, từ sơ sinh đến tầm chín, mười tuổi; 20 bà mẹ mang thai và nghĩa trang với gần 6.000 hài cốt được chôn cất tử tế.

Nghe tin có cô gái nào không may “trót dại”, sơ Hường đều cho người đến gặp, an ủi, động viên họ giữ lại mầm sống và cho biết, họ có thể về mái ấm của sơ chờ đến ngày hạ sinh. Các cô gái được ở trong một nơi biệt lập - chỉ những người cùng hoàn cảnh mới biết mặt nhau. Sinh xong, nếu các bà mẹ trẻ có khả năng và nguyện vọng nuôi thì mang con theo, bằng không, cơ sở của sơ sẽ tiếp nhận và nuôi dạy đứa bé.

Các cháu ở đây, được nuôi dạy rất khoa học và sống trong môi trường đầy đủ. Sự lễ phép và tính tự lập, lòng bác ái, nhân từ là những tiêu chí hàng đầu được các sơ đặt ra trong quá trình giáo dục, phát triển các em.

Giáo hội Lâm Đồng, bà con giáo dân và các mạnh thường quân trong, ngoài nước là nguồn hỗ trợ chi phí để duy trì, phát triển cơ sở tình thương này. Giáo hội cắt cử một số sơ trong các nhà thờ, luân phiên nhau đến hỗ trợ sơ Hường chăm sóc và nuôi dạy các con. Ngoài ra, cũng có một số người từ Tây Nam bộ, Sài Gòn và Đồng Nai, tình nguyện lên đây chung tay góp sức.

Trong số các sơ, tôi gặp và nói chuyện với một người còn khá trẻ, 27 tuổi, khuôn mặt rất đẹp, dáng người thanh tao, thánh thiện vô cùng. Tôi hỏi vì sao sơ đi tu, không lập gia đình, sinh con đẻ cái để có cuộc sống bình thường như bao người khác. Sơ cười hiền, theo con đường này, vì muốn giúp đỡ, phục vụ chúng sinh, cống hiến cho cộng đồng theo lời Chúa dạy. Những ngày ở đó, nhìn các sơ thay từng chiếc áo len, xỏ những đôi giày ấm vào các đôi bàn chân bé nhỏ một cách cẩn thận, đầy tình yêu thương khi trời cao nguyên về chiều trở lạnh, tối đến, các sơ cầm tay từng bé luyện viết, dạy đọc, cho uống sữa trước giờ đi ngủ, sáng sớm, đã nghe tiếng các sơ với bọn nhỏ tập thể dục ngoài sân... tôi càng cảm nhận rõ tấm lòng các sơ và thấy hồ đồ về câu hỏi với người sơ trẻ.

Hồi trước, tôi cứ nghĩ những người đi tu là không bình thường, lập dị. Hôm nay tôi có được một bài học lớn. Rất khó để chúng ta làm được như họ, cũng chẳng ai buộc mình theo con đường đó, trên tất cả, chúng ta, xã hội hãy dành cho họ sự biết ơn, lòng kính trọng.

Lan man lại nhớ sang câu chuyện của anh bạn cắt tóc đầu phố. Nhà anh có gần mười anh em, ở ngay xóm chợ. Ông nội anh từ miền Bắc vào Nam khá sớm, khai hoang được một ít đất đai và giờ nơi đó trở nên có giá. Ông cụ chỉ có duy nhất cha anh, nên để lại toàn bộ gia sản cho con trai. Mấy năm trước, thân phụ anh sau khi chia đất cho các con đã dành lại một phần ba để hiến cho Giáo hội, cho Cha xứ làm nhà thờ để bà con trong khu vực khỏi phải đi xa để dự lễ mỗi tuần. Với thân phụ anh, không gì tốt đẹp và mãn lòng hơn nếu một ngày gần đây, người dân xung quanh đó có nơi nguyện cầu, hành đạo, góp phần lành mạnh hóa đời sống tinh thần, niềm tin của một vùng dân cư xóm chợ xô bồ, nhếch nhác, phức tạp.

Người theo đạo có nơi để nương nhờ, giúp họ sám hối, sửa mình khi bị bản năng cùng các thứ độc tham sân si dẫn đường, làm những điều sai quấy, đi ngược lại luân thường đạo lý. Sống tốt đẹp, làm điều thơm tho tử tế, không phải chỉ vì cầu mong lên chốn thiên đàng sau khi nhắm mắt. Trên tất cả, giúp đỡ con người, yêu thương chúng sinh, phụng sự cuộc đời mới là sứ mệnh của mỗi người, theo lời dạy của những bậc thánh nhân vĩ đại. 

Theo TBKTSG