Guồng quay cướp đất và sự kiện Đồng Tâm - Mỹ Đức (Nguyễn Vũ Bình)
Dân
oan là những người bị xâm hại quyền lợi chính đáng do các đại diện
quyền lực các cấp sử dụng các chính sách và thủ đoạn bất minh dựa trên
quyền lực độc tôn và tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam. Tuyệt đại đa
số dân oan là những người bị xâm hại quyền lợi về đất đai, nhà cửa. Với
hai chính sách sở hữu toàn dân về đất đai và phát triển khinh tế - xã
hội, nhà cầm quyền các cấp đã sử dụng để cướp ruộng đất của người dân
làm phát sinh hàng trăm ngàn, hàng triệu người dân oan trên khắp mọi
miền tổ quốc.
Thời kỳ
đổi mới nền kinh tế Việt Nam đến nay đã được hơn 30 năm. Trong số tất
cả các hệ lụy đau thương mà đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam gây
ra cho nhân dân, thì vấn đề cướp đất là một trong hai tội ác lớn nhất,
cùng với ô nhiễm môi trường. Quá trình cướp đất này bắt đầu từ thập kỷ
90 của thế kỷ trước, thập kỷ những năm 2000 bắt đầu giai đoạn khốc liệt,
và thập kỷ hiện tại đạt tới đỉnh điểm của guồng quay cướp đất.
1. Tại sao nói là cướp đất ?
Về
lập luận của nhà cầm quyền, cũng như những luật, văn bản pháp lý mà nhà
cầm quyền vận dụng, hợp thức hóa tiến trình cướp đất, đó là điều luật :
đất đai thuộc sở hữu toàn dân, người dân không có quyền sở hữu mà chỉ
có quyền sử dụng. Cùng với đó là các chính sách đô thị hóa, chính sách
phát triển công nghiệp, khu công nghiệp. Toàn bộ các điều luật và chính
sách đi kèm việc thu hồi đất (cách gọi của nhà cầm quyền) phục vụ mục
đích chung (làm đường giao thông, mở rộng đô thị, xây khu công
nghiệp...) đều có đầy đủ, và về lý thuyết có thể làm vỏ bọc hoàn hảo cho
dã tâm trục lợi trong việc này. Đại khái, trên cơ sở đất đai thuộc sở
hữu toàn dân, nhà nước có thể thu hồi đất (quyền thu hồi đất xuống tới
cấp huyện) để phục vụ cho mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội
trên địa bàn. Phát triển kinh tế - xã hội trong việc thu hồi đất là mở
rộng đô thị, xây dựng các khu dân cư, chung cư, xây dựng các nhà máy, xí
nghiệp và khu công nghiệp. Đó cũng là việc xây dựng các công trình quốc
gia về quân sự, về văn hóa, xã hội. Khi thu hồi đất, các đơn vị có
trách nhiệm tính toán, bồi thường để không thiệt hại cho người dân có
đất, đang sử dụng đất đai. Đồng thời, nếu thu hồi đất người dân đang
dùng làm tư liệu sản xuất, tức là đất nông nghiệp, thì phải đào tạo,
chuyển đổi nghề nghiệp cho những lao động của các hộ dân bị thu hồi đất.
Đó là toàn bộ quy trình, quy định về việc thu hồi đất của người dân cho
mục đích chung, công ích.
Với
quy trình này, nếu nhà cầm quyền các cấp thực hiện đầy đủ, đồng thời
không vụ lợi, không trục lợi thì sẽ không có bất kỳ điều gì xảy ra. Tuy
nhiên, với sự độc quyền lãnh đạo, quyền lực tuyệt đối và không hề bị
kiểm soát, giám sát đồng thời giá cả đất đai đã tăng chóng mặt do mấy
cơn sốt đất, các cấp lãnh đạo làm sao có thể bỏ qua một miếng mồi ngon
có trị giá hàng chục tỷ, trăm, ngàn tỷ đồng như vậy ? Ban đầu, người ta
còn lập dự án, thông qua dự án và tiến hành các thủ tục tối thiểu. Càng
về sau, những vấn đề về thủ tục càng bị bỏ qua, không cần biểu diễn nữa,
và làm một cách trắng trợn. Rất nhiều nơi hiện nay, khi thu hồi đất
xong, nhà cầm quyền xây dựng hạ tầng qua loa như đường đi, hệ thống
điện... rồi phân lô bán nền ngay. Khốn nạn nhất là có nhiều nơi, những
hộ dân bị thu hồi đất có thể mua ngay lại đất của nhà mình với giá gấp
nhiều lần giá nhà nước đền bù thu hồi đất. Ví dụ, ở phường Dương Nội,
quận Hà Đồng, Hà Nội nhà cầm quyền thu hồi đất với giá 201.600 đồng/1mm2 có thể bán ngay cho chủ nhà với giá 35 triệu đồng/1m2.
Như
vậy, người dân đang sinh sống, làm ăn yên ổn trên mảnh đất thổ cư của
gia đình, đất nông nghiệp thì với chính sách sỡ hữu toàn dân về đất đai,
nhà cầm quyền đã áp giá một cách vô cùng rẻ mạt, thu hồi toàn bộ đất
đai của người dân và bán với giá gấp rất nhiều lần để trục lợi, chia
chác. Việc dùng sức mạnh để lấy của, lấy gia tài của người khác trong
khi họ không mong muốn đó chính là hành vi ăn cướp, toàn bộ quá trình
này là cướp đất đã và đang diễn ra khắp đất nước. Thảm cảnh của hàng
triệu dân oan trên khắp cả nước đã diễn ra. Sự phản kháng của người dân
cũng diễn ra khắp nơi, từ anh nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải
Phòng đến Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, nông dân Dương Nội, Hà Đông, Văn
Giang - Hưng Yên... và vừa qua là Đồng Tâm - Mỹ Đức.
2. Guồng quay bạo tàn
Có
thể nói, quá trình cướp đất như một guồng quay và không có điểm dừng.
Guồng quay có thể hiểu trên hai khía cạnh. Thứ nhất, muốn cướp được đất,
không chỉ một cơ quan, một đơn vị nào có thể làm được, mà phải kết hợp
rất nhiều ngành. Thông thường sẽ có doanh nghiệp đứng ra lập dự án, có
thể là sản xuất, có thể là khu công nghiệp và cũng có thể làm khu dân
cư, chung cư. Dự án sẽ nhanh chóng được các cấp ủy, chính quyền và ban
ngành đoàn thể thông qua. Một ngành quan trọng nhất mà không một dự án
nào có thể bỏ qua, đó là công an. Công an để thị uy và trấn áp ngay lập
tức những phản kháng của những hộ dân, gia đình bị thu hồi đất. Và để
hiệu quả cho việc trấn áp, cũng như đạt mục đích cuối cùng là cướp được
đất, các ngành kiểm sát và tòa án luôn sẵn sàng để vào cuộc, xử lý ngay
những người chống đối. Tất cả đều diễn ra nhịp nhàng, ăn khớp. Một khía
cạnh nữa của guồng quay cướp đất, đó là tất cả các địa phương, tất cả
các quận, huyện trong cả nước đều diễn ra tình trạng cướp đất. Sự khác
biệt có chăng chỉ là mức độ nhiều ít đất đai cướp được, hoặc mức độ tàn
khốc trong việc cướp đất. Bởi vì quyền thu hồi đất được cấp huyện thực
hiện nên không một địa phương nào có thể thoát khỏi guồng quay tàn bạo
này. Với một sự chênh lệch vô cùng lớn về giá cả đất đền bù và giá thị
trường, mức lợi nhuận, hay chính xác hơn là số tiền cướp được quá lớn
khiến cho guồng quay không thể dừng lại được. Hết lớp cán bộ này đến lớp
cán bộ khác, hết quan chức này đến quan chức khác, người bị bắt vào tù
vì tham nhũng đất đai, người sau lên lại tiếp tục cướp đất và rút kinh
nghiệm của người trước. Cũng phải nói rằng, trong một số trường hợp, tại
một số địa phương, việc cướp đất diễn ra quá tàn bạo, không ngụy trang
khéo léo (tức là hợp thức hóa bằng các nghị quyết, chính sách, văn bản)
và quan trong nhất là ăn chia không đều, đã có nhiều quan chức, cán bộ
đã bị mất chức, vào tù. Nhưng cán bộ vào tù, guồng quay cướp đất vẫn
không dừng lại và chưa biết khi nào dừng lại...
3. Khi nào guồng quay dừng lại ?
Trong
phạm vi một địa phương, cấp có thẩm quyền thu hồi đất là cấp huyện,
cũng tùy điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, vị trí cũng như địa thế,
guồng quay cướp đất có thể tạm dừng. Một huyện miền núi, vùng sâu vùng
xa dù có cướp được đất, thì đất đồi núi cũng không bán được giá cao. Vậy
nên chỉ có những vị trí đắc địa, thị trấn hoặc khu du lịch trong quy
hoạch mà khi cướp và bán hết rồi thì tự nhiên vòng quay dừng lại. Tại
các địa phương ở vùng đồng bằng, các tỉnh ven biển thì guồng quay hầu
như không bao giờ dừng lại. Ban đầu là các khu đất đẹp cho du lịch, xây
dựng khu dân cư cao cấp, chung cư... thời kỳ đầu nhắm vào các khu đất
nông nghiệp, vì giá cả đền bù rẻ và dễ cướp hơn, sau khi hết thì cướp cả
đất thổ cư của người dân từ nhiều đời đã sở hữu và đang sinh sống. Sự
tàn bạo nhất là nhắm vào các khu đất thổ canh, thổ cư của người dân, đẩy
họ tới những nơi hẻo lánh, thưa thớt dân cư và hạ tầng hầu như không lo
được cho họ.
Một
câu hỏi được đặt ra là, trong chế độ hiện nay, có ai (ngoài dân thường)
mong muốn guồng quay cướp đất tàn bạo này dừng lại, và có thể dừng lại
được không ? Câu trả lời là không. Ngoài người dân thường có thể vẫn có
những người mong muốn guồng quay này dừng lại, đó là những người trong
bộ máy không thu được lợi gì từ guồng quay đó, những nhân viên bình
thường. Kể cả những người cảnh sát cơ động, những người lính chỉ làm
theo nhiệm vụ đi đàn áp người dân cũng mong muốn không phải làm những
công việc thất đức. Nhưng đó là những người không có vị trí, vai trò gì
và không quyết định được điều gì. Còn lại tất cả những người được hưởng
lợi từ guồng quay tàn bạo này, càng quan chức, quan chức cao cấp càng
thu lợi nhiều đều không bao giờ muốn nó dừng lại. Ngoài việc không kẻ
nào trong guồng máy muốn từ bỏ việc kiếm tiền theo cách tàn bạo này, còn
một vấn đề nữa mà guồng quay không thể dừng lại được. Đó là một sự đan
xen lợi ích, cấu kết và cố kết lợi ích, tất cả trong guồng máy và phải
quay theo guồng máy. Bất kể ai, kẻ nào dừng lại hoặc đi ngược lại lợi
ích của guồng máy đều bị nghiền nát hoặc thải loại.
Vậy
thì có bao giờ và khi nào guồng quay dừng lại ? Câu trả lời là có. Đó
là khi chế độ thay đổi, với chính thể dân chủ thay thế, việc đầu tiên là
công nhận quyền tư hữu tài sản, trong đó quan trọng nhất là tư hữu đất
đai. Chỉ có đến khi đó, guồng quay cướp đất bạo tàn mới dừng lại và chấm
dứt.
4. Sản phẩm của guồng quay cướp đất : Dân oan
Dân
oan là những người bị xâm hại quyền lợi chính đáng do các đại diện
quyền lực các cấp sử dụng các chính sách và thủ đoạn bất minh dựa trên
quyền lực độc tôn và tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam. Tuyệt đại đa
số dân oan là những người bị xâm hại quyền lợi về đất đai, nhà cửa. Với
hai chính sách sở hữu toàn dân về đất đai và phát triển khinh tế - xã
hội, nhà cầm quyền các cấp đã sử dụng để cướp ruộng đất của người dân
làm phát sinh hàng trăm ngàn, hàng triệu người dân oan trên khắp mọi
miền tổ quốc.
Thời
kỳ trước đây, khi mà thông tin chưa rộng mở, người dân bị mất đất, bị
cướp đất có phản kháng nhưng cũng chỉ là những tiếng kêu tuyệt vọng, sau
đó bị đàn áp nặng nề và rơi vào quên lãng. Nhưng trong vòng 5-7 năm trở
lại đây, với sự xuất hiện của mạng Internet, và nhất là sự sôi động của
mạng xã hội facebooks, của cộng đồng mạng tiến bộ, quan tâm và đứng về
phía người dân, thì tình thế đã và đang bắt đầu thay đổi. Gần đây, cuộc
đấu tranh giữ đất của bà con ở các địa phương được cộng đồng mạng quan
tâm, chúng ta mới thấy hết được mức độ tàn bạo của chính sách cướp đất
và thực tế cướp đất của các cấp cầm quyền ở Việt Nam. Đầu tiên là những
việc phù phép để hợp thức hóa những khu đất không thuộc quyền quản lý
của người dân, chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển đổi chức năng để bán
và chia chác. Sau đó, việc định giá tùy tiện, rẻ mạt đất nông nghiệp và
đất thổ cư của người dân để bán với giá thị trường cao gấp nhiều lần.
Nhưng còn những khuất tất, những sự phi lý, ngang ngược trong việc cưỡng
chế, cướp đất đối với các hộ dân cụ thể, đã và đang được người dân phản
ảnh mới thấy hết được sự kinh hoàng của guồng quay cướp đất.
Gần
đây nhất, thông tin của báo chí cho biết, sáng 23/3, tại thôn Ngọc Sơn
Tây (xã Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam), ông Nguyễn Văn Tưởng (47
tuổi, không vợ không con) đã tự tử sau khi có những hành vi quá khích do
bức xúc chuyện đền bù giải tỏa đất đai. Ông Tưởng có mảnh đất có sổ đỏ
là là 562,1m2 (trong đó diện tích đất ở là 87,5m2 và 423m2 đất
trồng cây hằng năm) nhưng bị thu hồi đất chỉ với giá 21 triệu đồng. Ban
đầu, nhà cầm quyền không cho ông Tưởng mua đất tái định cư vì ông không
có vợ con. Sau đó ông Tưởng đấu tranh, ông được mua đất tái định cư
nhưng số tiền đền bù không đủ để ông mua 100 m2 đất tái định
cư. Do bị cướp đất, không đủ tiền để mua đất tái định cư để sống, ông đã
phẫn uất dùng dao đâm cán bộ, sau đó tự tử. Những vụ việc cướp đất vô
cùng đau xót đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước Việt Nam.
Những
người dân oan mất đất đã đi đòi công lý, khiếu kiện ở các địa phương
của mình, nơi trực tiếp xâm hại quyền lợi của họ đều không có kết quả.
Nhà cầm quyền các địa phương bao che cho nhau vì có dính dáng lợi ích
trong guồng quay, tiến trình cướp đất. Không những không được trả lại
quyền lợi, họ còn bị đàn áp, đánh đập, thậm chí tống giam. Một số người
đã đi khiếu kiện ở cấp cao hơn, cấp trung ương tại Hà Nội và Sài Gòn. Họ
đã tới các cơ quan trung ương như : văn phòng chính phủ, văn phòng quốc
hội, văn phòng trung ương đảng, tổng thanh tra nhà nước... Nhà cầm
quyền luôn nói họ đi khiếu kiện vượt cấp và tìm cách đẩy trả họ về địa
phương, đẩy quả bóng trách nhiệm cho các địa phương khiến người dân oan
mệt mỏi. Mục đích của họ là để người dân oan từ bỏ việc khiếu kiện.
Nhiều người dân oan đã khiếu kiện ròng rã mấy chục năm trời, có người ít
cũng 5-7 năm. Cuộc sống của họ vô cùng khổ cực vì theo đuổi việc khiếu
kiện, không còn làm ăn gì được nữa.
Những
người dân oan khiếu kiện sau nhiều năm đi đòi công lý, phần lớn họ đã
hiểu ra rằng không thể lấy lại được những đất đai, tài sản của bản thân
và gia đình đã mất, nhưng họ cũng không còn điều kiện để làm ăn sinh
sống bình thường nữa, bắt buộc phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ ở các
thành phố trung tâm, kết hợp việc khiếu kiện. Trong hoàn cảnh đó, họ
cũng may mắn được những người dân tốt bụng giúp đỡ, và nhất là những
người quan tâm tới vấn đề xã hội, những người thuộc phong trào dân chủ
quan tâm giúp đỡ. Qua một thời gian, mối liên hệ giữa những người dân
oan và phong trào dân chủ đã rất gắn bó, tốt đẹp. Tuy nhiên, nhà cầm
quyền một lần nữa lại sử dụng thủ đoạn để phán hoại mối quan hệ này,
đánh phá bà con và phong trào dân oan...
5. Sự kiện Đồng Tâm - Mỹ Đức
5.1. Căn nguyên gốc rễ vụ việc ở Đồng Tâm - Mỹ Đức
Tháng
4 năm 1980, ông Đỗ Mười lúc đó là phó thủ tướng đã quyết định thu hồi
47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức để xây dựng sân
bay quân sự Miếu Môn. Cũng như nhiều dự án ở Việt Nam, dự án này cũng đã
không được thực thi. Năm 2010, tức sau 30 năm chờ đợi, chính phủ và bộ
quốc phòng đã ra quyết định chính thức không xây dựng sân bay Miếu Môn.
Như vậy, theo luật đất đai 47,36 ha đất nông nghiêp này phải trả lại cho
các chủ nhân của nó. Tức là người dân xã Đồng Tâm. Nhưng điều lạ lùng
đã và đang xảy ra, nó vẫn nằm dưới sự quản lý của quân đội với cái tên
ngắn gọn "đất quốc phòng".
Chưa
hết, khu đất 6,8 ha bên cạnh cũng được chính quyền xã và huyện thu hồi
thành đất quốc phòng, nhưng lại được phân lô để bán. Kết quả là, tháng
11 năm 2016, nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức cùng xã Đồng Tâm đã đưa công an,
cảnh sát cơ động… đến cưỡng chế khu đất 6,8 ha mà họ gọi là đất quốc
phòng, dù nhân dân xã Đồng Tâm đã nhiều năm đi khiếu kiện, nhưng không
được cơ quan nào giải quyết thoả đáng.
Ngày
15/4/2017, công an đã đi xe đến Đồng Tâm, họ yêu cầu ông Lê Đình Kình,
82 tuổi, người đứng đầu cuộc đấu tranh giữ đất, ra cánh đồng để chỉ cho
họ cọc mốc đất quốc phòng. Ra đến nơi, công an đã vật ông Kình ra, bắt
đưa lên ô tô, họ còn bắt thêm một số dân làng đưa đi. Theo nhiều nguồn
tin, ông Kình đã bị thương tích, vỡ xương chậu.
Lẽ
ra, quân đội phải trả lại cho những người dân xã Đồng Tâm 47,36 ha đất
của sân bay Miếu Môn, Viettel chỉ là một tổ chức kinh doanh giầu có của
quân đội, giờ đây họ muốn có đất để phát triển cơ sở sản xuất kinh
doanh, họ phải thương lượng trực tiếp với những người nông dân, mua lại
đất của họ với giá thỏa thuận theo thị trường. Lẽ ra khi thu hồi 6,8 ha
đất kề bên nhà cầm quyền phải định giá theo sát giá thị trường, trên
tinh thần thương lượng thì nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức đã làm ngược lại
Căn
nguyên gốc rễ vấn đề là luật đất đai bất cập : "đất đai thuộc sỡ hữu
toàn dân " người dân có tiền mua đất nhưng chỉ được quyền sử dụng đất mà
không có quyền sở hữu đất, khi người dân không có quyền sở hữu đất,
quyền sỡ hữu đó thuộc về toàn dân - nghĩa là thuộc về nhà nước (đại diện
cho toàn dân) Căn cứ trên luật này, nhà nước có quyền thu hồi và áp giá
theo chủ kiến riêng, hệ quả là mâu thuẫn đất đai giữa người dân và
chính quyền xảy ra khắp mọi vùng miền trên cả nước.
5.2. Diễn biến vụ việc
Ngay
sau khi cụ Lê Đình Kình và 3 người nữa bị bắt đi (ngày 15/4), người dân
xã Đồng Tâm đã bức xúc, bùng nổ và bắt ngay một số cảnh sát cơ động,
cán bộ và lãnh đạo cấp huyện. Tổng số người mà nhân dân xã Đồng Tâm đã
bắt giữ là 38 người. Trong số đó, có một phó chủ tịch huyện, 1 trưởng
ban tuyên giáo huyện Mỹ Đức, một trung đoàn trưởng cảnh sát cơ động, 1
phó trưởng công an huyện và số còn lại là cảnh sát cơ động. Người dân đã
giữ những người này ở nhà văn hóa xã, canh giữ cẩn mật và đối xử nhân
đạo, tử tế. Cũng ngay sau đó, người dân đã rào làng (thôn Hoành), đặt
những chướng ngại vật trên các con đường vào làng và cho người canh giữ
kiểm soát những con đường đi vào làng. Cảnh sát, công an và các ban
ngành chức năng của huyện cũng đã đổ về vây kín, kiểm soát những người
muốn đi vào thôn Hoành. Không khí rất nóng bỏng.
Ngày
17/4, sau khi thông qua các kênh thương lượng, phía nhà cầm quyền đã
thả 3 người bị bắt cùng cụ Kình, và đêm hôm 17/4, phía người dân làng
Hoành đã thả 15 cảnh sát cơ động. Trong các ngày tiếp theo, không khí
xung quanh vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức đã tràn ngập các trang mạng xã
hội, còn trên thực địa, cảnh sát cơ động vẫn vây kín làng, kiểm soát
ngặt nghèo, cắt điện, cắt sóng, phá sóng điện thoại....
Đêm
ngày 19/4, theo một số nguồn tin, phía nhà cầm quyền đã cho côn đồ tấn
công, ném đá vào làng, người dân đã đáp trả và đẩy lùi hai cuộc tấn
công. Đã các thông tin nhiễu loạn về việc đêm 19/4 sẽ có cuộc tấn công
vào làng. Nhưng cuối cùng sự việc đã không xảy ra. Người dân yêu cầu chủ
tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung vào đối thoại với người dân
về vấn đề đất đai, sau đó sẽ thả hết người. Ngày 20/4, Ông Nguyễn Đức
Chung sau mấy ngày cộng đồng mạng lên tiếng yêu cầu, đã có buổi xuống
làm việc với người dân, nhưng chỉ dừng lại ở huyện Mỹ Đức, gửi giấy mời
100 dân làng lên huyện họp mặt, dân không tới vì gửi giấy mời quá muộn,
và sợ bị lừa bắt trên đường tới huyện. Cũng trong buổi làm việc với
huyện, không có người dân xã Đồng Tâm, ông Chung đã ra quyết định thanh
tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất sân bay Miếu Môn và đất ở đồng
Sênh, xã Đồng Tâm. Lãnh đạo Thanh tra đi cùng đã hứa sẽ thanh tra đúng
pháp luật trong vòng 45 ngày.
Ngày
21/4, người dân thôn Hoành tiếp tục thể hiện thiện chí khi thả ông
trưởng ban tuyên giáo huyện ủy, vì lý do nhân đạo, ông này bị bệnh và đã
được thả, viết cam kết người dân đối xử tốt, không bị đánh đập, hành hạ
và nhục mạ. Cộng đồng mạng tiếp tục lên tiếng yêu cầu chủ tịch thành
phố tới đối thoại với người dân.
Ngày
22/4, chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã cùng đoàn công tác xuống
tận xã Đồng Tâm đối thoại với người dân. Trong buổi làm việc, ông Chung
đã hứa, và ký vào văn bản sẽ không truy tố hình sự người dân xã Đồng Tâm
sau vụ việc vừa qua. Đồng thời sẽ giải quyết toàn diện vụ việc về đất
đai của bà con, xem xét việc bắt giữ cụ Lê Đình Kình theo trình tự tố
tụng. Bà con thôn Hoành xã Đồng Tâm đã thả nốt những người còn giam giữ.
Những người này đều cam đoan không bị đối xử tệ bạc, vui mừng khi được
người dân thả ra. Như vậy, đã kết thúc toàn bộ 7 ngày (từ 15-22/4) căng
thẳng, phản kháng của người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
5.3. Bình luận về sự kiện
Đây
là một sự kiện lớn, quan trọng trong thời điểm khắp nơi người dân căm
phẫn với nhà cầm quyền các cấp sử dụng luật đất đai về sở hữu toàn dân,
thu hồi và đền bù với giá vô cùng rẻ mạt, để bán với giá đất thị trường
gấp nhiều lần, mà cộng đồng mạng sử dụng từ cướp đất để nói lên bản chất
của sự việc này. Lần đầu tiên ở Việt Nam người dân phản kháng, bắt giữ
người của nhà cầm quyền mà lãnh đạo phải tới để đối thoại.
Trước
đó, đã có nhiều cuộc nổi dậy của người dân, như ở thái bình năm 1997,
hoặc ở làng Nhô, hay còn gọi là thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim
Bảng, Hà Nam năm 1992... tất cả đều bị đàn áp một cách không thương
tiếc. Đánh giá về sự kiện này, ngay lúc này đây, có thể chưa thấy hết
được ý nghĩa của nó. Nhưng chúng ta cũng cần biết được, thành công của
sự kiện này là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng
nhất là cách ứng xử, chiến thuật của người dân xã Đồng Tâm, đã biết tận
dụng sức mạnh của cộng đồng mạng trong việc yêu cầu nhà cầm quyền thực
hiện những quyền lợi của mình. Có thể đánh giá nhanh một số những việc
làm rất khôn khéo của bà con xã Đồng Tâm trong sự kiện vừa qua.
-
Đầu tiên, tuy bắt giữ người, nhưng bà con đã đối xử với những người bị
bắt giữ rất tử tế, không hề có sự dọa dẫm, nhục mạ hoặc đánh đập, trả
thù nào, mặc dù người thân của bà con bị bắt vô lý, bị đánh đập và xô
đẩy tới gẫy chân, gẫy đùi...
-
Bà con viết khẩu hiệu, cắm cờ ở các điểm đặt chướng ngại vật, tất cả
đều là những khẩu hiệu tuyệt đối tin tưởng vào đường lối chính sách của
đảng và nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Điều này, mới nhìn
qua thì thấy rằng bất lợi, rằng bà con vẫn con tin tưởng vào nhà nước
thì sẽ bị lừa, hoặc sẽ bị đối xử tệ bạc. Nhưng nghĩ kỹ, thì đó là một
chiến thuật hết sức khôn ngoan. Thông điệp mà bà con gửi tới nhà cầm
quyền, là chúng tôi luôn tin tưởng đảng và nhà nước, luôn chấp hành pháp
luật, chúng tôi làm việc này là bất đắc dĩ, để chống lại cường quyền và
tham nhũng, chứ chúng tôi không chống lại đảng và nhà nước. Trong các
trao đổi với nhà cầm quyền, bà con cũng hết sức mềm dẻo, chỉ yêu cầu
được đối thoại với chủ tịch thành phố, chỉ yêu cầu làm rõ những quyết
định về việc sử dụng đất đai theo đúng pháp luật, sẽ chấp hành đầy đủ
nếu có tất cả các văn bản quyết định về khu đất tranh chấp, đồng thời
hứa thả người ngay nếu chủ tịch đối thoại....
-
Tuy nhiên, thông qua cộng đồng mạng, bà con lại gửi ra những thông điệp
hết sức cứng rắn, và những thông tin gây hứng khởi và sục sôi cho cộng
đồng mạng. Ví dụ, thông tin ra ngoài việc tẩm xăng vào 20 cảnh sát cơ
động, lúc nào cũng sẵn sàng tử thủ, có thể hi sinh cả 6000 nhân mạng để
đòi công lý, v.v. Với cộng đồng mạng luôn đứng về phía bà con, và sẵn có
những hiểu biết, căm phẫn đối với nhà cầm quyền thì những thông tin đó
sẽ được lan truyền và nhân lên gấp nhiều lần, tạo thành một sức ép vô
cùng lớn đối với nhà cầm quyền và các cá nhân giữ trọng trách trong việc
giải quyết vụ việc.
Nhưng
hay hơn nữa, bà con Đồng Tâm luôn giữ khoảng cách với những người hoạt
động trong phong trào dân chủ, và thể hiện sự độc lập, không nghe theo
sự "xúi bẩy" như cách mà nhà cầm quyền hay vu cho những người đấu tranh.
Đây chính là điều độc đáo của bà con xã Đồng Tâm, tận dụng được sức
mạng vô biên của cộng đồng mạng, nhưng không bị mang tiếng nghe theo,
hoặc kết nối, tiếp tay cho "phản động" theo cách gọi của nhà cầm quyền.
Tất nhiên, đối với phong trào dân chủ, những việc này của bà con cũng
làm phiền lòng không ít người. Tuy nhiên, nếu hiểu được những cạm bẫy,
những đòn thù khốc liệt của nhà cầm quyền, những người đấu tranh cần
hiểu và thông cảm cho bà con trong hoàn cảnh đó.
-
Điều cuối cùng, đối với nhà cầm quyền, trong các giao dịch, bà con đã
rất thận trọng, làm các văn bản, cam kết rất chặt chẽ, tùy đối tượng mà
mức độ cam kết khác nhau. Có thể có người nói rằng, việc Nguyễn Đức
Chung, chủ tịch thành phố chỉ làm cam kết bằng giấy viết tay, không có
con dấu và điểm chỉ là không có giá trị pháp lý, hoặc không có giá trị
thực hiện, thực tế. Nhưng việc một chủ tịch thành phố lớn, thủ đô đã
phải ký vào cam kết, những điều được toàn thể người dân, và cả nước biết
như vậy, đã là một thành công tuyệt vời. Để có thể tráo trở, lật lọng
một văn bản giữa thanh thiên bạch nhật như vậy, họ sẽ phải trả giá rất
lớn cho uy tín của cá nhân và của nhà cầm quyền.
Có
thể nói, đánh giá một cách tổng quát, trong bối cảnh hiện tại, người
dân xã Đồng Tâm đã làm được điều kỳ diệu, một thắng lợi tuyệt đối, mặc
dù con đường phía trước không hề bằng phẳng, dễ dàng mà có thể phải trả
giá khá đắt.
Hà Nội, ngày 27/4/2017
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 24-26/04/2017