Trung Quốc khó thành công với chiến lược 'dùng tiền mua yêu mến' (VNE)
Trung Quốc dành tới 10 tỷ USD mỗi năm để củng cố quyền lực mềm, nhưng nó lại đang khiến hình ảnh nước này ngày một xấu đi.
Tại các biển quảng cáo điện tử ở Quảng trường Thời Đại (New York, Mỹ),
những hình ảnh về nông thôn Trung Quốc liên tục xuất hiện. Ở Phnom Penh -
thủ đô Campuchia, trẻ em chơi đùa bên dưới những tòa chung cư do Trung
Quốc xây dựng. Một số nơi trên thế giới, trẻ em còn học tiếng Trung
trong các chương trình do Chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Từ nhiều năm nay, người mua hàng trên khắp thế giới đã quen với dòng
chữ "Made in China" trên hầu hết sản phẩm họ mua. Tuy nhiên, gần đây,
Trung Quốc đang muốn quảng bá thương hiệu quốc gia để hấp dẫn các nước
khác theo cách mà Mỹ đã làm với văn hóa, sản phẩm và giá trị của mình.
Một thập kỷ trước, Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu xây dựng "quyền lực
mềm" để hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh. Theo David
Shambaugh - giáo sư tại Đại học George Washington, Trung Quốc chi khoảng
10 tỷ USD mỗi năm cho mục tiêu này. Ông đánh giá đây là một trong những
chương trình xây dựng hình ảnh quốc gia tốn kém nhất thế giới.
Shambaugh cho biết Mỹ cũng chỉ chi chưa đầy 670 triệu USD cho việc này
năm 2014.
Trung Quốc lấy cảm hứng về khái niệm quyền lực mềm từ học giả Mỹ -
Joseph Nye. Ông đã đưa ra thuật ngữ này từ năm 1990. Sau nhiều năm tranh
cãi, đến năm 2007, Chủ tịch Trung Quốc khi đó - ông Hồ Cẩm Đào mới nêu
ra vấn đề này, cho rằng Trung Quốc cần xây dựng quyền lực mềm.
Và người kế nhiệm ông – ông Tập Cận Bình đã rất tích cực trong quá
trình này. Ông là chủ tịch đầu tiên của Trung Quốc tham gia Diễn đàn
Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) đầu năm nay. Với bài phát biểu ủng
hộ toàn cầu hóa và kêu gọi đoàn kết chống biến đổi khí hậu, ông đã giành
được khá nhiều lời khen ngợi.
Trung Quốc tập trung củng cố quyền lực mềm qua việc quảng bá văn hóa.
Từ năm 2004, nước này đã chi cả núi tiền cho việc tổ chức các lớp học
ngôn ngữ, nấu ăn, nhảy múa và mừng Tết Nguyên đán tại hơn 140 quốc gia
trên thế giới.
Ông Tập muốn thuyết phục nhà đầu tư thế giới rằng Trung Quốc không phải
quốc gia đáng sợ, và họ có thể cùng tồn tại với Mỹ mà không tạo ra xung
đột. Dự án "Một vành đai, một con đường' của Trung Quốc – đầu tư vào cơ
sở hạ tầng trên khắp châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu cũng nhằm
gửi thông điệp nước này muốn sử dụng khối tài sản mới để làm giàu cho
toàn cầu.
Các công ty tư nhân Trung Quốc cũng đang tích cực tham gia quá trình
quảng bá hình ảnh đất nước. Năm 2015, đại gia thương mại điện tử -
Alibaba đã trả 260 triệu USD mua tờ báo Hong Kong - South China Morning
Post. Người giàu nhất Trung Quốc – Wang Jianlin đã mua nhiều xưởng phim
và chuỗi rạp phim Hollywood. Hàng loạt công ty Trung Quốc khác cũng chi
đậm cho M&A với nhiều công ty tên tuổi trên thế giới.
Những nỗ lực của Trung Quốc đã phần nào có tác dụng. Trong một số khảo
sát toàn cầu, người châu Phi đã có quan điểm tích cực hơn về nền kinh tế
lớn nhì thế giới, một phần nhờ số tiền Trung Quốc đã rót vào lục địa
này.
Tuy nhiên, tại Mỹ, tình hình lại không sáng sủa như vậy. Một năm trước
khi ông Tập nhậm chức, hơn nửa người Mỹ có ấn tượng tích cực với người
Trung Quốc, theo nghiên cứu của Pew Research. Tuy nhiên, tỷ lệ này cuối
năm ngoái chỉ còn 38%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại nhiều nước
khác.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giúp họ được nhiều quốc
gia ngưỡng mộ. Tuy nhiên, hậu quả môi trường và xã hội nó để lại cũng
khiến họ nhận nhiều chỉ trích.
Trung Quốc cũng ngày càng mất đi sức hút trong mắt doanh nghiệp ngoại,
từ Mỹ, châu Âu đến Nhật Bản và gần đây là Hàn Quốc. Thuế cao, lương nhân
công tăng, môi trường cạnh tranh khắc nghiệt từ các công ty nội và
chính sách bất nhất đã khiến hàng loạt doanh nghiệp ngán ngẩm và phải
rời bỏ Trung Quốc thời gian qua.
Lý thuyết của Nye cho biết quyền lực mềm là thứ không được tạo ra bởi
Chính phủ. Ông lý giải hình ảnh của nước Mỹ được tạo nên từ người dân -
"mọi thứ từ các trường đại học, các quỹ từ thiện đến Hollywood và nhạc
pop". Trong khi đó, chiến lược của Trung Quốc gần như hoàn toàn do Chính
phủ dẫn dắt.
Economist cho rằng Trung Quốc đang cố kết hợp quyền lực cứng
và quyền lực mềm để tạo ra lợi thế cho mình. Nhưng thay vì nâng cao hình
ảnh đất nước, chiến lược này chỉ đang phản tác dụng với họ.
Hà Thu (theo Economist/CNBC)