Trung Quốc nói Mỹ nên "học hỏi thêm" về lịch sử Biển Đông (BBC)
Theo
ông Vương, Tuyên bố Cairo 1943 và Tuyên bố Potsdam 1945 nói rõ rằng Nhật
Bản phải trả lại cho Trung Quốc tất cả các vùng lãnh thổ Nhật đã chiếm
đóng. "Điều này bao gồm cả các đảo Nam Sa", ông nói thêm, dẫn tên Trung Quốc dùng để gọi Quần đảo Trường Sa.
Hoa Kỳ nên học hỏi thêm về lịch sử
Biển Đông, vì có thỏa thuận quy định tất cả các vùng lãnh thổ mà Nhật
Bản đã chiếm trong Thế chiến II phải được trao trả lại cho Trung Quốc,
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Úc.
Trung Quốc đã tỏ ý tức giận vì những lời bình luận từ chính quyền Hoa Kỳ mới về vùng biển này.
Trang
web của Bộ ngoại giao Trung Quốc đăng những lời bình luận của ông Vương
vào tối thứ Ba ngày 7/2. Trang này trích lời ông Vương phát biểu trong
chuyến thăm Canberra, Úc gần đây, nói rằng ông có một "gợi ý" cho những
người bạn Mỹ: "Học hỏi thêm về lịch sử Thế chiến Thứ hai".
Theo
ông Vương, Tuyên bố Cairo 1943 và Tuyên bố Potsdam 1945 nói rõ rằng Nhật
Bản phải trả lại cho Trung Quốc tất cả các vùng lãnh thổ Nhật đã chiếm
đóng.
"Điều này bao gồm cả các đảo Nam Sa", ông nói thêm, dẫn tên Trung Quốc dùng để gọi Quần đảo Trường Sa.
"Năm
1946, chính phủ Trung Quốc lúc đó, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, đã công
khai lấy lại quần đảo Nam Sa mà Nhật đã chiếm đóng, và nắm chủ quyền
lại," ông Vương nói.
"Sau đó, một số nước láng giềng của Trung
Quốc đã dùng các biện pháp bất hợp pháp để chiếm giữ một số đảo và bãi
đá ở khu vực này, và chính chuyện này đã gây ra cái gọi là tranh chấp
lãnh thổ Biển Đông."
Trung Quốc cam kết đàm phán với các bên có
liên quan trực tiếp, theo đúng các chứng cứ lịch sử và luật quốc tế để
giải quyết vấn đề một cách hòa bình, và quan điểm này vẫn không thay
đổi, ông Vương nói thêm.
Quan điểm của Mỹ về Biển Đông
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ để nhậm chức hồi giữa
tháng Một, tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Trung Quốc không được
phép tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng ở Trường Sa.
Ông
Tillerson, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, so sánh
việc Trung Quốc xây đảo với việc Nga chiếm Crimea từ tay Ukraine.
"Chúng
ta cần gửi đến Trung Quốc một dấu hiệu rõ ràng. Thứ nhất, việc xây dựng
đảo phải chấm dứt, và thứ hai, họ sẽ không được phép tiếp cận các đảo
đó nữa."
Tòa Bạch Ốc cũng cam kết sẽ bảo vệ "các vùng lãnh thổ quốc tế" ở vùng biển có vị trí chiến lược này.
Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng từng nói rằng "Trung Quốc đã xé
nát niềm tin của các quốc gia trong vùng, ra vẻ như có quyền phủ quyết
đối với ngoại giao, an ninh và kinh tế của các nước láng giềng."
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng các biện pháp ngoại giao phải được ưu tiên ở Biển Đông, hãng Reuters cho hay.
Trung
Quốc kỳ vọng vào những lời phát biểu của ông Mattis nhấn mạnh đến các
nỗ lực ngoại giao ở Biển Đông, vì đây không chỉ là quan điểm của Trung
Quốc và Đông Nam Á mà còn là "sự lựa chọn đúng đắn" cho các nước ở ngoài
khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói.
Bắc Kinh thời gian
qua đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên các bãi san hô trong khu vực
biển được nhiều nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Những hình ảnh
được đưa ra cuối năm ngoái cho thấy có sự hiện diện của lực lượng quân
sự tại một số đảo này, một viện nghiên cứu nói.
Động thái xây
đảo của Trung Quốc đã gây nhiều bất bình trong khu vực. Bắc Kinh tuyên
bố chủ quyền trên phần lớn lãnh thổ Biển Đông, nơi Việt Nam,
Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền.