Thế nào là chế độ độc tài toàn trị? (Boston Review-Christopher Lebron)
Trong khoảng thời gian một tuần, Trump
và những người thừa hành của ông đã chà đạp lên sự mong đợi, ngay cả ở
mức rất thấp này, ném cơn giận dữ vào đám đông, bổ nhiệm các tỷ phú
không có kinh nghiệm hành chính vào các chức vụ nội các quan trọng, và
đưa ra tuyên bố gây choáng váng, theo George Orwell nói về sự tồn tại
của “những thông tin định hướng”.
Trưa ngày 20 tháng 1 năm 2017, một kỷ
nguyên mới của Mỹ mở ra. Donald J. Trump trở thành tổng thống đời thứ 45
của Hoa Kỳ. Quyền lực vĩ đại được đầu tư vào một người có tiểu sử cá
nhân rải rác với sự khinh miệt phụ nữ, các cáo buộc về tấn công tình
dục, các vụ kiện, lừa đảo tiền lương của nhân viên, tự cao tự đại, kích
động phân biệt chủng tộc, và phủ nhận khoa học. Tổng thống của chúng ta,
không thể chối cãi, là một người với cá tính khiếm khuyết. Cứ cho rằng
không cần phải ưa thích các nhà lãnh đạo của một nền dân chủ, nhưng
chuyện cần thiết là họ phải nắm vững trách nhiệm quản trị nền
dân chủ, bao gồm tôn trọng tự do ngôn luận, nghĩa vụ phải trả lời, và
trách nhiệm đối với công chúng.
Trong khoảng thời gian một tuần, Trump
và những người thừa hành của ông đã chà đạp lên sự mong đợi, ngay cả ở
mức rất thấp này, ném cơn giận dữ vào đám đông, bổ nhiệm các tỷ phú
không có kinh nghiệm hành chính vào các chức vụ nội các quan trọng, và
đưa ra tuyên bố gây choáng váng, theo George Orwell nói về sự tồn tại
của “những thông tin định hướng”.
Thật đáng báo động khi mỗi thời khắc
trôi qua, chúng ta không thể đánh giá sai lầm những hành động như thế
chỉ đơn thuần là điều hành bộ máy hành chánh một cách kỳ lạ. Thay vào
đó, khi xem xét một cách tổng thể, chúng tạo nên một tập hợp khá chặt
chẽ các hành động biểu lộ đặc điểm của một chế độ độc tài toàn trị đang
trỗi dậy. Hiện tượng này chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ. Khi
chiến lược gia hàng đầu của tổng thống tuyên bố gây chiến với báo chí và
xác định các cột trụ của tự do ngôn luận là “đảng đối lập”, chúng ta
cần phải tự hỏi, liệu sẽ có bao nhiêu cơ quan báo chí sẽ bị suy yếu
nghiêm trọng, có thể vĩnh viễn, khi một chính quyền thách thức nền tảng
sinh hoạt dân chủ một cách bừa bãi.
Chế độ độc tài toàn trị là một sự sắp
xếp quyền lực nhà nước, trong đó tầng lớp cầm quyền kiểm soát các điều
kiện tồn tại chính trị và xã hội trong khi xóa bỏ quyền lực của công
dân. Trong một nhà nước độc tài toàn trị, ý muốn của nhà cầm quyền thực
chất là trên hết và về mặt luân lý, được coi trọng hơn cảm nghĩ và sự
mong ước của người dân, và tất cả các phương tiện của nhà nước được huy
động để bảo đảm sự ưu việt được xác định này. Trong hoàn cảnh này, người
dân trở thành một tập hợp, một bộ phận chính trị, phụ trợ cho một chế
độ không cảm thấy có bất kỳ nghĩa vụ nào phải đền đáp lại cho người dân.
Thật vậy, chế độ như vậy nhấn mạnh rằng, bổn phận của công dân chỉ đơn
giản là tuân phục, trong khi nhiệm vụ của nhà cầm quyền là thể hiện
quyền lực của họ.
Ở đây tôi trình bày 5 dấu hiệu của chủ
nghĩa độc tài toàn trị. Sự hiện diện của bất kỳ một trong các dấu hiệu
đó sẽ phủ lên sự nghi ngờ về cam kết của nhà lãnh đạo đối với vai trò
lãnh đạo chính trị dân chủ. Tuy nhiên, khi chúng xuất hiện cùng một lúc,
chúng báo động rằng chúng ta có thể đang chứng kiến sự trật đường rầy
của cuộc thử nghiệm chính trị mất hai thế kỷ rưỡi để cải tiến.
Dấu hiệu số 1: Lãnh đạo đòi hỏi sự chiêm ngưỡng của công chúng.
Trong các quốc gia độc tài toàn trị, một trong những tính năng đầu tiên
của đời sống công cộng bị biến dạng là hội họp công cộng. Dần dần, tất
cả các trường hợp hội họp công cộng – nghệ thuật, tôn giáo, thể thao, lễ
hội – được sửa đổi lại như lễ tôn vinh nhà lãnh đạo. Tôn vinh bất cứ
điều gì khác hơn lãnh đạo – hoặc để công khai chỉ trích lãnh đạo – là
phản bội. Tới nay, rõ ràng là Tổng thống Trump đã mất tự chủ khi đối mặt
với những bằng chứng rõ ràng về lễ nhậm chức của ông được ít người tham
dự hơn so với của Tổng thống Obama, và khi so sánh với các cuộc biểu
tình vào ngày hôm sau. Thay vì thừa nhận thua sút và cam kết sẽ làm việc
cật lực để lấy lại cảm tình của người dân Mỹ, ông mắng nhiếc cơ quan
truyền thông vào ngày hôm sau khi nói chuyện với cơ quan CIA. Sự bào
chữa của ông là, từ nơi ông đứng, ông đã nhìn thấy tới 1,5 triệu người
tham dự, một số bằng chứng bác bỏ con số này. Một phản ứng nổi bật như
thế chỉ ra những gì chúng ta đã biết về Trump từ lâu: ông cho rằng quan
điểm của ông trên hết và nếu ông không thể là trung tâm chú ý của mọi
người, điều này sẽ dẫn đến bất bình và giận dữ.
Dấu hiệu số 2: Chế độ kiểm soát sự thật.
Chế độ toàn trị nhấn mạnh rằng, chỉ mình họ biết cái gì là đúng; câu
này là xác định và không thể tranh luận. Mối liên hệ bất thường đáng báo
động của Trump với sự thật, đã được thấy rõ ràng trong nhiều năm và
trong suốt chiến dịch tranh cử. Cho dù đó là thói quen kỳ lạ của ông ta
là gọi cho các nhà báo, giả vờ ông ta chính là chuyên gia riêng của ông,
khẳng định họ đã sai lầm khi có ý kiến tiêu cực về ông; hoặc sự từ chối
của ông trong thời gian dài không chấp nhận Barack Obama là một người Mỹ;
hoặc sự quả quyết của ông rằng chính cá nhân ông viết tất cả các cuốn
sách của riêng mình; hoặc phá thai không phải là cảnh tượng dã man mà
ông tuyên bố trong cuộc tranh luận thứ ba [trong thời gian tranh cử];
hay rằng hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp làm ông thua số phiếu phổ thông,
Trump đã nói rõ rằng ông muốn bất cứ điều gì ông nói sẽ được chấp nhận
như học thuyết công cộng. Một ngày sau sự thất bại nhỏ về số người tham
dự trong ngày lễ nhậm chức, Kellyanne Conway đã đưa cho chúng ta một
danh từ sẽ ở với chúng ta trong ít nhất 4 năm tới: “sự thật thay thế”
(Alternative Facts – thông tin định hướng). Để chống đỡ cho sự thiếu khả
năng của cấp cao của mình trong việc đối mặt với thực tế, bà tuyên bố
rằng sự đánh giá về số người tham dự của Trump là “sự thật thay thế”.
Đối với sự lố bịch như thế, tất cả người Mỹ nên chú ý. Độc giả của cuốn
tiểu thuyết của George Orwell năm 1949 tiên tri về thời đại đen tối, sách 1984,
sẽ nhận ra sự vô lý dường như vô hại giống như những gì ông gọi là “Tân
Ngôn”, là công cụ của nhà nước để kiểm soát tất cả báo cáo mà nhà nước
không đồng ý bằng cách bóp méo chữ nghĩa.
Dấu hiệu số 3: Chế độ đàn áp những nhà sản xuất tri thức.
Thanh trừng các trường đại học, các tổ chức truyền thông, tổ chức
nghiên cứu chính trị và kinh tế, cơ quan chính phủ phi đảng phái, và các
viện nghiên cứu là chuyện thường tình dưới chế độ độc tài toàn trị.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, Trump tiếp tục phủ nhận vai trò hành vi
con người trong sự biến đổi khí hậu, cộng hưởng với một tuyên bố đáng
kinh ngạc trước đó rằng sự biến đổi khí hậu là một trò lừa gạt do Trung
Quốc gây ra. Người ta phải suy nghĩ cẩn thận về việc cần phải trả giá
thế nào khi đưa ra một kết luận như vậy. Về cơ bản, một nhà lãnh đạo
phải hết sức nghi ngờ đến mức độ khinh khi các nhà khoa học, hành xử
trong sự tin tưởng rằng rất nhiều người có học vấn cao trong các tổ chức
có uy tín, đơn giản họ không biết chính họ đang nói gì. Từ khi thắng
cử, Trump đã cố gắng bịt miệng cơ quan EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường),
USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), Dịch vụ Công viên Quốc gia, Bộ Y tế, NOAA
(Cơ quan Quản lý Khí quyển và Hải dương Quốc gia Hoa Kỳ), và NASA (Cơ
quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ). Ông đã đóng băng tài trợ của EPA để siết
cổ các nhà khoa học. Ông đã sa thải tất cả các viên chức điều hành cao
cấp của Bộ Ngoại giao. Ông đe dọa sẽ ngưng tài trợ cho Quỹ Tài trợ Nghệ
thuật và Nhân văn Quốc gia. Ông Bannon, phụ tá của ông, đã tuyên chiến
với truyền thông. Trump đã đi một bước xa hơn khi ông tuyên bố rằng ông
sẽ tìm cách “đóng cửa” internet. Trump mắng chửi, “Ai đó sẽ nói: ‘Ồ, tự do ngôn luận, tự do ngôn luận.’ Đây là những kẻ ngu ngốc“.
Gộp chung lại, những điều này tổng thể là một cuộc tấn công toàn diện
vào các nhà sản xuất kiến thức, ở vị thế tốt nhất để thách thức các câu
chuyện được chấp thuận của Trump.
Dấu hiệu số 4: Chế độ sáng chế ra kẻ thù chung. Chế
độ toàn trị làm tăng sinh lực cho nền tảng của họ và xây dựng đoàn kết
dân tộc bằng cách đề cao tâm lý “chúng ta chống lại chúng”: “Nếu không
có” – điền vào chỗ trống: Do Thái, di dân, người Hồi giáo, người da đen,
người đồng tính – thì “đất nước của chúng ta sẽ đạt được sự thịnh
vượng mong muốn”. Trump thực hiện chiến dịch tranh cử với chủ đề “làm
cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, một mục tiêu mà
ông đề nghị sẽ đạt được phần lớn thông qua việc trục xuất hàng loạt,
ngăn cấm di dân Hồi giáo, đàn áp bạo lực người biểu tình da đen, và một
bức tường biên giới để ngăn chặn người Mexico “hiếp dâm” vào nước này.
Trong khi nhiều người coi đây là sự khoa trương của chiến dịch tranh cử,
Trump đã sửa soạn thực hiện tốt lời hứa của mình: bức tường và cấm nhập
cư đã ở trên bàn. Sau đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Trump đổ
trách nhiệm về sự thua sút phiếu phổ thông là do những người nhập cư. Rõ
ràng là [Trump] không thể chấp nhận bất cứ điều gì khác hơn là sự thắng
lợi tuyệt đối, ông quay lại lời nói dối mà ông phải đưa ra vì lý do ông
ta đã bị mọi người vạch trần: rằng ông đã bị thua hàng triệu phiếu phổ
thông bởi vì sự gian lận bầu cử rất nhiều do những người di dân “bất hợp
pháp” gây ra. Trump vẫn giữ quan điểm này mặc dù các nghiên cứu cho
thấy rằng, gian lận bầu cử thuộc loại ông mô tả là hầu như không tồn tại
ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bằng cách nói với những người ủng hộ rằng ông xem
những “người ngoài” này là mối đe dọa cho đất nước, thực ra, ông ra hiệu
rằng lòng trung thành đối với ông đòi hỏi phải huy động nguồn lực của
quốc gia để chống lại mối đe dọa ma quái này.
Dấu hiệu số 5: Lãnh đạo được bao quanh bởi bạn bè thân thiết và những kẻ nịnh hót.
Nhà lãnh đạo độc tài bao quanh mình với những kẻ thông đồng và thợ gật,
thường phải trải qua các bài kiểm tra khắc nghiệt về lòng trung thành
và sẽ bị khai trừ khi có dấu hiệu đầu tiên của sự phản bội. Trump rất
nhạy cảm, thỉnh thoảng đến nỗi khó tin, từ nhu cầu ám ảnh để bảo vệ độ lớn của bàn tay của ông
đến sự thất bại mới nhất về tầm cỡ của đám đông trong ngày lễ nhậm
chức. Những báo cáo bị rò rỉ xác nhận rằng ông cách ly ở bên trong một
bong bóng với những thợ gật – đáng chú ý là con rể của ông, Jared
Kushner – và nhanh chóng loại bỏ những người không hẳn nhiên cùng chiều
với quan điểm của ông.
Trong khi đó, Trump khẳng định rằng ông
ta là tỷ phú. Có thể ông ta là một Gatsby (nhân vật trong tiểu thuyết
“The Great Gatsby”, giả vờ giàu có), nhưng trị giá tài sản hoặc các món
nợ của ông không thể chứng minh, và ông có vẻ nhất quyết sẽ không bao
giờ công bố hồ sơ thuế của mình. Các mối quan hệ kinh tế trong nước và
quốc tế của ông đáng được biết đến – và, theo Điều khoản về Thù lao, có
khả năng, theo hiến pháp, ông buộc phải tiết lộ. Nếu chính quyền Trump
tìm cách thưởng hay phạt các quốc gia hay tổ chức nước ngoài nào, người
dân Mỹ cần phải biết phải chăng đó là vì lý do lợi ích quốc gia hay lợi
ích riêng tư của ông. Và điều này thậm chí chưa bắt đầu đề cập tới mức
độ mà tư bản thân tộc đang định hình đường nét của toàn bộ chính quyền
Trump.
Steve Bannon, người hùng phe cực hữu và
là chiến lược gia trưởng của Trump, ngay lập tức được biết đến nhiều
nhất với vai trò điều hành tờ báo Breitbart News bị phá sản về đạo đức,
nhưng trước đây ông đã từng làm sếp ở công ty nổi tiếng Golman Sachs.
Trump đi tiếp đề cử cựu giám đốc điều hành của công ty ExxonMobil, Rex
Tillerson, vào chức vụ bộ trưởng ngoại giao và Steven Mnuchin vào chức
bộ trưởng ngân khố. Sự bổ nhiệm thứ hai đặc biệt cần quan tâm. Cùng là
một cựu đối tác của Goldman, Mnuchin từng bị cáo buộc nặng nề và đáng
tin cậy về vai trò của ông ta trong việc làm mất nhà cửa của nhiều người
Mỹ trong cuộc khủng hoảng thị trường địa ốc năm 2008. Andy Puzder là
người mà Trump chọn giữ chức bộ trưởng lao động, là giám đốc điều hành
của Hardee và Carl Jr. Ông Puzder là người đã chống lại việc tăng mức
lương tối thiểu và công ty của ông đã đồng ý [trong một vụ kiện] thỏa
thuận 9 triệu USD với các nhân viên quản lý cửa hàng, về việc đã lừa đảo
họ trong vấn đề lương bổng làm thêm giờ. Những việc bổ nhiệm này và
những bổ nhiệm khác cho thấy rõ, rằng mối quan tâm chính của Trump không
chỉ được bao quanh bởi những người hợp ý có quyền thế (tất cả đều là
đàn ông, ngoại trừ bà Betsy DeVos (*), người có thể hoặc không thể vượt
qua sự phê chuẩn để làm bộ trưởng giáo dục và cũng là một tỷ phú), mà
còn bởi những người ở vị thế kinh tế xã hội ngang tầng, những người trở
nên giàu có bằng việc bóc lột những người nghèo.
Không cần phải có một cuộc đảo chánh độc
tài toàn diện, thành công hoàn toàn, hoặc thậm chí cố ý để có thể gây
nguy hiểm cho sự toàn vẹn của một nền dân chủ. Bạn chỉ cần làm suy yếu
hoặc gây mất ổn định đủ số các cơ quan quan trọng, chẳng hạn như EPA, để
dọn đường cho quan điểm thực tế của bạn; bạn chỉ cần đưa ra một vài
“thông tin định hướng” để đánh lạc hướng công chúng khỏi sự thật đúng
nghĩa; bạn chỉ cần một số ít bạn bè có uy thế ở các chức vụ quyền uy để
đưa thế giới quan của bạn ra khắp nước và thế giới.
Và khi tất cả điều này xảy ra, sự cai
trị bằng luật pháp, để phân biệt một nền dân chủ với các chế độ khác bắt
đầu bị uốn nắn, liên tục được biện minh bởi các mối đe dọa về an ninh
thật sự, hơi thật một chút, hoặc hoàn toàn bịa đặt. Và sự bẻ cong và bóp
méo luôn được biện minh, nhân danh người dân, phải sống dưới những hình
thức giám sát mới, chẳng hạn như phải đăng ký hoặc gia tăng hình thức
nhận diện khuôn mặt. Báo chí sẽ được kêu gọi nên im lặng, trừ khi sẵn
sàng đưa tin về tất cả các lễ kỷ niệm của tổng thống như có ảnh hưởng và
vĩ đại, trong khi các nhà sản xuất tri thức chính đáng, chẳng hạn như
các nhà khoa học, thì bị bịt miệng. Đột nhiên, bắt đầu có vẻ như bạn có
thể nhìn thấy nước Nga từ ngôi nhà của bạn, bất kể bạn đang sống ở đâu.
Trong cuốn sách liên quan đáng báo động của mình, The Origins of Totalitarianism (1951), nhà triết học chính trị, cô Hannah Arendt viết: “Các đối tượng lý tưởng của sự cai trị độc tài không phải là người theo phát xít hay theo cộng sản, nhưng là người dân mà sự phân biệt giữa thực tế và hư cấu (nghĩa là, kinh nghiệm thực tế) và sự phân biệt giữa đúng và sai (nghĩa là, các tiêu chuẩn của sự suy nghĩ) không còn tồn tại“.
Điều này có nghĩa là, tùy thuộc vào mỗi và mọi công dân, phải chống lại
bằng cách từ chối sức mạnh của sự lừa dối và sự quyến rũ của ngụy tạo.
Nếu tuần đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump có một chỉ dấu nào
đó, thể hiện rõ ràng trong lịch sử cá nhân của ông, thì mọi người Mỹ,
thậm chí cả những người ủng hộ ông ta, nên bắt đầu hỏi, thực sự, những
gì làm cho nước Mỹ không vĩ đại. Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời ở phần tin
tức mỗi giờ trong ngày.
Người dịch: Trần Văn Minh