Nhãn hiệu Ivanka Trump – Cuộc chiến về ý thức chính trị (Thạch Đạt Lang)

Cuộc chiến ý thức chính trị về hàng hóa tiêu dùng ở Mỹ này sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ ra sao? Còn chờ thời gian và phải thống kê mới biết được. Liệu sẽ có ảnh hưởng đến cộng đồng Người Việt Hải Ngoại hay người dân trong nước? Cũng không thể biết được, nhưng nếu có chắc cũng không đáng kể, người VN ở đâu cũng thế, thường thờ ơ với tất cả những gì không trực tiếp tác động, ảnh hưởng đến mình, nhất là về chính trị.

 
Lần đầu tiên trên nước Mỹ, một thương hiệu hàng hóa đã trở thành một cuộc chiến ý thức về chính trị, xẩy ra giữa những người dân Mỹ với nhau. Đây không phải là một cuộc chiến về màu da, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp trong xã hội… Cuộc chiến này hoàn toàn không có tiếng súng, không có bom đạn nên không có máu đổ, thịt rơi, nhà tan, gạch nát… nhưng cũng rất khốc liệt, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của Mỹ cũng như có thể làm sập tiệm, đóng cửa các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng.

Một phong trào tẩy chay các cửa hàng Nordstrom trên nước Mỹ đã làm thay đổi đường lối của ban quản trị khi quyết định dẹp bỏ các mặt hàng mang nhãn hiệu Ivanka Trump. Vài tuần lễ trước, khách hàng tẩy chay Nordstrom vì bày bán những hàng hóa mang nhãn hiệu Ivanka Trump (đa số sản xuất ở Trung Cộng). Hiện nay thì người ta lại tẩy chay Nordstrom vì lý do ngược lại: Cửa hàng không có sản phẩm của Ivanka Trump.

Trong những ngày vừa qua, một cái áo sơ-mi (shirt) không còn đơn thuần là một cái áo, một cửa hàng không hẳn chỉ là một cửa hàng. Những túi xách tay, những cái áo dài và nhiều vật dụng khác đã bị chính trị hóa. Quyết định mua hoặc không mua trở thành những biểu tượng chống đối hay ủng hộ tổng thống Donald Trump. Các thương hiệu lớn như Armour, L.L. Bean, T.J. Maxx… cùng nhiều hãng khác đã bị lôi kéo vào cuộc chiến ý thức chính trị này.

Tuy nhiên, không có cửa hàng bán lẻ nào trở thành chiến trường sôi động như Nordstrom. Làn sóng tẩy chay Nordstrom khiến ban quản trị phải thay đổi cách thức điều hành, sau khi cửa hàng không còn quảng cáo các sản phẩm của Ivanka Trump. Hàng ngàn khách hàng online đã rời bỏ Nordstrom trên trang mạng của họ. Donald Trump cũng phàn nàn trên Twitter rằng người dân đã không đối xử công bằng với con gái ông.

Sự tẩy chay mạnh mẽ trước cũng như sau quyết định của Nordstrom đã diễn ra một cách thầm lặng, không có dấu hiệu báo trước, cho thấy các công ty đang phải điên đầu giải quyết một vấn đề nghiêm trọng ngoài sự tiên liệu.

Ban quản trị của nhiều công ty đang lo lắng. Theo lời của Andrew Gilman, chủ tịch công ty Cố vấn về Khủng hoảng Truyền thông CommCore Consulting Group, một số công ty đang thành lập ban ứng phó tình trạng nguy ngập, khẩn trương.

Thông thường, các tâp đoàn, công ty đều có những cẩm nang để hành động khi một sản phẩm phải thu hồi hay trường hợp chủ tịch tập đoàn bị môt cơn đau tim, tuy nhiên trường hợp này lại khác, họ phải tìm cách đối phó với những tin nhắn trên Twitter của tổng thống.

Nhiều cửa hàng bán lẻ cũng như các thương hiệu tìm cách tránh xa tầm đạn, đứng ngoài các cơn phẫn nộ được phổ biến, trao đổi trên Twitter và Facebook.

Điện thoại, email được gửi đến một số các cửa hàng bách hóa lớn nhất trên nước Mỹ để hướng dẫn cách thức họ đối phó với các sản phẩm của Ivanka Trump, đó là tuyệt đối không bình luận hay bình luận một cách trung tính về những tweet của Trump, hoặc của những người phản đối hay ủng hộ. Không có công ty nào đồng ý thảo luận về những hàng hóa của Ivanka Trump cũng như chi tiết về việc bán những mặt hàng đó ra sao.

Nhiều công ty lớn như L.L. Bean, Macy’s vẫn cảm thấy họ đang trong tầm nhắm của cơn bão trên mạng xã hội, thương hiệu Ivanka Trump đương nhiên vẫn là đích chính.

Phát ngôn viên của một thương hiệu nổi tiếng cho biết: “Hiện tại, chúng tôi thấy rõ là thương hiệu của chúng tôi bị cuốn vào trong cơn bão xung đột chính trị, gây ra những thiệt hại không lường trước được, ngay cả với những mặt hàng chúng tôi sản xuất theo thị hiếu của khách hàng quen thuộc lâu năm”.

Công ty sản xuất quần áo, giầy dép, dụng cụ thể thao Under Armour cũng bị hút vào cơn bão tố nguy hiểm khi Kevin Plank, giám đốc công ty, nói rằng Donald Trump là một “Tài sản thật sự” cho đất nước. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, một dấu hiệu hashtag # tẩy chay Under  Armour được dựng lên trên mạng truyền thông xã hội. Under Armour nhanh chóng hành động, tìm cách giảm thiểu thiệt hại, Kevin Plank nhấn mạnh rằng ông chỉ muốn nói đến sự ủng hộ chính sách điều hành thương trường chứ không phải quan điểm chính trị của ông Trump về mặt xã hội.

Cho đến giờ phút hiện tại, chưa thể ước tính được phong trào tẩy chay cùng các hoạt động đang hình thành sẽ tác động ra sao đến tình hình doanh thu các doanh nghiệp, đặc biệt là các cửa hàng lớn đang phải vất vả đối phó với sự sa sút doanh thu nặng nề trên bảng tổng kết.

Công ty Ivanka Trump cho biết, mức độ tăng trưởng doanh thu của công ty năm 2016 ở 2 số, tức trên 10% và họ đang tiếp tục kế hoạch làm tăng số doanh thu này.

Các công ty sản xuất hàng hóa tiêu thụ từ lâu đã phải đối mặt với sự chống đối sản phẩm của họ vì lý do chính trị, xã hội hoặc môi trường. Người dân đã tẩy chay hàng hóa sử dụng lao động bóc lột, hóa chất nguy hiểm cũng như microbead (một loại hạt nhựa plastic, đường kính nhỏ khoảng 2mm dùng rất nhiều trong mỹ phẩm trước đây, nay đã bị cấm). Hiện nay họ còn phải chịu áp lực nặng nề hơn vì mạng xã hội tác động rất mạnh vào chính trị.

Sau khi Nordstrom dẹp hết các sản phẩm của Ivanka Trump, những người chống đối với Donald Trump đã reo hò, ủng hộ quyết định này. Tuy nhiên, cũng không ít người phản ứng trái ngược, như Josh Cornett, 37 tuổi – một Trumpist – nói với 25.000 người ủng hộ mình rằng không nên mua sắm ở các cửa hàng (Nordstom) đó nữa: “Điều tất cả các bạn cần làm là viết ra một câu và các bạn đã làm xong. Tất cả những điều gì giúp đỡ ông ta (ý nói Trump) tôi sẽ cố gắng xúc tiến. Nếu ai tấn công ông ấy, tôi sẽ bảo vệ”.

Nordstrom cho biết, các mặt hàng mang nhãn hiệu Ivanka Trump bán không chạy, số lượng hàng tồn đọng vẫn được lưu trữ trong kho các cửa hàng. Tuy nhiên điều đó không thể thay đổi cách nhìn sự việc chỉ qua lăng kính chính trị của những người như Cornett.

Maurice Schweitzer, giáo sư về Điều hành, Dữ kiện và Quyết định ở trường Wharton, thuộc đại học Pennsylvania, nói rằng: “Các công ty đang bị lôi kéo vào cơn lốc biểu lộ ý thức chính trị của người tiêu thụ, điều chưa hề xẩy ra trong quá khứ”.

Nordstrom là một trong gần 60 công ty đang nằm trong kính nhắm của Grab Your Wallet, một chiến dịch nhằm tẩy chay hàng hóa online của những doanh nghiệp có liên hệ với thương hiệu Trump. Phong trào này cũng tấn công luôn cả những công ty đã từng quyên góp tài chánh hay tham gia quảng cáo chương trình “The Celebrity” mà Trump được ghi nhận là một trong những nhà sản xuất

Một vài công ty lớn, trong đó có Macy’s là một trong những cửa hàng bách hóa lớn nhất ở Mỹ vẫn tiếp tục bán các sản phẩm quần áo, giầy, dép, túi xách… của Ivanka Trump, tên của họ do đó vẫn nằm trong danh sách tẩy chay của Grab Your Wallet. Macy’s đã từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề. Tuy nhiên nhiều công ty có tên trong danh sách đã cho biết, họ không chọn đứng về phía nào và lập trường đó cũng không nên, vì có khả năng họ bị tẩy chay từ cả hai phía.

Một thí dụ là L.L. Bean. Vào những ngày trước khi nhậm chức tổng thống, Donald Trump có gửi một tin nhắn trên Twitter, cám ơn sự yểm trợ của Linda Bean, thuộc L.L. Bean, đồng thời kêu gọi mọi người nên mua hàng hóa của công ty này. Không lâu sau đó, công ty có trụ sở ở Maine này rơi vào tầm nhắm tẩy chay, và công ty này xuất hiện trong danh sách của Grab Your Wallet.

Trong một tuyên bố phổ biến trên mạng xã hội và các nơi khác, ông Shawn Gorman, chủ tịch công ty L.L. Bean đã yêu cầu chiến dịch Grab Your Wallet lấy tên công ty ra khỏi danh sách tẩy chay vì Linda Bean, người đã yểm trợ Donald Trump chỉ là một trong hơn 50 thành viên quản trị công ty. L.L. Bean, không tham gia vào hoạt động chính trị của ứng cử viên hay nhận định về quan điểm chính trị của họ. Ông Shawn Gorman nói, “Chúng tôi không tham gia chính trị”.

Tuy nhiên nhiều công ty khác biểu lộ rõ ràng, cho thấy họ sẵn sàng tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị. Cuối tháng 1/2017, sau khi Donald Trump ký sắc lệnh di trú mới, Howard Schultz, chủ tịch tập đoàn Starbucks tuyên bố sẽ nhận 10.000 người tị nạn vào làm việc cho công ty trong vòng 5 năm tới. Giống như Nordstrom, phản ứng này gây chia rẽ nặng nề trong xã hội.

Giáo sư Schweitz nói: “Một sự khác biệt khuynh hướng thật rõ ràng đã xuất hiện. L.L. Bean muốn tránh xa chuyện chính trị, cho biết không chọn đứng về bất cứ bên nào”. Nhưng Schultz ngược lại, lãnh đạo công ty Starbucks theo khuynh hướng tự do hơn. Ông ta tổ chức việc kinh doanh với cộng tác viên, phục vụ khách hàng theo một phương thức khác.

Cuộc chiến ý thức chính trị về hàng hóa tiêu dùng ở Mỹ này sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ ra sao? Còn chờ thời gian và phải thống kê mới biết được. Liệu sẽ có ảnh hưởng đến cộng đồng Người Việt Hải Ngoại hay người dân trong nước? Cũng không thể biết được, nhưng nếu có chắc cũng không đáng kể, người VN ở đâu cũng thế, thường thờ ơ với tất cả những gì không trực tiếp tác động, ảnh hưởng đến mình, nhất là về chính trị.

Hàng hóa, quần áo, xách tay, túi đeo vai, giầy, dép… của Ivanka sản xuất từ Trung Cộng? Liệu người Việt hay người Mỹ gốc Việt có tiếp tục mua hay tẩy chay? Với một số người, miễn rẻ, đẹp, hợp thời trang… là OK! Nhằm nhò gì ba cái chi tiết lẻ tẻ.