Cuba (FB Nancy Nguyễn)
Phương tiện lưu
thông chủ yếu trên đường là xe hơi, xe 2 bánh hầu như rất hiếm hoi. Như
một ốc đảo mắc kẹt trong quá khứ, đường phố Havana tràn ngập xe cổ,
những chiếc xe tuổi đời chắc cao hơn tuổi tôi rù rì lướt ngang, hồn
nhiên ... nhả khói, thứ khói đen đặc quánh cho tôi nhớ lại những chiếc
cam-nhong của tuổi thơ, mỗi lần hắn chạy ngang là cái đứa tôi lại ... rú
lên, tìm chỗ trốn.
Phần 1: HAVANA
Rời thành phố đảo Key West,
Florida, điểm cực nam của nước Mỹ, tôi vượt vỏn vẹn 45 phút bay để đến
Havana, Cuba, một trong 5 quốc gia cuối cùng trên thế giới còn kiên định
theo chủ nghĩa Cộng Sản.
Havana đón tôi bằng cái nắng dịu dàng
của một ngày mùa xuân, bằng trần sân bay quốc tế dột nước, bằng một tấm
băng rôn "khu vực đang thi công" tiếng Anh vương vãi lỗi, và bằng một
hàng dài người rồng rắn đứng đợi đổi tiền, 1 quầy duy nhất, hoạt động
rất ... khoan thai, nên hơn 10' trôi qua mà dãy người hầu như không nhúc
nhíc. Một điểm cộng là hoàn toàn không có hiện tượng chen lấn, cắt
hàng, mọi người đều rất kiên nhẫn chờ đến phiên mình. (Có lẽ vì mấy bạn
Ching Chong ứ thèm đến đây du lịch, he he!) Cái chuyện đổi tiền này cũng
buồn cười lắm nè, nữa kể cho nghe, đi rồi mới thấy những thứ kỳ khôi
chỉ có ở các xứ ... thiên đường.
Hít một hơi thật sâu, nghe mùi ... khói bụi như quê nhà, Havana, Cuba ... miền đất thay phiên VN canh giữ hoà bình thế giới ...
Một thời gian rất dài, người Mỹ không được phép đến Cuba du lịch, cùng
với lệnh cấm vận, khiến Cuba gần như bị cô lập trong 1 ốc đảo lãng quên
của thế giới. Mãi cho đến gần đây khi nội tại Cuba có những chuyển biến
tuy ngầm nhưng dữ dột, đánh dấu bằng sự chuyển giao quyền lực từ Fidel
Castro qua người em Raul Castro, thiện chí mở cửa 1 phần, dẫn đến chuyến
thăm của Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô đệ Nhất vào tháng 8 năm 2015, tiền
đề của những bang giao trực tiếp Cuba - Mỹ, đánh dấu bằng chuyến thăm
của chính tổng thống Hoa Kỳ từ trước thời JFK - những năm 50 của thế kỷ
trước.
Nhắc lại chuyện tiền nong, Cuba cho phát hành 2 loại tiền
giấy, 1 là đồng Peso phổ thông sử dụng cho người dân Cuba (đồng CUP), có
mệnh giá khoảng 26 Peso cho 1USD, và đồng Peso "convertible" (đồng CUC)
chỉ dành riêng cho du khách, chỉ có đồng tiền này mới có giá trị đổi ra
ngoại tệ. Điều buồn cười là mặc kệ mọi nguyên tắc kinh tế, tài chính,
chính phủ Cuba ấn định tỉ giá 1USD chỉ bằng có 0.9 Peso Convertible! Nghĩa là 1 Peso giá trị hơn 1 đô la! (đừng thắc mắc,
mình thích thì mình ra giá thôi!) Chưa kể, đổi $200 thì nhà nước tính $20 tiền phí, thành ra, $200 đổi được ... 175 Peso.
(Nói đến đây phải mở 1 cái ngoặc đơn: Tôi biết một số báo sẽ đem bài này
về đăng, chỉ xin 1 điều là lược bớt mấy khúc trong ngoặc, còn quý bạn
vẫn kiên trung "không sửa đổi" thì đành ... chúc may mắn vậy).
Nhưng cũng chính từ chuyện cười ra nước mắt với 2 đồng peso này, tôi sẽ
kể hầu bạn câu chuyện về một người đàn ông khiến tôi xúc động, nó nuôi
dưỡng trong tôi một hy vọng đẹp vào ngày mai.
Taxi không máy lạnh đưa chúng tôi về khách sạn ở trung tâm thủ đô.
Nơi tôi ở, giá trên $100 mỗi đêm, máy lạnh mát rượi, ti vi màn hình
phẳng, 1 tủ lạnh mini, không nước nóng, mà ngay cả nước lạnh thì cũng
chỉ ... róc rách róc rách thôi. (Thú thực là tôi không dám tắm, tại gội
đầu kiểu này không biết bao giờ mới ... hết xà bông!) Thang máy thì ...
hên xui, nhưng không sao, ta luôn có ... thang bộ, chỉ ... 6 tầng thôi
chứ mấy đâu! Và tất nhiên là không có internet. Cả cái cõi Havana này,
tôi chỉ kiếm được đúng 1 chỗ có mạng, và họ tính $2/hr. (Nhưng mặc kệ,
tôi đến đây đâu phải để lại úp mặt vào FB he he!)
Phương tiện lưu
thông chủ yếu trên đường là xe hơi, xe 2 bánh hầu như rất hiếm hoi. Như
một ốc đảo mắc kẹt trong quá khứ, đường phố Havana tràn ngập xe cổ,
những chiếc xe tuổi đời chắc cao hơn tuổi tôi rù rì lướt ngang, hồn
nhiên ... nhả khói, thứ khói đen đặc quánh cho tôi nhớ lại những chiếc
cam-nhong của tuổi thơ, mỗi lần hắn chạy ngang là cái đứa tôi lại ... rú
lên, tìm chỗ trốn.
Nếu bạn chỉ ngồi trên những chiếc xe ngoạn
cảnh "City view" thì phố phường Havana hiện ra dịu dàng như những ngôi
làng cũ kỹ của Tây Ban Nha hay Thổ Nhĩ Kỳ với những ngôi nhà xinh xắn,
đẹp đẽ màu thời gian. Nhưng chỉ cần bát bộ 1 chuyến, nhìn qua những chấn
song của những mặt tiền được tu bổ gọn gàng, tươm tất là những liếp nhà
đã vô cùng xuống cấp, bừa bộn, loang lổ, có khi bể vụn ngay trong lòng
thủ đô. Có những toà nhà lớn được chống đỡ bằng vài cây gỗ, nâng chịu cả
một tảng bê tông của một ban công rộng lớn. Người ta vẫn ở đó, hồn
nhiên như lá cỏ.
Đứng bên này Đại Tây Dương, nhìn những cánh hải
âu chao mình trên sóng sớm, tôi cứ nghĩ hoài về những con người được
sinh ra ở 2 bên bờ, cách nhau chỉ vài chục dặm, đôi khi con người ta còn
chẳng được như chim, có thể đến, có thể đi, tuỳ sức mình tung cánh. Gió
thổi tung tóc rối, chợt thèm nắm một bàn tay.
Phần 2: MỘT HAVANA KHÁC
Trip advisor đưa chúng tôi đến 3 nơi,
công viên Trung Tâm, Havana cổ, và công viên Lênin. Và đây, một Havana
khác hẳn, cổ kính, trầm nghiêm, kiêu hãnh.
Công viên trung tâm là
một quảng trường rộng, đẹp kiến trúc Âu Châu. Một góc quảng trường toạ
lạc nhà cũ của văn hào lẫy lừng Ernest Hemingway, nay tràn ngập du khách
nước ngoài (xin lỗi, tui không vào thử), có đám trẻ con học thể dục
trên sân, ánh nhìn rạng rỡ, một tốp thiếu niên đang chơi bóng (chịu
thua, không biết bóng gì. Không phải bóng đá vì họ dùng tay, không phải
bóng chuyền vì không có lưới, cũng không phải bóng rổ vì không có rổ),
nét mặt rạng rỡ, tươi như ngày nhỏ mình chơi năm mười. Mấy con bồ câu
mập ú lững thững đi lại trên sân, thi thoảng lắm, trong hoàn cảnh ...
sinh tử vì có nguy cơ bị ... đạp lên đầu, tụi nó mới chịu bay. Khung
cảnh thanh bình của một sớm mùa xuân trong veo. Khách du lịch thong dong
chụp hình rồi tạt vào một quán cà phê ngoài trời cũng kiểu Âu rất đẹp,
ngồi nhấm nháp vừa xem lại những khuôn hình mới chụp.
Tôi ngồi
lại ở một ghế công viên, dưới bóng phượng xanh um lá, có chú mèo hoang
bị hư một mắt, mắt còn lại biếc màu đại dương đến ngồi dưới chân, duỗi
dài hưởng nắng, rồi lại liếm liếm bộ lông. Tôi cúi xuống vuốt đầu hắn,
hắn ở lại với tôi. Người với mèo, cứ vậy, lặng lẽ ngắm nhìn một sớm bình
yên, cho đến khi tôi phải đi tiếp.
Cần chú thích một chút để rộng đường dư luận là, trước khi người Mỹ
được phép du lịch vào Cuba, chúng tôi hoặc phải đi vòng qua Canada, hay
một quốc gia vùng Nam Mỹ, từ đó xin 1 giấy phép đặc biệt để vào Cuba,
hoặc phải đi theo 1 chương trình công tác được chính phủ Cuba chấp
thuận, và trong cả 2 trường hợp, chúng tôi chỉ được phép tham quan theo 1
hướng dẫn tương đối chặt chẽ, và 3 địa điểm kể trên là những nơi chính
phủ Cuba cho phép chúng tôi ghé thăm. Nói vậy để quý bạn có sự lượng giá
cho riêng mình cho độ trung thực của những gì tôi chứng kiến.
Havana Cổ là một góc phố đẹp đến khó thở với những kiến trúc lộng lẫy. Ở
VN chúng ta có thứ tương tự nhưng không tinh xảo và hoàn mỹ bằng, là
các kiến trúc thuộc Pháp như Nhà Thờ Đức Bà, khách sạn Continental, Bưu
Điện trung tâm, dinh Độc Lập .v.v. vì được người Pháp xây trong thời kỳ
đô hộ. Những toà nhà ở đây được đế chế Tây Ban Nha, một trong những nền
văn minh phồn thịnh nhất thời cận đại, xây dựng nguy nga như những toà
lâu đài nối tiếp nhau. Cả một Châu Âu thu nhỏ trong tầm tản bộ. Đường
phố ngập tràn du khách dạo chơi và những nhà hàng sang trọng.
Duy
có điều, chúng tôi tìm mãi mới ra một chỗ đổi thêm tiền, đó là ngân
hàng trung tâm, nhưng rồi lại quyết định không đổi nữa, vì hàng người
nối nhau chỉ để vào được ngân hàng thôi đã dài lắm rồi. Một lần nữa,
điểm cộng là không có hiện tượng chen ngang, lấn lượt. Tip nhỏ cho quý
vị nào muốn thăm Havana, sau chúng tôi mới biết là có thể đổi tiền ngay
tại khách sạn.
Tôi ngồi lại 1 lúc lâu, nhìn ngắm những toà nhà
ngạo nghễ được xây cất bởi mẫu quốc ở một thuộc địa, lại được chính phủ
mới gìn giữ, bảo tồn, tu tạo, giữ được hầu như vẻ ban sơ, trở thành 1
phần di sản của đảo quốc này, thấy đau đớn khi nghĩ về thương xá Tax,
nhà thờ cổ Nha Trang, Vũng Tàu, Bưu Điện Trung Tâm với "màu áo mới",
nhưng đớn đau nhất vẫn là những công trình "trùng tu" các di sản của
chính cha ông mình, năm này là Chùa Một Cột, năm khác tới lượt nhà bia
Quốc Học Huế, năm nay đình này, năm sau miếu nọ. Cứ lần lượt, cái hồi
non nước "hoá thân" thành các đại dự án giải ngân, oằn mình theo từng
nhát dao cạo. Để rồi mỗi lần khoác lên một màu áo mới, cái gốc của tổ,
cái hồn của sử, cái lòng của dân cũng ít nhiều theo cát bụi bay đi.
Sẽ còn lại gì cho mai sau?