Không phải "nước Mỹ thất bại" mà là "mô hình tổng thống" đã lỗi thời ! (Việt Hoàng-Thông Luận)
Nếu
chúng ta đồng ý với nhau rằng làm chính trị cũng cần đòi hỏi chuyên môn
và kiến thức thì việc để người dân chọn lựa tổng thống là quá nguy
hiểm. Người dân không thể nào có đủ hiểu biết (do hạn chế bởi thời gian,
khoảng cách và công việc) để nhận ra những người có đủ tiêu chuẩn,
trình độ dẫn dắt và lãnh đạo đất nước. Chính vì thế mà nhiều người dân
tham gia các cuộc "bầu cử sơ bộ" trong đảng ở các nước theo chế độ tổng
thống thường hời hợt, cảm tính với những tiêu chuẩn thấp và cực đoan.
Các cuộc bầu cử tổng thống thời hậu cộng sản tại các nước Liên Xô cũ còn
tệ hại đến mức các chính trị gia mua phiếu của cử tri bằng vài cân
đường hay vài chai dầu ăn.
Xin
được nói ngay rằng câu "nước Mỹ thất bại" là của ông Francis Fukuyama,
một nhà kinh tế, chính trị học nổi tiếng của Mỹ qua bài viết "Mỹ : Một
đất nước thất bại" (1).
Nước
Mỹ là một đất nước dân chủ và vĩ đại bậc nhất trên thế giới. Ông Obama
đắc cử tổng thống năm 2008 với khẩu hiệu "Chúng ta cần thay đổi" và năm
2016 ông Trump trở thành tổng thống Mỹ với khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ
đại trở lại".
Tôi
không yêu, không ghét ông Trump vì tôi không phải là công dân Mỹ và vì
tôi tin rằng người dân Mỹ có thể sửa chữa mọi sai lầm, nếu có.
Những
chính sách mà ông Trump thực thi sau khi bước chân vào nhà Trắng đã gây
ra một cơn "địa chấn chính trị" trong xã hội Mỹ và cả thế giới. Nhưng
dù kết quả sau cùng ra sao thì nước Mỹ vẫn là mẫu mực của dân chủ và vẫn
tiếp tục dẫn dắt thế giới.
Tôi
có viết một bài về ông Trump, trong đó tôi đã thử phác thảo "chân dung"
của ông qua bài diễn văn nhậm chức với những nhận định và đánh giá chủ
quan của mình. Đó là một cách "nhìn văn đoán người" chứ không mang cảm
tính yêu-ghét (2). Dư luận Việt Nam nổi sóng và tranh cãi khá dữ dội về
ông Trump, sự bất an của người dân Mỹ và cả thế giới trong đó có Việt
Nam là có thật. Rồi ông Trump sẽ nhận ra rằng lãnh đạo một quốc gia
khổng lồ và phức tạp như nước Mỹ khác với điều hành một tập đoàn kinh
tế. Tổng thống Mỹ có nhiều quyền hành nhưng vẫn dưới quyền Quốc hội Mỹ
và Mỹ có cơ chế tam quyền phân lập để kiểm soát tổng thống. Sắc lệnh của
một thẩm phán chống lại lệnh cấm của tổng thống không cho công dân 7
nước Hồi giáo nhập cư vào Mỹ là một ví dụ.
Qua
hiện tượng Trump chúng tôi muốn phân tích thêm về "mô hình tổng thống"
vì muốn hay không thì Việt Nam cũng phải thay đổi và khi đó Việt Nam
phải lựa chọn giữa ba mô hình "tổng thống", "bán tổng thống" và "nghị
viện".
Có hai hậu quả nổi bật trong chế độ tổng thống đó là :
1. Mô hình tổng thống làm suy yếu và thậm chí làm tan rã các chính đảng.
Ông
Trump không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp, ông chỉ tham gia
vào đảng Cộng hòa trước khi có ý định ra tranh cử tổng thống. Nhiều
chính trị gia trong đảng Cộng hòa không thích ông Trump nhưng không làm
gì được. Một đảng Cộng hòa lâu đời với nhiều chính trị gia dày dạn kinh
nghiệm và thành tích đã bị "tân binh" Trump chế ngự và thao túng. Ông
Trump đã làm tê liệt đảng Cộng hòa bằng cách đẩy "tính hữu" của đảng đến
tận cùng, điều mà các chính trị gia Cộng hòa khác không dám làm.
Chúng ta nên nhớ rằng "các
chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là môi trường
sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra cho đất
nước". Chính vì không được đào tạo trong môi trường của tổ chức nên
ông Trump đã có những phát ngôn gây sốc cho cả thế giới. Không ai biết
được ông ta đang nghĩ gì và sẽ làm gì. Điều này có người cho là hay
nhưng đừng quên rằng Mỹ là quốc gia đang lãnh đạo thế giới. Trật tự thế
giới sẽ đảo lộn bởi những lời nói và hành động bất nhất, vội vã và áp
đặt của Trump. Hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người Trung Đông
phải rời bỏ quê hương ly tán vì chính sách "không can thiệp" của Obama
vào khu vực này.
Tất
nhiên là người Mỹ cũng lường trước sự việc nên đã dành cho Quốc hội vai
trò lớn hơn nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền của tổng thống. Nhưng qui trình
của việc phế truất hay luận tội một tổng thống rất phức tạp và tốn
nhiều thời gian. Cho đến lúc đấy thì nhiều hậu quả đã xảy ra.
2. Mô hình tổng thống dẫn đến việc bầu bán vô trách nhiệm.
Chắc
chắn chỉ có các chế độ tổng thống mới sinh ra một chuyện vô cùng kỳ
quái là trước khi có bầu cử chính thức tổng thống đã diễn ra các cuộc
"Bầu cử sơ bộ" do người dân bỏ phiếu, trong các chính đảng để chọn ra
một ứng cử viên ra tranh cử với các đảng phái khác. Ông Trump và bà
Hillary Clinton phải trải qua các cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang như là
thi hoa hậu trước khi vào vòng bầu cử chung kết giữa hai đảng để trở
thành tổng thống. Cuộc bầu cử tổng thống Pháp cũng đang diễn ra như vậy.
Ứng cử viên tổng thống thuộc cánh hữu Fillon đang bị cáo buộc về tiền
bạc liên quan đến vợ con và đang gặp khó khăn, tỷ lệ ủng hộ sa sút
nghiêm trọng dù trước đó ông đang là ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc
ghế tổng thống Pháp. Một nhân vật bất ngờ nhảy ra ứng cử nhưng lại có
cơ hội trở thành tổng thống Pháp là cựu bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, 39 tuổi.
Vì
sao chúng tôi cho rằng việc "bầu cử sơ bộ" của các đảng phái trong chế
độ tổng thống là kỳ quái ? Lý do thực ra rất giản dị, các chính trị gia
và các đảng phái đã "chuyển giao" việc lựa chọn người lãnh đạo của mình
cho người dân. Tức là các chính trị gia đã từ nhiệm vai trò và bổn phận
của mình là đại diện cho người dân. Các chính trị gia lý luận rằng đường
nào thì người dân cũng là người cuối cùng lựa chọn tổng thống thông qua
lá phiếu của mình vậy hãy để họ chọn trước cũng là hợp lý.
Câu
hỏi đặt ra ở đây là, vậy các chính trị gia sẽ làm gì ? Vai trò của họ
có cần thiết nữa không ? Sứ mệnh của các chính đảng đã đến hồi kết thúc ?
Một
vấn đề thú vị và có tính triết học được đặt ra : lá phiếu của một người
dân bình thường với một chính trị gia có giống nhau hay không ? Nếu
theo phổ thông đầu phiếu thì giống nhau nhưng chắc chắn chất lượng sẽ
khác nhau và đây là ranh giới mong manh giữa "dân chủ" và "trí tuệ".
Tương tự như "công lý" và "bao dung", nếu một kẻ có tội và muốn công lý
được thực thi thì phải trừng phạt kẻ có tội nhưng trừng phạt bao nhiêu
là đủ để đảm bảo cho sự bao dung? Hay sự "công bằng" và "giàu có", nếu
chúng ta lên án chủ nghĩa tư bản dã man vì sự bất bình đẳng giữa các
giai cấp thì chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ vì sự "cào bằng" thành quả của
người lao động…
Nếu
chúng ta đồng ý với nhau rằng làm chính trị cũng cần đòi hỏi chuyên môn
và kiến thức thì việc để người dân chọn lựa tổng thống là quá nguy
hiểm. Người dân không thể nào có đủ hiểu biết (do hạn chế bởi thời gian,
khoảng cách và công việc) để nhận ra những người có đủ tiêu chuẩn,
trình độ dẫn dắt và lãnh đạo đất nước. Chính vì thế mà nhiều người dân
tham gia các cuộc "bầu cử sơ bộ" trong đảng ở các nước theo chế độ tổng
thống thường hời hợt, cảm tính với những tiêu chuẩn thấp và cực đoan.
Các cuộc bầu cử tổng thống thời hậu cộng sản tại các nước Liên Xô cũ còn
tệ hại đến mức các chính trị gia mua phiếu của cử tri bằng vài cân
đường hay vài chai dầu ăn.
Nếu để nội bộ các chính trị gia đảng Cộng hòa chọn ra ứng cử viên tổng thống thì chắc chắn ông Trump khó lòng được lựa chọn.
Mặt
khác, bất cứ trong một xã hội nào và vào bất cứ thời điểm nào của lịch
sử thì tầng lớp trí thức (đặc biệt là trí thức chính trị) cũng phải đi
trước để dẫn đường cho quần chúng thay vì chạy theo quần chúng.
Chỉ
có các chính trị gia mới hiểu được sự phức tạp của chính trị và khả
năng lãnh đạo đất nước của một người nào đó, vì vậy, để các nghị sĩ quốc
hội chọn ra một thủ tướng lãnh đạo quốc gia theo mô hình "nghị viện" là
thích hợp nhất và đặc biệt với một đất nước chia rẽ và mất đoàn kết như
Việt Nam hiện nay. Đa số các nước phát triển và văn minh nhất hiện nay
trên thế giới đều theo mô hình "nghị viện" như Đức, Anh, Nhật, Úc, Ý,
Canada, Singapore, các nước Bắc Âu…
Sự
nguy hiểm, phức tạp và bấp bênh của mô hình tổng thống, chúng tôi đã
trình bày rõ trong dự Án chính trị "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai", chương
6 : Thể chế và Hiến pháp cho Cộng hòa Việt Nam (3).
Mời độc giả cùng tham khảo (trích):
"Chế độ đại nghị : thể chế dân chủ và ổn vững nhất
Quyết
tâm của chúng ta là thực hiện dân chủ một cách hiệu quả nhất và ngăn
chặn sự trở lại của bất cứ một hình thức độc tài nào. Chúng ta lựa chọn
thể chế chính trị trên căn bản của quyết tâm đó. Việc đầu tiên phải làm
là chọn lựa giữa một trong ba công thức: chế độ tổng thống, chế độ bán
tổng thống và chế độ đại nghị.
Trước
hết, chúng ta dứt khoát loại bỏ chế độ tổng thống, nghĩa là chế độ
trong đó một người được dân chúng trực tiếp bầu cử theo phổ thông đầu
phiếu và nắm trọn quyền hành pháp. Chế độ này có nhiều tật nguyền không
thể chấp nhận được. Ta có thể kể hai tật nguyền thông thường nhất.
Tật
nguyền đầu tiên ở ngay trong thể thức bầu cho một người thay vì cho một
chính đảng. Lối bầu này khiến các chính đảng không lớn mạnh được vì
điều kiện chính để nắm chính quyền là một nhân vật có sức thu hút cử
tri, như thế điều kiện cốt lõi là có một ủy ban vận động tranh cử tốt
chứ không phải một bộ máy đảng. Ông hay bà ta có thể được bầu vì những
lý do hời hợt như trẻ đẹp, đi đứng duyên dáng, nói năng hùng hồn, v.v.
hơn là vì uy tín của đảng mình và khả năng chính trị của mình. Ứng cử
viên này một khi đã đắc cử sẽ chế ngự đảng chứ không lệ thuộc đảng. Kinh
nghiệm cho thấy là trong mọi chế độ tổng thống, kể cả Hoa Kỳ, không có
những chính đảng mạnh như trong các chế độ đại nghị và đây là một thiệt
hại lớn vì các chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là
môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra
cho đất nước.
Tật
nguyền thứ hai là nó dành quá nhiều quyền cho một người trong một thời
gian được quy định trước. Trong hoàn cảnh của một nước chưa có truyền
thống dân chủ, nó rất dễ dẫn tới lạm quyền và độc tài với hậu quả là đàn
áp, bạo loạn, thậm chí nội chiến. Hơn nữa nếu tổng thống vì bất cứ lý
do nào bị mất uy tín giữa nhiệm kỳ thì sinh hoạt quốc gia sẽ bế tắc nguy
hiểm trong suốt thời gian còn lại vì tổng thống không thể bị thay thế.
Trên
mặt thuần túy lý thuyết chế độ tổng thống có ưu điểm là đảm bảo một
chính quyền mạnh có khả năng quyết định mau chóng những chọn lựa chiến
lược cần thiết, nhưng thực tế hiện nay là nguy cơ chiến tranh không còn
nữa, ngay cả chiến tranh lạnh cũng đã chấm dứt, nhu cầu có một chính
quyền mạnh để lấy những quyết định quan trọng một cách nhanh chóng không
còn đặt ra nữa. Vả lại điều gì một tổng thống có thể làm, một thủ tướng
được đa số trong quốc hội yểm trợ cũng có thể làm. Sự thật lịch sử là
cho tới nay, trừ trường hợp của Hoa Kỳ, tất cả mọi chế độ tổng thống
trên thế giới đều đã thất bại, hoặc dẫn tới một chế độ độc tài cá nhân,
như trường hợp của hầu hết các quốc gia theo chế độ này, hoặc dẫn tới
một xung đột bế tắc giữa hành pháp và lập pháp.
Chính
sự thất bại của các chế độ tổng thống đã đưa đến sự xuất hiện của các
chế độ "bán tổng thống", nghĩa là vừa có một tổng thống vừa có một thủ
tướng. Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa chia sẻ một phần quyền
hành pháp, nhiều hay ít theo quy định của hiến pháp, với một thủ tướng
chịu trách nhiệm trước quốc hội trong đa số các trường hợp. Tổng thống
do phổ thông đầu phiếu trực tiếp bầu ra nên uy thế rất lớn, ngang hàng
với một tổng thống trong chế độ tổng thống thuần túy ngay cả khi quyền
hiến định có thể khác. Uy thế này là một bảo đảm cho ổn vững chính trị,
tương tự như một chế độ tổng thống, bù lại cái giá phải trả là, một mặt,
một số bất lợi của chế độ tổng thống và, mặt khác, những mâu thuẫn về
thẩm quyền không tránh khỏi trong nội bộ hành pháp giữa tổng thống và
thủ tướng.
Các
chế độ bán tổng thống có tác dụng giảm bớt những bất lợi của chế độ
tổng thống bằng cách dung hòa nó với chế độ đại nghị. Đã có một số chế
độ bán tổng thống thành công. Tuy nhiên, chế độ bán tổng thống là một
chế độ rất phức tạp, bản chất và nội dung chế độ có thể thay đổi tùy
theo những yếu tố tình cờ: tổng thống và thủ tướng cùng đảng hay khác
đảng, nhiệm kỳ của tổng thống và của quốc hội ngắn dài bằng nhau hay
khác nhau, tổng thống hay quốc hội mới được bầu gần đây, v.v.
Trong
một chế độ đại nghị, quyền hành pháp ở trong tay một thủ tướng do quốc
hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước quốc hội. Như thế khi bầu ra một
quốc hội, một cách gián tiếp, người dân cũng chọn lựa một thủ tướng. Ưu
điểm của chế độ đại nghị là người dân bầu trước hết cho một dự án chính
trị của một đảng thay vì cho một người và sau đó chọn lựa một dân biểu
trong số những ứng cử viên sinh hoạt gần gũi với họ mà họ có điều kiện
để đánh giá; qua dân biểu của họ, họ cũng có khả năng theo dõi và kiểm
soát một cách thường trực sinh hoạt của chính phủ.
Thể
chế đại nghị là thể chế dân chủ nhất và cũng là thể chế đúng đắn nhất,
với điều kiện là không dẫn tới tình trạng lạm phát chính đảng và một
quốc hội tê liệt vì bị phân hóa giữa nhiều khuynh hướng đối nghịch. Điều
kiện này, như kinh nghiệm đã chứng minh, có thể thỏa mãn được bằng cách
bầu tất cả hoặc phần lớn các dân biểu quốc hội theo phương thức bầu cử
đơn danh và một vòng.
Chúng ta chọn lựa chế độ đại nghị vì sự giản dị và tính dân chủ cao của nó".
(hết trích)
Việt Hoàng (08/02/2017)
Ghi chú :
(2) http://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/525-chan-dung-tan-t-ng-th-ng-m-qua-bai-di-n-van-nh-m-ch-c