Cấm khẩu vì hộ khẩu (VNE)
Thật khó tin là đến năm 2017 này, người dân lập nghiệp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM vẫn còn bị ràng buộc bởi những quy định vô lý về hộ khẩu. Những bức xúc vì sự phiền hà, lạc hậu và tiêu cực trong quản lý hộ khẩu và bức xúc với các chính sách thiếu công bằng đi kèm hộ khẩu đối với cư dân vẫn là đề tài được bàn tán mỗi khi người dân có việc đến cửa công.
Năm 1996 tôi tốt nghiệp đại học, rồi trúng tuyển vào một cơ quan nhà nước cấp bộ. Điều này đồng nghĩa với việc tôi sẽ được nhập khẩu Hà Nội.
Lúc đó, tuy không còn tiêu chuẩn phân nhà, sổ gạo, nhưng được nhập khẩu vào Hà Nội là mơ ước của nhiều người.
Cầm quyết định của cơ quan, tôi hăm hở vào gặp
trưởng phòng quản lý sinh viên của trường đại học, nơi tôi cắt
chuyển khẩu tạm thời từ quê lên để ở suốt 4 năm đại học. Không
may cho tôi, trưa đó, thầy giáo kiêm trưởng phòng vừa đi uống rượu
về. Ông thầy nổi tiếng khó chịu này cuối cùng đuổi tôi ra khỏi
phòng, vì cái tội phản ứng với mùi rượu nồng nặc từ miệng ông.
Tôi đạp xe từ Thượng Đình về Lý Thường Kiệt,
thề sẽ không bao giờ quay lại lấy cái giấy vô lý ấy. Và rồi tôi
làm thật. Một tháng sau, khi trưởng ban tổ chức cán bộ hỏi, tôi
bảo mình không cần nhập khẩu nữa. Trưởng ban hỏi đi hỏi lại rồi chốt
rằng, chỉ tiêu của tôi sẽ được dành cho người khác.
Không biết người được dành sự may mắn ấy là ai. Còn tôi những năm về sau thật khốn đốn vì quyết định của mình.
Rời khỏi cơ quan cấp bộ, tôi chuyển sang làm
việc cho văn phòng đại diện của một đơn vị từ TP HCM. Biết bao
nhiêu cơ hội mua nhà trôi qua, chỉ vì tôi không thể nào nhập khẩu.
Lúc đó, ở Hà Nội, muốn mua nhà, thì phải có hộ khẩu, mà muốn
nhập khẩu, thì phải có nhà. Vô phương. Nhưng vì còn trẻ và chưa lập
gia đình, nhà thì cũng mua lại một căn bằng giấy viết tay, nên
tôi mặc kệ.
Những năm đó, không có hộ khẩu ở Hà Nội thực sự
khiến tôi cấm khẩu với các quyền lợi của một cư dân. Một
người ngụ cư không bỏ phiếu, một người ngụ cư không sinh hoạt
đoàn thể, một người ngụ cư không có suất gửi trẻ cho con.
Hơn 10 năm kể từ ngày đạp xe đi chuyển khẩu, tôi
không quay lại trường. Ông giáo kiêm phụ trách quản lý sinh viên
cũng đã về hưu. Bao nhiêu phiền phức của việc không có hộ khẩu
chỉ thực sự là vấn đề khi phải làm khai sinh cho cháu gái đầu
lòng. Tôi phải gửi giấy chứng sinh về quê, ở đó họ biết con tôi
là con của tôi, và tôi, là con của bố tôi, và tất nhiên, là giấy
khai sinh được cấp.
Chúng tôi phải vượt qua hàng rào hộ khẩu bằng nhiều
cách: Nỗi lo về trường học của con cái, với khái niệm “học đúng tuyến”
được giải quyết bằng hệ thống trường tư. Việc xác minh giấy tờ đành đánh
đổi bằng những chuyến xe khách vội vã chạy về quê. Tiền tích cóp được
trong những tháng năm miệt mài lao động, chúng tôi mua được một
căn hộ nhỏ. Vì không có hộ khẩu, nên giấy tờ nhà buộc phải để
người thân đứng tên.
Chúng tôi vượt qua được những điều đó. Nhưng chắc
không phải ai, người lao động nào đang cống hiến cho các trung tâm kinh
tế ở nước ta cũng nghiến răng vượt được từng ấy cái rào.
Năm 2010, nhờ có chút cởi mở hơn về nơi cư trú
trong quy định về nhập khẩu, vợ tôi chép miệng bảo “thôi để em
nhập khẩu, sau này đỡ phải lặn lội về quê làm giấy tờ”. Vì
không phải quay lại trường lục tìm tờ chuyển khẩu của mình, nên
tôi đồng ý. Và sau vài tháng đợi chờ, chúng tôi đã trở thành người
có hộ khẩu trong chính ngôi nhà mình đã bỏ tiền mua 3 năm về
trước. Từ đó, những giấy tờ cần chứng minh, chúng tôi đã bớt đi
được hơn 90 km khoảng cách vì chỉ việc ra phường.
Thật khó tin là đến năm 2017 này, người dân lập
nghiệp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM vẫn còn bị ràng
buộc bởi những quy định vô lý về hộ khẩu. Những bức xúc vì sự
phiền hà, lạc hậu và tiêu cực trong quản lý hộ khẩu và bức xúc với các
chính sách thiếu công bằng đi kèm hộ khẩu đối với cư dân vẫn là đề
tài được bàn tán mỗi khi người dân có việc đến cửa công.
Bí thư TP HCM mới đây bức xúc trước chính sách xét hộ
khẩu khi tuyển công chức, viên chức. Đúng là ở TP HCM, bạn sẽ thường
xuyên bắt gặp những dòng đăng tuyển cán bộ với điều kiện “có quốc tịch
Việt Nam và có hộ khẩu tại TP HCM”. Bỏ đi được cái “tiêu chí” vốn là rào
cản quái gở dành cho nhân tài khắp thế giới này, chắc chắn là một sự
tiến bộ.
Nhưng sau đó là gì? Cái mà ông bí thư nhắc đến - việc
tuyển dụng - chỉ là một biểu hiện, một chi tiết của phương pháp quản lý
theo hộ khẩu. Còn trường học cho con cái; còn chứng thực các giấy tờ;
còn rất nhiều chính sách đi kèm với cái hộ khẩu trở thành hàng rào để
người ta muốn cống hiến lâu dài cho một thành phố.
Chắc hẳn nhiều người di cư “không hộ khẩu” từng trải
qua tình huống gượng gạo phải nhờ anh công an khu vực nơi mình vẫn để hộ
khẩu, xác minh giấy tờ (chúng ta thì vốn quá nhiều loại giấy tờ). Trong
khi bao nhiêu năm chẳng sống ở quê, anh công an miễn cưỡng đóng dấu và
phàn nàn “ông này là ông nào, ở đâu bây giờ về đây xin xác thực”.
Công bằng mà nói, một chính quyền muốn thuận
tiện trong quản lý và các tác động đi kèm, luôn có nhu cầu quản lý
hộ khẩu. Tuy nhiên sự phát triển của khoa học công nghệ và hạ
tầng thông tin liệu đã đủ để chúng ta xét lại tất cả các khía cạnh
của “sổ hộ khẩu” - thay vì chỉ xét đến vài tình huống bề nổi như đang
làm.
Lại Trọng Tình