Bánh vẽ của tỉnh Ninh Thuận (FB Bạch Hoàn)

 Hiệu quả trực tiếp của một dự án đầu tư được đánh giá trên hai góc độ, gồm: giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Ninh Thuận đã bày ra trước người dân, trước những ai quan tâm đến dự án này, thậm chí trước Chính phủ… những chiếc bánh rất to và hấp dẫn.
Thế nhưng, những chiếc bánh mà Ninh Thuận bày ra khi hân hoan làm bữa tiệc thép, có nhai được hay không lại là vấn đề được bàn đến ở bài viết này.


Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ/ Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn/ Cầm lên nhấm nháp”.

Những câu thơ này trong bài thơ Bánh vẽ của Chế Lan Viên, hôm nay tôi xin phép mượn tặng cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.

Khi dự cuộc họp của các chuyên gia phản biện dự án thép Cà Ná hồi cuối năm 2016, tôi thấy các chuyên gia kinh tế đề nghị Ninh Thuận chứng minh những lợi ích mà người dân Ninh Thuận được hưởng, hiệu quả kinh tế cho địa phương mà dự án mang lại. Khi ấy, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận chưa có câu trả lời. Báo cáo tiền khả thi của chủ đầu tư thì giấu nhẹm, hoàn toàn không đề cập đến mức đóng góp của dự án vào ngân sách.

Hiệu quả trực tiếp của một dự án đầu tư được đánh giá trên hai góc độ, gồm: giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Ninh Thuận đã bày ra trước người dân, trước những ai quan tâm đến dự án này, thậm chí trước Chính phủ… những chiếc bánh rất to và hấp dẫn.
Thế nhưng, những chiếc bánh mà Ninh Thuận bày ra khi hân hoan làm bữa tiệc thép, có nhai được hay không lại là vấn đề được bàn đến ở bài viết này.

Chiếc bánh việc làm

Để thuyết phục người dân, các cơ quan truyền thông ủng hộ dự án thép Cà Ná, đồng thời thông tin đến các cơ quan ban ngành trên địa bàn nhằm tạo sự đồng thuận đối với dự án thép, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành một báo cáo tổng hợp đầy đủ các thông tin về dự án thép Cà Ná. Trong đó, Ninh Thuận khẳng định, sẽ có 45.000 người lao động có việc làm trực tiếp ở nhà máy thép.

Tôi sẽ lấy thông tin cam kết về lao động ở Formosa Hà Tĩnh, dự án thép tương tự về quy trình, công nghệ sản xuất để so sánh và các anh chị sẽ tự có nhìn nhận của riêng mình về thông tin mà Ninh Thuận đưa ra.

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa đã được phê duyệt, khi nhà máy đi vào hoạt động, với quy mô 7,5 triệu tấn thép, tổng lượng lao động của nhà là 11.000 người. Nghĩa là, khi sản xuất một triệu tấn thép sẽ tạo việc làm cho 1.460 lao động. Giả sử với quy mô 16 triệu tấn thì lượng lao động chỉ là 23.460 người.

Ngay cả căn cứ theo số liệu của chính tập đoàn Hoa Sen, mỗi tấn thép họ cần 1.880 lao động. Vậy thì đến tận năm 2031, nhà máy thép Cà Ná chỉ tạo ra việc làm được tối đa khoảng 30.200 lao động nếu hoạt động hết công suất.

Bữa tiệc thép này là của Hoa Sen và Ninh Thuận, ấy vậy mà số liệu của chính họ còn chênh lệch xa nhau. Cùng một dự án, chiếc bánh lao động mà Ninh Thuận vẽ ra cao hơn Hoa Sen tới 14.800 người.

Đóng góp vào ngân sách địa phương

Theo khẳng định của Ninh Thuận, hợp phần cảng quốc tế Cà Ná, tính đến tận năm 2031, với lượng hàng thông qua cảng khoảng 50 triệu tấn, ngân sách nhà nước sẽ thu được 3.000-5.000 tỉ đồng từ nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu như quặng, than, phôi thép… cho nhà máy phép.

Có lẽ, tỉnh Ninh Thuận chưa biết rằng, trong quy trình sản xuất ở một khu liên hợp luyện cán thép, người ta không nhập khẩu phôi thép. Do đó, tỉnh này không thể thu được một xu thuế nhập khẩu nào từ mặt hàng phôi thép. Thứ hai, các máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định được miễn thuế nhập khẩu. Các nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ để sản xuất được hoàn thuế VAT.

Để có cơ sở đưa ra mức dự thu như trên, Ninh Thuận dẫn chứng, năm 2015, nguồn thu của hải quan Hà Tĩnh qua cảng Sơn Dương có đến 90% đóng góp từ dự án của Formosa, với mức nộp ngân sách khoảng 4.500 tỉ đồng, chủ yếu là thuế VAT. Lấy cơ sở này là không chính xác, bởi thực tế cơ quan thuế VAT chỉ tạm thu và sau đó đã hoàn lại cho Formosa.

Đối với dự án thép, Ninh Thuận khẳng định, nhà máy thép Cà Ná sẽ nộp ngân sách nhà nước khoảng 15.000 tỉ đồng mỗi năm, gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí môi trường…

Cơ sở để Ninh Thuận đưa ra các con số trên là gì?

Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, địa phương này chỉ tạm tính với quy mô 10 triệu tấn thép, mức nộp ngân sách nhà nước có thể lên đến 1 tỉ USD, thấp nhất thì cũng phải vào khoảng 500 triệu USD. Các nguồn thu đến từ thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế môi trường…

Thực tế, riêng thuế thu nhập cá nhân, dự kiến Hoa Sen sẽ được miễn 50%. Thuế môi trường thực tế không nhiều bởi Ninh Thuận đề nghị cơ chế áp dụng mức thuế thấp nhất cho Hoa Sen. Tiền thuê đất đai Hoa Sen được miễn hoàn toàn.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Tập đoàn Hoa Sen ước tính, lợi nhuận sau thuế của họ khoảng 933 tỉ đồng/triệu tấn thép. Nếu tạm tính theo quy mô 10 triệu tấn thép mà Ninh Thuận đặt ra, thì tổng lợi nhuận sẽ là 9.333 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong 4 năm đầu họ được miễn thuế. Giả sử tính từ thời điểm công suất đạt mức 10 triệu tấn, thì trong 9 năm tiếp theo mức thuế là 5% nên họ chỉ nộp ngân sách 466 tỉ đồng/năm và các năm còn lại mức thuế là 10% nên tổng số thuế nộp 932 tỉ đồng/năm. Chắc chắn phải vài chục năm nữa Hoa Sen mới đóng góp được mức thuế này.

Đối với thuế VAT, Ninh Thuận ước tính VAT đầu ra sẽ khoảng 700 triệu USD khi nhà máy sản xuất 10 triệu tấn thép/năm. Sở dĩ có con số cao chót vót này là bởi Ninh Thuận ước tính doanh thu của 10 triệu tấn thép sẽ vào khoảng 7-10 tỉ USD.

Thế nhưng, thực tế, chính Tập đoàn Hoa Sen tính toán, doanh thu của 1 triệu tấn thép là 9.260 tỉ đồng, tương đương 410 triệu USD. Tôi không hiểu Ninh Thuận lấy đâu ra con số doanh thu 1 triệu tấn thép là 1 tỉ USD? Sự chênh lệch giữa con số do địa phương vẽ ra để thuyết phục người dân chấp thuận dự án, và con số trong bài toán tài chính của nhà đầu tư, có thể thấy mức thuế VAT đầu ra 700 triệu USD nói trên là một sự hoang tưởng nặng nề.

Thuế VAT thực nộp là tổng thuế VAT đầu ra trừ thuế VAT đầu vào. Đầu vào được hoàn thuế, thì thực tế phần giá trị tăng thêm của dự án thép để đóng thuế sẽ không mang lại những nguồn thu khổng lồ cho tỉnh Ninh Thuận như họ đang ngồi đếm cua trong lỗ.

Có thể nói ngắn gọn, doanh thu để tính thuế được ước tính ở mức không tưởng, hoang tưởng, thì con số thuế thu về chắc chắn chỉ là bánh vẽ.

Tôi tin rằng, đọc đến đây thì những người có trách nhiệm trong Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ nhìn nhận được những lợi ích về lao động và đóng góp vào ngân sách mà Ninh Thuận đưa ra thực chất là gì.

Nếu mai kia, chiếc bánh vẽ này vẫn được gật đầu để có bữa tiệc thép cho Hoa Sen, cho Ninh Thuận và những người có liên quan, thì tôi xin mượn tạm những câu thơ tiếp theo của Chế Lan Viên tặng cho họ.

“… Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm…”.